Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Published in

Việt Nam

08/03/2020

Cần tuân thủ luật mới xử lý dứt điểm được việc sử dụng đất quốc phòng sai quy định !

RFA tiếng Việt

Sử dụng sai mục đích

Báo trong nước vào ngày 6/3 loan tin cho biết Bộ Quốc phòng vừa gửi văn bản cho các đơn vị trực thuộc yêu cầu triển khai Chỉ thị 32 của Thủ tướng Chính phủ ban hành ngày 10/12/2019. Chỉ thị 32 có nội dung về việc đẩy mạnh triển khai thi hành luật Quản lý sử dụng tài sản công và các văn bản liên quan.

luat1

Cổng vào sân golf Tân Sơn Nhất. Courtesy Thanh Niên

Trong văn bản Bộ Quốc phòng gửi ra có giao nhiệm vụ cho Bộ Tổng tham mưu chỉ đạo toàn quân thực hiện nghiêm túc, hiệu quả quy định pháp luật về quản lý, sử dụng, xử lý tài sản công được giao theo quy định của pháp luật. Đặc biệt, cần phải xử lý dứt điểm tình trạng sử dụng đất quốc phòng không đúng quy định như cho thuê, cho mượn, bố trí nhà ở, đất ở… sai mục đích.

Trao đổi với RFA vào tối ngày 6/3, Giáo sư Đặng Hùng Võ, nguyên Thứ trưởng Bộ Tài nguyên – Môi trường nói rõ Luật Đất đai 2003 đã có định nghĩa rất rõ đất quốc phòng và cách sử dụng đất quốc phòng :

"Theo đúng pháp luật đất đai của Việt Nam được quy định đất được gọi là đất quốc phòng bao gồm những đất phục vụ trực tiếp cho mục đích quốc phòng ví dụ như nơi đóng quân, trụ sở các đơn vị thuộc lực lượng vũ trang, nơi huấn luyện, trường bắn… Còn lại nếu sử dụng cho mục đích khác phải chuyển giao đất đó cho địa phương quản lý, đơn vị sử dụng vẫn có thể là đơn vị quân đội. Ngoài ra lực lượng vũ trang của quân đội hiện nay vẫn đang nắm giữ khá nhiều đất sản xuất kinh doanh. Hoặc một số đơn vị sử dụng cho thuê để kinh doanh dịch vụ chẳng hạn, đấy cũng bị gọi là sai".

Giáo sư Đặng Hùng Võ đưa ra một ví dụ cụ thể về sự nhập nhằng trong quản lý đất và sử dụng đất quốc phòng là sân golf tại Sân bay Tân Sơn Nhất. Ông nói rõ :

"Đấy là đất không thuộc phạm vi đất quốc phòng nhưng hiện nay vẫn do các đơn vị lực lượng vũ trang quản lý, sử dụng và theo pháp luật thì đất đó phải chuyển giao cho địa phương quản lý. Đấy được coi là chưa thực hiện đúng quy định pháp luật về đất đai của Việt Nam hiện nay".

Trong khi đó, căng thẳng tranh chấp đất đai quốc phòng được đẩy lên cao trào nhất phải kể đến sự việc xảy ra tại Đồng Tâm vào đầu tháng 1 vừa qua.

Người dân trong cuộc thì nói họ có đầy đủ giấy tờ chứng minh 59 héc ta đất Đồng Sênh là đất nông nghiệp. Họ mong được cơ quan chức năng đối thoại giải quyết thấu tình, đạt lý trong vụ tranh chấp đất đai này.

Phía Quân đội cho rằng người dân Đồng Tâm chống đối việc xây dựng tại đất quốc phòng Sân bay Miếu Môn. Do đó lực lượng chức năng huy động hơn 3.000 quân vào rạng sáng ngày 9/1 đến tấn công vào thôn Hoành, Xã Đồng Tâm với mục tiêu được nói là để tiêu diệt các phần tử phản động.

luat2

Hình minh họa. Cảnh sát cơ động ở Đồng Tâm hôm 9/1/2020 và cụ Lê Đình Kinh (hình phải) Courtesy of FB, edited by RFA

Hệ quả cuộc tấn công khiến cụ Lê Đình Kình, vị thủ lĩnh tinh thần của dân Đồng Tâm bị bắn chết, 3 chiến sĩ công an thiệt mạng, 27 người dân đang bị bắt giam.

Trước thực trạng này, Luật sư Đặng Đình Mạnh từ Sài Gòn đưa ra nhận định :

"Rõ ràng là sự không minh bạch, nhập nhằng giữa dân sự và quân sự gây ra sự tranh chấp, dẫn đến việc xảy ra sự bạo sát người dân mà ngay cả 3 chiến sĩ công an bị mất, còn phía dân bị mất một người lãnh đạo tinh thần. Lẽ ra sự minh bạch có ngay từ đầu sẽ không có việc này. Sự nhập nhằng, khuất tất là nguyên nhân xảy ra câu chuyện".

Một người dân không muốn nêu tên ở Đồng Tâm có người nhà đang bị chính quyền giam giữ khẳng định lại họ không lấn chiếm mà chỉ kiên quyết yêu cầu giải quyết thỏa đáng về khu đất nông nghiệp mà họ canh tác từ trước :

"Đất chúng tôi canh tác bao đời nay bây giờ người ta lấy, lấn chiếm. Đất cánh đồng Sênh có nhiều hang sân bay ngày xưa, hang núi người ta đào xuyên qua cả Trung Quốc. Nếu dân không giữ nay mai Trung Quốc nhảy vào thì chỉ thiệt cho dân, dân phải cố giữ lấy đất, không muốn bị mất đất".

Hướng giải quyết

Theo quan sát từ góc độ kinh tế, Tiến sĩ Nguyễn Trí Hiếu cho rằng đất quốc phòng đóng vai trò rất quan trọng ; đặc biệt Bộ Quốc phòng quản lý những vùng đất đai và địa điểm mang tính chiến lược về mặt quân sự và cả kinh tế.

Vì thế, Giáo sư Đặng Hùng Võ gợi ra phương hướng giải quyết những sai phạm trong đất quốc phòng bằng cách cương quyết thanh tra đất quốc phòng và gửi báo cáo cho Bộ Quốc phòng rồi trình Thủ tướng Chính phủ. Tuy nhiên, Giáo sư Võ cho rằng đây không phải là điều dễ dàng :

"Bởi vì vào các đơn vị quốc phòng thường phải đảm báo bí mật, khó khăn, lực lượng thanh tra bình thường vào cũng khó. Lực lượng thanh tra của quân đội phải làm trực tiếp việc này, kiểm soát tất cả cơ sở bên dưới đang sử dụng đất quốc phòng xem đang sử dụng mục đích gì, tình trạng ra sao. Giống cuộc thnah tra, kiểm tra đất đai nhưng thuộc lực lượng vũ trang".

Với kinh nghiệm làm luật lâu năm, Luật sư Đặng Đình Mạnh cho rằng việc Bộ Quốc phòng kiên quyết xử lý sai phạm đất công là việc hết sức cần thiết và cần phải triển khai từ lâu. Luật sư Mạnh cho biết do luật pháp Việt Nam đang trong quá trình xây dựng nên chưa hoàn hảo, cần thêm thời gian. Mặc dù vậy, ông cho rằng các bộ ngành liên quan nên gương mẫu hơn nữa trong việc tuân thủ luật pháp :

"Theo tôi tìm hiểu, đến thời điểm này đã có khá nhiều quy định quản lý đất quốc phòng khó tiến bộ, vấn đề là không được thực thi một cách đầy đủ. Việc này cả hai phía, phía chính quyền dân sự chắc chắn có sự kiêng dè, nể và không xử lý kiên quyết, bên phía quốc phòng rõ ràng không có sự gương mẫu cần thiết để thực hiện những quy định pháp luật vốn có. Trong bối cảnh hiện nay tôi nghĩ một mặt cần chờ sửa đổi những quy định pháp luật cho tốt hơn, mặt khác là đối với những quy định pháp luật đang có, các bên liên quan phải tôn trọng nó".

Vẫn theo Luật sư Đặng Đình Mạnh, theo nguyên tắc xây dựng nhà nước pháp quyền, tất cả mọi hành xử đều phải dựa trên cơ sở pháp luật. Cho dù có nguồn gốc là quốc phòng hay gì chăng nữa vẫn phải thực thi những điều luật định.

Quay lại trang chủ

Additional Info

  • Author: RFA tiếng Việt
Read 537 times

Viết bình luận

Phải xác tín nội dung bài viết đáp ứng tất cả những yêu cầu của thông tin được đánh dấu bằng ký hiệu (*)