Việt Nam nhập thịt heo từ Brazil (RFA, 17/06/2020)
Việt Nam sẽ nhập thịt heo từ một cơ sở giết mổ ở bang Minas Gerais, Brazil. Bộ trưởng nông nghiệp nước này, bà Tereza Cristina, cho biết như vậy vào tuần trước trong một hội thảo trực tuyến. Mạng báo Pigprogress.net đưa tin hôm 16 tháng 6.
Heo sống nhập khẩu từ Thái Lan. Photo : vietnambiz.vn
Mặc dù Việt Nam đã bắt đầu nhập khẩu thịt heo từ Brazil vào năm 2016 nhưng cho đến nay, số lượng thịt nhập vào Việt Nam vẫn chưa nhiều. Nay, do ảnh hưởng của bệnh dịch tả heo Châu Phi mà nhu cầu thịt heo tại Việt Nam tăng đột biến và chính phủ Việt Nam phải nhập thịt heo lẫn heo hơi từ các nước khác để bình ổn giá và cung cấp cho nhu cầu tiêu dùng của người dân.
Năm 2019, nhập khẩu thịt heo của Việt Nam từ nhiều nước trên thế giới tăng đến 125.000 tấn. Việt Nam có thể trở thành một trong 10 nước nhập khẩu thịt heo hàng đầu thế giới kể từ năm nay. Việt Nam là đối tác thương mại lớn thứ 8 của Brazil về nhập khẩu thịt heo.
Theo dữ liệu từ Hiệp hội Protein động vật Brazil (ABPA), Việt Nam đã nhập khẩu 5.900 tấn thịt heo từ tháng 1 đến tháng 4 năm nay, tăng 68% so với cùng kỳ năm 2019. Năm ngoái, xuất khẩu sang Việt Nam đã tăng 86,2% về sản lượng thịt heo, so với năm 2018. Năm 2019, Việt Nam đã mua 12.384 tấn thịt heo, 1.155 tấn sản phẩm thịt heo và 400 kg thịt heo muối.
Cũng tin liên quan, thông tin từ Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Việt Nam cho biết, 500 con heo sống nhập khẩu từ Thái Lan đã về đến cửa khẩu Lao Bảo và được chuyển đến khu cách ly kiểm dịch tại Nghệ An hôm 17 tháng 6.
Chiều ngày 11 tháng 6, báo trong nước dẫn lời ông Phùng Đức Tiến, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn rằng, các doanh nghiệp Việt Nam có nhu cầu nhập khẩu heo sống và đáp ứng các yêu cầu về việc kiểm dịch động vật của ngành thú y hai nước Việt Nam - Thái Lan sẽ được cấp phép nhập khẩu sang Việt Nam khoảng 5 triệu con heo sống.
***********************
Dân cần bình ổn giá, không cần lời khuyên đổi món của Bộ trưởng ! (RFA, 16/06/2020)
Phát biểu gây nhiều tranh cãi
"Người dân không có lý gì cứ tập trung ăn thịt lợn" mà cần san sẻ rổ thực phẩm ra với thịt gà, bò, trứng…là câu phát biểu của ông Nguyễn Xuân Cường, Bộ trưởng Nông nghiệp & Phát triển Nông thôn Việt Nam tại phiên thảo luận Quốc hội chiều ngày 13/6, khi giải trình về vấn đề giá thịt lợn tăng cao.
Quầy bán thịt heo trong một chợ ở Hà Nội. Reuters
Trao đổi với RFA vào tối 16/6, Phó Giáo sư - Tiến sĩ Ngô Trí Long, nguyên viện trưởng Viện Nghiên cứu thị trường giá cả Bộ Tài Chính cho rằng cách nói như vậy của Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn gây sự không đồng thuận với xã hội bởi vì :
"Đáng lý với cách nói thì ông phải đưa ra rất nhiều giải pháp, đồng thời một trong những khuyến cáo ta chuyển cơ cấu bữa ăn sang thực phẩm khác. Nhưng ông lại bảo nếu đắt thì chuyển với tính chất gần như áp đặt, võ đoán, coi như không tìm giải pháp thỏa đáng, thích hợp, vì vậy bị người ta phản đối".
Với quan điểm cá nhân, Nhà báo Nguyễn Ngọc Già nhận xét về phát biểu của ông Nguyễn Xuân Cường như sau :
"Với phát biểu của ông Nguyễn Xuân Cường trong tư cách Bộ trưởng Nông nghiệp- Phát triển Nông thôn thì đó là phép ngụy biện rất quen thuộc. Phép ngụy biện này để lảng tránh vấn đề ở đây là người ta đặt ra giá thịt heo quá cao chứ không phải so sánh hay ăn thịt heo, thịt bò, thịt gà… Ông ấy sử dụng phép ngụy biện này để tạo ra tâm lý cho người dân là việc này bình thường, không đáng gì nhằm mục đích cho người dân thấy là chuyện nhỏ nhặt, buông xuôi và chấp nhận để ông ta trốn tránh trách nhiệm trong việc để giá thịt heo tăng quá cao mà không có biện pháp gì kéo giảm nó phục vụ cho thị trường".
Trên các diễn đàn và các trang mạng xã hội, nhiều ý kiến cho rằng phát biểu của người đứng đầu Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đưa ra mang tính ‘duy ý chí’.
Đáng quan tâm hơn hết, đây không phải lần đầu một người lãnh đạo ban ngành trong bộ máy chính phủ Hà Nội có phát biểu như vừa nêu.
Trước đây, cựu Thủ tướng Phạm Văn Đồng cũng từng đưa ra phát biểu khiến nhiều người không thể quên được là "một ký rau muống có chứa chất bổ dưỡng ngang với một ký thịt bò".
Vì vậy, với phát biểu lần này của Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường, nhà báo Nguyễn gọc Già cho rằng không có gì đáng ngạc nhiên.
"Điều này không lạ vì ông ta sinh ra và lớn lên trong nền kinh tế phi thị trường mà đặc trung là nhà nước lo hết. Chính vì vậy mà não trạng ông Nguyễn Xuân Cường và tất cả những người cộng sản hiện nay đứng về góc độ kinh tế thì họ chỉ bán cái họ có chứ không phải bán cái thị trường cần. Vì vậy mới sinh ra nghịch lý là phát biểu của ông Cường cũng giống như trước đây là ông Phạm Văn Đồng nói một ký rau muống bổ ngang một ký thịt bò và những phát biểu có thể nói gây chê cười và khiến người dân chán ngán với trình độ những người cộng sản Việt Nam cấp cao".
Giá thịt lợn bất ổn dù tăng nguồn cung
Giá thịt lợn tại Việt Nam liên tục tăng cao tính từ đầu năm 2020.
Theo quan sát của Phó Giáo sư Tiến sĩ Ngô Trí Long, giá thịt lợn thời gian vừa qua được đánh giá là cao nhất từ trước đến nay. Ông dẫn chứng :
Ảnh minh họa : Một sạp bán thịt heo của tiểu thương. RFA
"Trước kia cao nhất chỉ 65.000 đồng/kg thịt lợn hơi nhưng đến nay đã lên hơn 90.000, có thời điểm gần 100.000 đồng. Ta thấy thịt heo là mặt hàng thực phẩm quan trọng trong cơ cấu bữa ăn người Việt, trong quyền số để tính chỉ số giá thì lương thực thực phẩm chiếm trên 40% mà trong đó thực phẩm thịt heo chiếm tỉ trọng đáng kể. Nên giá thịt heo tăng tác động mặt bằng lạm phát giá. Trước thực trạng này chính phủ đã họp các bộ, ngành, họp Bộ Công thương, Bộ Nông nghiệp, Bộ Tài chính tìm ra nguyên nhân. Chúng ta biết chủ yếu giá cả hình thành trên quan hệ cung - cầu, khi cung không đáp ứng cầu thì sẽ sẽ tăng".
Giải thích vì sao Việt Nam thiếu hụt nguồn cung cấp thịt heo khiến giá cả bị đẩy cao, Tiến sĩ Đặng Kim Sơn, nguyên viện trưởng Viện Chính sách và Chiến lược Phát triển Nông nghiệp - Nông thôn cho hay :
"Hàng heo của Việt Nam bị ảnh hưởng của dịch tả lợn Châu Phi rất nặng nề nên lợn chết nhiều đã đành mà bà con nông dân cũng sợ, không dám tái đàn bởi vì chưa hết mầm bệnh, đồng thời giá thịt lợn giống cao nên cung không đủ cầu nên đương nhiên giá thịt heo lên cao".
Dịch tả heo Châu Phi đã tái phát ở 155 xã của 20 tỉnh và thành phố dẫn đến việc tiêu hủy gần 4.000 con heo từ đầu năm nay. Năm 2019, tất cả 63 tỉnh, thành phố ở Việt Nam bị ảnh hưởng dịch bệnh này phải tiêu hủy khoảng 5,9 triệu con heo.
Chính phủ Hà Nội mới đây cũng ra quyết định tăng nguồn cung trong nước bằng cách cho nhập khẩu heo sống từ Thái Lan để nuôi hoặc giết mổ làm thực phẩm kể từ ngày 12/6 vừa qua.
Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn giao Cục Thú y ban hành văn bản hướng dẫn kỹ thuật cụ thể việc kiểm dịch nhập khẩu heo sống vào Việt Nam để bảo đảm an toàn dịch bệnh cho đàn heo. Cục trưởng Cục Thú y chịu trách nhiệm trước pháp luật và trước Bộ trưởng về việc đảm bảo an toàn dịch bệnh trong việc nhập khẩu heo sống vào Việt Nam.
Trước biện pháp vừa nêu, Phó Giáo sư Tiến sĩ Ngô Trí Long cho rằng khi tăng được nguồn cung, giá thịt heo bắt đầu có biểu hiện hạ nhiệt nhưng vẫn ở mức rất cao. Ông giải thích :
"Nhà nước có những biện pháp coi như đẩy mạnh tăng cường nhập khẩu, ngay bây giờ nhập cả thịt lợn sống. Tại sao cho nhập mà giá vẫn cao ? Chúng ta biết cho nhập nhưng qua khâu Cục thú y, Cục nông nghiệp kiểm định, chính cái đó làm ảnh hưởng, người ta làm chưa kịp thời nên kế hoạch nhập không đáp ứng đủ".
Với kinh nghiệm bản thân, Tiến sĩ Đặng Kim Sơn cho rằng bên cạnh việc tiến hành nhập khẩu thịt lợn trong thời gian tạm thời chưa tăng được cung để cung bù đắp cho cầu, người quản lý trong ngành còn cần phải có trách nhiệm với người chăn nuôi trong nước trước tình hình khó khăn hiện nay :
"Làm thế nào tạo điều kiện cho người chăn nuôi có thể đứng vững, tái đàn, phát triển lại ngành chăn nuôi. Ngành chăn nuôi heo ở Việt Nam rất quan trọng, không chỉ với những doanh nghiệp lớn, trang trại lớn mà cả với người sản xuất nhỏ, người nông dân nên cần tạo điều kiện cho họ tái đàn để phát triển lại".
Ngoài ra, Tiến sĩ Đặng Kim Sơn cũng cho rằng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cung cần phải có trách nhiệm với người tiêu dùng chứ không thể có phát biểu như ông Nguyễn Xuân Cường vì không cần ai nhắc nhở thì khi giá thịt lợn tăng cao thì người dân sẽ giảm mua lại và tìm các loại thịt khác thay thế.
"Tất nhiên có thể thay thế được nhưng người Việt Nam cũng như người Trung Quốc chuyện ăn thịt heo như tập quán nên dù thế nào đi nữa, sớm hay muộn cũng phải bình ổn giá, đưa giá về mặt bằng thực tế, ít nhất là thực tế với giá thị trường thế giới, sau đó là vừa với túi tiền người tiêu dùng".
Trước đó, báo trong nước đưa tin vào ngày 11/6 cho hay Thủ tướng chính phủ Việt Nam đã có chỉ đạo cho 3 bộ Nông nghiệp - Phát triển Nông thôn, Công Thương và Tài Chính gấp rút bình ổn giá thịt heo trong nước.
Chỉ đạo được đưa ra sau khi người đứng đầu chính phủ Hà Nội nhận được kiến nghị bình ổn giá thịt heo do Hội Bảo vệ Người Tiêu dùng gửi đến.
Tại phiên thảo luận chiều 13/6, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Nguyễn Xuân Cường đưa ra nhận định rằng phải đến quý 4/2020, Việt Nam mới có thể phục hồi được đàn lợn nuôi.