Bộ Y tế khuyến cáo người dân về tình hình ô nhiễm không khí (RFA, 15/12/2019)
Sau nhiều ngày không khí tại Hà Nội và một số tỉnh phía Bắc bị báo động ô nhiễm trầm trọng, vào ngày 14/12, Bộ Y tế chính thức đưa ra hướng dẫn dự phòng, bảo vệ sức khoẻ cộng đồng trước tác động của ô nhiễm không khí.
Hình minh hoạ. Hình chụp ngày 2/10/2019 : các toà nhà cao tầng ở Hà Nội nhìn qua lớp khói bụi Reuters
Theo hướng dẫn này, người dân được khuyên thường xuyên theo dõi tình hình chất lượng không khí trên các phương tiện thông tin truyền thông chính thống, hạn chế ra khỏi nhà.
Bộ Y tế cũng khuyên người dân nên dùng khẩu trang, vệ sinh mũi, súc họng, tra rửa mắt bằng nước muối sinh lý, hạn chế mở cửa sổ, cửa ra vào trong thời điểm không khí bị ô nhiễm nặng, đặc biệt là các gia đình ở bần đường giao thông.
Việc sử dụng bếp than củi, tổ ong và rơm rạ được khuyến cáo là nên hạn chế hoặc phải được thay thế bằng bếp gas.
Những người có bệnh về hô hấp và tim mạch, người già được khuyên nên có biện pháp dự phòng nghiêm ngặt hơn.
Trong suốt khoảng 1 tuần qua, hệ thống quan trắc ở Hà Nội và các tỉnh phía Bắc liên tục ghi nhận mức độ ô nhiễm ở mức nghiêm trọng và rất nghiêm trọng với các màu nâu, đỏ, tím, được coi là nguy hại cho sức khoẻ của người dân.
Hôm 14/12, Tổng cục Môi trường - Bộ Tài nguyên và môi trường cho biết trong các ngày 10 đến 13 tháng 12, chỉ số chất lượng không khí (AIQ) ngày tại Hà Nội đã chạm ngưỡng rất xấu. Giá trị trung bình 24 giờ của bụi mịn PM 2.5 trong nhiều ngày vượt mức cho phép.
Tổng cục Môi trường hôm 14/12 khuyến cáo "Mọi người, kể cả học sinh, nên hạn chế vận động và tập thể dục ngoài trời, đóng các cửa sổ và cửa ra vào, đeo khẩu trang chống bụi PM 2.5 khi đi ra đường".
Hồi tháng 10, Hà Nội và nhiều tỉnh thành khác ở Việt Nam cũng từng bị báo động về tình trạng ô nhiễm không khí nghiêm trọng. Giới chức chính quyền lúc đó giải thích rằng nguyên nhân ô nhiễm là do đốt rơm rạ, than, và khói bụi, khí thải từ các phương tiện giao thông.
*******************
Hà Nội ô nhiễm không khí trầm trọng, Bộ Tài nguyên và môi trường khuyến cáo hạn chế ra đường (RFA, 14/12/2019)
Không khí tại Hà Nội và các tỉnh phía Bắc vào ngày 14/12 tiếp tục ô nhiễm nghiêm trọng tho các chỉ số quan trắc được công bố.
Người đi đường ở Hà Nội che mũi. Hình chụp hôm 1/10/2019, Reuters - Hình minh hoạ.
Hệ thống quan trắc PAMAir ở Hà Nội và các tỉnh phía Bắc vào sáng ngày 14/12 ghi nhận mức độ ô nhiễm ở màu tím, tức cực kỳ nghiêm trọng. Một số nơi mức ô nhiễm là nâu, đa số các địa điểm khác là mức đỏ và tím.
Công bố của Tổng cục Môi trường - Bộ Tài nguyên và Môi trường công bố vào sáng ngày 14/12 cho thấy ô nhiễm không khí ở Hà Nội tỏng cả tuần qua, từ ngày 7 - 12 đến 13 -12 có xu hướng tăng lên so với tuần trước đó.
Theo chỉ số được công bố, trong các ngày 10 - 12 đến ngày 13 -12, chỉ số chấ lượng không khí (AIQ) ngày tại Hà Nội đã chạm ngưỡng rất xấu.
Tổng cục Môi trường cho biết giá trị trung bình 24 giờ của bụi mịn PM 2.5 tại ác thành phố từ đầu tháng 12 tới nay nhìn chung có xu hướng tăng. Trong các ngày từ 7 - 12 đến 12 -12, tại Hà Nội, Việt Trì, thành phố Hồ Chí Minh, giá trị trung bình 24 giờ của bụi mịn PM2.5 vượt quá giới hạn cho phép. Thậm chí, tại Hà Nội, có lúc giá trị này vượt quá từ 2 đến 3 lần mức cho phép.
Theo các chuyên gia y tế, bụi mịn PM2.5 có thể đi thẳng vào mô, phế nang phổi, đường hô hấp trên, gây nên bệnh hô hấp. Về lâu dài, chúng có thể dẫn đến các bệnh tim mạch, đột quỵ, viêm phổi, viêm phế quản mạn tính.
Mặc dù công bố các chỉ số về ô nhiễm không khí nghiêm trọng nhưng Tổng cục Môi trường không thông báo nguyên nhân tại sao Hà Nội và nhiều tỉnh thành phía Bắc bị như vậy.
Tổng cục Môi trường khuyến cáo "Mọi người, kể cả học sinh, nên hạn chế vận động và tập thể dục ngoài trời, đóng các cửa sổ và cửa ra vào, đeo khẩu trang chống bụi PM 2.5 khi đi ra đường".
***************
Người dân tự bảo vệ mình trước tình trạng ô nhiễm không khí ở Hà Nội (RFA, 13/12/2019)
Truyền thông trong nước loan tin hôm 13/12 trích lời một chuyên gia môi trường nhận định đợt ô nhiễm trong tháng 12 này tại thủ đô là đợt ô nhiễm không khí ‘khủng khiếp’ nhất từ trước đến nay và đã bước sang ngày thứ năm liên tiếp.
Ô nhiễm không khí tại Hà Nội. AFP/ RFA Edited
Ô nhiễm không khí cao nhất thế giới
Kết quả quan trắc PAM Air ghi nhận được cho thấy chỉ số chất lượng không khí (AQI) tại nhiều điểm trên địa bàn Thủ đô Hà Nội đều vượt mức 200, tức rất nguy hại cho sức khỏe. Trong khi đó, ứng dụng AirVisual hôm 13/12 cũng xếp Hà Nội bị ô nhiễm không khí nhất thế giới với điểm AQI 316. Chất lượng không khí tại Tây Hồ bị xác nhận ô nhiễm nhất với điểm số cao đặc biệt 405.
Báo Tuổi Trẻ trích lời Tiến sĩ Hoàng Dương Tùng, Chủ tịch Mạng lưới không khí sạch Việt Nam, nhận định đây là đợt ô nhiễm không khí ‘khủng khiếp’ ở một số tỉnh phía Bắc và Hà Nội.
Nhận xét về tình trạng ô nhiễm không khí này, dược sĩ Nguyễn Anh Tuấn thành viên nhóm Green Tree từ Hà Nội cho biết :
"Tôi là một trong số những người quan tâm về các vấn đề môi trường nên khi có chỉ dấu Hà Nội bị ô nhiễm thì tôi cũng có quan sát và cùng với vợ con với những người bạn cũng đều cảm nhận rõ mức độ ô nhiễm mà vào những ngày có chỉ số ô nhiễm không khí cao. Nó không đơn thuần chỉ là hiển thị trên các thông số qua app PAM Air hay Air Visual mà rõ ràng mức độ ô nhiễm được cảm nhận rất rõ và có thể nhìn thấy luôn mức độ bụi đậm đặc đến mức khiến mọi thứ trở nên mờ ảo và đương nhiên tầm nhìn xa bị giảm, nó thể hiện rõ lắm cả ban ngày lẫn ban đêm".
Một người dân khác cũng từ Hà Nội là anh Nguyễn Lân Thắng cũng chia sẻ rằng, tình trạng gây ra ô nhiễm nặng như hiện nay tại Hà Nội là do nhiều nguyên nhân :
"Một trong các nguyên nhân đó là Hà Nội đang có các kế hoạch làm những con đường trên cao, những con đường vành đai, bóc vỉa hè lát vỉa hè khắp mọi nơi, và hơn nữa là thời gian thời tiết tầm này có hiện tượng nghịch nhiệt nên nó tạo ra một lớp màng nên khói bụi ở tầng thấp của không khí không thể nào bóc lên được nên quanh quẩn khắp thành phố, chỗ nào cũng thấy bụi cũng ô nhiễm".
Cùng nhận định này, phó giáo sư tiến sĩ Phùng Chí Sỹ, giám đốc trung tâm công nghệ môi trường chia sẻ thêm nguyên nhân từ xa.
"…ngoài ra ô nhiễm cũng có thể tác động từ xa như nguyên nhân cháy rừng nên nhiều nguyên nhân lắm, VN hiện nay chưa có điều kiện để đánh giá được nguồn nào đóng góp bao nhiêu, mà qua các chỉ số tự động thì nó rất là cao và mình cũng xác định được là do nguyên nhân nào".
Mặc dù tình trạng ô nhiễm không khí ngày càng tệ hơn nhưng hơn 1 tuần qua các cơ quan chức năng có thẩm quyền vẫn chưa có một khuyến cáo chính thức nào về đợt ô nhiễm không khí được xem là khủng khiếp này. Trong khi đó, Sở Tài nguyên Môi trường Hà Nội chỉ có thêm khuyến cáo với thông tin vắn tắt "AQI 256 – mọi người bị ảnh hưởng tới sức khỏe nghiêm trọng hơn".
Im lặng làm ngơ
Dược sĩ Nguyễn Anh Tuấn khẳng định, ông ghi nhận báo chí Việt Nam có thông tin rất nhiều về tình trạng ô nhiễm nhưng nó cũng chỉ dừng lại ở mức đưa ra thông báo mức độ ô nhiễm nguy hại cho sức khỏe chứ không hề có một khuyến cáo chính thức nào từ cơ quan chức năng.
"Hành động tính đến thời điểm này mà thôi ghi nhận được là các cấp chính quyền của nhà nước Việt Nam có xây lắp và đặt các trụ quan trắc và các trạm này chúng ta có thể nhìn nó thông qua các ứng dụng như App PAM air hay Air Visual. Tuy nhiên nó cũng chỉ dừng lại ở đó mà thôi. Khi mà chưa có khuyến cáo chính thức nào từ cơ quan chức năng thì hiện nay tôi đang cảm nhận rõ nguy cơ đại đa số người dân đang tích lũy bụi mịn trong cơ thể và đương nhiên sự tích lũy này sẽ gây nguy hại cho sức khỏe về lâu về dài".
Theo ý kiến chuyên gia y tế, không khí ô nhiễm có nhiều hạt bụi nhỏ, hạt càng nhỏ sẽ càng vào sâu. Những hạt bụi có kích thước nhỏ, đặc biệt PM2.5 có thể đi thẳng vào mô, phế nang phổi, đường hô hấp trên, gây nên bệnh hô hấp. Về lâu dài, chúng có thể dẫn đến các bệnh tim mạch, đột quỵ, viêm phổi, viêm phế quản mạn tính
Dược sĩ Nguyễn Anh Tuấn cho biết các trường học hiện cũng không chú ý lắm đến việc trang bị bảo vệ sức khỏe cho trẻ nhỏ trong tình trạng ô nhiễm ở Hà Nội :
"…hay nhiều phụ huynh phản ánh khi họ thấy bụi ghê gớm quá, họ có ý kiến với nha trường nơi con em họ theo học. Phản ứng của nhà trường là chúng tôi thấy học sinh chủ yếu ở trong lớp ít khi ra ngoài nên việc trang bị những hệ thống lọc không khí trong các lớp là không cần thiết. Thậm chí có phụ huynh xin phép hiệu trưởng cho lắp đặt máy lọc không khí trong lớp thì hiệu trưởng còn khó chịu lo ngại rằng nếu lớp đó có máy lọc thì các lớp khác bắt chước làm theo, rồi nào nguy cơ tăng tiêu thụ điện của nhà trường lên rồi còn ngụ ý với phụ huynh là nên chấp nhận nếu không thì cho con đi học trường khác".
Nhiều biện pháp nhưng không thể thực hiện ?
Vào tháng 10 cũng xảy ra tình trạng ô nhiễm không khí ở mức được cho là đáng báo động, nhiều chuyên gia môi trường cùng các cơ quan chức năng đưa ra nhiều biện pháp đối phó với tình trạng ô nhiễm không khí bằng việc nghiên cứu cấm xe máy tại một số khu vực, kêu gọi người dân nên đeo khẩu trang, hạn chế ra ngoài… và nhiều biện pháp khác.
Những người dân và chuyên gia môi trường mà chúng tôi trao đổi đều cho rằng, đó cũng chỉ là những giải pháp trước mắt tạm thời để ứng phó ô nhiễm nhưng điều mà người dân quan tâm là chính phủ cần sớm đưa ra những giải pháp giải quyết dứt điểm tình trạng này.
Anh Nguyễn Lân Thắng cho rằng "Các quan chức chính phủ họ đang ở trong tình trạng là bất lực, họ biết những vấn đề đang có chuyện như vậy nhưng họ không nghĩ ra được giải pháp nào hay cách nào để chống chọi lại chuyện này. Họ chỉ loanh oanh đưa ra các giải pháp tạm thời, chóng cháy, khỏa lấp đi sự việc".
Còn đối với Tiến sĩ Phùng Chí Sỹ, nếu môi trường ngoài không có biện pháp phòng vệ thì người dân phải tự bảo vệ chính bản thân mình trước :
"Tại Việt Nam các phương án lâu dài đều có hết rồi, từng nguồn, các biện pháp phòng ngừa đến vẫn còn tồn tại. Cái này phải từng bước một vì muốn giải quyết triệt đề thì nó rất là tốn kém mà Việt Nam không đủ nguồn kinh phí làm việc đó nên từ từ họ sẽ giải quyết".
Tiến sĩ Phùng Chí Sĩ cho rằng trong khi chờ các giải quyết của chính quyền, thì "trước mắt chưa có biện pháp cụ thể thì người dân phải tự bảo vệ mình".