Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Published in

Việt Nam

06/04/2017

Lao động chui, công chức hối lộ, biếu xe hơi

Tổng hợp

Báo động công nhân Việt làm "chui" ở Hàn Quốc (RFA, 06/04/2017)

Chính phủ Hàn Quốc báo cho chính phủ Việt Nam biết con số công nhân Việt không trở về mà nán lại để làm chui đang tăng cao đến mức báo động. Việt Nam cũng đã lên tiếng về thực trạng đáng tiếc này trong cuộc họp báo đầu tuần.

laodong1

Người lao động Việt Nam xếp hàng lên máy bay về nước tại sân bay Seoul Gimpo, Hàn Quốc hôm 1/8/1998. AFP photo

Tại cuộc họp báo hôm thứ Hai 3 tháng Tư, viên chức Bộ Lao Động Thương Binh và Xã Hội nói với báo chí rằng Hàn Quốc vừa công bố số liệu đáng báo động về công nhân Việt trốn ở lại để lao động bất hợp pháp tại xứ này.

Ông Đặng Sỹ Dũng, phó cục trưởng Cục Quản Lý Lao Động Ngoài Nước, cho biết tính đến hết tháng Mười Hai 2016 thì tỷ lệ lao động bất hợp pháp người Việt Nam ở Hàn Quốc đã vượt 39%. Nói một cách khác, trong tổng số 40.000 lao động Việt Nam đang làm việc tại Hàn Quốc thì trên 39% nán lại để làm chui chứ không trở về nước sau khi đã hết hợp đồng. Đây là cảnh báo mới nhất mà Nam Hàn gởi đến cho Việt Nam .

Ngay sau cảnh báo này, Việt Nam công bố con số 58 quận huyện bị tạm dừng tuyển dụng lao động đi Hàn Quốc trong năm 2017. Đây là những quận huyện có nhiều người đi Hàn Quốc làm việc với số người ở lại đã lên quá cao.

Thực trạng công nhân bất hợp pháp Việt Nam ở Hàn Quốc, ông Đặng Sĩ Dũng nói tiếp, là điều gây nhức nhối đau đầu không ít cho cơ quan hữu trách hai nước.

Không có ý định ở luôn

Ở lại Hàn Quốc vẫn có người mướn, vẫn kiếm được thêm tiền bù vào khoản nợ bỏ ra khi đi, còn về ngay thì chưa chắc đã có việc làm, là lý do khiến công nhân Việt cố nán lại Hàn Quốc sau khi đã hết hợp đồng :

Kiểu người ta hết hạn hợp đồng mà không muốn về chủ yếu là một vài năm cũng để được một số tiền, tiếp tục làm khi nào bị bắt thì về. Nghĩa là muốn kiếm tiền thêm một thời gian nữa thôi chứ không phải muốn ở lại Hàn vì Hàn tốt hơn Việt Nam đâu.

Đó là lời một chị công nhân đang làm việc ở Nam Hàn, không muốn tiết lộ tên. Về phần anh công nhân tên Thanh ở Nghệ An, nói rằng anh đi Hàn Quốc để tự xóa đói giảm nghèo cho mình và đã ở lại thêm 3 năm nữa để làm chui kiếm tiền trả nợ :

Giá cao vẫn thích đi, có người chỉ mất độ 50 triệu thôi nhưng có người mất đến ba bốn trăm triệu, chạy ngoài phức tạp lắm. Bọn tôi từng bị bắt và bị trục xuất về Việt Nam, nhưng mà họ theo nguyên tắc lắm chứ không đến nỗi đâu. Ví dụ họ bắt được thì họ gom đủ chuyến, đến đợt thì sẽ gởi về Việt Nam. Thậm chí có những người làm được 10 ngày, nửa tháng hoặc gần một tháng chưa lãnh được lương, công an còn dẫn vào tận nơi làm việc để lấy lương, sau đó mới đưa ra sân bay cho mua vé về nước.

Anh Đông, quê ở Thái Bình, xác nhận đa số lao động khi đã đến làm việc ở Hàn Quốc đều rủ nhau ở lại như trường hợp của anh :

Đa số là người ta ở lại để kiếm thêm tiền chứ không có mấy người tự giác về đúng hợp đồng. Em thì sau khi hết hợp đồng 3 năm thì trước kia mình đi mình mất rất nhiều tiền môi giới rồi dẫn dắt sang bên kia, mất 200.000.000 Đồng thì nó rất lớn nên hết 3 năm thì coi như là ai cũng có ý tưởng là thôi cứ ở lại thời gian ngắn nữa để làm thêm. Kiếm thêm thu nhập khi về Việt Nam mình đỡ vất vả. Đồng tiền nó lôi kéo theo cuộc sống của mình, cho nên là cứ như thế và cứ thế mãi.

Từ năm 2004 Việt Nam và Hàn Quốc khởi sự thực hiện thỏa thuận hợp tác xuất khẩu lao động, đưa hàng chục ngàn người’ phần lớn từ vùng nông thôn ,sang làm việc trong các hãng xưởng hoặc trên các công trường xây dụng bên Hàn Quốc.

Đến năm 2012, Hàn Quốc loan báo ngưng lại thỏa thuận hợp tác xuất khẩu lao động với Việt Nam do có quá nhiều người trốn ở lại , có nghĩa là trên 50% không trở về nước khi hết hợp đồng mà bỏ ra ngoài làm việc và trở thành công nhân bất hợp pháp. Sau những nỗ lực của Việt Nam khiến con số lao động không giấy tờ ở Hàn Quốc giảm xuống dưới mức 35%, Hàn Quốc đồng ý ký lại thỏa thuận với Việt Nam hồi tháng Năm năm 2016.

Nay với cảnh báo 16.000 lao động chui Việt Nam ở Hàn Quốc, phó cục trưởng Cục Quản Lý Lao Động Ngoài Nước Đặng Sỹ Dũng nói rằng nếu không tìm cách khắc phục vấn đề này thì nhiều khả năng năm 2018 Việt Nam phải nâng số quận huyện bị cấm đưa người đi Hàn Quốc lên cao hơn, chưa kể có thể phải đối mặt với chuyện bị Hàn Quốc ngưng ký thỏa thuận nhận lao động như hồi năm 2012.

Thanh Trúc, phóng viên RFA

***********************

54% dân tin xin việc phải hối lộ : Chuyện công chức giàu (Đất Việt, 06/04/2017)

Tâm lý vào nhà nước để được bổng lộc, để hưởng các đặc quyền, đặc lợi vẫn khá phổ biến và nặng nề đối với nhiều người ở Việt Nam.

Tình trạng đáng báo động

Chỉ số Hiệu quả Quản trị và Hành chính công cấp tỉnh ở Việt Nam năm 2016 (PAPI) vừa được công bố sáng 4/4/2017 đang gây xôn xao. Đây là công trình nghiên cứu được hợp tác thực hiện bởi Trung tâm Nghiên cứu Phát triển và Hỗ trợ Cộng đồng (Cecodes), Chương trình Phát triển Liên hiệp quốc (UNDP), với sự hỗ trợ của Trung tâm Nghiên cứu khoa học và Bồi dưỡng cán bộ Mặt trân Tổ quốc Việt Nam.

Các số liệu cho thấy, khoảng 54% số người dân được hỏi cho rằng, cần phải đưa hối lộ mới xin được việc làm trong khu vực nhà nước. Tỷ lệ này là cao hơn mức 51% của năm 2015 và 46% của năm 2011.

laodong2

Phó Giáo sư Tiến sĩ Đặng Ngọc Dinh lo ngại về 54% người dân phải hối lộ khi xin việc tại cơ quan nhà nước. Ảnh : Nguyễn Hoàn

Chia sẻ thêm với Đất Việt về vấn đề này, Phó Giáo sư Tiến sĩ Đặng Ngọc Dinh, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Phát triển và Hỗ trợ Cộng đồng cho biết, đây là khảo sát được thực hiện trên 63 tỉnh, thành phố với sự tham gia của trên 14.500 người và được lựa chọn ngẫu nhiên.

"Con số 54% trên là kết quả chia bình quân của tất cả các địa phương. Nhìn tổng thể, ở lĩnh vực hành chính công, tại các cột thủ tục hành chính, các chứng nhận, cấp giấy tờ, người dân đánh giá tương đối tốt và ổn định. Còn vấn đề quản trị liên quan tới 4 trục (sự tham gia của người dân, công khai minh bạch, trách nhiệm giải trình và kiểm soát tham nhũng) thì tương đối thấp và nhiều năm "dẫm chân tại chỗ".

Đặc biệt khảo sát xin vào vị trí công vụ tại trục "Kiểm soát tham nhũng" thu được những kết quả đáng báo động. Có những địa phương ở miền Trung hay Đồng bằng sông Cửu Long tỷ lệ phải đưa hối lộ mới xin được việc là khá thấp trong nhiều năm liền. Trong khi nhiều tỉnh, thành phía Bắc tỷ lệ này ở mức tương đối cao, có nơi trên 60%", ông Dinh nhấn mạnh.

Theo ông Dinh, PAPI không quá nhấn mạnh vào xếp hạng thứ tự các tỉnh, thành phố, mà mong muốn từng địa phương tự "soi" vào "tấm gương PAPI" để thấy mình đã được người dân đánh giá tốt ở mặt nào để phát huy, và cần hoàn thiện những nội dung nào còn yếu kém trong công tác điều hành. Các thống kê được xây dựng như một bộ công cụ phản ánh tiếng nói và nguyện vọng của người dân và kiểm toán xã hội.

"Con số trên có thể chưa chính xác tuyệt đối. Tuy nhiên có 2 vấn đề chúng ta cần phải nhìn nhận lại và xem đó là đáng quan ngại. Thứ nhất, tỷ lệ người dân phải đưa hối lộ mới xin được việc trong cơ quan nhà nước liên tục tăng trong thời gian qua. Thứ hai, con số 54% từ khảo sát cho thấy, ít nhất trong 2 người đi xin việc, đã có 1 người thuộc dạng thân quen, hối lộ. Điều này hết sức nguy hiểm, tạo ra sự bất bình đẳng trong cơ hội việc làm cũng như làm giảm hiệu quả của hệ thống công vụ", ông Dinh nhấn mạnh.

Áp dụng nền quản trị hiện đại

Theo nhận định của Phó Giáo sư Tiến sĩ Đặng Ngọc Dinh, những con số được PAPI công bố thời gian qua cho thấy xã hội công vụ của Việt Nam đang có vấn đề. Biểu hiện rõ rệt nhất là hiện tượng tiêu cực trong tuyển chọn công chức, viên chức tại các cơ quan nhà nước. Tâm lý vào nhà nước để được bổng lộc, để hưởng các đặc quyền, đặc lợi vẫn khá phổ biến và nặng nề với nhiều người ở Việt Nam.

"Có một câu hỏi nổi tiếng mà năm nào chúng tôi cũng đặt ra, đó là theo ông, bà nếu muốn vào làm các vị trí công vụ như : địa chính, văn phòng ủy ban, giáo viên tiểu học... thì phương án lót tay, thư từ giới thiệu, thân quen có quan trọng không ? Đến 80% câu trả lời khẳng định việc này rất quan trọng và quan trọng.

laodong3

Tình trạng hối lộ, đưa tiền để xin việc ở Việt Nam ngày càng tăng lên

PAPI nghiên cứu và đưa ra kết luận rằng, tham nhũng vặt, hối lộ dù giá trị vật chất không lớn nhưng trải dài trong nhiều năm ở tất cả các địa phương. Hiện tượng đó rất đáng quan ngại đối với các cấp quản lý vĩ mô và nó liên quan đến chất lượng của nền quản trị quốc giá ", ông Dinh dẫn chứng.

Phó Giáo sư Tiến sĩ Đặng Ngọc Dinh kể lại một kết luận được các nhà nghiên cứu quốc tế đưa ra sau nhiều năm làm khảo sát tại Việt Nam.

Ông chia sẻ : "Khi tôi tiến hành nghiên cứu với một vài chuyên gia quốc tế, họ có một phát hiện rất hay. Đó là ở Việt Nam vào cơ quan nhà nước, làm "quan chức" không phải là để hoạt động chính trị mà để làm giàu. Đối với các nước có nền kinh tế thị trường đích thực, muốn có thu nhập cao có nhiều cách thức, phổ biến là bằng kinh doanh, dịch vụ, còn làm công chức chủ yếu là mong muốn cống hiến cho xã hội, thỏa nguyện vọng hoạt động chính trị của bản thân, tất nhiên lương bổng, đãi hộ rất thỏa đáng.

Với nền kinh tế bao cấp của Việt Nam trước đây người ta vẫn thi nhau vào công chức để được những chế độ tốt hơn về "tem phiếu". Đến thời điểm này tại sao người ta vẫn vào ? Đơn giản là vì còn tồn tại nhiều "di sản" của cơ chế "xin – cho" thể hiện qua hiện tượng tham nhũng vặt "hối lộ", "chạy chọt". Họ chui vào để lấy tài sản. Tham nhũng này không chỉ lấy trực tiếp của dân mà lấy, lớn hơn nhiều từ các dự án, các công trình quốc gia,... Rất đáng lo, vì đây đã là một hiện tượng trở thành tập quán phổ biến".

Đối chiếu với các quốc gia khác trên thế giới, Phó Giáo sư Tiến sĩ Đặng Ngọc Dinh thừa nhận, tình trạng tiêu cực vẫn tồn tại ở một số nước nhưng tỷ lệ rất thấp. Hiện tượng người đứng đầu, người có uy tín chuyên môn có thể giới thiệu người để tuyển chọn vào làm việc tại các tổ chức, nhưng họ chịu trách nhiệm về việc làm của mình, lấy mục tiêu là chất lượng của công việc, phải tuân thủ trong hệ thống tuyển chọn minh bạch.

Quan trọng hơn, cán bộ công chức tại các quốc gia này không vào nhà nước "để làm giàu" mà cống hiến thật sự, qua hiệu quả cống hiến, thu nhập sẽ gia tăng", ông Dinh nói.

Một vấn đề khác được vị chuyên gia nhắc đến, đó là các cơ quan công quyền ở Việt Nam đều nói nhiều đến việc chống tiêu cực tuy nhiên tình trạng trên vẫn tồn tại nhiều năm qua.

Ông Dinh cho rằng, việc này giống như câu chuyện kiểm soát ô nhiễm. Chúng ta ra sức hô hào làm sạch môi trường, thậm chí tốn rất nhiều công sức, nhưng vấn đề quan trọng nhất là phải có một hệ thống công nghệ sạch, hiện đại, ít thải ô nhiểm ra môi trường để kiểm soát ô nhiễm, thì vẫn còn thiếu.

"Tương tự như vấn đề ô nhiễm môi trường, để kiểm soát được tham nhũng, song song với những giải pháp phòng chống hiện tại, chúng ta phải áp dụng, tạo lập được một nền quản trị hiện đại, coi người dân là đối tượng khách hàng, người sử dụng để phục vụ. Dân có quyền để đánh giá, giám sát các cơ quan nhà nước. Trong nền quản trị hiện đại, phiếu bầu của người dân thực chất sẽ quyết định các vị trí của các cấp quản lý, lãnh đạo.

Chúng ta phải thay đổi tư duy theo hướng xây dựng một nền quản trị hiện đại để tìm ra được người tài thật sự. Yếu tố đầu tiên và bắt buộc là phải công khai, minh bạch. Chúng ta không nên quá quan tâm đến bằng cấp, mà phải chú trọng đến tài năng thực sự để tuyển lựa", ông Dinh nhấn mạnh.

Nguyễn Hoàn

***********************

Tại sao doanh nghiệp chỉ biếu xe hơi ? (Đất Việt, 06/04/2017)

Câu hỏi này được đại biểu Quốc hội nêu ra khi thảo luận dự án Luật Quản lý, sử dụng tài sản công ngày 4/4.

Tại buổi thảo luận, vấn đề quản lý, sử dụng tài sản cho, biếu, tặng là vấn đề mới được đặt ra và được quan tâm bàn thảo nhiều.

Cơ quan thẩm tra dự án luật (Uỷ ban Tài chính - Ngân sách của Quốc hội) cho rằng cần luật hoá việc tiếp nhận và sử dụng tài sản cho, biếu tặng tại dự thảo luật này. Vì vừa qua một số cơ quan, đơn vị sử dụng các tài sản cho, biếu, tặng (ôtô) không đúng tiêu chuẩn, định mức được quy định. Dẫn đến việc một số cơ quan, địa phương phải trả lại các phương tiện này cho các tổ chức, cá nhân cho, biếu, tặng.

Đại biểu Nguyễn Thanh Xuân (Cần Thơ) nêu câu hỏi : "Tại sao doanh nghiệp chỉ biếu xe hơi ? Trong khi đó còn nhiều thứ rất cần cho an sinh xã hội như cầu, đường, nhà tình nghĩa"...?

laodong4

Thành phố Đà Nẵng quyết định trả lại xe sang do doanh nghiệp tăng. Ảnh : Zing

Ủy viên thường trực Ủy ban Về các vấn đề xã hội của Quốc hội Lưu Bình Nhưỡng cho rằng ranh giới giữa công và tư trong việc nhận quà biếu rất mong manh và dễ bị lạm dụng, do đó phải quy định rất chặt chẽ.

"Việc nhận quà của doanh nghiệp đúng là có nhiều vấn đề đáng bàn, ví dụ trên cùng một địa bàn mà doanh nghiệp này tặng quà, doanh nghiệp khác không tặng quà có thể dẫn đến bất bình đẳng trong đối xử", ông Nhưỡng phân tích.

Ông cũng cho rằng nếu tặng, biếu để thực hiện từ thiện, giúp hỗ trợ an sinh xã hội thì hoan nghênh.

Một số vị đại biểu cho rằng không nên từ chối nếu doanh nghiệp có lòng tốt, chỉ nên tránh sự lợi dụng vì động cơ không tốt.

Theo Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng, việc nhận ôtô biếu tặng là nổi cộm nhất thời gian qua, còn nhận để triển khai nhiệm vụ an sinh xã hội thì rất bình thường.

Bộ trưởng cho biết sẽ tiếp thu ý kiến đại biểu Quốc hội và sẽ bám sát tiêu chuẩn chế độ để triển khai thực hiện quản lý tài sản cho, biếu tặng.

"Quan trọng nhất là sử dụng đúng tiêu chuẩn định mức, ôtô người ta tặng có thể có giá trị 3 tỷ, nhưng tiêu chuẩn anh chỉ được sử dụng xe 1 tỷ, thì anh không được sử dụng cái xe biếu đó... Anh cứ làm đúng thì không ai nói cả", Phó chủ tịch Phùng Quốc Hiển bình luận.

Ông Hiển cũng lưu ý khi tài sản cho, biếu, tặng đã trở thành tài sản Nhà nước thì trả lại theo cách bình thường là không hẳn đúng, mà phải theo quy đinh pháp luật như đấu giá hay điều chuyển...

Minh Thái (tổng hợp)

Quay lại trang chủ
Read 722 times

Viết bình luận

Phải xác tín nội dung bài viết đáp ứng tất cả những yêu cầu của thông tin được đánh dấu bằng ký hiệu (*)