Việt Nam vào ‘thời kỳ cao điểm’ của cuộc chiến chống Covid-19 (VOA, 07/08/2020)
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc hôm 7/8 cảnh báo nguy cơ lây nhiễm "rất cao" trong cộng đồng và cho biết cuộc chiến chống sự bùng phát trở lại của đại dịch virus corona đã bước vào "thời kỳ cao điểm".
Nhân viên y tế lấy mẫu xét nghiệm từ người dân trong đợt bùng phát dịch Covid-19 trở lại ở Đà Nẵng hôm 3/8. Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nói nguy cơ lây nhiễm "rất cao" trong cộng đồng sau khi hàng chục nghìn người trở về các tỉnh thành từ Đà Nẵng.
Đợt bùng phát mới của Covid-19 tại Việt Nam, xuất phát từ Đà Nẵng hôm 25/7 và hiện vẫn chưa rõ nguồn lây nhiễm, đã lan đến 12 tỉnh, thành phố, theo Bộ Y tế.
"Cuộc chiến chống Covid-19 ở Việt Nam đã bắt đầu sang thời kỳ cao điểm", ông Phúc nói tại cuộc họp Thường trực Chính phủ về Covid-19 ở Hà Nội. "Nguy cơ lây nhiễm cộng đồng là rất cao, đòi hỏi quyết tâm cao hơn nữa, sự đoàn kết trách nhiệm hơn nữa của hệ thống chính trị… nhất là trong ít nhất hai tuần tới, đặc biệt là những địa bàn trọng điểm".
Trong thời gian qua, những người đi từ tâm dịch Đà Nẵng, hiện đang bị phong toả toàn thành phố, đã được các tỉnh, thành phố tiến hành rà soát xét nghiệm.
Theo thống kê được VietnamNamNet trích dẫn, gần 100.000 người trở về Hà Nội từ Đà Nẵng trong vòng hơn 1 tháng qua, trong khi Thành phố Hồ Chí Minh xét nghiệm hơn 44.000 người về từ Đà Nẵng trong thời gian gần đây.
Hôm 6/8, Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Trường Sơn được báo Tuổi Trẻ dẫn lời nói : "Dù số bệnh nhân hằng ngày đang gia tăng nhưng đánh giá toàn diện thì đỉnh dịch vẫn phải dự trù trong vòng 10 ngày tới. Vì thế ít ngày tới đây số ca dương tính có thể sẽ tăng lên nên tuyệt đối chúng ta không quá hoang mang, không chủ quan".
Thủ tướng Phúc hôm 7/8 ra lệnh cho các thành phố và chính quyền tỉnh áp dụng các biện pháp thích hợp để ngăn chặn virus đồng thời giảm thiểu tác động tiêu cực đến các hoạt động kinh tế và đời sống xã hội.
"Không để dừng các hoạt động kinh tế nhưng không phải vì kinh tế mà ảnh hưởng tới phòng chống dịch bệnh", ông Phúc nói. "Chú ý phòng dịch chặt chẽ và không để xảy ra tình trạng ngăn sông cấm chợ".
Việt Nam không có kế hoạch cách ly toàn xã hội như đã tiến hành trong 3 tuần của tháng 4 vì các lãnh đạo Việt Nam đang quyết tâm thực hiện ‘mục tiêu kép’, vừa chống dịch Covid-19 vừa phát triển kinh tế. Theo Phó thủ tướng Vũ Đức Đam cho biết hôm 4/8, chính phủ quyết không để cho làn sóng dịch bệnh thứ hai xảy ra cũng như không để quay lại giãn cách xã hội trên diện rộng, ở quy mô toàn quốc làm ảnh hưởng đến phát triển kinh tế.
Xét nghiệm nhanh và chính xác là chìa khóa để ngăn chặn sự lây lan của dịch bệnh, theo Thủ tướng Phúc. Ông nói thêm rằng chính phủ Việt Nam quyết tâm kiểm soát tỷ lệ lây nhiễm ở mức thấp nhất.
Việt Nam đã báo cáo 750 ca nhiễm Covid-19, trong đó có 349 trường hợp đang điều trị và 10 trường hợp tử vong.
**********************
Covid-19 : Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cảnh báo cuộc chiến chống dịch bệnh ở cao điểm, cần đảm bảo nguồn lương thực (RFA, 07/08/2020)
Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc hôm 7/8 cảnh báo cuộc chiến chống dịch bệnh Covid-19 tại Việt Nam đang ở cao điểm, cần đảm bảo đủ nguồn lương thực cho người dân đề phòng dịch bệnh kéo dài.
Người lao động đeo khẩu trang phòng dịch chờ phà về nhà ở tỉnh Hải Dương hôm 7/4/2020 - Reuters
Tại cuộc họp Thường trực Chính phủ về Covid-19 vào sáng ngày 7/8, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc chỉ đạo các bộ ngành và địa phương phải đảm bảo đủ thiết bị, vật tư y tế khi có dịch, không lấy lý do vì cơ chế mà để chậm. Ông nhấn mạnh các địa phương, ban ngành không được nói thiếu tiền chống dịch, vì thiếu thì phải xuất ngân sách dự phòng hoặc báo Trung ương gấp.
Người đứng đầu Chính phủ Việt Nam cũng yêu cầu đảm bảo hàng hóa phục vụ nhân dân, đặc biệt là đối với các địa phương đang bị ảnh hưởng nặng nề bởi dịch bệnh bao gồm Đà Nẵng, Quảng Nam, Tp. Hồ Chí Minh, Hải Phòng, Hà Nội, Khánh Hoà và Quảng Ninh. Các địa phương phải tính toán nguồn dự trữ cung ứng lương thực để đề phòng dịch kéo dài hơn dự kiến.
Thống kê tính đến 6 giờ chiều ngày 7 tháng 8, Việt Nam ghi nhận 784 trường hợp mắc Covid-19 với 10 trường hợp tử vong.
Kể từ ngày 23 tháng 7 đến nay có 369 trường hợp, trong số này có 330 ca lây lan trong cộng đồng tại 13 tỉnh, thành phố và 39 trường hợp từ nước ngoài vào.
*******************
Viện Pasteur Nha Trang nói hết sinh phẩm xét nghiệm, Quyền Bộ trưởng Y tế phản bác (RFA, 07/08/2020)
Viện Pasteur Nha Trang ngày 7/8 thông báo sẽ tiếp tục việc xét nghiệm các mẫu bệnh phẩm Covid-19.
Quyền bộ trưởng y tế khẳng định "Trong hệ thống y tế của Việt Nam, sinh phẩm xét nghiệm không bao giờ thiếu" - AFP, NNVN
Thông báo trên được gửi đến các sở Y tế và Trung tâm kiểm soát bệnh tật 11 địa phương khu vực miền Trung chỉ sau hai ngày viện này cho biết hoãn nhận mẫu xét nghiệm Covid-19 vì hết nguồn sinh phẩm, hóa chất và vật tư.
Giải thích về thông báo mới, Viện Pasteur cho rằng nhờ sự hỗ trợ kịp thời trong ngày 5/8 từ Viện Vệ sinh Dịch tễ Trung ương, Đơn vị Nghiên cứu Lâm sàng Đại học Oxford (OUCRU) và một số công ty nên đến ngày 6/8, Viện đã có được sinh phẩm tách chiết, primer, probe, môi trường bảo quản mẫu... nên việc xét nghiệm hiện vẫn diễn ra bình thường.
Tuy nhiên, trong cuộc họp thường trực Chính phủ diễn ra ngày 7/8, Quyền Bộ trường Y tế Nguyễn Thanh Long lại cho rằng Viện Pasteur Nha Trang nói cạn kiệt nguồn sinh phẩm là "thái quá". Ông luận giải có thể do một số tỉnh miền Trung có tâm lý ỷ lại nên đã gửi tất cả các mẫu xét nghiệm cho Viện Pasteur Nha Trang. Do đó, Viện đã ở trong tình trạng quá tải, nên đã có những phản ứng hơi quá.
Theo ông Long, trong hệ thống y tế của Việt Nam thì sinh phẩm xét nghiệm không bao giờ thiếu, đặc biệt tại các hệ thống y tế thuộc trung ương.
Tuy nhiên qua sự việc xảy ra tại Viện Pasteur Nha Trang, ông Long đã đề nghị các địa phương cần đẩy nhanh tiến độ mua sắm trang thiết bị để phục vụ công việc chống dịch Covid-19.
Ngoài ra, quyền Bộ trưởng y tế cũng cho biết trong ngày 7/8, Bộ Y tế sẽ ban hành Hướng dẫn Trộn mẫu sinh phẩm xét nghiệm. Trong quy trình trộn mẫu, sẽ cho phép trộn 5 mẫu cho một lần xét nghiệm nhưng vẫn phải đảm bảo độ chính xác như trước đây, để có thể tiết kiệm được sinh phẩm, cũng như năng lực xét nghiệm của các địa phương.