Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Published in

Việt Nam

03/04/2017

Kinh tế Việt Nam : nợ xấu cao, thả nổi lãi suất

VnEconomy

Thực tế, nợ xấu có thể gấp hơn ba lần báo cáo (VnEconomy, 03/04/2017)

Một lần nữa, mức độ thực tế của nợ xấu ngân hàng được đánh giá có thể hơn rất nhiều so với báo cáo...

kinhte1

Trước đây nợ xấu ngân hàng báo cáo phổ biến đều dưới 3%, nhưg sau khi đánh giá lại và sát thực hơn thì con số tại 9/2012 từng lên tới 17,21%.

Theo tài liệu Ngân hàng Nhà nước vừa công bố, trong khuôn khổ đề án xây dựng dự thảo Luật hỗ trợ tái cơ cấu các tổ chức tín dụng và xử lý nợ xấu, mức độ nợ xấu một lần nữa được đánh giá lại.

Cụ thể, theo Ngân hàng Nhà nước, trong những năm thực hiện chủ trương tái cơ cấu, các tổ chức tín dụng đã tích cực nâng cao chất lượng tài sản, kiểm soát chất lượng tín dụng và xử lý nợ xấu, đặc biệt là nỗ lực tự xử lý nợ xấu.

Tính đến 31/12/2015, các tổ chức tín dụng đã xử lý được 493,09 nghìn tỷ đồng nợ xấu. Đến cuối tháng 31/12/2016, tỷ lệ nợ xấu nội bảng của hệ thống tổ chức tín dụng là 2,46%.

Tuy nhiên, cơ quan quản lý hệ thống các tổ chức tín dụng Việt Nam đã đưa ra đánh giá thận trọng hơn về mức độ nợ xấu, ở một cấp độ khác so với con số 2,46% nói trên (con số theo báo cáo của các tổ chức tín dụng).

Ngân hàng Nhà nước đánh giá, tỷ lệ nợ xấu nội bảng đã kiểm soát ở mức dưới 3% nhưng nợ xấu có xu hướng tăng trở lại về quy mô. Và tính đến 31/12/2016, tỷ lệ nợ xấu nội bảng, nợ xấu do Công ty Quản lý tài sản các tổ chức tín dụng Việt Nam (VAMC) quản lý và nợ tiềm ẩn thành nợ xấu có khả năng lên đến 8,86% tổng dư nợ, do khâu xử lý tài sản bảo đảm và xử lý nợ xấu còn nhiều khó khăn, vướng mắc chưa được giải quyết.

Như trên, mức độ đánh giá của Ngân hàng Nhà nước không dừng lại ở con số tổng hợp từ báo cáo của các tổ chức tín dụng, mà còn ở lượng mà VAMC đang quản lý, và đặc biệt là cả dạng "nợ tiềm ẩn thành nợ xấu".

Trước khi có chủ trương tái cơ cấu và có đề án xử lý nợ xấu, từ năm 2011 trở về trước, nợ xấu của toàn hệ thống các tổ chức tín dụng Việt Nam được báo cáo phổ biến dưới mốc 3%, có thời điểm tăng lên 3,4%. Tuy nhiên, sau đó Ngân hàng Nhà nước đánh giá lại, từ báo cáo của các thành viên và qua kênh giám sát từ xa, mức độ thực của nợ xấu được thống kê lên tới hai con số.

Cụ thể, tại thời điểm tháng 30/9/2012, nợ xấu toàn hệ thống từng được xác định lên tới 17,21%.

Minh Đức

**************************

Phó thủ tướng : Không để tái diễn hiện tượng biến động lãi suất (VnEconomy, 30/03/2017)

Biến động lãi suất tiền gửi Việt NamD vừa qua là một hiện tượng, Phó thủ tướng Vương Đình Huệ yêu cầu không để tái diễn...

kinhte2

Phó thủ tướng Vương Đình Huệ yêu cầu Ngân hàng Nhà nước bảo đảm lành mạnh trong công tác huy động vốn giữa các tổ chức tín dụng - Ảnh : VGP/Thành Chung.

Tối 29/03, Hội đồng Tư vấn chính sách tài chính - tiền tệ Quốc gia tổ chức phiên họp thường kỳ quý 1/2017. Đợt biến động lãi suất tiền gửi Việt NamD đầu tháng 3 vừa qua được các thành viên Hội đồng chú ý.

Ở đợt biến động trên, một số ngân hàng thương mại phát hành chứng chỉ tiền gửi với lãi suất cao, từ 8,2-9,2%/năm. Tuy nhiên, những mức lãi suất này tập trung ở các kỳ hạn dài.

Tại cuộc họp trên, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Lê Minh Hưng cho biết, đó chỉ là hiện tượng cục bộ, đã nhanh chóng được bình ổn, trong khi một số ngân hàng thương mại vẫn giảm lãi suất huy động Việt NamD ở các kỳ hạn ngắn.

Người đứng đầu Ngân hàng Nhà nước cũng nhìn nhận, trong quý 1/2917 cũng như ở đợt biến động lãi suất cục bộ nói trên, có những áp lực nhất định bên trong và bên ngoài.

Cụ thể, Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) lần thứ hai trong vòng ba tháng qua tăng lãi suất cơ bản đồng USD ; nhu cầu vốn của nền kinh tế tăng cao ngay trong quý đầu năm, với khác biệt thể hiện rõ khi tín dụng tăng mạnh nhất trong 6 năm trở lại đây. Những yếu tố này cùng gây áp lực lên lãi suất.

Như trên, theo Thống đốc, nhìn chung lãi suất huy động không có biến động lớn và thời gian tới Ngân hàng Nhà nước sẽ theo dõi chặt chẽ tình hình để tiếp tục điều hành lãi suất theo hướng ổn định, tạo điều kiện cho doanh nghiệp tiếp cận vốn tín dụng phát triển sản xuất kinh doanh.

Thống đốc Lê Minh Hưng cũng nhìn lại, trong ba tháng đầu năm, Ngân hàng Nhà nước theo dõi rất sát tình hình thế giới và chủ động điều tiết thanh khoản của hệ thống ngân hàng để không gây áp lực tăng lãi suất và tăng tỷ giá. Việc điều hành chủ động, kịp thời đã có tác dụng điều tiết, giảm thiểu mức độ tác động từ bên ngoài, hạn chế áp lực tăng tỷ giá trong nước. Tỷ giá USD/Việt NamD từ đầu năm đến nay cơ bản ổn định.

Trong quý 1/2017, cung tiền cho nền kinh tế có tăng lên nhằm phục vụ nhu cầu vốn cho nền kinh tế, nhưng ở mức độ hợp lý và Thống đốc khẳng định hoàn toàn kiểm soát được. Cùng đó, tín dụng có mức tăng trưởng ngay từ đầu năm. Nhưng, lạm phát cơ bản có mức bình quân theo tháng trong quý 1 vừa qua rất ổn định. Điều này cho thấy, việc điều hành chính sách tiền tệ hiện tại là đúng hướng và không làm cho lạm phát tăng lên.

Tại cuộc họp, đánh giá chung cũng nhìn nhận những tác động chính nói trên đối với việc điều hành chính sách tiền tệ, cũng như sự hợp lý và kết quả trong điều hành. Với sự ổn định của tỷ giá, lãi suất được bình ổn, lạm phát được kiểm soát, việc điều hành chính sách tiền tệ được đánh giá là đúng hướng, cũng như đã có sự phối hợp hợp lý với chính sách tài khóa.

Tuy nhiên, như trên, đợt biến động của lãi suất Việt NamD từ đầu tháng 3 vừa qua được các chuyên gia và Phó thủ tướng Vương Đình Huệ lưu ý về một hiện tượng xáo trộn.

Phó thủ tướng Vương Đình Huệ cho rằng đó là hiện tượng cá biệt, không phải là phổ biến và hiện lãi suất thị trường đã ổn định trở lại. Song, ông yêu cầu Ngân hàng Nhà nước cần theo dõi và kiểm soát chặt chẽ, không để hiện tượng này tái diễn và bảo đảm lành mạnh trong công tác huy động vốn giữa các tổ chức tín dụng.

Nhật Nam

************************

"Đua lãi suất sẽ báo trước cái chết trong tương lai" (VnEconomy, 28/03/2017)

"Có áp lực đối với lãi suất, nhưng tôi thấy chủ yếu do các ngân hàng tự gây ra", Phó chủ tịch LienVietPostBank nói...

kinhte3

Ông Nguyễn Đức Hưởng, Phó chủ tịch Thường trực Hội đồng Quản trị LienVietPostBank

Sáng ngày 28/03, đồng thuận với thông điệp từ Ngân hàng Nhà nước vừa đưa ra, Ngân hàng Bưu điện Liên Việt (LienVietPostBank) quyết định giảm lãi suất huy động Việt NamD trên toàn hệ thống.

Trước lần giảm này, lãi suất huy động Việt NamD của LienVietPostBank nhỉnh hơn khối "Big 4" - các ngân hàng thương mại lớn có sở hữu Nhà nước chi phối. Nhưng sau khi giảm từ 0,1-0,4%/năm, biểu mới của họ đã về sát khối này, xuống nhóm ngân hàng thương mại cổ phần tư nhân có lãi suất huy động thấp nhất.

Ông Nguyễn Đức Hưởng, Phó chủ tịch Thường trực LienVietPostBank nói, đặt trong mặt bằng chung, quyết định giảm lãi suất trên toàn hệ thống nói trên phần nào cho thấy thực tế là áp lực với lãi suất trên thị trường hiện nay không lớn.

Áp lực chủ yếu ngân hàng tự tạo

Ông đánh giá thế nào về áp lực tăng lãi suất nói chung hiện nay ?

Nói không áp lực thì không phải, nói áp lực cũng không hẳn vậy.

Có áp lực nhưng tôi thấy chủ yếu do các ngân hàng tự gây ra. Ngân hàng nào cũng sợ thiếu nguồn, nên cứ muốn nhích lên hơn các ngân hàng khác một chút để thu hút khách, chứ chưa phải do nhu cầu thực sự.

Cũng có một số biểu hiện như một số tổ chức tài chính huy động vốn qua trung tâm, huy động nhỏ lẻ, huy động theo hợp đồng, lãi suất có cao hơn các ngân hàng thương mại.

Nhưng nhìn chung, tôi thấy đó không phải là áp lực từ nền kinh tế, áp lực từ chính sách điều hành của Ngân hàng Nhà nước. Thậm chí Ngân hàng Nhà nước còn định hướng có thể giảm được lãi suất nếu các ngân hàng đồng lòng.

Còn với một số trường hợp tăng lãi suất, thì trước mắt có thể mang lại lợi nhuận cho ngân hàng, nhưng nó báo hiệu một dấu hiệu nguy hiểm trong tương lai.

Tức là, từ đó có những trường hợp khách hàng rồi đây phải vay lãi suất cao, thậm chí lãi suất cho vay tăng lên, cao hơn nữa họ cũng vay. Hiện tại những người vay đó vẫn trả được, nhưng vài năm tới thì dễ chết.

Bản thân LienVietPostBank chúng tôi không muốn đẩy lãi suất lên, vì như trên chúng ta đã có nhiều bài học trước đây rồi. Doanh nghiệp mà vay trên 50% nhu cầu vốn thông thường và lãi suất nào cũng vay thì báo hiệu cái chết trong tương lai.

Còn diễn biến một số ngân hàng phát hành chứng chỉ tiền gửi lãi suất cao gần đây thì sao ?

Đó là một hình thức huy động vốn dài hạn. Huy động được nguồn vốn dài hạn này để cho vay trung dài hạn, đáp ứng yêu cầu hiện nay là thực hiện giới hạn sử dụng vốn ngắn hạn cho vay trung dài hạn. Nó là một cách làm của ngân hàng. Nó có ảnh hưởng nhưng không lớn đối với thị trường.

Bởi vì hiện nay khách hàng có tiền nhàn rỗi gửi ngắn hạn mới là lượng lớn. Còn nguồn để gửi trung dài hạn không nhiều lắm, nên việc thu hút được lượng vốn trung dài hạn này là cần cho bất cứ ngân hàng nào.

Nhưng chúng ta cũng cần xem xét, nếu không cẩn thận thì đây lại có thể là một sự biến tướng. Ngân hàng thu hút vốn trung dài hạn nhưng thời hạn thực tế có khi lại ngắn, hoặc tính lãi cho các kỳ ngắn. Ví dụ như huy động 3 năm, tính lãi và rút cuối kỳ thì khác, nhưng nếu cho rút định kỳ hoặc bất cứ lúc nào thì lại rất khác.

Nhưng ở diễn biến trên, rõ ràng là có áp lực khi có khá nhiều ngân hàng tham gia vào đợt huy động lãi suất cao này ?

Nó có áp lực nhất định. Có những ngân hàng thời gian trước cho vay ra khó khăn, họ tìm khách, hứa và ký trước các hợp đồng. Nay cần nguồn đề bù đắp cho các hợp đồng đã ký trong quá khứ.

Thêm nữa, có áp lực để cân đối giới hạn dùng vốn ngắn hạn cho vay trung dài hạn.

Mặt khác, người ta thấy triển vọng phát triển của nền kinh tế tốt hơn, cầu tín dụng mạnh hơn. Họ dự tính trước và chủ động cho nguồn cung. Và có những dự án dài hạn chấp nhận vay lãi suất cao, một số ngân hàng cũng cho vay vào đó để cải thiện đầu ra, cũng như để có lãi biên cao hơn.

Nếu có những dự án như vậy thì tiềm ẩn sự nguy hiểm, vì vay với lãi suất cao rồi có thể chết bất cứ lúc nào. Chúng tôi thấy nếu họ sẵn sàng vay lãi suất cao thì lại không dám cho vay.

Đồng thuận, sẽ giảm được lãi suất

Ở trên ông có nói đến tình huống các ngân hàng nói chung vẫn có thể giảm được lãi suất nếu đồng lòng…

Vẫn có thể giảm được lãi suất nếu các ngân hàng đồng thuận, vì hiện nay chưa có áp lực lớn để buộc phải đẩy mạnh huy động vốn. Lạm phát, các yếu tố xoay quanh tiền tệ, hay kinh tế thế giới… chưa có gì thực sự gây áp lực lớn cả.

Nếu có thì theo, tôi là do chúng ta tự gây nên mà thôi !

LienVietPostBank không chạy theo xu hướng đẩy lãi suất lên. Nhà điều hành hẳn cũng nhìn thấy rõ, hiện nay chưa có gì để chạy đua lãi suất. Đến lúc nào đó lãi suất rồi sẽ điều chỉnh, và chúng tôi giảm trước thì đỡ mất chi phí nhiều hơn, không mất chi phí chạy đua.

Nhưng giảm lãi suất huy động lúc này sẽ ảnh hưởng tới nguồn vốn đầu vào, như với quyết định hôm nay của LienVietPostBank, thưa ông ?

Có thể có ảnh hưởng, nhưng rất ít. Chúng tôi vẫn cạnh tranh mạnh về các tiện ích, cạnh tranh các dịch vụ chứ không phải chỉ cạnh tranh bằng lãi suất huy động. Làm sao để người gửi tiền thấy rằng không vì một chút lãi suất thôi mà đi khỏi LienVietPostBank.

Chúng tôi cũng nói với khách hàng của mình rằng, những ngân hàng kia tăng lãi suất chỉ là tức thời, chứ không phải là xu hướng. Mặt khác, khách hàng gửi vào rút ra như vậy thì lợi ích thực cũng bị hạn chế.

Chưa nên bỏ trần ngắn hạn

Liên quan đến diễn biến lãi suất huy động gần đây, cơ chế trần lãi suất mà Ngân hàng Nhà nước đang áp ở các kỳ hạn từ 1 tháng đến dưới 6 tháng đối với Việt NamD, theo ông có tiếp tục thực hiện hay không, thời gian qua một số chuyên gia có kiến nghị bỏ ?

Về lý thuyết, theo cơ chế thị trường, thuận mua vừa bán. Việt Nam vẫn theo cơ chế thị trường nhưng có sự quản lý, điều tiết của Nhà nước.

Thực tế vẫn có những doanh nghiệp, ngân hàng không chơi sằng phẳng, họ vẫn có những tiểu xảo nhất định. Nên trần lãi suất vẫn là một công cụ quản lý của Ngân hàng Nhà nước. Theo tôi nghĩ trước mắt là chưa nên bỏ.

Vì hiện nay mình vẫn chưa có một sân chơi sằng phẳng, tất cả các thành viên trên sân chơi này không phải là văn hóa giống nhau, có những người vẫn nghĩ về mình quá nhiều mà không nghĩ về người khác, không nghĩ về xã hội. Nếu có quá nhiều người như thế thì xã hội bị ảnh hưởng.

Và chúng ta cũng thấy, thỉnh thoảng thị trường lại có những cơn sóng. Nếu như không có công cụ như trần lãi suất nói trên thì không kiểm soát được.

Tất nhiên, tôi thấy sự đồng thuận vẫn là quan trọng nhất. Sự đồng thuận trước tiên cần có ở các ngân hàng lớn. Nếu có 10-12 ngân hàng lớn nhất trong hệ thống đồng thuận, thì nếu có ngân hàng nào đó phá rào thì chẳng có tác dụng gì.

Còn triển vọng lãi suất Việt NamD thời gian tới, ông nhìn nhận thế nào ?

Tôi vẫn đánh giá rất cao sự đồng thuận trong hệ thống về bình ổn lãi suất. Như vậy cũng chính là giúp cho ngân hàng, vì nếu cho vay lãi suất cao có thể thu lãi tốt dăm ba tháng một năm, nhưng như trên, sẽ lại hẹn cái chết trong tương lai.

Như hiện nay tôi thấy, lãi suất cho vay đối với doanh nghiệp từ 10% trở lên là một gánh nặng rất lớn. Có thể họ vẫn trả được, bóc cái này gối cái kia để trả, nhưng trong tương lai lâu dài với gánh nặng đó rất dễ bị khựng lại, rồi nảy sinh nợ xấu.

Liên quan thì về giới hạn sử dụng vốn ngắn hạn cho vay trung dài hạn, thực tế thời gian qua và hiện nay, nhu cầu vốn trung dài hạn lớn và nhô lên khi nền kinh tế có dấu hiệu phục hồi và phát triển, ngân hàng đáp ứng, nay phải co về để tuân thủ.

Tôi nghĩ, nên chăng Ngân hàng Nhà nước xem xét nới việc hạ giới hạn tỷ lệ sử dụng vốn ngắn hạn cho vay trung dài hạn từ 60% xuống 50% đầu năm 2017, giãn ra xét bình quân cả năm là 50% chứ không áp luôn từ đầu năm mà có phần áp lực.

Và tôi cũng mạnh dạn đề xuất Ngân hàng Nhà nước, để tránh áp lực cho vốn Việt NamD thì phải hút thêm ngoại tệ, giảm tải cho cầu vốn Việt NamD, bằng việc đưa lãi suất USD "lên mặt đất".

Trần lãi suất huy động USD 0%/năm hiện nay có thể lên 0,25-0,5%/năm, như vậy vừa "đào đô la dưới đất lên", vì nhiều nhà chôn cất thật, và nữa là thu hút kiều hối.

Minh Đức

Quay lại trang chủ
Read 686 times

Viết bình luận

Phải xác tín nội dung bài viết đáp ứng tất cả những yêu cầu của thông tin được đánh dấu bằng ký hiệu (*)