Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Published in

Việt Nam

27/04/2017

Tôn giáo và nhân quyền, Việt Nam thách thức thế giới

Tổng hợp

Ủy hội Hoa Kỳ về tự do tôn giáo quốc tế ra phúc trình 2017 (RFA, 27/04/2017)

Ủy hội Hoa Kỳ về Tự do Tôn giáo Quốc tế, USCIRF vào ngày 26 tháng tư công bố phúc trình thường niên về tình hình tự do tôn giáo tại một số quốc gia.

tongiao1

Giao diện trang web của uscirf.gov. Photo : uscirf.gov.

Chủ tịch USCIRF, linh mục Thomas Reese, phát biểu nhân dịp công bố phúc trình rằng về mặt tổng quát USCIRF kết luận tình hình vi phạm tự do tôn giáo đang ngày càng xấu đi cả về chiều sâu và diện rộng. Trong phúc trình năm nay, USCIRF kêu gọi Quốc hội và Chính quyền Hoa Kỳ kiên trì nhấn mạnh tầm quan trọng của tự do tôn giáo cho tất cả mọi người, ở mọi nơi thông qua những tuyên bố công cũng như ở những cuộc gặp chung hay riêng.

Trong phúc trình năm nay, USCIRF kêu gọi Ngoại trưởng Hoa Kỳ đưa Nga vào diện quốc gia cần quan tâm- CPC vì Matxcova tiếp tục sử dụng luật gọi là chống cực đoan như công cụ giới hạn quyền tự do của nhiều giáo phái khác nhau.

Việt Nam cũng bị USCIRF kêu gọi chính quyền Hoa Kỳ đưa lại vào danh sách CPC.

USCIRF thừa nhận trong năm qua từ khi Luật Tín ngưỡng- Tôn giáo được thông qua dù chưa hoàn toàn đáp ứng những chuẩn mực quốc tế trong lĩnh vực này, Việt Nam có một số tiến triển trong cải thiện điều kiện cho quyền tự do tôn giáo. Tuy vậy, nhiều vi phạm nghiêm trọng vẫn tiếp diễn, đặc biệt đối với những cộng đồng thiểu số ở những vùng nông thôn tại một số tỉnh.

************************

Công bố danh sách chế tài theo luật Magnitsky đợt 2 (RFA, 27/04/2017)

Danh sách đề nghị chế tài đợt 2 theo Luật Magnisky toàn cầu được tổ chức BPSOS ở Hoa Kỳ công bố hôm 27 tháng 4.

tongiao2

Tiến sĩ Nguyễn Đình Thắng (trái), giám đốc BPSOS trong một buổi hội thảo về nhân quyền cho Việt Nam tại Quốc hội Hoa Kỳ ngày 16/1/2014. AFP photo

Danh sách đợt 2 gồm 21 nhân vật, trong đó có 19 giới chức chính quyền cấp thành phố, huyện và phường liên quan đến vụ cưỡng chế đất của người dân Cồn Dầu, Đà Nẵng.

Danh sách này thuộc bộ hồ sơ số 4 trong tổng cộng 6 bộ hồ sơ đã nộp cho Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ từ cuối tháng 2 vừa qua.

Các hành vi đàn áp nhân quyền trong hồ sơ Cồn Dầu được nêu ra là tra tấn và đánh chết người. Sự việc xảy ra từ năm 2010.

Trong hồ sơ có tên ông cựu bí thư thành phố Đà Nẵng Nguyễn Bá Thanh, lúc đó kiêm chủ tịch Hội Đồng Nhân dân Thành phố Đà Nẵng, tuy đã qua đời, nhưng vẫn bị nêu tên trong hồ sơ vì là tâm điểm của mạng lưới liên can đến nhân quyền và tham nhũng. Ông Thanh được cho là người chủ chốt đứng đằng sau kế hoạch vụ Cồn Dầu.

Cũng liên quan đến đất đai Cồn Dầu, vào ngày 24 tháng 4 vừa qua, UBND Thành phố Đà Nẵng có buổi đối thoại trực tiếp với các hộ dân ở giáo xứ Cồn Dầu về phương án tái định cư của Thành phố Đà Nẵng.

Báo Tuổi Trẻ đưa tin cho biết chỉ có 3 trong số 87 hộ tham dự đối thoại.

Báo trích dẫn lời ông Hồ Kỳ Minh, Phó chủ tịch UBND TP Đà Nẵng cho biết sẽ trực tiếp giải quyết các thư khiếu kiện của những hộ gia đình ở giáo xứ Cồn Dầu chưa đồng tình với phương án tái định cư thuộc dự án khu đô thị sinh thái ven xông Hoà Xuân.

Theo trình bày của ông Minh, thành phố đang có những chính sách ưu tiên sớm thực hiện đối với những hộ có khiếu nại đề nghị được tái định cư gần nhà thờ Cồn Dầu.

Một phương án hoán đổi ưu tiên được ông Minh đưa ra là chủ hộ sẽ chuyển nhượng cho Công ty cổ phần Tập đoàn Mặt Trời 1 lô đất họ nhận được tại khu tái định cư để đổi lấy 1 lô đất gần nhà thờ.

******************

Buổi xin lỗi bất thành (VnExpress, 27/04/2017)

Đêm trước buổi xin lỗi, vợ chồng ông Hàn Đức Long thức trắng.

Ông nói với tôi, đó là do chứng mất ngủ kinh niên khi còn ở tù. Nhưng nhìn ánh mắt long lanh sáng, tôi hiểu ông mong chờ ngày này đã quá lâu. Cứ nhìn cái cách vợ ông cho người mổ con lợn to nhất chuồng, làm cả chục mâm cơm mời họ hàng tới ăn, để chiều cùng ra xã nghe xin lỗi với chồng là biết, với bà nhà có ‘hỷ’ lớn thế nào. Ai hỏi, bà cũng chỉ cười nói ‘phấn khởi lắm’.

Tôi băn khoăn tự hỏi, ông Long cũng như ông Nguyễn Thanh Chấn hay ông Huỳnh Văn Nén thì trên đất nước Việt Nam này có ai mà không biết ? Việc các ông được minh oan, trả tự do có tờ báo nào không đăng tải ? Vậy tại sao các ông lại khát khao một buổi xin lỗi công khai ở quê nhà đến vậy ?

Ông Long tâm sự với tôi, ông vẫn chưa tham gia một việc làng nào từ khi về đến giờ bởi vẫn chờ buổi xin lỗi, khi đó ông mới chính thức được minh oan. Còn vợ ông nói : "Ngày nào chồng tôi còn chưa chính thức được xin lỗi, ngày đó chúng tôi còn phải chịu ánh mắt gièm pha của dân làng".

Sau luỹ tre làng, bên cạnh bản án tử hình tuyên xuống ông Long còn là bản án dư luận tròng vào cổ người vợ cùng những đứa con. Đó còn là "bia miệng ngàn năm" gắn lên một dòng họ.

Nhà cháu bé bị hại lại cách nhà ông Long chỉ một đoạn đường làng vài trăm mét. Gần 4 năm trước, bà vợ ông Long kể với tôi trong ánh mắt ngập nước : "Mỗi lần giáp mặt bố mẹ hay người thân cháu bé, họ lại chửi…". Nay bà chỉ mong buổi xin lỗi sẽ khiến gia đình cháu bé hiểu và tin chồng bà không phải hung thủ.

Trưa đó, ăn cơm xong, bà vào buồng mang ra một chiếc sơ mi trắng mới nguyên. Bà khoác lên người ông Long rồi cẩn thận cài từng chiếc khuy. Hai ông bà nắm chặt tay nhau, ra ủy ban xã.

Tôi không còn tìm thấy ở ông Long ánh mắt vô hồn của đêm đầu được thả về sau 11 năm tù. Tôi cũng không còn tìm thấy gương mặt khổ đau, nỗi tấm tức của vợ ông cách đây 4 năm. Đó là khi bà ngồi tâm sự hàng tháng, hàng năm tay nải vạ vật ở vỉa hè Hà Nội, gặm mỳ tôm sống ngóng chờ nỗi oan khuất của chồng được gột rửa.

Hội trường nhà văn hoá xã đã được sắp đặt trang trọng. Phía trên sân khấu, một tấm biển nền đỏ chạy dòng chữ "Toà án nhân dân Cấp cao tại Hà Nội công khai xin lỗi ông Hàn Đức Long" treo nghiêm trang ở chính giữa.

Theo thông báo, 14h buổi xin lỗi sẽ bắt đầu. Nhưng từ 13h nhiều cụ già, phụ nữ trung niên và cả trẻ nhỏ đã đổ về sân ủy ban. Cửa hội trường vừa mở, họ lần lượt kéo vào, ngồi ngay những hàng ghế đầu. Một người phụ nữ tay ôm bức ảnh thờ. Trong ảnh là một bé gái.

Người phụ nữ đó chính là mẹ của cháu bé nạn nhân trong vụ án cách đây 12 năm - vụ án mà ông Hàn Đức Long bị xác định là hung thủ. Trong đầu tôi hiện ra đôi mắt người đàn bà nhìn trân trân lên ban thờ đặt ảnh bé gái, thoắt long lên giận dữ, thoáng lại chua xót tức tưởi. Khi ấy người mẹ đó chỉ nói : "Mẹ chồng tôi đến chết vẫn không nhắm mắt vì hung thủ hại cháu nội chưa bị trả giá".

Chỉ vài phút sau, những tiếng gào thét giận dữ, những cuộc giằng co xô đẩy diễn ra. Mẹ cháu bé cùng vài người phụ nữ bất ngờ lao ào ào lên sân khấu. Họ giật phăng tấm biển rơi xuống đất chỉ trong chớp mắt. Vừa giật họ vừa gào : "Công lý ở đâu ? Ai đền mạng cho con tôi ? Tự ông ta đã nhận tội, có ai ép đâu, sao giờ lại thả ra rồi nói là oan ? Thử hỏi nếu là con, cháu nhà các người, các người có chịu được không ?". Những tràng gào thét đứt quãng như vậy cứ dồn dập.

Lực lượng an ninh cố đẩy nhóm người nhà nạn nhân vẫn điên cuồng gào thét xuống phía dưới hội trường. Lúc đó là 14h20. Phó Chánh án TAND Cấp cao tại Hà Nội tay cầm văn bản, đứng vào bục phát biểu. Đứng hai bên ông là hai thanh niên, người che tay, người cầm kẹp giấy chắn những chiếc dép bay lên từ dưới hội trường.

Ở một phía cánh gà sân khấu, vợ chồng ông Long đứng nép người sau nhóm công an. Gương mặt ông Long thẫn thờ. Chỉ lúc sau, ông được vợ dìu về nhà rồi ngất.

Lúc này, trong hội trường không ai nghe thấy ông Phó Chánh án đọc gì. Chỉ biết, ông đọc chừng 3 phút xong văn bản rồi cả đoàn cán bộ vội vã rời khỏi hội trường, bỏ lại hàng trăm người dân dõi theo ánh mắt tò mò, khó hiểu, bỏ lại nhóm người nhà nạn nhân vẫn điên cuồng chửi bới, ‘đòi công lý’. Tôi tự hiểu, buổi xin lỗi đã kết thúc.

Sau vụ việc ở Mỹ Đức, đến buổi xin lỗi oan sai không trọn vẹn này, tôi càng nhớ nhận định của Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương Võ Văn Thưởng : "Nguy hiểm nhất là dân không tin xử lý của chính quyền".

Nếu có gì thể hiện rõ thông điệp ấy, thì đó chính là khoảnh khắc tấm biển đề dòng chữ xin lỗi công khai bị giật xuống. Hình ảnh ấy, như một sự đổ vỡ một niềm tin vào pháp luật, vào công lý của người dân.

Vụ xét xử kéo dài 11 năm kia không chỉ lấy đi tự do của ông Long, mà ở đó, tôi nhận ra nó còn lấy đi cả niềm tin của gia đình nạn nhân. Họ đã liên tục bị xát muối vào vết thương. Không thể trách họ, hay là thuyết giảng về "nguyên tắc suy đoán vô tội" hay là "thượng tôn luật pháp", khi họ đã ở tận cùng nỗi đau và sự tuyệt vọng.

Niềm tin đã mất ấy, một hay nhiều lời xin lỗi không thể lấy lại được.

Bảo Hà

Quay lại trang chủ
Read 842 times

Viết bình luận

Phải xác tín nội dung bài viết đáp ứng tất cả những yêu cầu của thông tin được đánh dấu bằng ký hiệu (*)