Dân Mỹ Đức thả 15 cảnh sát, đòi chính quyền đối thoại (RFI, 18/04/2017)
Không khí tiếp tục căng thẳng tại xã Đồng Tâm, huyện Mỹ Đức, thành phố Hà Nội, nơi dân làng bắt giữ hơn 30 cảnh sát cơ động từ hôm thứ Bảy, 14/04/2017, để phản đối việc chính quyền địa phương cưỡng chế đất trái luật, bắt bớ nhiều người. Sáng nay 18/04, 15 nhân viên an ninh đã được trả tự do, tất cả những người dân bị bắt cũng đã được thả.
Vụ cưỡng chế đất ở Mỹ Đức- Hà Nội ngày 14/04/2017. Ảnh : @trelangblog.com
Qua điện thoại, RFI tiếp xúc được với ông Bùi Viết Thiểu, 74 tuổi, một người dân xã Đồng Tâm. Ông Thiểu xác nhận thông tin về những người được thả của cả hai bên. Theo ông, quan điểm của những người phản đối vụ cưỡng chế đất là dân sẵn sàng thả các cảnh sát còn lại, nhưng yêu cầu lãnh đạo chính quyền đối thoại minh bạch về vụ tranh chấp. Người dân duy nhất của xã Đồng Tâm hiện chưa trở về nhà là ông Lê Đình Kình, 83 tuổi, bị chấn thương trong vụ bắt bớ hôm 14/04, hiện đang được điều trị tại bệnh viện.
Theo trang mạng trong nước VnExpress, việc trả tự cho 15 cảnh sát "đã diễn ra khá êm thấm… Họ được đối xử lịch sự, cung cấp thức ăn, nước uống đầy đủ".
Ban tuyên giáo Thành ủy Hà Nội đã có cuộc họp báo để thông tin về nguồn gốc vụ việc. Báo mạng Tuổi Trẻ dẫn lại nguồn tin trên, khẳng định khu đất 46 ha bị trưng thu vốn thuộc quyền quản lý của quân chủng Phòng không Không quân (Bộ quốc phòng), hiện đã được giao cho tập đoàn Viettel. Ban tuyên giáo Hà Nội cũng thừa nhận đã có tình trạng lấn chiếm đất quốc phòng ở đây, với sự tiếp tay của nhiều lãnh đạo chính quyền xã khóa trước (vụ án đã được khởi tố, nhiều quan chức xã bị tạm giam), nhưng việc người dân chống lại dự án thi công của Viettel là bất hợp pháp.
Ông Bùi Viết Thiểu, dân Đồng Tâm, phản đối lập luận này và cho biết quan điểm :
"Tổng khu vực đấy là 104 ha, nhưng quyết định thu hồi năm 1980 của chính phủ là 47,36. Số còn lại là gần 59 ha là đất nông nghiệp. Thế nhưng bây giờ người ta bảo tất cả là "đất quốc phòng", nên dân phẫn nộ.
Thứ hai là, việc bán cho tập đoàn viễn thông quân đội, trong giấy người ta viết là giao cho Viettel quân đội 47,36 ha, theo quyết định 113. Nhưng người ta không làm chỗ 47,36 ha, mà người ta lại làm ở chỗ 59 ha.
Quân chủng Phòng không Không quân thông báo vẫn quản lý đầy đủ sân bay Miếu Môn, trong đó có 47,36 ha của Đồng Tâm. Thế mà họ lại bảo dân Đồng Tâm lấn chiếm đất.
Việc lấy chỗ 59 ha này để bán cho Viettel khiến dân phẫn nộ. Hơn nữa, trong 59 ha này, người ta (chính quyền địa phương) đã phân cho nhau 6,8 ha, bán đi khắp nơi với giá 6 triệu đồng/m² rồi. Họ muốn bán nốt 53 ha còn lại.
Như vậy, có sự tráo lộn : Giao thì giao đất sân bay, nhưng khi làm lại làm trên đất nông nghiệp.
Tại sao gọi là "đất quốc phòng" mà (cơ quan) địa chính với cán bộ huyện lại bán được đất ? Điều này là vô lý ! Đây là chỗ mà cán bộ các cấp coi là vỉa tiền. Người dân phẫn nộ lắm !"
Ông Bùi Viết Thiểu cho biết trong những năm 1980 – 1984 ông là chủ nhiệm hợp tác xã tại Đồng Tâm, và chính ông đã là người trực tiếp "bàn giao mốc giới sân bay Miếu Môn".
Trọng Thành
******************
Vụ Đồng Tâm : báo chí nhà nước lúng túng, quan chức phách láo (VOA, 18/04/2017)
Từ Hà Nội, tiến sĩ Nguyễn Quang A nói với VOA-Việt ngữ rằng chính quyền và truyền thông nhà nước rất "lúng túng" trong sự cố này :
"Sự kiện này cho thấy rằng chính quyền hết sức lúng túng. Toàn bộ báo của nhà nước đã không làm chức năng báo chí, tức là đưa tin tức về sự thật, mà chỉ là cái loa của chính quyền. Họ im lặng cả 3-4 ngày, rồi đến lúc 15 cảnh sát cơ động của Hà Nội được thả ra thì họ bắt đầu trở mặt và lên tiếng một cách đồng loạt. Đấy là một hình mẫu ứng xử đã quá quen thuộc của chính quyền".
Tiến sĩ Nguyễn Quang A nhận xét về cuộc họp báo sáng ngày 18/4 do Ban tuyên giáo trung ương tổ chức, trong đó có phát biểu của Phó giám đốc Công an Thành phố Hà Nội, Thiếu tướng Bạch Thành Định :
"Ứng xử của chính quyền càng ngày càng dở. Cuộc họp báo vừa rồi, một ông tướng của công an Hà Nội đã nói một cách hết sức phách láo, coi người dân ở Đồng Tâm như là những thế lực thù địch, thế này thế kia".
Báo Công an trích lời tướng Định nói : "Từ đầu năm 2017 đến nay, số công dân khiếu kiện liên tục lôi kéo, kích động người dân có các hành vi vi phạm pháp luật với mức độ vi phạm ngày càng nghiêm trọng ; xâm chiếm đất quốc phòng ; gây rối an ninh, trật tự trên địa bàn ; cản trở các hoạt động bình thường, sinh hoạt của quần chúng nhân dân ; chống người thi hành công vụ và bắt, giữ người trái pháp luật".
Cuối buổi họp báo, công an thành phố Hà Nội kết luận : "Đây là những hành vi vi phạm pháp luật nghiêm trọng, cần phải xử lý nghiêm minh".
Hôm 15/4, chính quyền tìm cách dùng vũ lực để thu hồi đất tại xã Đồng Tâm, huyện Mỹ Đức, dự kiến sau đó giao đất cho công ty viễn thông Viettel. Tuy nhiên, người dân đã chống trả quyết liệt, giữ lại nhiều lính cảnh sát cơ động, không cho ra khỏi xã. Đồng thời, người dân cáo buộc chính quyền đã bắt đi một số người của xã.
Trong khi đó, truyền thông mạng xã hội liên tục đưa tin cập nhật các diễn biến vụ Đồng Tâm.
Luật sư Trần Vũ Hải, người đưa tin chi tiết các diễn biến vụ việc ở Đồng Tâm nhận xét : "Báo chí Việt đã thất bại hoàn toàn trước mạng xã hội khi truyền thông về vụ này. Rất mong các nhà báo, đặc biệt các bạn VTV, đừng bao giờ nói những điều kẻ khác tọng vào mồm. Các bạn còn có tai, có mắt và có trái tim đó !".
Cựu nhà báo Huỳnh Ngọc Chênh ở thành phố Hồ Chí Minh nhận xét trên Facebook : "Không có gì ngăn nổi làn sóng thông tin sự thật".
Ông Chênh viết thêm : "Vụ nổi dậy của gia đình Đoàn Văn Vươn ở Cống Rộc Hải Phòng năm 2012 đã có đến gần 100 blogger đưa tin đa chiều, mang sự thật đến cho người dân, tác động khá tốt lên báo chí lề đảng. Năm năm sau, vụ nổi dậy của nông dân Đồng Tâm - Mỹ Đức, đang diễn ra, đã có cả triệu facebooker theo dõi đưa tin. Thông tin sự thật về Đồng Tâm tràn ngập trên tất cả các mạng xã hội, trên hầu hết các trang tin lề dân từ trong ra ngoài nước".
Tiến sĩ Nguyễn Quang A cũng có cùng nhận xét, ông nói với VOA như sau :
"Thực sự trong mấy ngày vừa qua, hàng triệu người dân Việt Nam đã nhờ mạng xã hội để biết được thông tin nóng sốt về tình hình này. Chúng tôi có quen những người có tuổi, là những quan chức cấp cao của nhà nước có quê ở đó. Họ nói rằng những diễn biến là đúng như thông tin trên mạng xã hội đưa, chứ không như báo chí chính thống đưa. Truyền thông mạng xã hội đã thực sự đánh bại nền báo chí chỉ biết ăn theo, nói leo, là cái loa của chính quyền".
Ngày 30/3, Cơ quan Cảnh sát điều tra, Công an Thành phố Hà Nội đã ra quyết định khởi tố vụ án hình sự về hành vi "gây rối trật tự công cộng" ở xã Đồng Tâm theo điều 245 bộ luật Hình sự.
Tiến sĩ Quang A nói người dân Đồng Tâm tuy phản ứng dữ dội nhưng tỏ ra khá ôn hòa : họ không gây bạo loạn, họ đối xử tử tế với những cảnh sát cơ động.
Nhà báo Huỳnh Ngọc Chênh nhận xét việc người dân và các nhà hoạt động xã hội làm báo mạng trong vụ này :
"Đã có hàng chục người dân nơi khác và các nhà hoạt động xã hội dân sự tìm mọi cách tiếp cận đồng bào đang bi bao vây để ủng hộ hoặc tìm hiểu thông tin. Theo sự phát triển nầy, vài năm nữa, những vụ nổi dậy đứng lên chống bất công ở bất cứ đâu, ngoài sự hỗ trợ thông tin của hàng triệu nhà báo chuyên và không chuyên, sẽ còn có hàng vạn người dân nơi khác kéo đến tiếp ứng".
Nhà báo tự do Lê Nguyễn Hương Trà viết trên Facebook : "Con đường tồn tại, có thể là duy nhất của nhiều tờ báo hiện nay là phất cờ thoát khỏi gọong kìm của Ban tuyên giáo, hoặc tự diễn biến".
Trong một diễn biến khác, báo VietNamNet trích lời Bộ Trưởng Thông Tin và Truyền Thông Trương Minh Tuấn ngày 18/4 nói rằng "mạng truyền thông xã hội như ‘cái chợ’…Các thế lực thù địch chính trị đang tận dụng triệt để mạng xã hội để tuyên truyền chống Đảng, Nhà nước và tung tin sai sự thật hoặc thông tin thật - giả lẫn lộn để gây kích động, hoang mang cho người dân, tạo bất an cho xã hội".
Ông Tuấn cho biết Bộ của ông sẽ "làm việc với Facebook" vào ngày 26/4 để gỡ các thông tin xuyên tạc và sẽ phối hợp với Bộ Công an để thực hiện xử lý các vi phạm một cách nhanh nhất.