Việt Nam ‘quyết tâm’ tổ chức các hội nghị quân sự bất chấp đại dịch
VOA, 09/10/2020
Bộ Quốc phòng Việt Nam vừa tổ chức cuộc họp hôm 8/10 với tùy viên quân sự của các nước ASEAN và các nước ASEAN mở rộng, khẳng định "quyết tâm tổ chức các hội nghị quân sự-quốc phòng còn lại trong năm giữ chức Chủ tịch ASEAN 2020" bất chấp "tình hình dịch bệnh diễn biến phức tạp", Bộ này cho biết trên trang thông tin chính thức.
Bộ Quốc phòng Việt Nam họp với tùy viên quân sự của các quốc gia ASEAN+ vào ngày 8/10/2020.
Trong số đó, Hội nghị Bộ trưởng Quốc phòng ASEAN lần thứ 14 (ADMM-14) và Hội nghị Bộ trưởng Quốc phòng các nước ASEAN mở rộng (ADMM+) là hai hội nghị được xem là quan trọng nhất dự kiến sẽ diễn ra từ ngày 9 đến ngày 11/12.
Hội nghị ADMM+ năm nay cũng là dịp lễ kỷ niệm 10 thành lập ADMM+, bao gồm 10 nước ASEAN và các nước mở rộng là Nga, Trung Quốc, Hoa Kỳ, Hàn Quốc, Nhật Bản, Australia, New Zealand và Ấn Độ.
Ngoài ra, Hội nghị trực tuyến Quan chức quốc phòng ASEAN (ADSOM) và Hội nghị trực tuyến Quan chức quốc phòng ASEAN mở rộng (ADSOM+) cũng dự kiến sẽ tổ chức vào giữa tháng 11 tới.
"Do tình hình dịch bệnh diễn biến phức tạp nên Việt Nam sẽ cân nhắc các phương án, hình thức tổ chức Hội nghị ADMM-14, Hội nghị ADMM+ lần thứ 7 phù hợp, theo điều kiện thực tế và sẽ sớm thông báo cho các nước", trang tin của Bộ Quốc phòng Việt Nam dẫn lời Trung tướng Vũ Chiến Thắng, Cục trưởng Cục Đối ngoại, nói trong cuộc họp.
Giữa bối cảnh Trung Quốc đang gia tăng các hoạt động quân sự nhằm khẳng định yêu sách chủ quyền ở Biển Đông gần đây, các hội nghị quân sự của ASEAN và ASEAN mở rộng được xem là một trong những cơ hội để Việt Nam, trong tư cách là Chủ tịch ASEAN năm nay, có thể đưa vấn đề tranh chấp ra các cơ chế đa phương và tìm kiếm sự ủng hộ, hỗ trợ từ các quốc gia trong khu vực và các cường quốc, đặc biệt là Hoa Kỳ.
Mặc dù Mỹ không phải là một bên liên quan đến tranh chấp Biển Đông, nhưng Hà Nội luôn ủng hộ Washington và các nước khác tham gia với vai trò trung gian thứ ba để gây ảnh hưởng trên các cuộc đàm phán giữa ASEAN và Trung Quốc. Một số chuyên gia cho rằng khi có Mỹ làm trung gian hòa giải, ASEAN sẽ được hưởng lợi từ một trật tự tự do và cởi mở hơn là bị Bắc Kinh chi phối.
********************
Hội nghị Trung ương 13 ‘thống nhất cao’ về công tác nhân sự cho Đại hội XIII
VOA, 09/10/2020
Hôm 9/10, Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng cho biết Hội nghị Trung ương 13 đã bỏ biếu biểu quyết đề cử ứng viên cho Ban Chấp hành Trung ương khoá XIII với "kết quả tốt đẹp", "thống nhất rất cao với đề xuất của Bộ Chính trị".
Trang VietnamNet dẫn lời ông Trọng trong bài phát biểu tại bế mạc : "Trung ương đã bỏ phiếu biểu quyết giới thiệu nhân sự Trung ương khoá XII tái cử và nhân sự mới lần đầu được dự kiến giới thiệu tham gia Ban Chấp hành Trung ương khoá XIII…Kết quả rất tốt đẹp, thể hiện tinh thần trách nhiệm cao, thống nhất rất cao với đề xuất của Bộ Chính trị".
Lãnh đạo cao nhất của Đảng cộng sản Việt Nam nhấn mạnh rằng quá trình giới thiệu nhân sự này được thực hiện "khách quan, công tâm". Tuy nhiên, số lượng và chi tiết danh tính của các ứng viên không được ông Trọng hay truyền thông Việt Nam tiết lộ.
Trước đó, Hội nghị 12 vào tháng 5/2020 đã thống nhất số Ủy viên Bộ Chính trị khoá mới gồm 17-19 người, số Uỷ viên Trung ương là 200 người, gồm 180 chính thức và 20 dự khuyết (giống khóa XII). Tại Hội nghị 13, số Uỷ viên Trung ương tổng cộng dự kiến nâng lên đến 227 người.
Nhân sự cho Đại hội Đảng XIII, dự kiến diễn ra vào đầu năm 2021, luôn là đề tài được người dân và truyền thông trong và ngoài nước quan tâm. Vấn đề nhân sự này được Bộ Chính trị chuẩn bị từ năm 2017 bằng việc ban hành Quy định 90 về khung tiêu chuẩn, và Hội nghị Trung ương lần thứ 8 vào tháng 10/2018 về việc thành lập các Tiểu ban nhân sự, Tiểu ban văn kiện.
Nhận định về ứng viên tiền năng cho chức Tổng bí thư, ông Cù Huy Hà Vũ viết cho VOA : "Trần Quốc Vượng, một người được dư luận đánh giá là "sạch sẽ" và hơn thế nữa, đã và đang nắm những cương vị "nội chính" chủ chốt cả trong Nhà nước lẫn trong Đảng, không chỉ trở thành người kế vị tất yếu mà còn là lựa chọn tối ưu của Tổng bí thư Trọng.
Theo các nhà quan sát trả lời phỏng vấn VOA, ngoài ông Trần Quốc Vượng, những tên tuổi được xem là sáng giá nhất và được nêu ra gồm các ông Phạm Bình Minh, Vương Đình Huệ, Lương Cường, Phan Đình Trạc và bà Trương Thị Mai.
Trước khi diễn ra Hội nghị 13, báo Công an Nhân dân đăng bài cảnh báo rằng "các thế lực thù địch, phần tử cơ hội chính trị, phản động đẩy mạnh các hoạt động chống phá, tuyên truyền xuyên tạc, tung tin sai trái, bịa đặt. Một trong những thủ đoạn nguy hiểm, thu hút sự chú ý của nhiều người là xuyên tạc công tác nhân sự, cán bộ của Đảng để chống phá".
Trong tuần này, giữa lúc Hội nghị Trung ương 13 đang diễn ra ở Hà Nội, Bí thư Tỉnh ủy Kiên Giang Nguyễn Thanh Nghị, con trai cựu Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng, được bổ nhiệm quay trở lại chức thứ trưởng Bộ Xây dựng mà ông đã nắm giữ vào năm 2011.
Với việc "thuyên chuyển công tác" này, giới quan sát tin rằng dường như khả năng ông Nghị được bầu lại trong Ban chấp hành Trung ương sắp tới cũng không cao.