Truyền thông Nhà nước Việt Nam vào ngày 1/10 đồng loạt loan tin cho hay Chính phủ Hà Nội quyết định giao Bộ Công an chủ trì, phối hợp với các bộ, cơ quan, địa phương liên quan nghiên cứu, xây dựng Nghị định bảo vệ dữ liệu cá nhân.
Ảnh minh họa. AFP
Trước đó, vào đầu tháng 2/2020, Bộ Công an cho biết đã hoàn thành Hồ sơ dự thảo đề nghị xây dựng Nghị định quy định về bảo vệ dữ liệu cá nhân để lấy ý kiến đóng góp của các cơ quan, tổ chức, cá nhân.
Việc lấy ý kiến để xây dựng Nghị định được nói nhằm bảo đảm yếu tố pháp lý đối với triển khai công tác bảo vệ dữ liệu cá nhân và bảo đảm hoạt động cho Chính phủ điện tử.
Theo đó, dự thảo nghị định sẽ gồm 6 chương, 27 điều quy định về dữ liệu cá nhân ; các điều kiện và quy trình xử lý, bảo vệ, xử lý vi phạm về dữ liệu cá nhân ; trách nhiệm bảo vệ dữ liệu cá nhân của cơ quan, tổ chức, cá nhân.
Trao đổi với RFA tối 1/10, Tiến sĩ Nguyễn Quang A, nhà hoạt động xã hội dân sự từ Hà Nội, đưa ra nhận xét về việc xây dựng Nghị định bảo vệ dữ liệu cá nhân như sau :
"Tôi không rõ nội dung của nghị định chi tiết thế nào nhưng bảo vệ dữ liệu cá nhân là một việc rất quan trọng. Nếu họ làm đúng theo nghĩa cả thế giới đều hiểu là phải bảo vệ dữ liệu cá nhân thì đấy là điều tốt, còn nếu họ dùng những từ ngữ như thế nhưng theo một cách cách nghĩ khác thì cần phải xem xét lại thế nào".
Từ Sài Gòn, Nhà báo độc lập, cựu tù chính trị Nguyễn Ngọc Già lại có nhận định :
"Quan trọng nhất của nghị định này là phân loại dữ liệu cá nhân thì ngay mục đầu tiên của các loại họ cần thu thập dữ liệu cá nhân lại đặt quan điểm chính trị tôn giáo lên đầu tiên. Điều đó phản ánh mong muốn của nhà cầm quyền cộng sản Việt Nam khi họ ban hành nghị định này đó là siết chặt nhân quyền người Việt Nam. Điều này vi phạm Hiến pháp, vi phạm luôn Công ước quốc tế về quyền dân sự và chính trị thế giới. Vi phạm nữa là đi ngược lại với chuẩn mực quốc tế trong vấn đề bảo vệ dữ liệu cá nhân bởi vì nguyên tắc bảo vệ dữ liệu cá nhân của quốc tế là có thu thập thì có bảo vệ, không thu thập thì không bảo vệ. Vì vậy quan điểm chính trị và tôn giáo đối với thế giới người ta không bảo vệ bởi vì người ta không thu thập. Tại sao không thu thập ? Bởi vì đó là tự do về tư tưởng ở các quốc gia dân chủ và đa đảng".
Theo thống kê, hiện có hơn 80 quốc gia ban hành văn bản quy phạm pháp luật về bảo vệ dữ liệu cá nhân, bao gồm Mỹ, Pháp, Đức, Nhật Bản, Liên Hiệp Châu Âu…
Báo Việt Nam đăng tin cho hay tại những nước vừa nêu, quyền bảo vệ dữ liệu cá nhân được nhận định là quyền riêng tư và được pháp luật bảo vệ ; đồng thời đây cũng một trong những nhân tố quan trọng thúc đẩy quyền được bày tỏ chính kiến, quyền tự do ngôn luận.
Báo cáo Digital 2019, 64% dân số thường xuyên sử dụng mạng xã hội ; trong số này có 58 triệu người sử dụng mạng xã hội bằng điện thoại. RFA
Tiến sĩ Nguyễn Quang A cho rằng thông tin mà báo chí nhà nước loan tải có phần không chính xác. Ông giải thích :
"Tôi nghĩ rằng quyền bảo vệ những dữ liệu cá nhân nằm trong phạm trù bảo vệ sự riêng tư. Chuyện này không gắn liền lắm với việc tự do phát biểu chính kiến, chỉ có ở mức mình không thể bừa bãi dùng những dữ liệu cá nhân của người khác trong việc đưa tin tức hay phát ngôn. Đấy là chuyện bình thường, theo thế giới và không có gì đặc biệt. Nếu chỉ đúng như thế thì tôi nghĩ đấy là sự tiến triển đáng ghi nhận. Còn nếu họ dùng việc đấy để chặn công chúng tìm hiểu về thông tin riêng tư của các chính trị gia mà có ảnh hưởng đến lợi ích chung của công chúng thí dụ như tài sản của họ thế nào, họ có đóng thuế hay không… thì đấy là bóp nghẹt quyền tự do ngôn luận chứ không phải bảo đảm quyền tự do ngôn luận".
Vẫn theo Tiến sĩ Nguyễn Quang A, các nhà soạn thảo Nghị định bảo vệ dữ liệu cá nhân cần quy định rõ những điều ông vừa phân tích như trên trong luật, không thể đánh đồng việc bảo vệ dữ liệu cá nhân ngang bằng giữa người dân với các lãnh đạo trong bộ máy nhà nước.
Tiến sĩ A cho rằng những vị chính khách tại đất nước hình chữ S vẫn cần được bảo vệ thông tin cá nhân, nhưng được quy định ở một mức nhất định và sẽ mức độ này cần phải thấp hơn so với người dân thường.
Còn theo nhà báo Nguyễn Ngọc Già, Nghị định bảo vệ dữ liệu cá nhân đang được xây dựng sẽ đem lại những mặt hạn chế sau :
"Tôi nghĩ đó sẽ là đòn cân não cho giới hoạt động đấu tranh cho tự do dân chủ ở Việt Nam, kể cả những người viết báo như bản thân tôi. Bởi vì điểm quan trọng cao nhất là quan điểm chính trị tôn giáo họ đã đưa vào ngay hàng đầu trong việc thu thập dữ liệu thì bây giờ đặt ra phương pháp thu thập thế nào ? Thứ hai, tôi cho rằng đó không phải là thu thập mà mang tính chất khai báo, sẽ dẫn đến tình trạng một là người dân phải nói thật khi phải khai báo cho nhà cầm quyền cộng sản Việt Nam về quan điểm chính trị của mình, hai là họ nói dối".
Nhà báo Nguyễn Ngọc Già cho rằng từ những lựa chọn hạn chế cho người dân trong việc khai báo như ông vừa nêu sẽ dẫn đến những hệ lụy :
"Nếu như họ nói thật quan điểm chính trị của họ, ví dụ mong muốn quan điểm của tôi về chính trị là tự do dân chủ thì rõ ràng họ dễ bị ghép ngay vào tội chống nhà nước. Còn nếu họ nói dối sẽ dẫn đến sự e ngại là quan điểm chính trị không có hay tin tưởng vào Đảng cộng sản Việt Nam… thì một lúc nào đó họ bức xúc, phẫn nộ, bất bình về một việc gì đó của nhà cầm quyền cộng sản Việt Nam thì họ cũng dễ bị quy chụp tại sao quan điểm của anh thế này, bây giờ anh lại nói như vậy ? Trong khi đó, quan điểm chính trị là về tư tưởng mà tư tưởng về mặt triết học là luôn phải vận động, hôm nay tôi nghĩ thế này, mai có thể nghĩ khác. Nó đặt ra lằn ranh rất mong manh giữa hình sự và dân sự".
Các trang báo mạng chính thống dẫn lời Bộ Công an cho hay vấn đề bảo vệ dữ liệu cá nhân đang ngày càng trở nên cấp thiết trong thời đại công nghệ số hiện nay, đặc biệt với sự phát triển mạnh mẽ của các công nghệ mang tính đột phá trong cuộc cách mạng công nghiệp 4.0.
Việt Nam được đánh giá là một trong những quốc gia có tốc độ phát triển và ứng dụng Internet cao nhất thế giới với hơn 64 triệu người sử dụng Internet tại Việt Nam, chiếm hơn 2/3 dân số 90 triệu người.
Do đó, Nghị định bảo vệ dữ liệu cá nhân được đề xuất hoàn thành với mục tiêu không chỉ giúp người dân nâng cao nhận thức về bảo vệ thông tin cá nhân, đặc biệt về lý lịch cá nhân, mối quan hệ, tình trạng sức khỏe, tài chính... mà còn nâng cao năng suất trong công tác phòng ngừa, đấu tranh, xử lý các hành vi vi phạm pháp luật.
Bên cạnh đó, chính phủ Hà Nội cũng phải đảm bảo nội dung nghị định phải phù hợp với Hiến pháp, các quy định của pháp luật Việt Nam cũng như pháp luật quốc tế…
Bộ Công an được giao nhiệm vụ phải hoàn thành Nghị định bảo vệ dữ liệu cá nhân và trình Chính phủ trong Quý I năm 2021 tới đây.