Cắt chế độ xe công là ‘cú hích’ cải cách (VOA, 29/03/2017)
Một số lãnh đạo Việt Nam sắp bị cắt chế độ xe công đưa đón mỗi ngày và chuyển sang hình thức khoán kinh phí, theo nội dung văn bản của Văn phòng Chính phủ công bố hôm 29/3.
Ước tính chi phí "nuôi" một chiếc ô tô công khoảng 300 triệu đồng/năm, chưa kể đội ngũ lái xe hùng hậu và hàng loạt các chi phí khác đi kèm.
Theo văn bản này, các lãnh đạo có hệ số phụ cấp chức vụ từ 1,25 đến 1,3 (tương đương với chức thứ trưởng) sẽ được khoán xe ô tô đưa đón từ nhà đến sở làm, thay vì được hưởng chế độ xe công mang biển số xanh, phục vụ riêng như trước. Một chuyên gia về Chính sách công của Bộ Kế hoạch và Đầu Tư, Tiến sĩ Phạm Quý Thọ, giải thích thêm về chế độ đãi ngộ quan chức này :
"Tiêu chuẩn là từ thứ trưởng trở lên, thí dụ như trong bộ máy công quyền, thì có chế độ xe đưa đón. Bao nhiêu thứ trưởng thì sẽ có chừng ấy xe. Rồi còn bộ trưởng và những chức vụ tương đương của các ban ngành khác. Rồi ở tỉnh, các lãnh đạo tỉnh như Ủy ban Nhân dân, Hội đồng Nhân dân, bí thư… những chức danh đó đều có xe cả. Ngoài ra, xe công còn tràn lan đến mức độ rất nhiều các doanh nghiệp nhà nước cũng có xe công, các đơn vị sự nghiệp, các viện nghiên cứu, các ban của Đảng, các hội, đoàn thể… đều có xe công. Cho nên lượng xe công là vô cùng lớn ở đất nước này".
Tiến sĩ Phạm Quý Thọ cho biết vấn đề quản lý xe công đã được đem ra thảo luận từ lâu, thậm chí từ những năm 1980, nhưng mãi cho đến nay vẫn chưa thực hiện được.
Tháng 11/2016, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc yêu cầu Bộ Tài chính xây dựng quy chế quản lý, sử dụng xe công sao cho đến năm 2020 phải giảm từ 30% - 50% lượng xe công ở các bộ, ngành, địa phương.
Đầu tháng này, Hà Nội đã bắt đầu thí điểm khoán kinh phí xe công cho lãnh đạo. Mức khoán được công bố là không vượt quá 9,3 triệu đồng/người/tháng.
Tiến sĩ Thọ ước tính chi phí hiện nay để "nuôi" một chiếc ô tô công tốn khoảng 300 triệu đồng/năm. Ngoài ra, ngân sách nhà nước còn phải "nuôi theo biên chế" một đội ngũ lái xe hùng hậu và chi trả hàng loạt các chi phí khác đi kèm với lượng xe công khổng lồ.
"Cái ngân sách nó quá lớn rồi. Nợ công quá lớn rồi. Cho nên buộc chính phủ phải ra quyết định là khoán xe công như vậy. Người ta ước tính khi khoán được xe công, sẽ tiết kiệm chi được hàng nghìn tỷ đồng".
Theo kế hoạch, Bộ Tài chính đưa ra hai phương án khoán kinh phí đi lại cho các lãnh đạo. Thứ nhất, đưa chi phí sử dụng xe vào thu nhập của công chức với mức 6,5 triệu đồng/tháng. Phương án hai là khoán theo đơn giá dựa trên khoảng cách thực tế đưa đón từ nhà đến sở làm hay khoảng cách đi công tác, với mức giá 16.000 đồng/km. Các mức khoán sẽ được điều chỉnh khi chỉ số CPI biến động trên 20%.
Từ cuối năm ngoái, Bộ Tài chính đã bắt đầu áp dụng chế độ khoán xe ô tô cho lãnh đạo của bộ. Tuy nhiên, để có thể áp dụng rộng rãi chế độ mới cho tất cả các bộ, ngành, địa phương, theo Tiến sĩ Phạm Quý Thọ, có lẽ sẽ cần thêm một thời gian nữa.
"Thậm chí người ta thăm dò xem sự chống đối tới đâu, vì cái này nó đụng chạm đến lợi ích của các lãnh đạo nên sẽ rất khó. Nó vừa là việc buộc phải làm, vì chính phủ đã rất khó khăn về mặt ngân sách, luôn luôn bội chi kéo dài trong nhiều năm rồi, nhưng đồng thời đó cũng là một xu hướng nếu anh không cải cách như thế này thì có lẽ rất nhiều thứ khác cũng không thể làm được".
Chuyên gia về chính sách công của Việt Nam nhận định rằng ngoài ích lợi về mặt tài chính, cắt giảm xe công còn có ý nghĩa lớn hơn trong nỗ lực cải cách thế chế. Ông nói : "Nó là một việc rất khó mà từ lâu nay anh không làm được, bởi vì nó đụng chạm đến quyền lợi của các lãnh đạo. Thế mà nếu anh làm được việc này thì người ta sẽ thấy rằng đó là một cú hích rất mạnh về cải cách thể chế".
Theo số liệu của Tổng cục Thống kê Việt Nam, trong năm 2016, tổng thu ngân sách nhà nước đạt 943,3 nghìn tỷ đồng, trong khi tổng chi ngân sách là 1.135,5 nghìn tỷ đồng, bội chi 192,2 nghìn tỷ đồng.
Khánh An
********************
Doanh nghiệp hải sản bị nhà nước bội ước (RFA, 30/03/2017)
Hải sản do ngư dân miền Trung đánh bắt được. RFA photo
Thảm họa môi trường do Formosa gây nên không chỉ tác động trực tiếp đến ngư dân chuyên đi đánh bắt cá mà nhiều đối tượng liên quan cũng ‘lao đao’ suốt thời gian qua. Trong số này có những người nghe lời chính quyền thu mua và tồn trữ hải sản sau khi thảm họa xảy ra.
Chừng một tháng sau khi xảy ra nạn cá và hải sản chết hằng loạt ven bờ biển từ Hà Tĩnh vào đến Thừa Thiên- Huế, lãnh đạo tỉnh Hà Tĩnh là ông Đặng Quốc Khánh, chủ tịch và Đặng Ngọc Sơn, phó chủ tịch tỉnh cùng chính quyền huyện Lộc Hà đã tới vận động 26 doanh nghiệp, cơ sở đông lạnh trên địa bàn tại cảng cá Thạch Kim thu mua hải sản cho ngư dân không tiêu thụ được với mục đích được nói rõ "đảm bảo an ninh, ổn định tình hình địa phương" trước ngày bầu cử Quốc hội và Hội đồng nhân dân các cấp khoá 2016-2021 (diễn ra ngày 22/5/2016)
Nguyễn Viết Long – Chủ cơ sở đông lạnh Long Huệ, xã Thạch Bằng - Lộc Hà - Hà Tĩnh : "Tỉnh có hứa với chúng tôi sẽ bù lại cho bà con doanh nghiệp, nhưng sau khi chúng tôi mua hàng bỏ vào kho thì từ đó đến nay tỉnh không có ý kiến gì hết cả. Đây là tỉnh lừa, chính phủ lừa, không có nói thật với bà con ! Đến nay gần cả một năm trời rồi mà vẫn không được một đồng nào hỗ trợ".
Trần Thị Hoa - Chủ cơ sở đông lạnh Hùng Mạnh, xã Thạch Kim - Lộc Hà - Hà Tĩnh : "Bầu cử này nọ làm cuối cùng dân mua vào. Bây giờ thiệt hại ! Các doanh nghiệp đều bị mắc lừa ! Dân đi biển thiệt hại một chứ doanh nghiệp thiệt hại mười".
Trần Thị Loan - Chủ cơ sở đông lạnh Cường Loan, xã Thạch Bằng - Lộc Hà - Hà Tĩnh : "Hàng ứ đọng trong kho từ trước bầu cử và sau bầu cử. Vâng lời họ thì mình nhận mua để giữ vững trật tự. Giữ mãi cho đến tận bây giờ vẫn chưa nhận được một đồng tiền đền bù nào cả".
Người dân địa phương cho biết việc chính quyền các cấp tỉnh Hà Tĩnh vận động doanh nghiệp, cơ sở kinh doanh thu mua như vậy hoàn toàn không có văn bản :
Nguyễn Viết Long – Chủ cơ sở đông lạnh Long Huệ, xã Thạch Bằng - Lộc Hà - Hà Tĩnh : "Kêu gọi tất cả các doanh nghiệp chung như thế và không có văn bản, không có giấy tờ. Bà con thì vì lòng tin, nghĩ rằng chủ tịch nói thì chắc chắn là sẽ thực hiện".
Trần Thị Loan - Chủ cơ sở đông lạnh Cường Loan, xã Thạch Bằng - Lộc Hà - Hà Tĩnh : "Không có văn bản gì cả. Họ chỉ đến nói mồm. Mình là một người dân mà họ là cán bộ cấp tỉnh nên chẳng lẽ một lời nói như thế mà họ lại nuốt lời ?"
Cho đến nay, đã gần một năm trôi qua, 26 cơ sở kinh doanh vẫn còn tồn đọng một lượng hàng đã thu mua rất lớn từ trước và sau khi xảy ra thảm hoạ môi trường tháng 4/2016. Đại diện các ban, ngành, chính quyền địa phương đã tới các cơ sở để kiểm đếm số lượng hàng hoá và có lập thành biên bản. Như cơ sở Long Huệ của ông Nguyễn Viết Long có tất cả gần 78 tấn hải sản.
Nguyễn Viết Long – Chủ cơ sở đông lạnh Long Huệ, xã Thạch Bằng - Lộc Hà - Hà Tĩnh : "Trên hai mươi mấy tỷ gồm tiền hàng, tiền kho hàng, tất cả mọi cái được cơ quan chức năng về kiểm đếm".
Trần Thị Loan - Chủ cơ sở đông lạnh Cường Loan, xã Thạch Bằng - Lộc Hà - Hà Tĩnh : "Trước mắt các cơ quan ban ngành đo đếm sứa, hàng khô và hàng tươi chứ còn ruốc với nước mắm là họ chưa cân đong đo đếm. Mà riêng ba thứ đó là được một chục tỷ rồi".
Được biết, các cơ sở kinh doanh này phải vay tiền từ ngân hàng, người thân hoặc vay chịu lãi ngoài để thu gom hàng sau lời vận động của chính quyền và nhiều chủ cơ sở đang đối diện với nguy cơ phá sản.
Các cơ sở kinh doanh đã nhiều lần kiến nghị và yêu cầu chính quyền từ địa phương đến tận trung ương giải quyết việc hỗ trợ, đền bù, nhưng cho đến nay, mọi thứ vẫn dậm chân tại chỗ.
Nguyễn Viết Long – Chủ cơ sở đông lạnh Long Huệ, xã Thạch Bằng - Lộc Hà - Hà Tĩnh : "Chúng tôi kiến nghị nhưng không đem lại hiệu quả.
Trần Thị Hoa - Chủ cơ sở đông lạnh Hùng Mạnh, xã Thạch Kim - Lộc Hà - Hà Tĩnh : "Bây giờ là một năm trời rồi ! Đắng cay chua xót lắm mà tỉnh coi như thờ ơ ! Thậm chí đi lên kêu họ thì không biết công an hay côn đồ đánh đập. Bốn thằng mà vất một bà lên xe như vất lợn vậy đó !"
Số hải sản không tiêu thụ được do người tiêu dùng nghi nhiễm độc bị phân huỷ, bốc mùi. Dù cho gặp khó khăn, các cơ sở vẫn phải vận hành kho để bảo quản số hàng trên nhằm tránh ảnh hưởng đến môi trường, bởi chính quyền chưa đưa ra hướng xử lý cụ thể.
Nguyễn Viết Long – Chủ cơ sở đông lạnh Long Huệ, xã Thạch Bằng - Lộc Hà - Hà Tĩnh : "Người dân xung quanh đây họ phàn nàn kêu ca rất nhiều để làm sao chúng tôi tiêu hủy được hàng. Nhưng bây giờ chúng tôi không biết đi đâu mà đổ đây".
Lê Viết Huy - chủ cơ sở Huy Lộc, xã Thạch Bằng - Lộc Hà - Hà Tĩnh : "Bây giờ yêu cầu nhà nước đưa ra một cái chỗ để mà tiêu hủy. Bây giờ đổ ra biển thì ảnh hưởng môi trường biển. Vừa rồi chúng tôi kêu lên UBND huyện, đề xuất nếu UBND huyện mà không có chỗ chôn lấp thì chúng tôi sẽ đưa hàng lên trên tại UBND huyện, giao cho UBND huyện".
Hệ lụy của thảm họa môi trường Formosa gây nên tiếp tục lộ rõ và nay đến các cơ sở kinh doanh. Khi bị dồn vào thế cùng, nguồn tài chính gia đình bị cạn kiệt, phương kế sinh nhai bị ảnh hưởng, họ cho biết sẽ kiên trì, đoàn kết để cùng đòi lại quyền lợi chính đáng, cũng như yêu cầu chính quyền có trách nhiệm phải thực hiện đúng lời hứa đưa ra cả năm trước đây.
*****************
Đạo luật chế tài vi phạm nhân quyền sẽ áp dụng thế nào với Việt Nam ? (VOA, 30/03/2017)
Tiến Sĩ Nguyễn Đình Thắng, Chủ tịch Ủy Ban Cứu trợ Người Vượt biển (BPSOS).
Ủy ban Cứu trợ Người Vượt biển (BPSOS) hôm 17/3 đã hoàn tất và đệ trình danh sách 168 tổ chức, cá nhân kể cả quan chức, vi phạm nhân quyền trầm trọng ở Việt Nam lên Bộ Ngoại Giao Hoa Kỳ để áp dụng các chế tài trừng phạt theo Đạo Luật Nhân Quyền Toàn Cầu Magnitsky (Global Magnitsky Human Rights Accountability Act).
Đạo luật được thông qua bởi cựu Tổng thống Barack Obama (23/12/2016) quy định các biện pháp trừng phạt đối với những cá nhân, tổ chức bị chính phủ Mỹ coi là đã tham gia các hoạt động tham nhũng hay vi phạm nhân quyền. Theo luật này, một số các Ủy ban của Hạ và Thượng Viện (bên lập pháp), hay bộ phận chuyên trách dân chủ, nhân Quyền và lao Động trong Bộ Ngoại Giao (bên hành pháp) đều có thể lập ra danh sách đề nghị chế tài. Nếu đề nghị được chấp thuận thì những cá nhân hay tổ chức có tên trong "sổ đen" sẽ bị đóng băng tài sản ở Hoa Kỳ cũng như bị cấm nhập cảnh vào Mỹ.
Danh sách BPSOS vừa hoàn tất gồm có 5 giới chức thuộc chính quyền trung ương và 38 giới chức lãnh đạo cấp tỉnh. Số còn lại gồm các viên chức thừa hành cấp tỉnh hay lãnh đạo cấp địa phương. Ngoài ra, có một người đứng đầu một tập đoàn doanh nghiệp liên quan đến việc chính quyền dùng bạo lực để cưỡng chế đất của một xứ đạo Công Giáo năm 2010.
Tiến sĩ Nguyễn Đình thắng, Giám đốc điều hành BPSOS, cho VOA biết rằng ông và các cộng sự của mình đã điều tra, phối kiểm cũng như chuẩn bị danh sách này trong vào 3 năm liền, cho nên khi Đạo Luật này được áp dụng, BPSOS là tổ chức đầu tiên đệ trình danh sách chế tài liên quan.
Theo dự kiến, buổi họp báo mở đầu cuộc vận động áp dụng Luật Magnitsky Toàn Cầu đối với Việt Nam và một số quốc gia sẽ diễn ra trong tháng 4 tại Quốc Hội Hoa Kỳ và cuối tháng 6 sẽ diễn ra Ngày Vận Động thường niên cho nhân quyền Việt Nam. Quá trình vận động sẽ kéo dài đến tận cuối năm nay.
Tuy nhiên, với việc danh sách có tên nhiều quan chức chính quyền Việt Nam, đặc biệt có 5 lãnh đạo cấp cao, nhiều người nghi ngại rằng có thể chính phủ Hoa Kỳ sẽ né tránh và không đặt vấn đề nhân quyền lên trên lợi ích ngoại giao, thương mại giữa 2 nước.
Tiến Sĩ Thắng nói với quan ngại đó, trong năm đầu tiên khi lập danh sách đề nghị, tổ chức của ông cũng đã cố gắng hạn chế những nhân vật lãnh đạo quốc gia, nhưng mọi cuộc điều tra về đàn áp nhân quyền trầm trọng rốt cuộc cũng quay về các nhân vật chủ chốt.
"Nếu như chỉ cần một trường hợp bị đưa vào danh sách chế tài thì cũng đủ để tạo ra sự rúng động, quan tâm và chú ý trong giới lãnh đạo, trong các giới chức của Việt Nam", Tiến sĩ Thắng chia sẻ.
Nhà hoạt động lâu năm tại khu vực thủ đô nước Mỹ này cũng hy vọng với Đạo Luật Nhân Quyền Toàn Cầu Magnitsky, người dân trong nước sẽ thấy rằng "bây giờ quả thực có một công cụ để trừng phạt những người đàn áp nhân quyền một cách nghiêm trọng ở Việt Nam".
Thông thường, thời gian để Bộ Ngoại Giao kết hợp với Bộ Ngân Khố và Bộ Tư Pháp mở cuộc điều tra về các nhân vật có trong danh sách đề nghị là từ 6 đến 9 tháng.
Ngày 10/12 năm nay là hạn chót để các cơ quan này nộp bản phúc trình đầu tiên lên Tổng thống Hoa Kỳ.
Sơn Trà
*********************
Chuyên gia : Việt Nam đầu tư hạ tầng nhiều nhưng kém hiệu quả (VOA, 30/03/2017)
Tư liệu - Công nhân cắm cọc thép tại công trường thi công một cầu vượt ở Hà Nội, ngày 31 tháng 3, 2012.
Việt Nam có thể là một trong các nước tại Châu Á đang dẫn đầu cuộc đua đầu tư vào cơ sở hạ tầng, nhưng điều đó không có nghĩa là Việt Nam đang đầu tư có hiệu quả và tình trạng tham nhũng có thể là một phần khiến chi tiêu đầu tư tăng cao, theo các chuyên gia kinh tế Việt Nam.
Hãng tin Bloomberg mới đây dẫn số liệu của Ngân hàng Phát triển Châu Á (ADB) cho biết đầu tư khu vực công và tư của Việt Nam vào cơ sở hạ tầng đạt mức trung bình là 5,7 phần trăm tổng sản phẩm quốc nội (GDP) trong những năm gần đây, cao nhất ở Đông Nam Á, và chỉ đứng sau mức 6,8 phần trăm của Trung Quốc. Indonesia và Philippines chi tiêu ít hơn 3 phần trăm trong khi Malaysia và Thái Lan thậm chí còn ít hơn, dưới mức 2 phần trăm.
"Chính phủ [Việt Nam] biết rằng nếu họ muốn cạnh tranh giành đầu tư thì mức lương thấp là chưa đủ", Bloomberg dẫn lời Eugenia Victoriano, một nhà kinh tế tại Ngân hàng Australia & New Zealand ở Sinagapore, nói. "Họ cần cơ sở hạ tầng đủ tốt để thu hút các công ty tới xây dựng nhà máy. Sự phát triển tới giờ khá dàn trải, với sân bay và và đường sá được xây dựng khắp cả nước".
Tuy nhiên, Tiến sĩ Vũ Quang Việt, nguyên Vụ trưởng Vụ tài khoản Quốc gia Cục Thống kê Liên Hiệp Quốc, nhận định tỉ lệ cao như vậy chưa chắc là đầu tư nhiều và có hiệu quả. Ông nêu ra khái niệm hệ số sử dụng vốn (ICOR), một chỉ tiêu kinh tế tổng hợp phản ánh cần bao nhiêu đồng vốn đầu tư thực hiện tăng thêm để tăng thêm 1 đồng GDP.
"[ICOR] của Việt Nam rất là cao, có những năm như là năm 2008-2009 thì lên tới 6-7 và hiện tại bây giờ cũng nằm ở mức trên 5", ông giải thích. "Như vậy tức là các nước phát triển họ cần 3-4 đồng vốn thì Việt Nam cần 6-7 đồng vốn. Nếu mà so với các nước trong khu vực, ngay cả với Trung Quốc, thì đòi hỏi đồng vốn của Việt Nam rất là lớn. Họ chỉ 4 mà Việt Nam tới 6-7".
Ông lưu ý rằng trong một số năm, nhất là dưới thời Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng với chủ trương đẩy mạnh sản xuất và mục tiêu tăng trưởng GDP 10 phần trăm, tỉ lệ đầu tư trên GDP của Việt Nam có khi lên tới 40 phần trăm, nhưng tốc độ phát triển giảm chỉ còn 5-6 phần trăm từ mức 7-8 phần trăm.
"Hoặc là Việt Nam làm không hiệu quả hoặc là đầu tư bị ‘ăn’ đi", Tiến sĩ Việt nhận định, nhắc tới tình trạng tham nhũng.
Theo tính toán của chuyên gia này dựa trên số liệu thống kê mà ông có, lượng tiền chuyển lậu từ Việt Nam ra nước ngoài vào năm 2013 là 8 tỉ đôla so với tổng đầu tư là 45 tỉ đôla, chiếm khoảng 17,8 phần trăm. Đó là chưa kể tới tiền tham nhũng được giữ lại trong nước, theo lời ông.
"Như vậy có thể nói là tham nhũng ở Việt Nam là cực kỳ lớn", ông kết luận.
Theo Chỉ số Nhận thức Tham nhũng 2016 của tổ chức Minh bạch Quốc tế, Việt Nam xếp thứ 112 trong tổng số 176 nước và vùng lãnh thổ được đánh giá về mức độ tham nhũng, đứng trên ba nước trong khu vực là Lào (123), Myanmar (136) và Campuchia (156).
Tiến sĩ Đinh Sơn Hùng, nguyên Phó Viện Trưởng Viện Nghiên cứu Phát triển Thành phố Hồ Chí Minh, cũng bày tỏ lo ngại về việc Việt Nam đổ tiền đầu tư vào cơ sở hạ tầng để thúc đẩy tăng trưởng kinh tế. Trả lời phỏng vấn của báo Đất Việt hồi gần đây, ông nói rằng điều này có thể đưa tới chỉ số tăng trưởng cao nhưng hiệu quả sử dụng vốn của nền kinh tế cũng như hiệu quả tăng trưởng thực cho nền kinh tế sẽ "rất thấp".
"Người ta vẫn nói ‘chạy chức, chạy quyền’ và ‘chạy dự án,’ nếu như vậy sẽ lại có những địa phương điên đảo chạy đua với dự án, chạy đua với công trình, chạy đua vốn. Và tất nhiên, đi cùng với đó là những cuộc chạy đua với chia chác lợi nhuận và tham nhũng ngày càng phức tạp hơn", ông được dẫn lời nói.
Tiến sĩ Vũ Quang Việt cũng nhắc tới một vấn đề khiến cho hiệu quả đầu tư thấp là việc Việt Nam mua sắm máy móc, thiết bị kém chất lượng từ Trung Quốc. Ông dẫn ra ví dụ là những dự án nhà máy nhiệt điện, xi măng và sắt thép do nhà thầu Trung Quốc thực hiện bị đội vốn, xây mãi không xong.
Chuyên gia kinh tế này cảnh báo với những dự án đầu tư kém hiệu quả như vậy, cùng với việc "đầu tư nhiều với ý đồ muốn ăn trong khi nước nghèo thì phải đi vay", sẽ đẩy Việt Nam tới đến tình trạng nợ như chúa chổm.
"Khi mất khả năng trả nợ sẽ đưa kinh tế đến khủng hoảng", ông nói.