Chủ tịch nước đề nghị Quốc hội phê chuẩn hiệp định thương mại với EU (VOA, 20/05/2020)
Chủ tịch nước Việt Nam hôm 20/5 đề nghị Quốc hội phê chuẩn Hiệp định Thương mại tự do với khối Liên Hiệp Châu Âu (EVFTA) mà Hà Nội coi là "toàn diện, chất lượng cao" dù nó đã vấp phải phản đối từ các nhà lập pháp Châu Âu và giới ủng hộ nhân quyền quốc tế.
Hiệp định thương mại tự do giữa Việt Nam và Liên HiệpChâu Âu dự kiến sẽ giảm thuế đối với 99% hàng hóa được giao dịch với EU, thị trường xuất khẩu lớn thứ hai của Việt Nam sau Mỹ. (Ảnh chụp màn hình trang EVFTA của Bộ Công thương)
Theo báo điện tử Chính phủ, tờ trình của Chủ tịch nước về việc đề nghị Quốc hội phê chuẩn hiệp định EVFTA được Phó Chủ tịch nước Đặng Thị Ngọc Thịnh đưa ra tại Quốc hội hôm 20/5.
Tờ trình của Chủ tịch nước cho biết EVFTA là một hiệp định "toàn diện, chất lượng cao và đảm bảo cân bằng về lợi ích cho Việt Nam và EU, đồng thời phù hợp với các quy định của Tổ chức thương mại Thế giới (WTO) cũng như đã lưu ý đến chênh lệch về trình độ phát triển giữa hai bên".
EVFTA được kỳ vọng sẽ giảm thuế đối với 99% hàng hóa được giao dịch với Liên Hiệp Châu Âu, thị trường xuất khẩu lớn thứ hai của Việt Nam sau Mỹ, trong khi giúp thúc đẩy GDP và xuất khẩu của Việt Nam tăng lần lượt 2,4% và 12% trong thập kỷ tới cũng như giúp hàng trăm nghìn người thoát khỏi cảnh đói nghèo, theo nhận định của Ngân hàng Thế giới hôm 19/5.
Tuy nhiên bên cạnh những thuận lợi, tờ trình của Chủ tịch nước trước Quốc hội hôm 20/5 cho rằng hiệp định thương mại với EU sẽ "mang lại một số thách thức nhất định" đối với Việt Nam bao gồm sức ép cạnh tranh, quy định và quy tắc chặt chẽ về thủ tục đầu tư, cũng như cam kết về lao động.
Theo Ngân hàng Thế giới, đây là thời điểm hoàn hảo để Việt Nam khởi xướng cải cách sâu hơn và khắc phục các lỗ hổng pháp lý cũng như các vấn đề thực thi để thu được toàn bộ lợi ích của thỏa thuận.
Việt Nam mất 9 năm để đàm phán với khối EU về hiệp định thương mại, trong đó Bộ trưởng Công thương Trần Tuấn Anh gọi thử thách này là "vượt vũ môn" vì phải đối mặt với 28 quốc gia thành viên Châu Âu "với trình độ kinh tế, khung khổ luật pháp rất phát triển".
Việc ký kết và phê chuẩn hiệp định thương mại giữa Việt Nam và EU đã vấp phải nhiều phản đối từ chính các thành viên của nghị viện Châu Âu cũng như giới nhân quyền và xã hội dân sự. Họ kêu gọi EU thúc ép Việt Nam cải thiện hồ sơ nhân quyền "yếu kém" trước khi đồng ý ký kết và phê chuẩn.
Tuy nhiên, bất chấp những cảnh báo này, Nghị viện Châu Âu thông qua EVFTA hôm 12/2 với 401 phiếu thuận và 190 phiếu chống. Giờ đây chỉ cần Quốc hội Việt Nam phệ chuẩn là hiệp định sẽ được thực thi.
Theo người đứng đầu Bộ Công thương, EVFTA dự kiến sẽ có hiệu lực vào tháng 7 này.
Giám Đốc Ban Đông Á của Tổ chức Human Rights Watch John Sifton từng nói rằng : "EU đã bỏ lỡ một cơ hội quan trọng khi phê chuẩn hiệp định thương mại với Việt Nam mà không kèm theo các biện pháp chế tài yêu cầu các cam kết về cải cách nhân quyền".
Việt Nam là quốc gia thứ hai ở Đông Nam Á, sau Singapore, được EU ký kết hiệp định thương mại tự do, nhưng là quốc gia đang phát triển đầu tiên trong khu vực có FTA với khối liên hiệp này.
****************
Quốc hội Việt Nam chuẩn bị phê chuẩn Công ước xóa bỏ lao động cưỡng bức, Hiệp định tự do thương mại với Châu Âu (RFA, 20/05/2020)
Tại phiên khai mạc kỳ họp Quốc hội hôm 20/5, Quốc hội Việt Nam đã nghe Phó Chủ tịch nước Đặng Thị Ngọc Thịnh đọc tờ trình của Chủ tịch nước đề nghị phê chuẩn Công ước số 105 của Tổ chức Lao động Quốc tế (ILO) và hai hiệp định với Liên Hiệp Châu Âu (EU) là Hiệp định thương mại tự do (EVFTA) và Hiệp định Bảo hộ đầu tư (EVIPA).
Cao ủy Liên Hiệp Châu Âu phụ trách thương mại Cecilia Malmstrom và Bộ trưởng Công thương Trần Tuấn Anh trao đổi văn kiện sau lễ ký EVFTA ở Hà Nội hôm 30/6/2019 - Reuters
Công ước 105 về Xóa bỏ lao động cưỡng bức là 1 trong 3 công ước mà Việt Nam hứa phải thông qua để có được EVFTA với EU. 2 công ước kia là Công ước 98 về Áp dụng những nguyên tắc của quyền tổ chức và thương lượng tập thể và Công ước 87 về Tự do Hiệp hội và Bảo vệ quyền được tổ chức. Hồi tháng 6 năm 2019, Quốc hội Việt Nam đã thông qua Công ước 98.
Đọc tờ trình trước Quốc hội, Phó Chủ tịch nước Đặng Ngọc Thịnh nói việc phê chuẩn Công ước 105 là phù hợp với chủ trương của Đảng và Nhà nước trong hội nhập quốc tế ; khẳng định quyết tâm và nỗ lực của Việt Nam trong quá trình thực thi các cam kết liên quan đến lao động trong Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP), Hiệp định thương mại tự do Việt Nam - EU (EVFTA) và thực hiện nghĩa vụ của Việt Nam với trách nhiệm là quốc gia thành viên ILO.
Liên quan đến hai hiệp định với Châu Âu là EVFTA, và EVIPA, hồi tháng 2 vừa qua, Nghị viện Châu Âu đã bỏ phiếu thông qua hai hiệp định này.
Hiệp định EVIPA sẽ thay thế 21 hiệp định khuyến khích và bảo hộ đầu tư song phương hiện hành mà Việt Nam đã ký với các thành viên EU.
Đối với EVFTA, tờ trình của Chủ tịch nước kiến nghị Quốc hội giao Chính phủ thống nhất với phía EU thời điểm đưa EVFTA vào thực thi vào thời điểm sớm nhất, phù hợp với quy định của Hiệp định cũng như quy định pháp luận của mỗi bên.
Theo quy định về hiệu lực EVFTA, Hiệp định sẽ có hiệu lực vào ngày đầu tiên của tháng thứ hai sau tháng mà các bên thông báo cho nhau về việc hoàn thành các thủ tục pháp lý tương ứng để Hiệp định có hiệu lực.
****************
WB : Hiệp định thương mại EU giúp Việt Nam phục hồi sau đại dịch (VOA, 19/05/2020)
Một hiệp định thương mại tự do với Liên Hiệp Châu Âu sắp được Việt Nam phê chuẩn sẽ thúc đẩy sự phục hồi kinh tế của quốc gia Đông Nam Á sau đại dịch virus corona đồng thời thúc đẩy cải cách nhanh hơn, theo nhận định của Ngân hàng Thế giới (WB) hôm 19/5.
Cuối tháng này, quốc hội Việt Nam theo dự kiến sẽ thông qua thỏa thuận thương mại với EU, theo đó sẽ giảm thuế đối với 99% hàng hóa được giao dịch với Liên Hiệp Châu Âu, thị trường xuất khẩu lớn thứ hai của Việt Nam, sau Mỹ.
Bộ trưởng Thương mại Việt Nam Trần Tuấn Anh cho biết ông hy vọng thỏa thuận sẽ có hiệu lực vào tháng 7.
Kinh tế Việt Nam tăng trưởng với tốc độ chậm nhất trong quý 1 năm nay, ở mức 3,8%, do sự bùng phát của virus corona. Nhưng chỉ với 324 ca nhiễm và không có trường hợp tử vong nào, Việt Nam đã sẵn sàng mở cửa lại nền kinh tế sớm hơn so với các quốc gia khác trong khu vực.
Hiệp định thương mại tự do với Liên Hiệp Châu Âu-Việt Nam (EVFTA) có thể thúc đấy GDP và xuất khẩu của Việt Nam tăng lần lượt 2,4% và 12% trong thập kỷ tới và giúp hàng trăm nghìn người thoát khỏi đói nghèo, Ngân hàng Thế giới cho biết trong một báo cáo.
"Những lợi ích như vậy đặc biệt cấp bách để đem lại các lợi ích kinh tế tích cực khi (Việt Nam) đối phó với đại dịch Covid-19", WB cho biết.
Ngân hàng Thế giới nhận định đây là thời điểm hoàn hảo để Việt Nam khởi xướng cải cách sâu hơn và khắc phục các lỗ hổng pháp lý cũng như các vấn đề thực thi để thu được toàn bộ lợi ích của thỏa thuận.