Quảng Ngãi : Cảnh sát cơ động bắt giữ hàng chục người dân giữa dịch Covid-19 (RFA, 16/03/2020)
Hôm 13/3/2020, hàng trăm cảnh sát cơ động được trang bị khiên chắn, dùi cui, chó nghiệp vụ tiến vào thôn La Vân, xã Phổ Thạnh, huyện Đức Phổ, tỉnh Quảng Ngãi để giải tán người dân đang án ngữ ở bãi rác ngăn cản không cho xe rác vào đổ. Người dân địa phương cho Đài Á Châu Tự Do biết thông tin này qua điện thoại hôm 16/3.
Ảnh chụp màn hình : Cảnh sát cơ động vây bắt người dân phản đối việc tập trung rác ở địa phương thôn La Vân, xã Phổ Thạnh, huyện Đức Phổ, tỉnh Quảng Ngãi hôm 13/3/2020 - Courtesy of FB
Các đoạn clip phát trực tiếp vào sáng 13/3 cho thấy xô xát giữa cơ quan chức năng và người dân. Người dân địa phương cho Đài Á Châu Tự Do biết có khoảng 20 người đã bị bắt giữ, một số người đã được thả ra sau đó. Tuy nhiên, người dân không cho biết cụ thể còn bao nhiêu người vẫn đang bị tạm giữ.
Một người dân địa phương thuật lại vụ việc với phóng viên vào chiều 16/3 như sau :
"Trước đó vào ngày 8/3, người ta đã cho lực lượng vô như vậy rồi.
Trước ngày 13/3 có hai ngày, họ cho lực lượng vào thì đơn giản là người dân nói là không có văn bản giấy tờ gì hết, kêu là tại sao nhà máy chở cái gì lên nhưng mà không nói rõ là là đã chở cái gì.
Trong khi người dân đã đưa đơn ra Trung ương rồi và đang đợi Trung ương giải quyết.
Vấn đề đó đang tranh chấp mà nhưng mà người ta vẫn đưa vào, những lần trước thì không có ẩu đả gì, người dân chỉ đứng đó để quan sát tại sao chở đồ lên như vậy thôi ngày 13 thì như vậy".
Phóng viên gọi cho số điện thoại của Ủy ban nhân dân huyện Đức Phổ thì một cán bộ bắt máy, cho biết không biết vụ việc này và đề nghị lên trực tiếp ủy ban để làm việc chứ không làm việc qua điện thoại.
Theo người dân, vụ việc bắt đầu vào năm 2018 khi nhà máy xử lý rác thải MD hoạt động xả khói, xả thải trực tiếp ra đồng ruộng gây ô nhiễm môi trường và vị trí của nhà máy chỉ cách khu dân cư 500 mét.
Vì vậy người dân đã thiết lập rào chắn ngăn chặn các xe rác tiếp tục đem rác thải đến đổ ở đây từ đó cho đến nay.
Trong buổi đối thoại của chính quyền với người dân xã Phổ Thạnh hồi tháng 9/2019, Bí thư Tỉnh ủy Quảng Ngãi Lê Viết Chữ cho biết, những cán bộ liên quan đến sai phạm ở nhà máy xử lý rác thải MD đã bị kỷ luật.
Đồng thời ông Chữ gửi lời xin lỗi đến người dân. Khẳng định không có chuyện chở rác thải ở địa phương khác về nhà máy rác thải MD để xử lý như tin đồn, theo mạng báo Tuổi trẻ loan tin.
Tuy nhiên người dân không đồng ý cho nhà máy hoạt động lại để xử lý 22.500 mét khối rác thải còn tồn đọng và di dời nhà máy vào năm 2020 mà yêu cầu phải di dời ngay lập tức.
Một số ý kiến khác đồng ý với phương án này nhưng đề nghị phải có sự giám sát chặt chẽ của người dân.
Mới đây, ngày 16/3 năm 2020, báo Tài Nguyên Môi trường cho hay UBND tỉnh Quảng Ngãi đã có văn bản chấp thuận phương án xử lý 22.500 m3 rác thải tồn đọng tại bãi chôn lấp thôn La Vân theo đề xuất của Sở Tài nguyên và môi trường.
Theo đó, phương án do cơ quan này đề xuất là, việc xử lý 22,500 m3 rác thải tồn đọng tại bãi chôn lấp thôn La Vân sẽ được tiến hành tại chỗ theo quy trình xử lý 5 bước trong vòng 20 tháng.
Với phương án này, lượng rác tồn đọng tại thôn La Vân (xã Phổ Thạnh, huyện Đức Phổ) không chuyển đi nơi khác để xử lý vì sẽ gây ảnh hưởng đến môi trường trong quá trình bốc dỡ, vận chuyển.
Sở Tài nguyên và môi trường Quảng Ngãi cũng đề xuất thiết lập 1 trạm quan trắc môi trường tại Nhà máy xử lý chất thải rắn sinh hoạt huyện Đức Phổ ; thuê đơn vị có chức năng đảm bảo năng lực, thiết bị để tổ chức đo đạc, lấy mẫu ; thành lập tổ giám sát cộng đồng, gồm đại diện UBND huyện Đức Phổ, Đảng ủy, UBND xã Phổ Thạnh, các tổ chức đoàn thể của địa phương và đại diện người dân.
Tuy nhiên, nhiều người dân ở làng chài Sa Huỳnh, thôn La Vân đến đây vẫn hoài nghi về biện pháp xử lý của chính quyền.
****************
Lâm Đồng đình chỉ dự án xâm hại di tích quốc gia, phá rừng phòng hộ (RFA, 16/03/2020)
Ủy ban nhân dân tỉnh Lâm Đồng vào ngày 15/3 đã đình chỉ thi công dự án Khu điều dưỡng, nghỉ dưỡng và an dưỡng cao cấp Hồng Đức vì chủ đầu đã đốn hạ gần 3.000 m2 rừng phòng hộ trong quá trình xây dựng và có đến 17/18 công trình sai nội dung giấy phép và bản vẽ thiết kế.
Dự án Khu điều dưỡng, nghỉ dưỡng và an dưỡng Hồng Đức - Nguồn : Báo Mới
Báo trong nước loan tin ngày 16/3, trích nội dung văn bản Ủy ban tỉnh Lâm Đồng.
Dự án khu nghỉ dưỡng cao cấp Hồng Đức do Công ty trách nhiệm hữu hạn Bệnh viện đa khoa Hồng Đức làm chủ đầu tư. Dự án nằm tại Khu du lịch và di tích quốc gia hồ Tuyền Lâm.
Trong văn bản, UBND tỉnh Lâm Đồng yêu cầu Công ty Hồng Đức phải khẩn trương tháo dỡ các công trình, hạng mục công trình đã đầu tư, xây dựng không phù hợp với giấy phép đã cấp.
Bên cạnh đó, Công ty Hồng Đức cũng phải bồi thường giá trị tài nguyên rừng đối với số lâm sản đã chặt hạ trái phép.
Cụ thể, theo kết quả kiểm tra của Hạt Kiểm lâm Đà Lạt, Công ty Hồng Đức chỉ được sử dụng rừng để xây dựng 5 biệt thự trong 1.300 m2, nhưng công ty đã san ủi làm biến dạng địa hình, chặt phá cây rừng trên diện tích hơn 4.200 m2 rừng phòng hộ.
Văn bản UBND tỉnh Lâm Đồng nêu rõ trong thời hạn 60 ngày công ty Hồng Đức phải làm thủ tục điều chỉnh giấy phép xây dựng và bản vẽ thiết kế theo quy định.
Nếu bị cơ quan chức năng từ chối cấp phép, doanh nghiệp phải tháo dỡ toàn bộ phần công trình vi phạm theo giấy phép xây dựng và thiết kế được duyệt.
Vẫn tin liên quan, ông Lê Văn Ninh - Phó chủ tịch UBND huyện Lý Sơn vào ngày 16/3 đã xác nhận với báo chí trong nước sẽ tiến hành tháo dỡ công trình vừa xây dựng của Công ty Đại Hùng Phong vì xây dựng trái phép, xâm lấn đất quy hoạch quốc phòng ở Hang Câu.
Được biết, phía cơ quan chức năng huyện đã lập biên bản và yêu cầu tháo dỡ trước ngày 10/3 nhưng đến nay phía công ty vẫn chưa thực hiện. Vì vậy, chính quyền sẽ cưỡng chế tháo dỡ công trình này.
*********************
Hàng loạt sai phạm về quản lý rừng và đất rừng tại Đắk Nông và Lạng Sơn (RFA, 16/03/2020)
Giới chức hai tỉnh Đắk Nông và Lạng Sơn xác định những vi phạm trong công tác quản lý nhà nước về đất đai trên địa bàn tỉnh. Truyền thông trong nước loan tin hôm 16/3 cho biết như vừa nêu.
Sai phạm tại Đắk Nông và Lạng Sơn. Courtesy of Tienphong/ Daidoanket
Cụ thể tại tỉnh Đắk Nông, Công ty Trách Nhiệm Hữu hạn Thương mại Nguyên Vũ do bà Nguyễn Thị Kim Thoa làm giám đốc và bà này là vợ đại tá Lương Ngọc Lếp thủ trưởng cơ quan cảnh sát điều tra, phó giám đốc công an tỉnh Đắk Nông về hưu năm 2017. Vào năm 2016 công ty Nguyên Vũ được giao hơn 162 hecta rừng và đất rừng, trong đó có 156 hecta rừng thông nằm dọc quốc lộ 28 xã Quảng Sơn để quản lý khai thác nhựa thông, trồng bơ và chăm sóc rừng trồng nhưng sau thời gian chưa đến 2 năm, phần lớn rừng thông bị chết khô, đất rừng bị cắt xén và mua bán trao tay trái quy định.
Theo Ủy ban nhân dân tỉnh Đắk Nông, tính đến thời điểm thanh tra ngày 18/8/2017 công ty chưa thực hiện việc trồng bơ theo quy hoạch ban đầu, diện tích rừng liên tục bị giảm, đoàn thanh tra Sở Nông nghiệp và phát triển nông thôn phát hiện diện tích rừng giảm gần 22%, khoảng gần 35 hecta và diện tích rừng tiếp tục giảm vào năm 2018 thêm 23%.
Công ty này còn chậm xây dựng phương án quản lý, bảo vệ rừng và vi phạm pháp luật về đất đai. Do đó, Ủy ban nhân dân tỉnh Đắk Nông quyết định thu hồi toàn bộ diện tích rừng hơn 162 hecta đã bàn giao cho công ty này.
Tại tỉnh Lạng Sơn, Thanh tra công tác quản lý nhà nước tại một số xã, thị trấn thuộc các huyện Văn Lãng, Cao Lộc, Hữu Lũng… cũng phát hiện hàng loạt sai phạm về quản lý và sử dụng đất đai sai quy định.
Thanh tra tỉnh Lạng Sơn yêu cầu chủ tịch Ủy ban nhân dân các huyện Văn Lãng, Cao Lộc, Hữu Lũng… khắc phục các sai phạm về đất đai và thành lập hội đồng kỷ luật để xem xét xử lý theo mức độ vi phạm. Đồng thời, thanh tra kiến nghị Ủy ban nhân dân tỉnh Lạng Sơn yêu cầu các chủ tịch kiểm điểm làm rõ trách nhiệm để xảy ra sai phạm.
Ngoài việc đề nghị kiểm điểm sai phạm và xử lý trách nhiệm, cơ quan thanh tra chuyển toàn bộ hồ sơ có dấu hiệu vi phạm pháp luật hình sự sang cơ quan công an tiếp tục điều tra, làm rõ.