Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Published in

Việt Nam

01/04/2020

Chống Covid-19 : vắng Tổng Trọng cấp dưới rối loạn đường banh

RFA tiếng Việt

Vì sao Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng xuất hiện lúc này ? (RFA, 31/03/2020)

Xuất hiện ‘trên văn bản’

Vào ngày 30/03/2020, Tổng bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng đã xuất hiện ‘trên văn bản’, qua truyền thông nhà nước gửi lời kêu gọi ‘toàn thể dân tộc Việt Nam hãy cùng chung sức, đồng lòng vượt qua mọi khó khăn, thách thức để chiến thắng đại dịch Covid-19’.

hoatang1

Tổng bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng chủ trì phiên họp của Bộ Chính trị sáng 20/3/2020. Ảnh TTXVN

Giáo sư Nguyễn Đình Cống hôm 31/03/2020 đưa ra nhận định về lời kêu gọi của ông Trọng :

"Chuyện các ông lãnh đạo quốc gia, ông chủ tịch, ông tổng bí thư, người ta phải hiệu triệu, phải kêu gọi, đó cũng là chuyện bình thường. Sau đó người ta cũng phải triển khai một số công việc. Ví dụ như hôm nay, ông Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc lại tiếp tục lời ông Trọng, là cách ly... rồi phương tiện giao thông thì phải ngừng lại... Thế thì chuyện các ông lãnh đạo kêu gọi như thế thì chuyện người ta cứ làm thôi, chuyện dân dân làm, chuyện quan quan làm. Còn nói có tác dụng gì không, thì có chứ không phải hoàn toàn không có tác dụng gì đâu".

Kể từ khi ca nhiễm Covid-19 đầu tiên tại Việt Nam được phát hiện vào ngày 23/1 và tới nay, Tổng bí thư kiêm Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng chỉ xuất hiện đôi ba lần mà trọng tâm của vài lần hiếm hoi đó chỉ chú trọng vào công việc nội bộ đảng. Điều này khiến công luận chỉ trích mạnh mẽ vị lãnh đạo đang nắm cà hai chức cao nhất về mặt đảng và nhà nước.

Sau khi có những phê phán công khai trên mạng xã hội về sự vắng mặt lâu ngày, cũng như thiếu chỉ đạo trong thời kỳ dịch lây lan mạnh, truyền thông trong nước loan tin về hoạt động của ông Nguyễn Phú Trọng trong những lần xuất hiện ít ỏi như thế. Và rồi là lá thư gửi đồng bào, chiến sĩ cả nước với kêu gọi chung tay chống dịch Covid-19.

Tiến sĩ Nguyễn Quang A, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu Phát triển IDS, đã tự giải thể, xác nhận lại với RFA hôm 31/3 về sự xuất hiện và lời kêu gọi của ông Nguyễn Phú Trọng :

"Nó cũng là cái kiểu mà từ trước đến nay, các ông chóp bu như thế, cũng có lúc nó tác dụng, cũng có lúc nó mờ nhạt. Tôi nghĩ vai trò của ông Nguyễn Phú Trọng vừa qua, về chống covid-19 vừa qua rất là mờ nhạt. Trong những lúc nước sôi lửa bỏng như thế, thì ổng không hề xuất hiện, đến khi xuất hiện thì ổng lại bàn về chuyện nhân sự đại hội của ổng... Rồi dư luận kêu quá thì ổng có tổ chức một cuộc họp của Bộ chính trị, bàn về covid-19... Và đến bây giờ thì ổng đưa ra lời kêu gọi như vậy".

Tiến sĩ Nguyễn Quang A cho biết, ông không hiểu động cơ, động lực để ông Trọng xuất hiện như vậy là vì cái gì, bởi vì sự xuất hiện của ổng Trọng không bằng con người cụ thể, mà chỉ bằng lời kêu gọi trên giấy mà thôi. Nó có thể khiến người ta suy luận là tình hình sức khỏe của ổng Trọng không được tốt cho lắm.

Vi hiến ?

Trao đổi với RFA liên quan sự việc này hôm 31/03/2020, Nhà báo độc lập Nguyễn Ngọc Già, nhận định :

"Căn cứ vào Hiến pháp Việt Nam năm 2013, tại khoản 5, điều 88, có quy định, căn cứ vào nghị quyết của Quốc hội hoặc Ủy ban thường vụ Quốc hội, Chủ tịch nước có thể công bố hay bãi bỏ các quyết định về tình trạng khẩn cấp. Như vậy tôi cho rằng ông Trọng đã vi hiến vì Quốc hội chưa ban hành. Ngoài ra, nó phản ảnh rằng quốc hội đã tê liệt và họ chẳng biết gì về hiến pháp cả".

Nhà báo Nguyễn Ngọc Già cho rằng, không chỉ ông Trọng, mà cả Quốc hội Việt Nam cũng đã vi hiến khi kêu gọi như vậy. Ông nói tiếp :

"Việc ông Nguyễn Phú Trọng xuất hiện tại thời điểm này và kêu gọi khẩn cấp thì tôi cho rằng, đó là một cách ông Trọng chứng minh còn sống cả nghĩa đen lẫn nghĩa bóng trong tình trạng hiện nay, khi mà ông Phúc nổi lên như người quyết định toàn bộ trước một vấn đề vô cùng trầm trọng, đó là dịch virus Vũ Hán".

Theo Nhà báo Nguyễn Ngọc Già, trong bối cảnh đang chuẩn bị cho đại hội đảng sắp tới, ông Nguyễn Phú Trọng đã sợ sự soán vị trí từ ông Nguyễn Xuân Phúc, người đã xuất hiện quá nhiều, quá ấn tượng và liên tục trong thời gian phải đối phó dịch covid-19. Nhà báo Nguyễn Ngọc Già cho rằng, ông Trọng lo ngại sự soán đoạt, vì người mà ông Trọng muốn đưa lên thay thế, sẽ bị lu mờ trước ông Phúc.

Sung sướng quên dân, cực khổ kêu dân ?

Trở lại với thư kêu gọi hôm 30/3, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng mở đầu thư bằng câu ‘Thưa đồng bào, đồng chí, chiến sĩ cả nước và đồng bào ta ở nước ngoài’... khi nói về đại dịch Covid-19 đang tiếp tục lan rộng trên toàn cầu, khiến hàng trăm ngàn người nhiễm bệnh và hàng chục ngàn người tử vong ở gần 200 quốc gia. Ông Trọng cũng cảnh báo tình hình dịch bệnh còn diễn biến phức tạp, khó lường, có thể còn gây ra nhiều hậu quả nghiêm trọng hơn nữa.

Nhà báo Nguyễn Ngọc Già nhận xét tiếp :

"Điểm tiếp theo là điểm hầu như người nào cũng biết, đó là ít nhất 45 năm qua, việc Đảng cộng sản Việt Nam tiếm quyền dân là một điều rất rõ ràng. Nó gây cho tôi cảm giác lố lăng, đó là khi họ sung sướng thì họ quên dân đi, khi họ cực khổ nguy nan thì họ kêu gọi toàn dân. Tôi có thể dẫn chứng ngay bằng thư kêu gọi của ông Trọng, ông bắt đầu ngay là ‘thưa đồng bào’ sau đó ổng mới kêu đến đồng chí của ổng. Trong khi đó, tất cả các nghị quyết, tất cả các hội nghị lớn nhỏ, cho tới hội nghị trung ương đảng hay họp quốc hội, nếu chú ý sẽ thấy họ thưa nhau trước, đồng bào, cử tri thì cuối... Đó là điều lố lăng trong tình hình hiện nay".

Nhận xét về thư kêu gọi này, Nhà báo Nguyễn Ngọc Già cho rằng, ông Nguyễn Phú Trọng nói riêng và toàn bộ các ông bà cộng sản cấp cao nói chung, họ như những cậu ấm cô chiêu suốt 45 năm qua tính từ 1975, và chưa phải đối phó với tình huống khẩn cấp nào :

"Họ sống trong chăn ấm nệm êm, ăn ngon mặc đẹp, kẻ hầu người hạ, họ chưa bao giờ phải đối diện với bất cứ tình huống khẩn cấp nào hết, nó bộc lộ cho toàn dân Việt Nam thấy, thế giới thấy, họ chỉ là những người không có bản lãnh. Mà điều thứ vị là từ bản lãnh đó, họ luôn tự hào, thì giờ phơi bày ra chỉ là những bản lãnh hoa mỹ, hoa hòe thôi. Vì vậy nó sẽ làm cho người dân thấy thư kêu gọi này không có một giá trị nào cả, nó không có một giá trị nào cả".

Việc ban bố tình trạng khẩn cấp, theo giải thích của ông Nguyễn Ngọc Già, là để giản lượt các thủ tục thông thường, đặt trong tình huống nguy cấp hiện nay, thì điều đó mới có giá trị. Còn ở đây ông Trọng tuyên bố chỉ với một mục đích lừa mị người dân, kêu gọi đoàn kết trong tình hình cả xã hội đang rất buồn thảm, bấn loạn, âu lo...

Ông Nguyễn Ngọc Già cho rằng sắp tới, sẽ có một sự hổn độn, khủng hoảng của xã hội Việt Nam, gây ra bởi dịch covid-19 này, vì ban lãnh đạo hoàn toàn không có một chút kinh nghiệm gì.

*******************

Kêu gọi giới chức lãnh đạo Đảng và Nhà nước Việt Nam quyên góp chống dịch Covid-19 (RFA, 31/03/2020)

Kêu gọi lãnh đạo cấp cao quyên góp chống Covid-19

Tiến sĩ Nguyễn Xuân Diện chia sẻ với RFA về lời kêu gọi giới chức lãnh đạo Việt Nam quyên góp chống dịch Covid-19 mà ông đăng tải trên trang Facebook cá nhân vào hôm 30/3 :

"Trước tình hình ngày càng nghiêm trọng về dịch virus Vũ Hán này thì tôi quan sát thấy có 3 người là lãnh đạo cao cấp đã kêu gọi về vấn đề chung tay tương thân tương ái và góp tiền để chống dịch Covid-19. Ông Nguyễn Phú Trọng, ông Nguyễn Xuân Phúc và bà Nguyễn Thị Kim Ngân là ba vị trong ‘tứ trụ’ đều kêu gọi như thế. Tôi thấy rằng Đảng cộng sản Việt Nam có một câu là ‘đảng viên đi trước, làng nước theo sau’. Vì vậy tôi nghĩ ngay đến các lãnh đạo cao cấp của Đảng và Nhà nước, bao gồm các ủy viên của Bộ Chính trị và các ủy viên Trung ương Đảng, rồi các chủ tịch và phó chủ tịch của các tỉnh, bí thư và phó bí thư của các tỉnh…làm gương trước trong việc đóng góp tiền của ưu tiên cho mua thiết bị y tế và có thể đóng góp thêm cho các chi tiêu trong những khu cách ly hiện nay".

hoatang2

Tổng bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng đến dự buổi làm việc - Ảnh minh họa

Đài RFA ghi nhận trong tháng 3, khi dịch Covid-19 ngày càng diễn biến phức tạp, thì truyền thông trong nước liên tục cập nhật thông tin nhiều tổ chức, doanh nghiệp và cá nhân quyên góp tiền của trước lời kêu gọi của Đảng và Nhà nước Việt Nam rằng cần chung tay chống dịch bệnh.

Qua trang Facebook Thông tin Chính phủ, vào ngày 30/3 cho biết tính đến sáng cùng ngày đã có xấp xỉ 545 tỷ, bao gồm tiền và hiện vật đăng ký ủng hộ chống dịch Covid-19. Trong đó, số tiền đã chuyển là 221 tỷ đồng.

Dư luận đặc biệt quan tâm đến thông tin cụ Lê Thị Chi, Bà mẹ Việt Nam Anh hùng, 91 tuổi ở Đà Nẵng đóng góp 5 triệu đồng tiền tiết kiệm để hỗ trợ chống dịch hay thông tin về nhiều doanh nghiệp quyên góp hàng trăm tỷ đồng ; điển hình như Tập đoàn Vingroup hỗ trợ 5 tỷ tiền mặt chống dịch, 20 tỷ đồng cho các nghiên cứu chống dịch và 100 tỷ đồng để mua thiết bị y tế phòng chống dịch Covid-19.

Một thông tin khác cũng được dư luận chú ý là thông báo từ Bí thư Thành ủy Nguyễn Thiện Nhân, tại buổi họp vào chiều ngày 26/3, rằng Chính quyền Thành phố Hồ Chí Minh thống nhất sẽ giảm một nửa thu nhập tăng thêm trong năm 2020 của cán bộ, công chức để hỗ trợ cho 600.000 người lao động ở thành phố bị mất việc do dịch Covid-19.

Tiến sĩ Nguyễn Xuân Diện nhấn mạnh với RFA, theo quan điểm của ông, Đảng cộng sản Việt Nam cần phát động phong trào đảng viên quyên góp phòng chống dịch Covid-19 và giới chức lãnh đạo cấp cao khởi động ngay để làm gương thì sẽ rất giúp ích một cách hiệu quả cho những lời kêu gọi "chung tay góp sức" của chính ba vị lãnh đạo Đảng, Chính phủ và Quốc hội Việt Nam.

Thực tế ra sao ?

Liên quan thông báo về Chính quyền Thành phố Hồ Chí Minh giảm thu của cán bộ để hỗ trợ chống dịch Covid-19, Đài RFA liên lạc với một công an phường ở thành phố, anh NMQ chia sẻ rằng anh sẵn sàng chịu giảm lương để cùng giúp đỡ nhau vượt qua khó khăn. Tuy nhiên quan trọng hơn, đó là nhiệm vụ được giao nên phải hoàn thành.

Anh Thái Văn Đường, từng làm việc tại Ủy ban nhân dân huyện Đông Anh, thành phố Hà Nội cho biết cán bộ, nhân viên làm việc ở các cơ quan nhà nước bắt buộc phải thực hiện mỗi khi cơ quan ra yêu cầu quyên góp.

"Trước đây, tôi làm việc ở trong ủy ban thì có chủ trương là mỗi một cán bộ công nhân viên chức quyên góp một, hai ngày lương thì bị trừ trực tiếp và số tiền đó được chuyển kín trong nội bộ nên cũng không biết đi về đâu".

Đối với lời kêu gọi trên mạng xã hội của Tiến sĩ Nguyễn Xuân Diện, anh Thái Văn Đường cho rằng :

"Thật sự ra thì lời kêu gọi cũng thiết thực thôi, thế nhưng hiệu quả được bao nhiêu mới là điều quan trọng. Tôi đã từng làm trong ủy ban 10 năm và tôi nghỉ làm việc ở đấy từ năm 2015 đến giờ, tổng cộng 15 năm rồi mà tôi chưa thấy một ông nào bỏ ra đến 10 triệu để gọi là ủng hộ. Thậm chí có những đợt lũ lụt khắc nghiệt ở miền Trung mà họ cũng chẳng bỏ ra một xu nào. Họ chỉ kêu gọi để mị dân thôi".

hoatang3

Bà mẹ Việt Nam Anh hùng, cụ Lê Thị Chi góp 5 triệu tiền tiết kiệm của bà để chống dịch Covid-19. Courtesy : VGP News

Anh Thái Văn Đường lý giải điều mà anh cho là "kêu gọi để mị dân" bởi vì sự kêu gọi đó nhắm vào tấm lòng tương trợ cộng đồng trong dịch bệnh của nhiều cá nhân và doanh nghiệp. Thế nhưng, lời kêu gọi quyên góp thực chất là một mệnh lệnh của chính quyền đối với doanh nghiệp, không ủng hộ không được. Anh Thái Văn Đường nói rằng doanh nghiệp thông thường nhận được văn bản từ cơ quan chính quyền, mà gọi nôm na là ‘giấy xin tiền’ có đề ra một mức đóng góp cụ thể tối thiểu và đương nhiên doanh nghiệp phải quyên góp không thể ít hơn số tiền tối thiểu đó.

Thêm vào đó, còn có những trường hợp quyên góp vì ẩn chứa những mục đích khác. Anh Thái Văn Đường trưng dẫn :

"Ví dụ như trong đợt phòng chống dịch này thì báo chí thổi phòng Tập đoàn Vingroup tài trợ cái nọ, tài trợ cái kia. Thật ra không phải như thế đâu. Nếu nhìn một cách khách quan thì Tập đoàn Vingroup chuẩn bị lấy mấy trăm héc-ta đất vàng ở khu vực Láng-khu đô thị Hòa Lạc để làm khu đô thị lớn ở đây. Cho nên toàn là đánh đổi cả thôi, bao giờ cũng có sự đánh đổi với chính quyền".

Trở lại lời kêu gọi giới chức lãnh đạo cấp cao của Đảng và Nhà nước Việt Nam quyên góp chống dịch Covid-19 của Tiến sĩ Nguyễn Xuân Diện, Đài RFA ghi nhận có hơn 500 người tương tác với status này sau một ngày được đăng tải trên Facebook. Ông Hoang Le Thanh cho RFA biết ông ủng hộ lời kêu gọi của Tiến sĩ Nguyễn Xuân Diện và theo ông thì sẽ có rất nhiều người cần sự giúp đỡ trong thời gian 14 ngày tới. Ông Hoang Le Thanh chia sẻ về tình trạng những người gặp khó khăn tại khu vực nơi ông sinh sống ở Đà Nẵng hiện nay :

"Bao nhiêu người thợ nghề lao động vất vả như thợ nề, thợ mộc, thợ xây dựng…thậm chí họ làm buổi sáng để ăn buổi trưa, chứ đừng nói đến buổi chiều. Ngày mai không ra đường làm việc thì họ đói. Còn vợ con họ làm trên vài ba đám ruộng bị thiếu nước, thiếu phân rồi tiền thuế, tiền vay, tiền lãi…họ xoay sở cũng không xuể. Cho nên đừng nói họ có dư tiền bạc để dành mua đồ ăn trong vài ngày. Tình hình trong 14 ngày tới thì tôi đoán thế nào cũng có trộm cướp".

Mặc dù vậy, ông Hoang Le Thanh bày tỏ ông không tin rằng giới chức lãnh đạo cấp cao sẽ thực hiện việc quyên góp. Thậm chí, ông còn nghe tin gói 30 ngàn tỷ đồng hỗ trợ an sinh cho người nghèo, người thất nghiệp mà Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, vào chiều ngày 31/3, còn lưu ý các chính quyền cơ sở, các cơ quan quản lý, các cơ quan chức năng có liên quan không để phát sinh tiêu cực, trục lợi chính sách.

Một số người khác quan tâm đến lời kêu gọi giới chức cấp cao làm gương trong quyên góp chống dịch Covid-19 thì tỏ ra lạc quan hơn, như anh Phạm Minh Vũ, một cựu tù nhân lương tâm, chia sẻ rằng "có thể một số người sẽ hưởng ứng chiếu lệ, họ không dại ủng hộ nhiều bởi vì việc làm đó sẽ phơi bày tài sản tham nhũng của chính họ".

*****************

Câu từ của cơ quan công quyền, lãnh đạo khiến dân lo sợ, bất mãn ! (RFA, 30/03/2020)

Công văn về hỏa táng "bệnh nhân có thể tử vong"

Công văn số 2285 do Phó Giám đốc Sở Tài nguyên-Môi trường Thành phố Hồ Chí Minh, bà Nguyễn Thị Thanh Mỹ ký và ban hành ngày 26/3 gây phẫn nộ gay gắt trong dư luận.

hoathieu5

Hai công văn do Sở Tài nguyên và môi trường Thành phố Hồ Chí Minh ban hành trong ngày 26 và 27/03/2020. RFA edited

Nội dung của công văn này chú trọng vào công tác phòng chống dịch Covid-19 trong phạm vi của thành phố. Trong đó đã ghi "để ứng phó với các tình huống khẩn cấp có thể xảy ra trong tình hình dịch bệnh, đặc biệt với tình huống cần phải hỏa táng các bệnh nhân nặng nhiễm virus Covit-19 có thể tử vong".

Nhà báo Võ Văn Tạo, từ Nha Trang lên tiếng với RFA vì sao công văn 2285 bị chỉ trích dữ dội :

"Thông thường không nghĩ gì khác thêm, sâu thêm và căn cứ vào câu chữ thì công chúng đều có quyền nghĩ rằng là trường hợp nhiều và khẩn cấp quá sẽ cho thiêu luôn những người sắp chết do cúm. Điều đấy rất là dở và trên mạng xã hội đã phát hiện ra, phản đối dữ dội thì theo như tôi nhớ là khoảng hơn nửa ngày hay một ngày gì đó Sở Tài nguyên-Môi trường Thành phố Hồ Chí Minh đã rút lại công văn đó".

Nhà ngôn ngữ học-Tiến sĩ Hoàng Dũng, giảng viên Đại học Sư Phạm Thành phố Hồ Chí Minh tiếp lời với RFA :

"Xin lưu ý rằng người ký văn bản mà dư luận phản đối đến nỗi UBND Thành phố Hồ Chí Minh phải yêu cầu kiểm điểm là một cô phó giáo sư-tiến sĩ ngành môi trường ; nghĩa là người có học. Có thể cô không viết văn bản đó mà do cấp dưới viết, nhưng cô ký vào văn bản đó cho thấy rằng cô đọc mà cô không thông hiểu, không nhìn thấy về mặt tiếng Việt trong văn bản đó kỳ lạ và khiến cho người ta hiểu lầm. Tôi nghĩ đây chỉ phản ánh về trình độ diễn đạt tiếng Việt thôi, chứ không ai mà lại đem đi hỏa táng những người chưa chết. Nguyên văn trong công văn ghi ‘có thể tử vong’, tức là còn sống thì không ai hỏa táng cả. Thế nhưng ký vào văn bản như thế mà không gợn lên trong đầu điều gì cả thì có vấn đề về trình độ".

Sở Tài nguyên-Môi trường Thành phố Hồ Chí Minh vào ngày 27/3, qua công văn số 2319 thông báo thu hồi công văn số 2285, mà không có lý do giải thích vì sao.

Giám đốc Sở Tài nguyên-Môi trường, ông Nguyễn Tòan Thắng, tại cuộc họp báo vào chiều ngày 28/3, đã nhận trách nhiệm về việc ban hành văn bản số 2285 có nội dung hướng dẫn không rõ ràng.

Thông tin truyền thông gây hiểu lầm

Trong khi dư luận chưa kịp lắng dịu liên quan công văn vừa nêu, dân chúng lại tiếp tục đón nhận thông tin gây hoang mang từ báo chí trong lúc Chính phủ Việt Nam đang ra sức tuyên truyền ngăn chặn số ca nhiễm không tăng cao trong vòng 14 ngày tới. Điển hình, Báo mạng Tiền Phong, vào ngày 29/3 đăng tải bản tin có tựa đề "60 ca mắc Covid-19 ở Việt Nam đã âm tính, 1 ca rất nặng được rút ống thở’. Trong bản tin ghi rõ "Ba bệnh nhân rất nặng thì 1 bệnh nhân đã rút ống thở trong đêm 28/3".

Nhà báo Võ Văn Tạo giải thích về nội dung bản tin đăng trên báo mạng Tiền Phong hôm 29/3 :

"Đúng là khi nghe truyền thông nói là một số ca nặng đã có ca rút ống thở. Cụm từ ‘được rút ống thở’ trong xã hội Việt Nam thì thông thường được hiểu là rút ống thở cho chết".

Theo ghi nhận cá nhân, Nhà báo Võ Văn Tạo cho rằng từ trước đến nay tình trạng nội dung không rõ ràng, từ ngữ sử dụng không chuẩn mực trong những văn bản của các cơ quan nhà nước vốn đã như thế và bây giờ do tình hình dịch bệnh nguy cấp nên được dư luận chú ý nhiều hơn và phản ánh mạnh mẽ hơn. Nhà báo Võ Văn Tạo nhấn mạnh :

"Qua hai hiện tượng này, tôi không nghĩ là do tại vì tình hình dịch cúm Covid-19 đâu, mà thực chất là do trình độ cán bộ trong bộ máy quản lý nhà nước, cũng như là các phóng viên, biên tập viên trong các tờ báo chất lượng xuống lắm. Đọc các thông tư, nghị định…thì còn thấy dấu chấm, dấu phẩy chưa đúng chứ đừng nói điều gì khác. Chuyện này không có gì là ngạc nhiên vì năng lực cán bộ là như thế".

hoathieu6

Nội dung bản tin đăng trên Báo mạng Tiền Phong ngày 29/03/2020. Courtesy : Ảnh chụp màn hình tienphong.vn

Đồng quan điểm với Nhà báo Võ Văn Tạo, Tiến sĩ Hoàng Dũng khẳng định cán bộ yếu kém ở khắp các cơ quan trong hệ thống công quyền :

"Tôi nghĩ rằng việc bổ nhiệm người có trách nhiệm là có vấn đề. Nhìn ở đâu cũng thấy như vậy cả. Rất nhiều người không xứng đáng ngồi ở vị trí có quyền quyết định. Họ đọc một văn bản mà họ không hiểu. Họ viết một câu sai mà họ không thấy. Tôi nói một cách khách quan chứ chưa nói đến họ cố ý thì phần họ gây thiệt hại lớn hơn phần họ đóng góp".

Đài RFA ghi nhận người dân Việt Nam cũng đang rất hoang mang trước thông tin bị phạt nếu ra đường không đeo khẩu trang để phòng chống dịch Covid-19 ; trong khi Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long, hồi tháng 2, tuyên bố trong một cuộc họp báo rằng không nhất thiết phải đeo khẩu trang y tế phòng virus corona.

Lỗi do cơ chế

Tiến sĩ Nguyễn Ngọc Chu, trong một bài viết đăng trên trang facebook cá nhân vào ngày 28/3, cho rằng các ông bộ trưởng của Việt Nam bị con virus Trung Quốc "xé áo cho người xem lưng".

Trong bài viết, Tiến sĩ Nguyễn Ngọc Chu nêu rõ Bộ Y tế Việt Nam bị con virus làm đau đầu. Bên cạnh đó, Tiến sĩ Nguyễn Ngọc Chu còn chỉ đích danh 4 ông Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp-Phát triển Nông thôn Nguyễn Xuân Cường, Bộ trưởng Bộ Thông tin-Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng và Bộ trưởng Bộ Giáo dục-Đào tạo Phùng Xuân Nhạ trong khi đối phó với dịch Covid-19 đã cho thấy họ hoàn toàn dựa vào cấp dưới, trình gì đọc đó mà không có năng lực của một người lãnh đạo cấp bộ trưởng.

Tiến sĩ Hoàng Dũng cho rằng Nhà nước Việt Nam cần phải xem xét lại quy trình bổ nhiệm cán bộ lãnh đạo, nhất là qua kinh nghiệm trong đối phó với dịch bệnh Covid-19 này.

Tuy nhiên, Nhà báo Võ Văn Tạo bày tỏ ông không nhìn thấy dấu hiệu lạc quan nào trong tương lai gần :

"Tôi nghĩ không hy vọng gì qua đó họ rút được kinh nghiệm về chất lượng cán bộ và để cơ cấu vào trong bộ máy nhà nước cho tương lại, tại Đại hội Đảng XIII sắp tới. Bởi vì không thể nào rút được kinh nghiệm, tìm được ở đâu ra (cán bộ giỏi) khi quy hoạch từ cấp dưới lên trên, chẳng hạn như cán bộ cấp huyện được cử đi học ở các trường chính trị để trở thành cán bộ nguồn thì họ cũng lựa những người không giỏi quá, chỉ vừa vừa thôi nhưng chủ yếu là phải ‘biết điều’ ; nghĩa là không cãi cự ai, không làm mất lòng ai, quà cáp thường xuyên, gặp lãnh đạo cấp trên thì khúm núm và nịnh bợ…Thế cho nên không thể đào đâu ra được cán bộ có năng lực để thay thế cho bộ máy mà tôi cho rằng không có năng lực hiện nay".

Tiến sĩ Nguyễn Ngọc Chu, qua bài viết của ông đã quả quyết rằng "Chừng nào còn tồn tại luật bất thành văn, rằng cứ Ủy viên Trung ương Đảng là đương nhiên làm bộ trưởng hay đứng đầu các tỉnh thành, thì chừng đó Việt Nam mãi còn tụt hậu".

Mới đây nhất, tại cuộc họp trực tuyến với 5 thành phố lớn vào sáng ngày 29/3, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc kêu gọi vận dụng tinh thần trong thời chiến là "Tranh thủ từng giờ, từng phút, xốc tới mặt trận, giải phóng miền Nam. Quyết chiến và toàn thắng !" vào công cuộc phòng chống dịch Covid-19 của đất nước trong hiện tại.

Lời kêu gọi này vấp phải sự ta thán của không ít người Việt, vì cho rằng sự ví von của ông Thủ tướng hoàn toàn không phù hợp trong thời điểm dân tộc Việt tưởng niệm 45 năm ngày chiến tranh Việt Nam kết thúc.

Quay lại trang chủ

Additional Info

  • Author: RFA tiếng Việt
Read 608 times

Viết bình luận

Phải xác tín nội dung bài viết đáp ứng tất cả những yêu cầu của thông tin được đánh dấu bằng ký hiệu (*)