Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Published in

Việt Nam

04/04/2017

Ý thức bảo vệ môi trường của người Việt Nam rất thấp

RFA tiếng Việt

Cơ sở y tế xả thải thẳng ra môi trường (RFA, 04/04/2017)

Việt Nam có 13.000 cơ sở y tế trên toàn quốc, chừng 40% trong số này chưa có hệ thống xứ lý chất thải đạt chuẩn. Đây là vấn đề đáng ngại vì liên quan và ảnh hưởng trực tiếp đến môi trường cũng như sức khỏe cộng đồng.

xathai1

Một cơ sở y tế ở Đà Nẵng cấp cứu những nạn nhân sống sót sau trận bão Chanchu ngày 23 tháng 5 năm 2006. AFP photo

Hàng loạt cơ sở y tế xả thải ra môi trường mà không qua qui trình xử lý đúng mức. Theo thống kê chính Bộ Y tế Việt Nam đưa ra vào cuối tháng Ba vừa qua là gần một nửa các cơ sở y tế trên cả nước chưa được trang bị máy móc hoặc hệ thống xử lý nước thải y tế bảo đảm an toàn vệ sinh.

Thống kê được bà Nguyễn Thị Liên Hương, cục trưởng Cục Quản Lý Môi Trường Y Tế nêu ra tại buổi hội thảo hôm thứ Năm ngày 30 tháng 3 vừa qua. Đây là buổi hội thảo góp ý việc thuê dịch vụ xử lý nước thải y tế tại các bệnh viện công lập theo quyết định của thủ tướng chính phủ.

Theo thứ trưởng Bộ Y Tế, ông Nguyễn Thanh Long, việc xử lý chất thải y tế không bảo đảm và không an toàn là do thiếu kinh phí cũng như thiếu kiến thức chuyên môn mà hậu quả là những tác động rõ ràng đến môi trường cũng như sức khỏe con người.

Bác sĩ Phạm Nhật An, nguyên trưởng Khoa Truyền Nhiễm Bệnh Viên Nhi Trung Ương, hiện là phó chủ tịch Hội Nhi Khoa Việt Nam, nói rằng trên nguyên tắc chung thì :

Tôi chắc đồng chí thứ trưởng muốn nói là chưa bảo đảm chất lượng, chắc là không đạt chuẩn thôi, chứ còn theo qui định thì nếu không có phương án xử lý chất thải y tế thì họ sẽ không cho hoạt động. Về mặt Luật, đã xây dựng bệnh viện là phải có hệ thống xử lý, chỉ có điều thực hiện chắc là chưa đúng lắm. Vẫn có kiểm tra hàng năm và vẫn xếp loại như thế.

Còn theo bác sĩ Nguyễn Huy Du, chuyên gia y tế của UNICEF Vietnam tại Hà Nội, rác y tế là chất độc hai, chứa đầy vi khuẩn và mầm bệnh, đặc biệt rác thải từ các bệnh viện chuyên về bệnh truyền nhiễm. Nếu nhà nước không đầu tư vào công tác xử lý thì các bệnh viện cũng không đủ lực để làm, ông nói :

Rác y tế gồm chất thải lỏng và chất thải rắn. Chất thải lỏng còn gọi là nước thải y tế, phát sinh từ các bệnh viện khám bênh chữa bệnh, các cơ sở dự phòng, các cơ sở nghiên cứu đào tạo. Trong nước thải đấy có yếu tố ô nhiễm thông thường như chất hữu cơ, chất bản khoáng, các vi khuẩn gây bệnh, thậm chí các đồng vị phóng xạ sử dụng trong chẩn đoán trị bệnh chữa bệnh hoặc là kể cả chất dịch của bệnh nhân. Loại thứ hai ví dụ như kim tiêm, các dụng cụ kim loại, bông, băng... được xếp vào loại chất thải rắn. Chất thải nước thì có qui trình xử lý còn chất thải rắn thì qua lò đốt của các cơ sở y tế.

Trên thực tế thì Bộ Y Tế cũng đã đưa ra những qui chuẩn trong quản lý các chất thải mà các bệnh viện phải tuân thủ. Nhìn chung thì ai cũng biết chất thải y tế mà không được quản lý và không được xử lý tốt thì đương nhiên là ảnh hưởng đến vấn đề sức khỏe.

Vẫn theo lời cục trưởng Cục Quản Lý Môi Trường Y Tế Nguyễn Thị Liên Hương, trong số hơn 13.000 cơ sở y tế trên toàn quốc thì khoảng 5.200 cơ sở bệnh viện tuyến trung ương và tuyến tỉnh chưa có hệ thống xử lý nước thải hoàn chỉnh. Chính vì vậy, bà nói tiếp, mỗi ngày một lượng lớn nước thải y tế được xả thẳng ra môi trường.

VIETNAM-HEALTH-FLU-HOSPITAL

Viện quốc gia về các bệnh nhiễm khuẩn và nhiệt đới tại Hà Nội. Ảnh chụp ngày 25 tháng 5 năm 2007. AFP photo

Con số vừa nêu được nhiều người cho là ‘đáng báo động’. Chuyên gia môi trưởng Lê Anh Tuấn, Viện Môi Trường Và Tài Nguyên Thiên Nhiên thuộc Đại Học Cần Thơ, có ý kiến :

Con số 40% có thể hợp lý vì ngay cả Đồng Bằng Sông Cửu Long số bệnh viện có hệ thống xử lý chất thải y tế tốt chắc cũng khoảng một nửa thôi, tức khoảng 40 hay 50%. Còn lại những cơ sở nhỏ như bệnh xá thì không thể nào xây dựng một nhà máy xử lý nước thải hay chất thải rắn đầy đủ mà thường họ phải thuê một công ty xử lý môi trường tới nhận và đem đến chỗ xử lý tập trung nào đó.

Nếu tất cả bệnh viện lớn nhỏ hay các bệnh xá nhỏ nếu làm theo đúng qui trình và tiêu chuẩn thì rất đắt tiền, bệnh viện cấp huyện cấp xã thì không thể nào làm nổi. Cái cần lưu ý và đáng báo động ở chỗ là chỉ có hơn một nửa bệnh viện có nhà máy xử lý riêng hay tập trung về một chỗ nào đó. Thường những bệnh viện khoảng 500 giường trở lên thì hệ thống xử lý đều có, số còn lại rơi vào những bệnh viện nhỏ hoặc bệnh viện cấp huyện cấp xã với hệ thống xử lý không đầy đủ. Tất nhiên khi ra môi trường thì nó gây ảnh hưởng nhất định rồi.

Thực ra một số bệnh viện là của chính phủ thì do chính phủ bỏ ra, một số bệnh viên tư nhân họ bỏ ra. Tuy chưa có số liệu đầy đủ về khả năng xử lý của họ tới mức nào, có thể họ chỉ tập trung vào rác thải mà có mang bệnh phẩm thì họ xử lý kỹ vì ngay cả bản thân họ cũng sợ lây bênh, còn những loại rác thải khác thì họ đưa qua bãi rác mà xử lý thông thường là đốt hay chôn lấp. Qua trao đổi với một số anh em làm môi trường thì họ cũng nói chỉ khoảng một nửa các cơ sở y tế là có trang bị các hệ thống xử lý rác y tế đầy đủ.

Cũng tại buổi hội thảo vừa nêu vào ngày 30 tháng 3, thứ trưởng Bộ Y Tế Nguyễn Thanh Long nhấn mạnh rằng đầu tư vào lãnh vực xử lý rác thải y tế cần nguồn kinh phí lớn trong lúc nguồn lực và sự quan tâm vào lãnh vực này chưa được như mong đợi.

Nhằm đạt mục tiêu 100% cơ sở y tế được trang bị và thực hiện việc xả thải đúng tiêu chuẩn vệ sinh chung, Bộ Y Tế Việt Nam đề nghị một cơ chế đặc thù qua đó các bệnh viện công lập được phép thuê dịch vụ xử lý nước thải theo nhiều hình thức. Phí tổn do bệnh viện chi trả sẽ được tính vào tiền khám chữa bênh.

Vấn đề xử lý chất thải y tế của các bệnh viện tại Việt Nam gây quan ngại trong dư luận vì ngoài chuyện không đạt chuẩn, còn có tình trạng nhiều loại chất thải rắn thải ra từ y tế được thu gom bán đi để làm những vật dụng khác như trường hợp ống tiêm nhựa được nấu chảy làm ra các loại đồ dùng bằng nhựa mà truyền thông trong nước từng phát hiện.

Các chuyên gia sức khỏe và chuyên gia môi trường trong nước đều cho rằng 100% an toàn từ các chất thải y tế là chuyện phải thực hiện từ lâu vì đó là quyền mà người dân được hưởng.

Thanh Trúc, phóng viên RFA

********************

Bảo vệ môi trường : Phát biểu của lãnh đạo và thực tế ! (RFA, 04/04/2017)

xathai3

Người dân vùng biển Phan Thiết chụp hôm 22/3/2017. AFP photo

Quân bình giữa hoạt động kinh tế và bảo vệ môi trường là mục tiêu được lãnh đạo Việt Nam nhắc đến rất nhiều lâu nay. Tuy nhiên trong thực tế chính quyền Việt Nam làm được đến đâu ?

Sự cố hay tác động ?

Báo Vietnamnet hôm 3 tháng Tư trích dẫn lời Bộ trưởng Mai Tiến Dũng trong buổi họp báo chính phủ thường kỳ tháng Ba nói về nhà máy thép Formosa từng gây ra thảm họa ô nhiễm môi trường biển cách đây tròn một năm rằng "Nếu không đảm bảo an toàn về môi trường, để xảy ra sự cố tương tự như năm ngoái thì yêu cầu phải tiếp tục đóng cửa."

Qua ghi nhận của người dân địa phương tại khu vực nhà máy Formosa ở Vũng Áng, Hà Tình thì từ khi xảy ra vấn nạn ô nhiễm môi trường biển đến nay, Formosa chưa một ngày ngưng hoạt động. Cho nên, phát ngôn của ông Mai Tiến Dũng khi nói Formosa "phải tiếp tục đóng cửa" có thể sẽ gây nhiều thắc mắc cho nhiều người.

Cũng trong ngày 3 tháng Tư, báo trong nước trích dẫn lời Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng yêu cầu Tập đoàn Than – Khoáng sản Việt Nam (TKV) : "Phải chú trọng công tác bảo vệ môi trường, kiểm soát chặt chẽ chất thải, lắp đặt bổ sung hệ thống quan trắc, hoàn nguyên các khu vực đã khai thác, tuyệt đối không để xảy ra sự cố môi trường."

Phát ngôn của văn phòng chính phủ và các quan chức cấp cao đều cho thấy những vấn nạn ô nhiễm môi trường mà người dân đang chịu từ các nhà máy công nghiệp đều được xem là "sự cố" chứ không phải hậu quả từ hoạt gây tác động đến môi trường.

Tiến sĩ Nguyễn Ngọc Sinh, Chủ tịch Hội Bảo vệ Thiên nhiên và Môi trường Việt Nam giải thích rõ về điểm này :

"Tác động môi trường hay chúng tôi thường gọi là đánh giá tác động môi trường là tìm hiểu xem dự án cụ thể nào đó có những ảnh hưởng gì mà chủ yếu là ảnh hưởng tiêu cực đến môi trường. Từ đó đề xuất ra biện pháp xử lý chất thải của cơ sở đó gây ra.

Còn sự cố môi trường là điều không mong muốn. Trong xã hội Việt Nam gần đây, nhất là trong sự cố rất lớn xảy ra, người dân rất quan tâm đến vấn đề làm sao anh được đánh giá tác động môi trường tốt, xây dựng những công trình xử lý chất thải đúng qui định."

Cụ thể hơn, theo ông Nguyễn Ngọc Sinh, đánh giá tác động môi trường để đề xuất những giải pháp tránh không xảy ra sự cố môi trường. Sự cố có thể xảy ra do những công trình hay con người gây ra, nhưng cũng có những lý do bất khả kháng. Do đó, người chủ đầu tư phải hiểu rõ những vấn đề đó để có những phòng ngừa nhất định, giảm thiểu thiệt hại không để xảy ra sự cố môi trường.

Người dân Việt Nam chưa thể quên bản báo cáo tác động môi trường của Formosa đưa ra năm 2016 được các chuyên gia đánh giá là sơ sài, giản lược và không dùng được. Truyền thông trong nước lúc đó đăng tải cuộc phỏng vấn ông Nguyễn Khắc Kinh, người ký phê duyệt Báo cáo đánh giá tác động môi trường của Formosa, chia sẻ các lý do vì sao bản đánh giá sơ sài nhưng vẫn được phê duyệt.

Tiến sĩ khoa học Nguyễn Tác An có nhận định khách quan.

"Nói chung đã làm công nghiệp thì phải chịu tác động của môi trường. Nhưng vì sao các nước phương Tây chịu tác động ít ? Là vì người ta có cách phát triển công nghiệp, có cách bảo vệ môi trường, và có những ràng buộc. Ta phải ràng buộc Formosa, bắt buộc họ phải theo đúng tiêu chuẩn, quy luật tự nhiên. Formosa phải cam kết xử lý chất thải theo đúng tiêu chuẩn Việt Nam."

Cứ không an toàn thì đóng cửa ?

VIETNAM-TAIWAN-FISHING-ENVIRONMENT-COMPANY

Nhà máy thép Formosa của Đài Loan tại huyện Kỳ Anh, tỉnh Hà Tĩnh chụp hôm 3/12/2015. AFP photo

Tháng 7 năm 2016, Bộ Tài nguyên- Môi trường từng tổ chức thanh tra, kiểm tra công tác bảo vệ môi trường của doanh nghiệp Lee & Man sau khi có nhiều lo ngại rằng nhà máy này sẽ bức tử sông Hậu, vì sau khi hoạt động sẽ xả khoảng 28.500 tấn xút ra sông Hậu. Thế nhưng, nhiều người dân sinh sống ở khu vực đó phải gửi đơn kêu cứu về tình trạng ô nhiễm mùi hôi và tiếng ồn kể từ khi nhà máy này bắt đầu chạy thử vào đầu tháng 3 vừa qua.

Những lá đơn kêu cứu được phản hồi bằng cuộc đối thoại trực tiếp giữa ngành chức năng tỉnh Hậu Giang, nhà máy giấy Lee&Man và người dân diễn ra ngày 3 tháng Tư, tại UBND thị trấn Mái Dầm, Hậu Giang.

Tại buổi hội thoại, ông Trần Phong, Cục trưởng cục Môi trường miền Nam, thuộc Bộ tài nguyên và môi trường xác nhận có bốn khu vực trong nhà máy phát sinh mùi hôi.

Sau khi nghe nhiều người dân phản ảnh về thực trạng môi trường và nêu câu hỏi về mức độ an toàn của nhà máy đối với cuộc sống của người dân, ông Trần Ngọc giải đáp : "Khi nhà máy hoạt động, bắt buộc có cam kết trong quá trình vận hành như chất thải, tiếng ồn… phải đạt cực chuẩn".

Chính ông Trần Phong cũng khẳng định với người dân tại buổi nói chuyện : "Nếu nhà máy vẫn còn thải mùi hôi vài tháng nữa thì không thể hoạt động được."

Hậu quả

VIETNAM-ENVIRONMENT-POLLUTION-FISH-DEATH

Cá chết ở Hồ Tây ngày 3 tháng 10 năm 2016. AFP photo

Tuy rất nhiều phát ngôn được đưa ra theo chiều hướng như thế, vấn nạn ô nhiễm môi trường biển do Formosa gây ra đến nay vẫn là cơn ác mộng cho ngư dân miền Trung nói riêng và toàn thể người dân Việt Nam nói chung.

Cho dù Formosa đã hứa sẽ ngừng xả thải, nhưng theo các nhà khoa học, điều đó không thể trả lại môi trường biển sạch cho người dân, chính vì cái gọi là tác động tích luỹ. Lý do là từ tháng 4 năm 2016 đến nay vẫn để lại ảnh hưởng vô cùng to lớn cho đời sống của người dân và môi trường biển. Theo giới chuyên gia khoa học thì đó là ô nhiễm công nghiệp mang tính tích luỹ.

Nguyên nhân là do chiến lược phát triển kinh tế công nghiệp không đi cùng với những điều khoản ràng buộc về bảo vệ môi trường.

Phó Giáo sư, Tiến sĩ khoa học Nguyễn Tác An, nguyên Viện trưởng viện Hải dương học Nha Trang khuyến cáo về chiến lược phát triển công nghiệp.

"Phát triển công nghiệp rất cần, nhưng nó phải quy hoạch, phải có công nghệ hỗ trợ để xử lý an toàn môi trường. Còn nếu phát triển theo kiểu quy hoạch thì nó sẽ chịu hậu quả lâu dài."

Tiến sĩ Nguyễn Tác An khẳng định điều đó :

"Dù Formosa có thải tiếp tục hay không thải tiếp tục thì tác động vẫn rất lâu dài."

Ngày 24 tháng 8 năm ngoái, tại hội nghị trực tuyến toàn quốc về bảo vệ môi trường cùng các Phó Thủ tướng Trương Hòa Bình, Trịnh Đình Dũng, Vũ Đức Đam, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, cũng là người chủ trì cuộc hội nghị đã nhấn mạnh : "Kiên quyết không vì lợi ích kinh tế trước mắt mà đánh đổi môi trường, cuộc sống bình yên của nhân dân".

Tuy nhiên, phát biểu của lãnh đạo và thực tế đến nay vẫn còn một khoảng cách khá xa mà người dân trong nước ai cũng nhìn thấy rõ!

Cát Linh, phóng viên RFA

Quay lại trang chủ
Read 896 times

Viết bình luận

Phải xác tín nội dung bài viết đáp ứng tất cả những yêu cầu của thông tin được đánh dấu bằng ký hiệu (*)