Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Published in

Việt Nam

28/10/2019

Những vấn đề nóng của Quốc hội là gì và tại sao lại họp kín ?

RFA tiếng Việt

Chất vấn các bộ trưởng về những vấn đề "nóng" vào ngày 6 & 8/11 (RFA, 28/10/2019)

Tổng thư ký Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc vừa gửi phiếu đề nghị các Đại biểu Quốc hội lựa chọn 4 trong số 5 nhóm vấn đề để chất vấn vào ngày 6 và 8 tháng 11. Đáng chú ý trong các nhóm vấn đế là về việc bổ nhiệm cán bộ, mạng xã hội, xử lý tham nhũng.

quochoi1

Tổng Thư ký Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc. Screen capture of Youtube video

Theo đó, các nhóm vấn đề chính lần lượt sẽ được chất vấn gồm : nhóm vấn đề thứ nhất trong phiếu đề nghị là về lĩnh vực Nông nghiệp và phát triển nông thôn. Trách nhiệm trả lời chính cho nhóm vấn đề này thuộc về Bộ trưởng Nông nghiệp và phát triển nông thôn Nguyễn Xuân Cường.

Nhóm vấn đề thứ 2 thuộc lĩnh vực Công thương, liên quan quản lý, điều tiết điện, quy hoạch năng lượng mới và năng lượng tái tạo, thương mại điện tử và kinh tế số, công tác quản lý thị trường, phòng chống gian lận thương mại, bảo vệ người tiêu dùng…

Bộ trưởng Công thương Trần Tuấn Anh sẽ chịu trách nhiệm trả lời chính cho nhóm 2, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng và Bộ trưởng các bộ Kế hoạch Đầu tư, Tài chính, Tài nguyên Môi trường, Khoa học Công nghệ, Thông tin và truyền thông, Công an, Ngoại giao, Thanh tra Chính phủ cùng trả lời.

Nhóm vấn đề thứ 3 thuộc lĩnh vực Thanh tra như công tác thanh tra, xử lý tham nhũng… Trách nhiệm trả lời chính là Tổng Thanh tra chính phủ Lê Minh Khái.

Nhóm vấn đề thứ 4 thuộc lĩnh vực Nội vụ. Nội dung là việc sắp xếp, tổ chức bộ máy, tinh giản biên chế. Trách nhiệm trả lời chính thuộc về Bộ trưởng Nội vụ Lê Vĩnh Tân.

Nhóm vấn đề cuối cùng thuộc lĩnh vực Thông tin và truyền thông như công tác quản lý báo chí, công tác quản lý thông tin điện tử, mạng xã hội… Trách nhiệm trả lời chính thuộc về Bộ trưởng Thông tin và truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng.

******************

Đề bạt cán bộ cấp chiến lược đừng thiên về bằng cấp, tuổi tác (VietnamNet, 28/10/2019)

Sáng nay, Bộ Nội vụ tổ chức hội thảo khoa học "Giải pháp xây dựng đội ngũ cán bộ cấp chiến lược theo tinh thần nghị quyết số 26 Trung ương".

Thứ trưởng Bộ Nội vụ Trần Anh Tuấn nhấn mạnh, nghị quyết số 26 Trung ương về tập trung xây dựng đội ngũ cán bộ các cấp, nhất là cấp chiến lược, đủ phẩm chất, năng lực và uy tín, ngang tầm nhiệm vụ là văn kiện rất quan trọng với nhiều nội dung đổi mới, có tính đột phá, khả thi và sát với tình hình thực tế.

quochoi3

Thứ trưởng Bộ Nội vụ Trần Anh Tuấn chủ trì hội thảo

Ngay sau khi Trung ương ban hành nghị quyết, Bộ Nội vụ đã chủ động, tích cực tham mưu giúp Chính phủ ban hành các văn bản triển khai thi hành.

Tuy nhiên, còn nhiều nội dung cần được tiếp tục nghiên cứu để làm rõ hơn, cung cấp luận cứ khoa học tiếp tục hoàn thiện chính sách, pháp luật về công tác tổ chức cán bộ nói chung ; về xây dựng đội ngũ cán bộ cấp chiến lược nói riêng.

Công khai, cạnh tranh lành mạnh

Phó Giáo sư Tiến sĩ Vũ Văn Phúc, nguyên Tổng biên tập Tạp chí Cộng sản dẫn lời Chủ tịch Hồ Chí Minh "Cán bộ là gốc của mọi công việc", "Muôn việc thành công hoặc thất bại, đều do cán bộ tốt hoặc kém", và nhấn mạnh : "Cán bộ cấp chiến lược là gốc của gốc".

Ông cho rằng, muốn xây dựng được đội ngũ cán bộ cấp chiến lược thì công tác cán bộ phải công khai, minh bạch. "Công khai từ đầu vào đến đầu ra và phải cạnh tranh lành mạnh".

Đồng thời, phải phát huy dân chủ hơn nữa trong Đảng và xã hội để nhân dân giám sát ; phải khen thưởng, kỷ luật nghiêm minh ; kỷ luật cả những người làm công tác tổ chức cán bộ nếu cán bộ đó vi phạm pháp luật như một số cán bộ trong thời gian vừa qua.

"Hơn hết, mỗi cán bộ đều phải tu dưỡng, rèn luyện về phẩm chất, năng lực, nếu không tu dưỡng, rèn luyện thì tất cả đều là vô nghĩa", ông nhấn mạnh.

quochoi4

Phó Giáo sư Tiến sĩ Vũ Văn Phúc : Chú trọng năng lực tự vươn lên qua thực tiễn của cán bộ

Phó Giáo sư đề xuất nghiên cứu, sửa đổi, bổ sung, hoàn thiện hệ tiêu chí định lượng các đặc trưng định tính của cán bộ để cất nhắc, đề bạt theo hướng coi trọng thực chất, không rơi vào chủ nghĩa hình thức thiên về bằng cấp, tuổi tác…

Đặc biệt, chú trọng năng lực tự vươn lên qua thực tiễn của cán bộ và dự báo phát triển hơn nữa của cán bộ để quy hoạch, đào tạo, bồi dưỡng, đề bạt, bổ nhiệm.

Giáo sư Tiến sĩ khoa học Trần Văn Nhung, nguyên Thứ trưởng Bộ Giáo dục và đào tạo, nguyên Tổng thư ký Hội đồng chức danh giáo sư nhà nước cũng đề nghị quy định tiêu chuẩn cán bộ cấp chiến lược bằng "công thức" trong thời đại công nghệ 4.0 là phải nhìn vào bản chất, tố chất con người.

"Đó là có sức khỏe tốt, có tầm nhìn, có trái tim nhân hậu ; có bộ óc tốt, có kỹ năng sống tốt, có ngoại ngữ và công nghệ thông tin tốt", Giáo sư Nhung nhấn mạnh.

Theo ông, sức khỏe dẻo dai ở mức cao sẽ chịu được sức ép từ mọi phía. Do đó, khi triển khai thực hiện nghị quyết số 26 phải có quy định cụ thể về sức khỏe để đủ sức làm việc và cống hiến hiệu quả, lâu dài. Bởi vì, "không thể có trí tuệ minh mẫn trên một cơ thể ốm yếu".

Giáo sư Nhung nhấn mạnh đến vai trò và tầm cỡ quốc gia, quốc tế : "Họ cần phải có những năng lực và phẩm chất làm việc, lãnh đạo ở quy mô sâu rộng trong thời đại toàn cầu hóa, để xây dựng, phát triển bền vững và hợp tác, đấu tranh hiệu quả bảo vệ đất nước".

Xây dựng cơ chế bảo vệ người dám làm, dám chịu

Tiến sĩ Thang Văn Phúc, nguyên Thứ trưởng Bộ Nội vụ nhận định, "một người lo bằng kho người làm", đó là đội ngũ tinh hoa của đất nước, là cán bộ cấp chiến lược, có vị trí ra quyết định và kiểm soát.

Tuy nhiên, ông lưu ý, hiện nay chưa có chế độ chính sách và cách ứng xử phù hợp đối với đội ngũ này.

Ông đề nghị phải xác định ai là cán bộ cấp chiến lược và cần có chính sách đặc biệt cho đội ngũ này. Đồng thời, phải xác định được ai là người chịu trách nhiệm đối với đội ngũ này, không thể nói trách nhiệm chung chung.

quochoi5

Nguyên Bộ trưởng Nội vụ Trần Văn Tuấn : Thực hiện luân chuyển để thử tài cán bộ

Nguyên Bộ trưởng Nội vụ Trần Văn Tuấn đề nghị nghiên cứu khắc phục những hạn chế trong công tác cán bộ hiện nay.

"Thực hiện luân chuyển để thử tài cán bộ, phải đưa cán bộ thử sức với nhiệm vụ khó để đánh giá năng lực thực tài", nguyên Bộ trưởng nói.

Ngoài ra, ông cũng lưu ý, quy trình làm công tác cán bộ đã có nhiều bước và rất rõ nhưng chưa kết hợp được nguyên tắc tập trung và dân chủ.

"Cần xây dựng cơ chế bảo vệ người dám làm, dám chịu, khách quan, công bằng", ông Tuấn nhấn mạnh nếu làm tốt những việc này thì không có chỗ cho người không đủ điều kiện vào bộ máy.

Tiến sĩ Nguyễn Đình Quyền, nguyên Phó chủ nhiệm UB Tư pháp của Quốc hội quan tâm đến việc kiểm soát quyền lực trong công tác cán bộ, trước tiên phải kiểm soát xung đột lợi ích.

Ngoài ra phải xác định rõ trách nhiệm công vụ của từng vị trí công tác, lãnh đạo, quản lý ; phải kiểm soát quyền lực thông qua việc giải quyết khiếu nại, tố cáo của công dân, kiểm tra, tự kiểm tra.

"Phải kiểm soát quyền lực qua việc xác định rõ trách nhiệm của người đứng đầu ; bảo đảm dân chủ thực chất trong quản lý nhà nước, công tác cán bộ để kiểm soát quyền lực, phòng, chống tham nhũng có hiệu quả", ông Quyền nhấn mạnh.

Thu Hằng

*******************

Quốc hội họp kín về tình hình đối ngoại (RFA, 28/10/2019)

Sáng 28/10 Quốc hội họp riêng từ 10g30 sáng đến trưa để nghe Phó Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Phạm Bình Minh, thừa ủy quyền của Thủ tướng Chính phủ báo cáo về công tác đối ngoại của Nhà nước năm 2019.

quochoi2

Phó Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Phạm Bình Minh. AFP

Theo truyền thông trong nước, tại phiên họp, các đại biểu đưa ra nhiều ý kiến về vấn đề bãi Tư Chính dù nhóm tàu khảo sát Địa chất Hải Dương 8 của Trung Quốc đã rời vùng đặc quyền kinh tế Việt Nam hôm 24/10.

Báo Người Đồng Hành trích dẫn đại biểu Nguyễn Anh Trí cho rằng, "Phiên họp này rất quan trọng. Không chỉ tôi mà nhiều đại biểu đều mong đợi có thông tin cập nhật, chính xác về vấn đề này để nắm bắt tình hình và báo cáo lại cử tri".

Đại biểu Dương Trung Quốc phát biểu, "Giữ gìn hoà bình, hữu nghị với Trung Quốc là quan trọng. Nhưng tôi mong muốn Quốc hội thể hiện thái độ rõ ràng với những hành vi xâm phạm chủ quyền trên biển Đông".

Trong khi trước đó, vào ngày 21/10 thay mặt Chính phủ Hà Nội, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã báo cáo Quốc hội, cử tri cả nước những nội dung chủ yếu về tình hình kinh tế-xã hội trong năm 2019 và kế hoạch năm 2020.

Cũng trong buổi báo cáo công khai này, ông Nguyễn Xuân Phúc cũng nêu những diễn biến phức tạp ở biển Đông, trong đó có nhắc đến những vi phạm nghiêm trọng các vùng biển của Việt Nam.

Từ đầu tháng 7/2019, Trung Quốc điều tàu hải cảnh, dân binh và tàu khảo sát Hải Dương 8 vào sâu trong khu vực đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của Việt Nam, Bộ Ngoại giao Việt Nam đã 4 lần lên tiếng chính thức yêu cầu Trung Quốc rút toàn bộ tàu khỏi vùng biển Việt Nam, thế nhưng trong suốt thời gian đó, Chủ tịch nước Việt Nam, ông Nguyễn Phú Trọng không hề lên tiếng.

Tuy nhiên, tại buổi khai mạc Hội nghị trung ương lần thứ 11 sáng 7/10/2019, ông Nguyễn Phú Trọng đã kêu gọi phân tích tình hình Biển Đông để có quyết sách phù hợp. Đây được xem là phát biểu đầu tiên của người đứng đầu nhà nước và Đảng cộng sản Việt Nam sau hơn 3 tháng đội tàu Trung Quốc xâm phạm vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam theo Công ước Quốc tế về luật biển 1982.

Quay lại trang chủ
Read 458 times

Viết bình luận

Phải xác tín nội dung bài viết đáp ứng tất cả những yêu cầu của thông tin được đánh dấu bằng ký hiệu (*)