Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Published in

Việt Nam

11/04/2017

Cánh gà bẩn, tội khủng bố, du khách Việt, công trình dởm, cấm chợ đêm, nghỉ hưu sớm

Tổng hợp

Bắt cả tấn cánh gà ‘bẩn’ Trung Quốc sắp làm mồi cho khách nhậu (Người Việt, 11/04/2017)

Hơn một tấn cánh gà "bẩn" nhập từ Trung Quốc vào Việt Nam để bán cho các quán ăn, quán nhậu phục vụ du khách ở thành phố Lào Cai đã bị cơ quan chức năng phát hiện bắt giữ.

vn1

Cả tấn cánh gà "bẩn" Trung Quốc bị bắt giữ. ( Hình : Báo Tuổi Trẻ)

Trước đó, chiều ngày 10 Tháng Tư, trong lúc tuần tra ở phường Duyên Hải, thành phố Lào Cai, Phòng cảnh sát kinh tế và Đội quản lý thị trường số 1 Lào Cai đã phát hiện lô hàng vô chủ, gồm 35 bao tải. Kiểm tra, cơ quan chức năng phát hiện bên trong chứa toàn cánh gà, có bao đã chảy nước, bốc mùi hôi không rõ nguồn gốc, xuất xứ, với trọng lượng 1,050kg.

Nói với báo Tuổi Trẻ, một cán bộ quản lý thị trường cho biết, đây là cánh gà nhập lậu từ Trung Quốc vào nội địa Việt Nam để tiêu thụ cho các quán bán đồ nướng ở thành phố Lào Cai và vùng lân cận. Lực lượng chức năng đã cho tiêu hủy toàn bộ số hàng nói trên.

Lào Cai được xem là "thủ phủ" của hàng nhập lậu từ Trung Quốc. Nơi đây có tất cả mọi thứ từ hàng cấm, đồ chơi bạo lực, vũ khí thô sơ và đặc biệt là thực phẩm đông lạnh kém chất lượng.

Theo tin báo Người Lao động, khoảng 14 giờ cùng ngày, Phòng Cảnh sát Môi trường công an Đà Nẵng đã phát hiện ông Phạm Thanh Hoàng (42 tuổi), ngụ quận Cẩm Lệ, đang lái xe tải chở 600kg sụn gà trên đường Hoàng Văn Thái, quận Liện Chiểu, nhưng không xuất trình được giấy tờ, hóa đơn hợp pháp với số hàng trên xe.

Qua kiểm tra cho thấy, số sụn gà trên được đựng trong các bọc nilon không rõ nguồn gốc xuất xứ, trên bao bì in tiếng nước ngoài. Ông Hoàng cho biết, số hàng trên được một người không rõ họ tên thuê chở từ Huế vào Đà Nẵng để tiêu thụ. (Tr.N)

******************

Bị khởi tố tội khủng bố do đe dọa lãnh đạo (RFA, 11/04/2017)

Hai đối tượng trong vụ đe doạ chủ tịch UBND tỉnh Bắc Ninh bị khởi tố tội khủng bố và tội không tố giác tội phạm. Báo Dân Việt trong nước dẫn nguồn tin riêng của báo này và loan tin vào thứ Ba, 11 tháng 4.

toi1

Còng số 8. Ảnh minh họa - AFP photo

Cơ quan truyền thông này nêu tên hai đối tượng là Nguyễn Trọng Phương, 37 tuổi, trú ở Ba Đình, Hà Nội bị khởi tố tội khủng bố và Trần Anh Thuận, 36 tuổi, ở Bắc Ninh tội không tố giác tội phạm.

Theo báo Dân Việt, đối tượng Phương có hành vi nhắn tin đe doạ lãnh đạo tỉnh Bắc Ninh. Cơ quan điều tra công an tỉnh Bắc Ninh cho biết đối tượng này là người của một số đơn vị khai thác cát không được tỉnh chấp thuận giấy hoạt động.

Vụ việc xảy ra dẫn đến dự án khai thác cát, nạo vét luồng trên tuyến sông Cầu phải tạm thời ngừng lại vào giữa tháng Ba vừa qua. Đồng thời, UBND tỉnh Bắc Ninh có công văn đề nghị Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo điều tra nguyên nhân vụ việc và các cá nhân từ trung ương đến địa phương.

Công văn của UBND tỉnh Bắc Ninh được Thủ tướng chính phủ tiếp nhận và đích thân Thượng tướng Tô Lâm, Bộ trưởng Bộ Công an vào cuộc chỉ đạo điều tra.

*****************

Làm sao nâng cao ý thức du khách Việt ? (RFA, 11/04/2017)

Việt Nam tìm cách nâng cao ý thức du khách Việt khi đi tham quan nước ngoài bằng những biện pháp đang được xem xét, trong đó không lại trừ khả năng người phạm tội ăn cắp hay chửi bậy có thể bị cấm xuất cảnh.

vn2

Xích lô chờ khách du lịch tại Hà Nội ngày 13 tháng 1 năm 2017. AFP photo

Cấm xuất ngoại

Cấm không cho xuất ngoại những người ăn cắp hay chửi bậy, là cách xử lý có thể được áp dụng đối với những du khách đã phạm vào những tội này.

Báo chí trong nước cho hay đây là biện pháp đang được các đơn vị lữ hành trong nươc xem xét. Bên cạnh đó, những hành vi không đẹp mắt như ăn nói ồn ào lớn tiếng, xả rác bừa bãi, chen nhau lấy thức ăn khi dùng buffet... làm du khách Việt xấu xí đi trong mắt người ngoài chẳng khác gì khách Trung Quốc. Phó tổng cục trưởng Tổng Cục Du Lịch Việt Nam, ông Ngô Hoài Chung, phát biểu như vậy và được báo chí trích dẫn lại.

Một năm sau khi Tổng Cực Du Lịch Việt Nam phát động chiến dịch Nâng Cao Hình Ảnh Du Khách Việt, đến hôm thứ Hai vừa rồi phó chủ tịch Hiệp Hội Lữ Hành Việt Nam, ông Vũ Thế Bình, cho rằng chiến dịch mà nhiều bộ ngành khác cùng tham gia, đã góp phần đáng kể vào ý thức và sự ứng xử một cách văn minh trong mọi lãnh vực sinh hoạt chứ không riêng ngành du lịch.

Tuy nhiên, vẫn lời ông Vũ Thế Bình, giảm thì có giảm nhưng không có nghĩa là đã hết, bằng chứng những chuyện phản cảm như chụp ảnh khỏa thân tại một điểm du lịch ở Sơn La, tự tiện vẽ bậy viết bậy lên Đại Hồng Chung ở chùa Thiên Mụ, xả rác tràn lan trên quảng trường Lâm Viên ở Đà Lạt, rồi thì ăn mặc phong phanh khi đến viếng những nơi tôn nghiêm như chùa hay nhà thờ.

Đó là khách du lịch nội địa, còn khách du lịch nước ngoài thì sao. Bạn Khánh, hướng dẫn viên du lịch ở miền Trung, thỉnh thoảng đưa khách Việt sang Thái Lan, Lào, Đài Loan hay Nhật Bản, nói rằng cái khó thay đổi nơi du khách Việt là không chấp hành luật lệ giao thông của đất nước bạn, không có thói quen xếp hàng như người bản xứ, thích nói lớn tiếng, thậm chí coi thường, đối xử bất lịch sự với cả hướng dẫn viên du lịch của mình. Đó là chưa kể đến những vụ ăn cắp vặt thỉnh thoảng xảy ra mà nhiều người cho là làm người Việt mất mặt.

Chuyện người Việt Nam ăn cắp mình cũng thấy xấu hổ, mình là người Việt Nam mà. Nói chung nhiều người Việt rất nông cạn, làm mà không có nghĩ. Vấn đề Tổng Cục Du Lịch đưa ra chắc cũng không giải quyết được gì đâu, con của cán bộ đi nước ngoài cũng ăn cắp nhiều mà, cuối cùng vẫn được tại ngoại vẫn xuất ngoại bình thường thôi.

Liệu có khả thi ?

vn3

Du khách trong nước tham quan Thành Nội Huế hôm 27/3/2016. AFP photo

Vậy đề xuất của Hiệp Hội Lữ Hành Việt Nam, xem xét để từ chối hoặc loại bỏ những du khách phạm tội ăn cắp hay chủi bậy thực ra có khả thi hay không. Bạn Quang, một khách hàng quen thuộc của những tour du lịch lữ hành quốc tế, nhận xét :

Hành vi của khách du lịch Việt Nam ở nước ngoài chưa đến mức quá nghiêm trọng, cũng chưa quá mức để tạo ấn tượng xấu như du khách Trung Quốc. Tôi nghĩ đề xuất này cũng không hợp lý lắm vì thời gian qua với sự phát triển các trang mạng xã hội, mọi người lên mạng thì cũng nhắc nhở bảo ban nhau về hành vi của người Việt khi ra nước ngoài. Tất nhiên có một số trường hợp cá biệt như ăn cắp hay này kia thì bản thân họ đã bị pháp luật sở tại xử lý rồi. Đề xuất này không khả thi và khó thực hiện bởi vì cũng đâu có ai ở nước ngoài để canh chừng và để xử phạt những người đó.

Ông Phan Đình Huê, công ty lữ hành Vòng Tròn Việt, thường tổ chức các tour đi Mỹ, Nhật Bản và một số các nước khác,góp ý :

Chúng tôi cũng biết trong số khách Việt Nam đi nước ngoài làm những việc không tốt, thỉnh thoảng cũng xả rác hoặc chửi bậy nhưng họ cũng không đến mức độ vi phạm pháp luật để bị cấm không được xuất cảnh.

Ăn cắp thì tôi nghĩ cái đó cũng phải căn cứ vào việc nước sở tại họ có phạt hay không. Khi một người Việt Nam mang một án phạt nào đó ở nước ngoài mà nhà nước Việt Nam lại căn cứ vào đó để cấm xuất cảnh thì đó là vấn đề rất là nặng. Đối với Việt Nam một người bị cấm xuất cảnh là người đó đang án điều tra hoặc đang bị trọng tôi gì đó. Tôi rất phân vân trong chuyện này, cấm một năm hay sáu tháng hay cấm vĩnh viễn ? Cái này có lẽ phải căn cứ trên luật pháp với lại tòa của Việt Nam có cho phép hay không.

Còn ông Nguyễn Văn Mỹ, tổng giám đốc công ty du lịch Lửa Việt, nói rằng nỗ lực cũa Hiệp Hội Lữ Hành trong việc chấn chỉnh hành vi ứng xử của người Việt khi du lịch ra nước ngoài là điều đáng hoan nghênh :

Nhưng sẽ thuyết phục hơn nếu cái đánh giá đó kèm thêm những số liệu thống kê và những điều tra xã hội học. Còn đằng này vì không có cho nên người ta thích thì người ta nói rằng đúng, không thích thì nói là không đúng, rất là khó.

Được biết không chỉ Tổng Cục Du Lịch hay Hiệp Hội Lữ Hành quan tâm đến chuyện nâng cao ý thức và khuyến cáo người dân ứng xử văn minh khi đi du lịch ở trong hay ngoài nước, trước đó nhiều tỉnh thành đã soạn thảo và ban hành qui định về du lịch cho địa phương của họ. Đo là Quảng Ninh với chương trình Nụ Cười Hạ Long, Đà Nẵng với bảng hướng dẫn du khách tôn trọng phong tục tập quán địa phương, Phú Yên với bộ qui tắc ứng xử, Sài Gòn với yêu cầu du khách bảo vệ môi trường.

Đã có ý kiến cho rằng nơi nào cũng đề ra chỉ dẫn hay qui tắc du lịch cho địa phương mình thì chẳng mấy chốc rơi vào tình trạng gọi là "loạn qui tắc ứng xư".

Tuy nhiên theo lời ông phó Tổng Cục Du Lịch Ngô Hoài Chung, đây là chiến dịch nâng cấp ngành du lịch Việt Nam, một cuộc vận động bền bỉ, lâu dài, gắn liền với ý thức và cung cách ứng xử của người Việt Nam trong quá trình hội nhập quốc tế.

Thanh Trúc, phóng viên RFA

*********************

Công trình tưới tiêu hơn 750 tỷ chưa xong đã nứt toác, sụt lún (Người Việt, 10/04/2017)

vn4

Thân đập dự án kênh tưới tiêu Châu Bình hơn 700 tỷ đồng bị bong tróc, nứt nẻ hơn 2 cây số. (Hình : Báo VietNamNet)

Xây chưa xong nhưng công trình kênh tưới tiêu Châu Bình, xã Châu Bình, huyện Quỳ Châu, được đầu tư hơn 750 tỷ đồng đã nứt toác, sụt lún nghiêm trọng.

Báo VietNamNet ngày 10 Tháng Tư loan tin, nhiều hạng mục của công trình dự án kênh tưới tiêu Châu Bình nằm trong dự án hồ chứa nước Bản Mồng, có tổng mức đầu tư 756 tỷ đồng. do Sở Nông Nghiệp Nghệ An làm chủ đầu tư, khởi công năm 2014, có chiều dài gần 10 cây số, đi qua 2 xã Châu Bình và Yên Hợp, huyện Quỳ Hợp, hoàn thành 98% chưa sử dụng đã sụt lún, gãy trượt, bờ kè đá nứt toác nham nhở kéo dài hơn 2 cây số.

Cụ thể, bờ kè đá được làm bằng xi măng cũng nứt gãy lún sâu xuống, đất đá nham nhở, kéo dài hơn 2 cây số. Tình trạng sạt lở này có nguy cơ tiếp tục xảy ra diện rộng. Dọc hai bên bờ kênh đất sụt lún chỉ cách đất sản xuất, đất ở của các hộ dân 5-10 mét.

Bà Lê Thị Bình (40 tuổi) ở bản Bình 3, xã Châu Bình cho biết, tình trạng sụt lở xảy ra gần một năm nay. "Gia đình chúng tôi phải chủ động xây kè trước đề phòng sụt lún ảnh hưởng đến nhà. Tuy nhiên, phương án này chỉ tạm thời vì kênh được đào rất sâu, mùa mưa lại sắp đến chắc chắn sẽ ảnh hưởng", bà Bình lo lắng nói.

Không chỉ ảnh hưởng đến các hộ dân sống xung quanh kênh, tình trạng sụt lún đang đe dọa 2 cây cầu bắc qua kênh khi các vết nứt ăn vào chân cầu. Nhiều mảng bê tông bong tróc, gãy đôi.

Ông Lương Văn Ðại, chủ tịch xã Châu Bình cho biết, công trình bị sạt lở từ lâu. Chính quyền lo ngại tình trạng này sẽ ảnh hưởng đến đời sống kinh tế, xã hội của người dân sở tại.

Trong khi đó, nói với phóng viên báo điện tử VietNamNet, ngày 9 Tháng Tư, ông Lô Thanh Sơn, trưởng Phòng Tài Nguyên-Môi Trường huyện Quỳ Châu cho rằng, dự án kênh tưới tiêu Châu Bình do Sở Nông Nghiệp Nghệ An làm chủ đầu tư và quản lý nên công trình hư hỏng như thế nào thì huyện không được nắm.

"Chúng tôi chỉ nghe nói là bị hỏng, sụt lún nghiêm trọng trong dự án này nhưng huyện không được tham gia giám sát, kiểm tra, nghiệm thu về phần xây dựng cơ bản", ông Sơn nói.

Cũng theo ông Sơn, dự án ảnh hưởng đến 4 xã và thị trấn, trên 1,000 hộ dân bị ảnh hưởng từ dự án này, trong đó có 370 hộ dân phải di dời. Huyện đã nhiều lần kiến nghị chủ đầu tư làm dứt điểm nhưng đến nay vẫn chưa xong. (Tr.N)

*********************

Giải tỏa chợ đêm, dân phẫn uất tát phó chủ tịch phường, đánh cán bộ (Người Việt, 11/04/2017)

vn5

Tiểu thương phản ứng với đoàn giải tỏa. (Hình : Báo VietNamnet)

Chiều 10 Tháng Tư, đoàn liên ngành của thành phố Buôn Ma Thuột do ông Vũ Văn Hưng, phó Chủ tịch thành phố làm trưởng đoàn đã tiến hành giải tỏa lòng đường vỉa hè ở khu vực chợ đêm Buôn Ma Thuột. Khi đoàn liên ngành dẹp chợ thì có 5 người trong số hàng trăm tiểu thương tức giận la ó phản đối, lao vào cản trở, chống lại lực lượng chức năng.

Có người vì quá phẫn uất đã tát vào mặt ông Phó chủ tịch phường Thành Nhất và đánh cán bộ trật tự đô thị chấn thương phải nhập viện. Ngay sau đó, họ đã bị bắt đưa về trụ sở công an Buôn Ma Thuột "điều tra, xử lý theo thẩm quyền".

Loan báo với truyền thông Việt Nam, ngày 11 Tháng Tư, ông Vũ Văn Hưng, cho biết, đã chỉ đạo Công an Buôn Ma Thuột xử lý nghiêm 5 tiểu thương "chống người thi hành công vụ giải tỏa khu chợ đêm Buôn Ma Thuột".

Theo báo điện tử VietNamnet, khu chợ đêm ở trung tâm thành phố Buôn Ma Thuột trước đây là chợ tự phát, các hộ kinh doanh lấn chiếm vỉa hè, lòng đường làm nơi mua bán. Trước thực trạng đó, vào tháng Ba, 2015, Ủy ban thành phố Buôn Ma Thuột đã đấu thầu thu tiền, giao cho công ty Hưng Thịnh tổ chức "Phố đi bộ – chợ đêm" tại 3 tuyến đường ở phường Thành Nhất.

Thế nhưng sau khi đi vào hoạt động, công ty Hưng Thịnh làm ăn bê bối, không thực hiện đúng cam kết trong việc thu chi, không xây nhà vệ sinh công cộng, không có bảo vệ túc trực để xảy ra nhiều vụ móc túi.

Thấy không ổn, ủy ban thành phố Buôn Ma Thuột đã yêu cầu công ty Hưng Thịnh tạm dừng ký hợp đồng mới, không gia hạn thêm hợp đồng với các tiểu thương. Tuy nhiên, công ty Hưng Thịnh không chấp hành, tự ý gia hạn hợp đồng với nhiều tiểu thương đến hết năm 2018. Do vậy, khi bị giải tỏa tiểu thương đã bất bình phản đối.

Việc chống đối, vây ráp lực lượng chức năng của tiểu thương kéo dài nhiều giờ liền. Khi ông Hưng chỉ đạo đoàn liên ngành tháo dỡ liền bị hàng chục người dân lao vào giằng co, xô đẩy buộc công an hỗ trợ phải can thiệp. Sau nhiều giờ dùng vũ lực cưỡng chế, đến tối cùng ngày, chính quyền Buôn Ma Thuột cũng đã giải tỏa được khu chợ đêm này. (Tr.N)

**********************

Người đang đi làm ồ ạt xin nghỉ hưu trước năm 2018 (Người Việt, 10/04/2017)

vn6

Người già làm thủ tục nhận lương hưu. (Hình : Báo Tuổi Trẻ)

Tại Việt Nam, hiện có thực trạng là người đang đi làm ồ ạt xin nghỉ hưu trước năm 2018, bởi vì theo quy định sẽ có hiệu lực từ đầu năm tới, thời gian đi làm càng dài thì càng bất lợi khi nhận lương hưu.

Tin báo Tuổi Trẻ cho biết, vào lúc này, người đang đi làm và đã đóng bảo hiểm xã hội được 15 năm có quyền hưởng lương hưu là 45% mức thu nhập trong năm năm cuối cùng trước khi nghỉ hưu.

Tuy nhiên, với việc sửa Luật Bảo Hiểm Xã Hội, từ năm 2018, để hưởng mức trên, đàn ông phải đóng đủ 16 năm, sang năm 2019 phải đóng 17 năm, qua năm 2020 đóng 18 năm… Theo luật mới này, tới năm 2022 đàn ông phải tham gia 20 năm bảo hiểm xã hội mới được hưởng mức 45%, nghĩa là số năm phải đóng bảo hiểm xã hội cứ thế tăng dần.

Trong khi đó, muốn hưởng lương hưu ở mức tối đa 75%, đàn ông phải đóng bảo hiểm 35 năm (thay vì 30 năm như hiện nay). Và như vậy, khi nghỉ hưu trong năm 2018 phải đóng đủ 31 năm bảo hiểm xã hội, nếu nghỉ hưu từ năm 2019, 2020, 2021 và 2022 trở đi phải đóng tương ứng từ 32 đến 35 năm mới được hưởng 75%.

Đối với phụ nữ, luật mới cũng tăng thời gian phải đóng bảo hiểm xã hội. Tổng thời gian đóng chỉ giảm một năm so với đàn ông ở các mốc thời gian đã liệt kê.

Cụ thể, từ năm 2018, phụ nữ nghỉ hưu khi đóng đủ 15 năm hưởng lương hưu bằng 45% mức bình quân tiền lương tháng đóng bảo hiểm xã hội. Từ năm thứ 16 trở đi, mức hưởng cộng thêm 2% (thay vì 3% như luật hiện hành) ; đóng đủ 30 năm được hưởng lương hưu tối đa 75% (thay vì đóng 25 năm như hiện nay).

Với luật mới này, muốn hưởng lương hưu tối đa 75%, người lao động phải đóng bảo hiểm xã hội thêm năm năm nữa so với hiện nay (đàn ông 35 năm và phụ nữ 30 năm, thay vì 30 năm và 25 năm như hiện nay).

Đó là chưa kể, lương hưu sẽ bị khấu trừ đáng kể vì "nghỉ hưu trước tuổi quy định". Theo đó, mỗi năm nghỉ hưu trước tuổi sẽ trừ 2%.

Chính quyền Việt Nam đã hai lần sửa Luật Bảo Hiểm Xã Hội. Lần nào cũng tạo ra một làn sóng ồ ạt xin nghỉ hưu (làn sóng đầu tiên xảy ra vào năm 2015 khi luật này được sửa lần đầu có hiệu lực vào năm 2016 và làn sóng thứ hai đang xảy ra khi luật được sửa lần thứ hai sẽ có hiệu lực vào năm tới).

Ngoài làn sóng nghỉ hưu, luật này liên tục tạo ra sự bất bình trong đủ mọi giới, đặc biệt là công nhân vì họ chịu nhiều thiệt thòi nhất : Công việc nặng nhọc, lương thấp nên lương hưu không cao trong khi thời gian phải làm việc để có lương hưu càng ngày càng dài.

Trước những chỉ trích kịch liệt đó, chính quyền Việt Nam liên tục phân bua rằng, đó là cách duy nhất để giữ cho Quỹ Bảo Hiểm Xã Hội khỏi vỡ. Vào lúc này, mức trả lương hưu đã vượt xa mức thu về hằng năm.

Theo báo điện tử VNExpress, năm 2013, đại diện Tổ Chức Lao Động Quốc Tế (ILO) tại Việt Nam từng cảnh báo, Quỹ Bảo Hiểm Xã Hội Việt Nam có thể bị thâm hụt vào năm 2021 và cạn sạch vào năm 2034 nếu không có những điều chỉnh kịp thời và mạnh mẽ, đặc biệt về chính sách hưu trí.

Giống như nhiều quốc gia khác, tại Việt Nam, bảo hiểm xã hội là một kênh nhận đóng góp từ các nơi sử dụng nhân lực và cá nhân đang đi làm rồi chi trợ cấp nhằm hỗ trợ cho những người thất nghiệp, trả lương hưu.

Tuy nhiên tỉ lệ phải đóng góp cho bảo hiểm xã hội tại Việt Nam cao đến phi lý. Theo một thống kê được Phòng Thương Mại Công Nghiệp Việt Nam thực hiện thì các doanh nghiệp đang phải đóng cho Bảo Hiểm Xã Hội Việt Nam đến 18% trên tổng quỹ lương, còn cá nhân thì phải đóng cho bảo hiểm xã hội đến 8% trên tổng thu nhập.

Chưa kể, ngoài bảo hiểm xã hội, tính trên tổng quỹ lương, các doanh nghiệp còn phải nộp thêm 3% cho bảo hiểm y tế, 2% cho hệ thống công đoàn nhà nước, 1% cho bảo hiểm thất nghiệp. Tính ra có tới 24% tổng quỹ lương bị các hệ thống được thiết lập như phương thức nhằm bảo đảm an sinh xã hội nuốt mất.

Những cá nhân đang đi làm cũng không khá hơn, họ bị ép phải đóng đến 10.5% tổng thu nhập. Ngoài việc phải nộp 8% tổng thu nhập cho bảo hiểm xã hội, những cá nhân đang đi làm phải nộp 1.5% cho bảo hiểm y tế, 1% cho bảo hiểm thất nghiệp và 1% cho hệ thống công đoàn nhà nước.

Bởi vì mức đóng góp quá lớn, khá nhiều doanh nghiệp tại Việt Nam tìm đủ cách để né tránh việc nộp tiền, số doanh nghiệp nợ bảo hiểm xã hội và bảo hiểm y tế càng ngày càng nhiều. Khoản nợ càng lúc càng lớn.

Đó cũng là lý do cả chính quyền lẫn Bảo Hiểm Xã Hội Việt Nam lên án việc doanh giới không đóng đủ bảo hiểm xã hội và bảo hiểm y tế là thiếu đạo đức, vô trách nhiệm. Tuy nhiên theo yêu cầu của nhiều giới, kết quả thanh tra hoạt động của Bảo Hiểm Xã Hội Việt Nam khiến người ta thấy cơ quan này cũng thiếu đạo đức và vô trách nhiệm không kém.

Theo báo Lao Động, năm 2014, cơ quan kiểm toán của chính quyền Việt Nam công bố kết quả kiểm toán Bảo Hiểm Xã Hội Việt Nam, theo đó, tính đến năm 2013, việc lấy tiền trong quỹ bảo hiểm xã hội cho các doanh nghiệp nhà nước vay đã làm Quỹ Bảo Hiểm Xã Hội mất trắng 1,052 tỷ đồng. Chưa kể so với năm 2007 thì đến năm 2013, chi phí cho việc quản lý quỹ này đã tăng gấp năm lần. Từ 815 tỷ đồng hồi năm 2007 mức chi tiêu để điều hành, duy trì hoạt động đã tăng năm lần thành 3,718 tỷ đồng – tương đương 3% tổng thu.

Các chuyên gia của Việt Nam từng phân tích khá cặn kẽ về hậu quả của chuyện tăng tuổi hưu (nâng thời gian buộc đóng bảo hiểm xã hội). Theo họ, muốn giữ cho quỹ bảo hiểm xã hội không "vỡ" thì chuyện đầu tiên phải xem xét là tại sao khả năng sinh lời của hàng trăm ngàn tỷ đồng mà Bảo Hiểm Xã Hội Việt Nam đang quản lý, sử dụng lại kém như vậy ?

Trong bối cảnh ngân sách thất thu trầm trọng, nợ nần chồng chất, chi thường xuyên (chi để duy trì hoạt động của hệ thống công quyền) chiếm tới 70% tổng chi ngân sách, phải dùng phần lớn tiền vay nuôi bộ máy công quyền thì tăng tuổi hưu, kéo dài thời gian làm việc của công chức (lương đã cao còn cao hơn do thâm niên) sẽ khiến tài chính quốc gia căng thẳng hơn. Sợ "vỡ" quỹ bảo hiểm xã hội mà tăng tuổi nghỉ hưu nhưng coi chừng công khố sẽ "vỡ" trước khi quỹ "vỡ". (G.Đ)

Quay lại trang chủ
Read 619 times

Viết bình luận

Phải xác tín nội dung bài viết đáp ứng tất cả những yêu cầu của thông tin được đánh dấu bằng ký hiệu (*)