Việt Nam trở thành điểm đến du lịch chữa bệnh mới nhất của Châu Á (VOA, 19/12/2019)
Các khách du lịch nước ngoài thường đến Việt Nam để xem những kiến trúc có từ thời thuộc địa, những động thạch nhũ hay những đảo đá vôi và những vách đá phiến thạch trên biển. Nhưng ngày này, nhiều du khách lại đang hướng đến các phòng khám hay dịch vụ chăm sóc sức khỏe và làm đẹp của Việt Nam. Đó là một phần của ngành công nghiệp du lịch chăm sóc sức khỏe mới nhất của Châu Á.
Khách du lịch Trung Quốc thăm Hà Nội, hôm 1/12/2016. Ngày càng có nhiều khách nước ngoài tới Việt Nam du lịch kết hợp chăm sóc sức khỏe hoặc làm đẹp. (AP Photo/Tran Van Minh)
Các quan chức Việt Nam hy vọng tỉ lệ khách du lịch chăm sóc sức khỏe sẽ tăng lên trong tổng số du khách đến Việt Nam đã tăng lên gấp 3 lần trong khoảng thời gian từ năm 2010 đến 2018. Lãnh vực thu hút khách nhất là nha khoa và phẫu thuật thẩm mỹ.
Theo các nhà phân tích trong nước, sự ổn định chính trị của Việt Nam, chi phí chăm sóc sức khỏe vừa phải và chất lượng tương đối cao của một số loại dược phẩm đang thực sự thúc đẩy xu hướng mới phát triển này. Việt Nam đang trở thành một điểm thu hút du lịch chăm sóc khỏe ở Châu Á giống như Singapore, Thái Lan và Đài Loan, nhưng với mức phí cạnh tranh hơn.
"Tôi thấy du khách đang có xu hướng nhắm đến Việt Nam. Giá dịch vụ (y tế) ở đây rẻ hơn Thái Lan và chắc chắn là rẻ hơn Singapore", Mike Lynch, giám đốc điều hành của Công ty cổ phần Chứng khoán SSI tại Thành phố Hồ Chí Minh cho biết. "Nhóm lớn nhất là phẫu thuật thẩm mỹ. Có rất nhiều dịch vụ về chăm sóc thẩm mỹ đang phát triển tại đây".
Máy in tiền cho Việt Nam
Cho đến nay, hơn 80 USD0 người nước ngoài đã đến Việt Nam để "khám chữa bệnh và điều trị" y tế, theo trang tin Tuần báo Đầu tư Việt Nam. Các du khách này đã đóng góp hơn 1 tỷ USD vào nguồn thu của Việt Nam. Vẫn theo báo Đầu tư, ngành y tế Việt Nam tăng trưởng từ 18% đến 20% mỗi năm.
Công ty Tư vấn Kinh doanh Dezan Shira & Associates ước tính mức doanh thu 2 tỷ USD chỉ riêng trong năm 2017. "Việt Nam đang nổi lên như một nhân tố chủ chốt trong ngành du lịch chăm sóc sức khỏe của Đông Nam Á", theo nhận định của công ty tư vấn này.
Trần Quốc Bảo, giám đốc kế hoạch và tiếp thị của Bệnh viện Quốc tế City ở Thành phố Hồ Chí Minh, nói tại một hội nghị khu vực vào đầu năm nay rằng Việt Nam là một "trung tâm được ưa thích cho các dịch vụ chăm sóc y tế và sức khỏe", theo Tuần báo Đầu tư.
Du lịch chăm sóc sức khỏe ở Singapore và Thái Lan là ngành thu được nhiều lợi nhuận. Tổng cục Du lịch Thái Lan ước tính năm ngoái du lịch y tế thu được 26 tỷ baht (860 triệu USD), tăng 14% so với năm 2017, theo truyền thông Thái Lan. Doanh thu du lịch y tế của Singapore tăng trưởng với tốc độ 10% hàng năm trong năm 2017, đạt mức 1 tỷ đô la Singapore (737 triệu USD), theo tạp chí trực tuyến Chăm sóc Sức khỏe Châu Á.
Du lịch chăm sóc sức khỏe tạo ra ít nhất một phần ba doanh thu cho các bệnh viện tư nhân ở hầu hết các nước Đông Nam Á, và Châu Á Thái Bình Dương là thị trường du lịch y tế lớn nhất thế giới tính đến năm 2017, theo thống kê của Zion Market Research được trích dẫn trên trang tin tức du lịch TTG Asia.
Bùng nổ du lịch
Từ năm 2010 đến 2018, số lượng khách du lịch nước ngoài đến Việt Nam tăng từ 5 triệu lên hơn 15 triệu người.
Dữ liệu của Tổng cục Thống kê cho thấy hơn 2,8 triệu khách du lịch Trung Quốc đã đến Việt Nam từ tháng 1 đến tháng 7 năm nay và số lượng khách du lịch Hàn Quốc đã tăng 22%, lên hơn 2,4 triệu lượt, trong khoảng thời gian so với cùng kỳ năm 2018. Trung Quốc và Hàn Quốc là hai nguồn khách du lịch hàng đầu tới Việt Nam.
Ở những điểm nghỉ mát ven biển nơi những khách du lịch này thường xuyên đến như Phú Quốc và Đà Nẵng - các khu nghỉ dưỡng đã "tìm cách kết hợp cơ sở vật chất để đáp ứng hiệu quả hơn cho du lịch y tế", theo Công ty Tư vấn Kinh doanh Dezan Shira & Associates.
Nha khoa đang thu hút "các đoàn" du khách Úc trong khi phẫu thuật thẩm mỹ thu hút người Hàn Quốc, theo ông Ralf Matthaes, người sáng lập công ty nghiên cứu thị trường Infocus Mekong Research ở TP HCM, cho biết. Một số bác sỹ nha khoa học ở nước ngoài và đã trở về làm việc ở Việt Nam, ông Matthaes nói. Ông cho biết, trong số các bác sĩ phẫu thuật thẩm mỹ có người Hàn Quốc thường trú ở Việt Nam.
Chi phí nha khoa ở Việt Nam chỉ bằng một phần mười so với ở Bắc Mỹ và chất lượng của các bác sĩ đang dần được nâng cao, theo lời ông Lynch. Giám đốc điều hành của Công ty Cổ phần Chứng khoán SSI dự báo rằng các công ty dịch vụ y tế khu vực cuối cùng sẽ thành lập văn phòng tại Việt Nam nếu họ chưa có mặt ở đây.
Rủi ro và cơ hội
Singapore, Đài Loan và Thái Lan vẫn có danh tiếng tốt hơn về chăm sóc sức khỏe nói chung. Ví dụ, ở Thái Lan, người nước ngoài đến bệnh viện để kiểm tra tổng quát, xét nghiệm khối u, đo đường trong máu hay bất kỳ vấn đề gì về tim mạch.
Ông Matthaes, người đã sống ở Việt Nam 25 năm qua, cảnh báo về chất lượng chăm sóc sức khỏe tại bệnh viện của Việt Nam. Ông nói rằng trong một lần ông bị gãy chân, các bác sĩ đặt "phần cứng sai" vào, và rằng khi đi kiện về các sơ suất y khoa thì rất khó thắng.
"Tôi sẽ nói rằng không phải mọi thứ đều tốt, nhưng nếu nói đến nha khoa, và nếu nói đến phẫu thuật thẩm mỹ, thì đúng", ông nói.
Trả thêm tiền có thể giảm rủi ro và thêm sự thoải mái, và một hóa đơn thanh toán như vậy (ở Việt Nam) thường vẫn dưới mức những gì bệnh nhân sẽ phải trả ở một quốc gia phát triển hơn.
Nhà tư vấn năng lượng người Mỹ John Rockkeep, 67 tuổi, cho biết vợ ông ở lại bệnh viện (ở Việt Nam) trong bốn ngày để sinh con.
"Đối với tôi mọi thứ đã thực sự được cải thiện", ông Rockkeep, một cựu binh từng tham gia chiến tranh Việt Nam nói. "Chúng tôi đã sinh các con ở đây. Vợ tôi phải đẻ mổ và chúng tôi đã ở một trong những bệnh viện quốc tế. Tôi đã trả thêm tiền để có thể ở trong một phòng căn hộ. Mẹ chồng tôi có thể ở với cô ấy và cô ấy có thể đặt đồ ăn từ năm hoặc sáu nhà hàng khác nhau. Cô ấy đã ở đó trong bốn ngày và tôi trả một hóa đơn trị giá 1.200 USD".
Ralph Jennings
*****************
Việt Nam phản bác Moody’s hạ triển vọng tín nhiệm xuống mức ‘tiêu cực’ (VOA, 19/12/2019)
Việt Nam hôm 18/12 đã phản bác Moody’s, sau khi tổ chức xếp hạng tín nhiệm này hạ triển vọng của Việt Nam xuống mức "tiêu cực", kết thúc thời gian đưa hồ sơ tín dụng của Việt Nam vào diện theo dõi hạ bậc kể từ ngày 9/10.
Bộ Tài chính Việt Nam cho rằng quyết định của Moody’s "không xác đáng" và "chỉ dựa trên sự việc riêng lẻ đối với nghĩa vụ nợ dự phòng của chính phủ mà bỏ qua thành tựu toàn diện Việt Nam đã đạt được trong phát triển kinh tế - xã hội, cải thiện khả năng chống chọi với các cú sốc bên ngoài và nâng cao tính bền vững danh mục nợ công".
Bộ này cũng cho rằng tín hiệu của Moody’s đưa ra về việc tiếp tục theo dõi hồ sơ tín dụng với triển vọng tiêu cực của Việt Nam "không tương xứng với chỉ đạo hết sức quyết liệt và kịp thời" của chính phủ Việt Nam để "cải thiện công tác phối hợp hành chính trong việc thanh toán nghĩa vụ nợ dự phòng của chính phủ, đảm bảo không gây tổn thất cho bên cho vay".
Trước đó, tổ chức xếp hạng tín nhiệm cho rằng triển vọng tiêu cực "phản ánh rủi ro tiếp diễn về việc trì hoãn trả nghĩa vụ nợ gián tiếp của chính phủ" trong khi "thiếu vắng những giải pháp rõ ràng hơn để cải thiện sự phối hợp và tính minh bạch về việc quản lý nợ trong chính quyền".
Theo Moody’s, việc thanh toán nợ bị trì hoãn cho thấy việc "khá yếu kém" về "quản trị và thể chế" của Việt Nam, nhất là "sự thiếu hiệu quả về mặt hành chính".
Tổ chức này nhận định thêm rằng dù sức khỏe tài chính của các ngân hàng của Việt Nam trong những năm qua "đã được cải thiện", hệ thống ngân hàng vẫn là "nguồn gây ra rủi ro chính" cho Việt Nam.
Dù hạ triển vọng của Việt Nam xuống mức "tiêu cực", Moody’s giữ nguyên xếp hạng tín nhiệm của Việt Nam ở mức Ba3 vì "tiềm năng phát triển mạnh cũng như việc đa dạng hóa kinh tế, hỗ trợ cho khả năng chống đỡ các cú sốc của nền kinh tế, trong đó có việc suy giảm thương mại toàn cầu kéo dài".
******************
Việt Nam ‘chưa miễn dịch với các cú sốc bên ngoài’ (VOA, 19/12/2019)
Ngân hàng Thế giới (World Bank) mới lên tiếng cho rằng Việt Nam "vẫn chưa hoàn toàn miễn dịch với các cú sốc" ở bên ngoài lãnh thổ, dù "khẳng định khả năng chống chịu của nền kinh tế".
Tổ chức tài chính quốc tế này nói thêm rằng "các yếu tố căn bản của nền kinh tế Việt Nam vẫn vững vàng" và trong những năm tới, dự báo GDP của Việt Nam "tăng trưởng quanh mức 6,5%".
Tuy nhiên, theo World Bank, Việt Nam "vẫn chưa hoàn toàn miễn dịch với các cú sốc bên ngoài, với minh chứng là tăng trưởng xuất khẩu giảm từ 21% xuống còn 8% từ năm 2017 đến năm 2019".
"Tăng trưởng xuất khẩu còn giảm rõ rệt hơn nếu nhìn vào các thị trường xuất khẩu ngoài Mỹ, chỉ tăng được 3,6% trong 11 tháng đầu năm 2019. Đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) vào các cơ sở sản xuất kinh doanh mới cũng tăng chậm lại 30% so với hai năm trước đó, kể cả sau khi đã tính đến sự tăng trưởng trong đầu tư qua kênh mua bán sáp nhập", Ngân hàng Thế giới nói trong báo cáo có tên gọi "Điểm lại", công bố hôm 17/12.
Tổ chức này nói rằng trong năm 2019, Việt Nam đã đạt "những kết quả ấn tượng trong bối cảnh kinh tế toàn cầu đang chững lại" với "tốc độ tăng trưởng GDP ước đạt 6,8%, nợ công giảm gần 8 điểm % GDP so với năm 2016".
"Tăng trưởng GDP được duy trì nhờ vào khu vực kinh tế đối ngoại vững mạnh, với xuất khẩu dự kiến tăng 8% trong năm 2019 - cao hơn gần 4 lần so với bình quân trên thế giới. Việt Nam tiếp tục là điểm đến hấp dẫn của các nhà đầu tư nước ngoài, bình quân dòng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) cam kết gần 3 tỷ USD mỗi tháng", phúc trình của World Bank có đoạn.
"Bên cạnh đó, tiêu dùng cá nhân của các hộ gia đình là một yếu tố ngày càng quan trọng đóng góp cho tăng trưởng GDP, khi tầng lớp trung lưu đang lớn mạnh và mức lương tăng lên. Đầu tư của các doanh nghiệp ở khu vực tư nhân cũng tăng ở mức 17% so với cùng thời kỳ".
Ngân hàng Thế giới nói rằng trước những rủi ro bên ngoài nêu trên cũng như nhằm mang đến động lực tăng trưởng bổ sung cho nền kinh tế, Việt Nam "cần ưu tiên phát triển khu vực tư nhân vững mạnh và năng động".
Ông Ousmane Dione, Giám đốc Quốc gia Ngân hàng Thế giới tại Việt Nam, được dẫn lời nói trong một thông cáo rằng "xử lý những hạn chế về huy động tài chính cho doanh nghiệp cần nhận được sự quan tâm cao nhất của các nhà hoạch định chính sách nếu Việt Nam muốn tiếp tục quỹ đạo tăng trưởng nhanh và bao trùm hướng tới trở thành quốc gia thu nhập cao trong những thập kỷ tới".
*****************
Bị Mỹ đánh thuế thép, Việt Nam ‘cần thận trọng’ (VOA, 19/12/2019)
Việt Nam nên ý thức được rằng họ sẽ là bên chịu thiệt thòi nhiều nhất nếu để bị các nước khác lợi dụng để có hành vi gian lận thương mại với Mỹ, một nhà phân tích kinh tế nói với VOA sau khi Bộ Thương mại Mỹ ra thông báo mức tiền phạt lên đến hơn 456% đối với thép nhập khẩu từ Việt Nam.
Thép cuộn tại một nhà máy thép ở tiểu bang Ohio, Mỹ
Theo thông cáo được phát đi vào ngày 16/12, Bộ Thương mại Mỹ cho biết họ sẽ chỉ thị cho cơ quan Hải quan và Bảo vệ Biên giới Mỹ thu tiền ký quỹ (cash deposit) chống bán phá giá và chống trợ cấp đối với các sản phẩm thép chống ăn mòn và thép cán nguội nhập khẩu được sản xuất ở Việt Nam có sử dụng thép chất nền có xuất xứ từ Hàn Quốc và Đài Loan.
Bộ Thương mại Mỹ nói họ đã phát hiện một số sản phẩm thép chống ăn mòn và thép cán nguội sản xuất ở Việt Nam nhưng sử dụng thép chất nền của Hàn Quốc hoặc Đài Loan để né thuế chống bán phá giá và thuế chống trợ giá của Mỹ đối với thép nhập khẩu từ hai quốc gia này.
Các sản phẩm thép này được sản xuất chủ yếu ở các quốc gia vừa kể rồi sau đó được đưa sang Việt Nam chỉ để gia công lại rồi xuất khẩu sang Mỹ. Do đó, hàm lượng sản xuất ở Việt Nam trong sản phẩm cuối cùng không là bao, cũng theo Bộ Thương mại Mỹ.
Việt Nam đồng lõa ?
Trao đổi với VOA, Giáo sư-Tiến sỹ Khương Hữu Lộc, hiện giảng dạy cao học về quản trị kinh doanh tại Keller Graduate School of Management, nhận định rằng trong hồ sơ thép này ‘Việt Nam có đồng lõa’ để xuất thép gian lận sang Mỹ.
"Việt Nam biết rằng những sản phẩm thép đó đem qua Việt Nam được chế biến rất ít", ông giải thích. "Họ biết rõ ràng là không thể nào xuất cảng dưới danh nghĩa ‘made in Vietnam’".
Ông đề nghị rằng chính phủ Việt Nam nên tham khảo chặt chẽ những quy định của Bộ Thương mại Mỹ để xem hàm lượng sản phẩm sản xuất tại chỗ là bao nhiêu mới được xem là ‘made in Vietnam’ (tức là sản xuất tại Việt Nam).
"Để được định nghĩa là ‘made in Vietnam’ thì phải hầu hết hoặc phần chính phải làm ở Việt Nam, trong khi đó những loại thép này khi vào Việt Nam thì gần như trên 80, 90% đã xong rồi chỉ cần chế biến tí xíu nữa thôi", ông nói.
Khi được hỏi hàm lượng sản xuất nội địa là bao nhiêu thì mới được coi là sản xuất từ quốc gia đó, ông Lộc cho biết con số chung chung theo quy định của Bộ Thương mại Mỹ là ‘trên 60%’. Tuy nhiên còn tùy mặt hàng mà còn có sự linh động. Chẳng hạn như đối với chiếc quạt máy, phần motor là bộ phận chính nếu không được sản xuất nội địa thì không thể được gọi là ‘made in quốc gia đó’, ông nói.
Mặc dù Việt Nam chỉ hưởng được phần nhỏ giá trị trong những sản phẩm thép này xuất sang Mỹ (Đài Loan, Hàn Quốc là những nước được hưởng lợi nhiều nhất vì họ chiếm đến 80, 90% hàm lượng sản xuất) nhưng mức tiền phạt 456,2% này là ‘Việt Nam phải chịu hoàn toàn’, ông nói. Trong khi đó, Hàn Quốc và Đài Loan sau này cũng sẽ gặp khó khăn khi chuyển mặt hàng thép sang Mỹ.
"Ai là người bán cuối cùng thì phải chịu trách nhiệm", ông nói.
Ông Lộc cũng nhắc lại lời tố cáo của Tổng thống Mỹ Donald Trump hồi 6 tháng trước đây rằng ‘Việt Nam là nước lạm dụng thương mại tồi tệ, còn tệ hơn cả Trung Quốc’ để cảnh báo rằng ‘Việt Nam cần nâng cao cảnh giác’ vì ‘nếu không khéo sẽ bị Mỹ lôi vô vòng thuế quan (tức bị đánh thuế hàng xuất khẩu)’.
"Trong bối cảnh hưu chiến thương mại hiện nay giữa Mỹ và Trung Quốc thì có thể không căng thẳng như lúc trước nhưng Việt Nam vẫn cần cẩn trọng", ông nói "Phải biết rằng gian lận không có lợi. Nước mình phải trả giá rất lớn trong khi những kẻ hưởng lợi là những nước xuất cảng vào Việt Nam như Đài Loan, Hàn Quốc".
Về khả năng mức phạt này có làm ngưng luôn xuất khẩu thép của Hàn Quốc và Đài Loan sang Mỹ qua ngõ Việt Nam hay không, ông Lộc cho rằng điều đó ‘sẽ không xảy ra’ mà các nhà xuất khẩu sẽ bắt buộc phải gánh chịu tiền phạt này.
"Mỹ vẫn còn nhu cầu nhập cảng thép từ Hàn Quốc vì nước này sản xuất thép rất nhiều và là một trong năm quốc gia sản xuất thép hàng đầu thế giới", ông nói và cho biết nếu dừng luôn không xuất khẩu nữa thì các nhà máy của họ ‘sẽ bỏ không không biết làm gì’.
Thép rất quan trọng với Mỹ
Theo ông Lộc thì biện pháp này của Bộ Thương mại Mỹ là kết quả của sự vận động của các công ty thép của Mỹ ‘liên kết với nhau để thưa lên Bộ Thương mại’.
"Họ cáo buộc rằng trong vòng hai năm qua, những hãng Đài Loan, Hàn Quốc đã xuất cảng thép được trợ cấp hoặc bán phá giá vào Mỹ một cách vô độ", ông nói.
Diễn giải về số tiền ký quỹ 456,2% đối với các sản phẩm thép từ Việt Nam xuất cảng sang Mỹ, ông Lộc nói đó là kết quả của việc tính toán mức thất thoát thuế quan của Mỹ trong mấy năm liên tiếp cộng lại. Do đó, trước khi xuất khẩu thép sang Mỹ, các nhà xuất khẩu Việt Nam phải trả trước một số tiền và số tiền này được xem ‘là để thu lại số tiền đã bị trốn thuế trong hơn hai năm qua’.
Ông cho rằng con số 456,2% là ‘đã được tính toán kỹ, có tính đến ảnh hưởng đến ngành sản xuất thép của Mỹ bị bất lợi vì không bán được’.
Theo lời Giáo sư Lộc giải thích, kỹ nghệ thép là một ngành ‘rất quan trọng và có tầm ảnh hưởng lớn đến nền kinh tế Mỹ’ nên Mỹ phải tìm mọi cách để bảo vệ.
Trung bình mỗi năm ngành thép đóng góp vào nền kinh tế 143 tỷ đô la, tạo ra 900 USD0 công ăn việc làm, ông Lộc cho biết. Nhưng nếu tính đến ảnh hưởng dây chuyền đến các ngành khác trong nền kinh tế thì con số đó phải nhân lên gấp năm lần (tức 143 tỷ x 5), Tiến sĩ Lộc nói.
Mặc dù trong nước sản xuất thép nhiều như vậy nhưng vẫn không đủ nhu cầu của Mỹ và nước này ‘mỗi năm nhập khoảng 16 triệu tấn thép từ mấy chục quốc gia’, cũng theo lời ông Lộc, người từng làm việc với nhiều khách hàng là những công ty sản xuất thép lớn của Mỹ.
Điều này đã khiến Mỹ trở thành ‘nước nhập khẩu thép lớn nhất thế giới’, ông nói thêm.
Các hãng thép của Mỹ trước sức ép cạnh tranh từ thép ngoại nhập ‘cần chính quyền ra luật để bảo vệ họ trước tình trạng bán phá giá’.
Ông cho rằng sở dĩ thép Mỹ không thể cạnh trạnh nổi với thép nhập từ các nước khác là bởi vì chi phí sản xuất quá cao - do chi phí xử lý phát thải cao (các nhà máy thép xả khí CO2 ra ngoài môi trường rất nhiều) cộng thêm chi phí lao động, nhiên liệu đều rất đắt đỏ.
Ông Lộc đưa ra ví dụ các nhà máy thép của hãng Nucor Steel có chi phí xây dựng lên đến 1,3 tỷ đô la mỗi nhà máy. Trong khi đó thép nhập vào Mỹ thường được trợ giá từ các quốc gia nhập khẩu nên bán giá rẻ ở Mỹ.
"Các hãng thép ngoại quốc khi xâm nhập thị trường Mỹ, họ bán phá giá là để cho các hãng thép của Mỹ sập tiệm trước đã. Một khi đã sập tiệm rồi thị họ mới bắt đầu tăng giá", ông phân tích và cho đây là ‘chiêu chiếm lĩnh thị trường’.
Do đó, ông cho rằng giá thép nhập khẩu vào Mỹ thấp là ‘lý do nhân tạo’ vì được bán ‘dưới giá thành’. Do đó mà Mỹ áp thuế chống phá giá đối với thép của Hàn Quốc và Đài Loan.
Khi được hỏi nếu như cạnh tranh không được với thép ngoại nhập thì tại sao Mỹ không từ bỏ luôn ngành thép chỉ để tập trung vào nhập khẩu thôi, ông Lộc nói : "Ngành thép có ảnh hưởng dây chuyền đến nền kinh tế Mỹ với quy mô ảnh hưởng lên tới 600 tỷ đô la nên không thể từ bỏ được".
Mặt khác, ông cho biết, thép ngoại nhập ‘không tốt bằng thép Mỹ’.
Hơn nữa, các nhà máy thép đắt đỏ ‘một khi đã đóng cửa rồi thì coi như vứt luôn vì nó sẽ bị gỉ sét không thể mở cửa hoạt động trở lại’.
"Nếu sau này muốn khôi phục lại thì phải mở nhà máy thép mới, chi phí cũng phải từ trên 500 triệu cho đến cả tỷ đô là và phải mất nhiều năm xây dựng", ông nói thêm.
Theo số liệu của Bộ thương mại Mỹ, lượng thép chống ăn mòn từ Việt Nam đưa sang Mỹ tăng 4.353%, từ 23 triệu USD lên 1.100 tỷ USD, trong khi lượng thép cán nguội từ Việt Nam nhập vào Mỹ cũng tăng mạnh, với mức tăng 922%, từ 49 triệu USD lên 498 triệu USD. Các mức tăng này xảy ra trong khoảng thời gian từ 2012 đến năm nay.
Trước đây Mỹ từng ra phán quyết áp thuế tương tự đối với thép từ Việt Nam được cho là có nguồn gốc từ Trung Quốc. Phán quyết sơ bộ được đưa ra vào tháng 12 năm 2017 và chung cuộc vào tháng 5 năm 2018.
Bộ Thương mại Mỹ khi đó thu thuế chống bán phá giá gần 200% và thuế chống trợ cấp gần 260% đối với thép cuộn cán nguội sản xuất ở Việt Nam sử dụng thép chất nền xuất xứ từ Trung Quốc. Thép chống rỉ từ Việt Nam cũng đối mặt với thuế chống bán phá giá là gần 200% và thuế chống trợ cấp gần 40%.
Việt Nam chưa có phản hồi chính thức về thông cáo mới ban hành của Bộ Thương mại Mỹ.