Xoa dịu đe dọa áp thuế, Việt Nam mua 3 tỷ USD nông sản Mỹ (VOA, VOA, 06/03/2020)
Việt Nam vừa ký cam kết mua 3 tỷ đô la hàng hoá nông sản của Mỹ trong vòng 2 - 3 năm tới. Đây được xem là một phần trong chiến dịch nhằm "xoa dịu" sự phẫn nộ và mối đe doạ áp thuế của chính quyền Trump lên hàng nhập khẩu từ Việt Nam vì thặng dư thương mại với Hoa Kỳ, theo nhận định của Bloomberg.
Mua nông sản của bang Nebraska là một phần trong kế hoạch nhằm cân bằng cán cân thương mại của Việt Nam với Hoa Kỳ.
Theo đó, các doanh nghiệp Việt Nam đã ký 18 biên bản ghi nhớ với 4 hiệp hội ngành hàng của bang Nebraska để mua hơn 3 triệu tấn lúa mì, lúa mạch, 100.000 con bò sống, thức ăn chăn nuôi, hoa quả, ngô và đậu nành.
Truyền thông Việt Nam cho hay việc ký kết đã diễn ra cùng với các hoạt động tại Mỹ của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Việt Nam, theo chỉ đạo của Thủ tướng chính phủ về "thực hiện kế hoạch hành động tiến tới cán cân thương mại hài hoà và bền vững Việt - Mỹ".
Trong khi đó, tờ Bloomberg cho rằng các lãnh đạo Việt Nam đang làm "tất cả những gì có thể để tránh chung số phận với Trung Quốc" sau khi Tổng thống Hoa Kỳ Donald Trump vào giữa năm ngoái đe doạ rằng ông muốn đánh thuế lên Việt Nam vì quốc gia Đông Nam Á này "gần như là nước lạm dụng tồi tệ nhất".
Ngoài cam kết mua nông sản, phái đoàn của Việt Nam dịp này còn làm việc với giới hữu trách và các cơ quan quản lý Mỹ "nhằm tháo gỡ hàng loạt vướng mắc về xuất nhập khẩu thương mại nông sản giữa hai nước", truyền thông Việt Nam đưa tin.
Con số gần 20 doanh nghiệp Việt Nam tới Mỹ lần này chiếm hơn 60% tổng kim ngạch nhập khẩu ngũ cốc và nguyên liệu thức ăn gia súc của Việt Nam.
Năm ngoái, xuất khẩu của Việt Nam sang Mỹ đạt 61,3 tỷ USD, nới rộng mức thặng dư thương mại từ 34,8 tỷ USD năm 2018 lên 47 tỷ USD, theo số liệu từ hải quan Việt Nam.
Trong khi đó, số liệu từ phía Mỹ cho thấy thâm hụt thương mại với Việt Nam năm 2018 là 39,5 tỷ USD và năm 2019 là 55,8 tỷ USD.
Trong cuộc phỏng vấn với Bloomberg vào năm ngoái, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc hứa rằng Việt Nam sẽ mua thêm các sản phẩm của Hoa Kỳ, chẳng hạn như máy bay của Công ty Boeing.
Vào tháng 8, lần đầu tiên Việt Nam cho biết đang đàm phán để mua than của Hoa Kỳ.
Hiện Hà Nội cũng đang nỗ lực trấn áp tình trạng hàng hóa Trung Quốc mang nhãn Việt Nam để né thuế quan của Mỹ, sau khi một số sản phẩm như thép nhập khẩu từ Việt Nam bị Mỹ đánh thuế nặng vì là hàng gốc Trung Quốc.
Ngân hàng trung ương và chính phủ Việt Nam cũng cam kết sẽ giải quyết những lo ngại của phía Mỹ về chính sách tiền tệ và thặng dư thương mại của Việt Nam với Hoa Kỳ, sau khi Bộ Tài chính Mỹ bổ sung Việt Nam vào danh sách theo dõi các quốc gia bị theo dõi về khả năng thao túng tiền tệ.
*******************
Bị Mỹ giữ tàu hàng, Triểu Tiên mua lại tàu của Việt Nam thay thế (VOA, 06/03/2020)
Hồi năm ngoái, khi nắm được quyền kiểm soát của một trong những tàu chở hàng lớn nhất của Bắc Triều tiên, chính phủ Mỹ nói rằng mất mát lớn này sẽ gây gián đoạn đáng kể cho khả năng của Bình Nhưỡng thách thức cấm vận và tiếp tục xuất khẩu các mặt hàng như than, món hàng mang về nhiều lợi lộc nhất cho Triều tiên.
Chiếc tàu Vinalines Fortuna có trọng tải 16.000 tấn được Tổng Công ty Hàng hải Việt Nam (Vinalines) bán cho Bắc Triều Tiên với tên gọi mosei là Tae Pyong, có nghĩa là "hòa bình"
Triều tiên giờ đã sắm một chiếc tàu khác để thay thế. Chiếc tàu có trọng tải 16.000-tấn của Vinalines Fortuna đã được Tổng Công ty Hàng hải Việt Nam (Vinalines) bán vì lý do khó khăn tài chính vào giữa 2018. Con tàu này nay được gọi là Tae Pyong, có nghĩa là "hòa bình", và đang hoạt động dưới lá cờ Triều tiên từ ít nhất là tháng Giêng năm nay, khi con tàu phát tín hiệu nhận dạng gần cảng Nampo ở bên bờ tây của Bắc Triều Tiên.
Chiếc tàu này đã bị nêu tên trong một phúc trình mới về các hoạt động hàng hải năng động của Triều tiên, bất chấp nỗ lực của Mỹ và đồng minh trong hai năm qua nhằm bóp nghẹt huyết mạch kinh tế của Triều tiên. Các cố gắng quốc tế nhằm tăng áp lực đối với lãnh tụ Kim Jong-un đã gặp phải bế tắc trong những tháng gần đây, khi cả Trung Quốc lẫn Nga đều hối thúc việc nới lỏng cấm vận, với lập luận rằng các nạn nhân phải hứng chịu hậu quả nặng nề nhất của các biện pháp cấm vận là người dân thường.
Các nhà phân tích của Viện nghiên cứu Royal United Services, một think-tank của Anh, đã dùng tín hiệu vô tuyến của tàu và hình ảnh vệ tinh để xác định rằng kể từ tháng 10 năm ngoái, các tàu chở hàng do Triều tiên kiểm soát đã thực hiện ít nhất là 175 chuyến hải hành đến Chu San, thành phố ven biển của Trung Quốc gần Thượng Hải.
Trong số đó, nhiều tàu vận chuyển than, món hàng mang về nhiều lợi nhất cho Bắc Triều tiên. Một số lô hàng đã được giao trong những tuần gần đây, cho thấy là dù cho Bắc Triều tiên siết chặt biên giới trên bộ với Trung Quốc và cắt hầu hết thương mại để tự bảo vệ chống lại dịch viêm phổi cấp chủng mới Covid-19, Triều Tiên vẫn tiếp tục xuất sản phẩm sang Trung Quốc bằng đường biển.
Triều tiên bị cấm xuất khẩu than, thép hoặc chì. Bằng cách ngăn Triều Tiên, không cho xuất khẩu hàng hoá, Hoa Kỳ và các đồng minh đã tìm cách áp lực Kim Jong-un chấp nhận thương lượng để chấm dứt chương trình vũ khí hạt nhân của nước ông. Bình Nhưỡng vẫn giữ thái độ thách thức. Hôm thứ hai tuần này, Triều tiên thực hiện cuộc thử nghiệm tên lửa đầu tiên của họ trong năm 2020.
Trung Quốc phủ nhận Bắc Kinh đã tạo điều kiện cho phép Triều tiên vi phạm các lệnh trừng phạt quốc tế. Bộ Ngoại giao Trung Quốc không đáp ứng yêu cầu bình luận của WSJ cho bài viết này. Các cuộc gọi đến văn phòng đại diện Bắc Triều tiên tại Liên Hiệp Quốc cũng không được trả lời. WSJ cho biết thêm rằng WSJ đã gọi tới Tổng Công ty Hàng Hải Việt Nam để hỏi về vụ bán tàu cho Triều tiên, nhưng cũng không được đáp ứng.