Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Published in

Việt Nam

03/05/2017

Họp trung ương 5 để đề cao Ủy ban Kiểm tra ?

BBC tiếng Việt

Họp trung ương 5 để đề cao Ủy ban Kiểm tra ? (BBC, 02/05/2017)

Hội nghị lần thứ 5 của Ban Chấp hành trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam dự kiến sẽ diễn ra từ 5 đến 11 tháng 5, với dấu hiệu vai trò của Ủy ban Kiểm tra trung ương có vẻ sẽ được đề cao.

tw1

Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng sẽ khai mạc Hội nghị Trung ương 5

Được biết Hội nghị sẽ diễn ra cả trong hai ngày thứ Bảy, Chủ nhật.

Sự kiện này càng được dư luận quan tâm sau khi ngày 27/4, Ủy ban Kiểm tra trung ương đề nghị Bộ Chính trị, Ban Chấp hành trung ương Đảng xem xét, thi hành kỷ luật đối với ông Đinh La Thăng.

Ông Thăng đang là ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy Thành phố Hồ Chí Minh.

Liệu ông Thăng có phải nhận hình thức kỷ luật nào rất có thể sẽ là một chủ điểm được trông đợi tại Hội nghị trung ương 5.

Kinh tế tư nhân

Một chủ đề khác được quan tâm là việc Hội nghị sẽ ban hành Nghị quyết về phát triển kinh tế tư nhân.

Trưởng ban Kinh tế trung ương Nguyễn Văn Bình hồi tháng Tư nói nghị quyết này sẽ là "một động lực quan trọng của nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa".

"Phát triển kinh tế tư nhân là yêu cầu tất yếu, khách quan, vừa cấp thiết, vừa lâu dài trong quá trình hoàn thiện thể chế, phát triển nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa", ông Bình nói hôm 26/4.

Theo Trưởng ban Kinh tế trung ương, vấn đề kinh tế tư nhân sẽ là một chủ đề bàn thảo tại Hội nghị trung ương 5, khóa XII này.

Ông Bình cũng nêu rằng "cần thống nhất quan điểm kinh tế Nhà nước, kinh tế tập thể cùng với kinh tế tư nhân là nòng cốt để phát triển một nền kinh tế độc lập, tự chủ".

"Coi phát triển kinh tế tư nhân lành mạnh theo cơ chế thị trường là một phương sách quan trọng để huy động và phân bổ các nguồn lực và giải phóng sức sản xuất, và tạo điều kiện thuận lợi để kinh tế tư nhân phát triển ở tất cả các lĩnh vực mà pháp luật không cấm".

Theo ông, kinh tế tư nhân vẫn chưa đáp ứng được vai trò là một động lực quan trọng của nền kinh tế Việt Nam.

Các báo Việt Nam cho hay kinh tế tư nhân vẫn chủ yếu là kinh tế hộ gia đình, cá thể chiếm tới 31,33% GDP, trong khi các thành phần khác của kinh tế tư nhân chỉ chiếm 7,88% GDP năm 2015.

Được biết Hội đồng Lý luận trung ương đã xây dựng 2 Báo cáo tư vấn cho hội nghị "về hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa" và "đổi mới cơ chế, chính sách khuyến khích và tạo điều kiện phát triển kinh tế tư nhân".

Bên cạnh đó, căn cứ vào phát biểu của Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ về Hội nghị trung ương 5 sắp diễn ra thì việc tái cơ cấu trong các doanh nghiệp nhà nước cũng sẽ là chủ đề cần xem xét đến, nhất là các tập đoàn kinh tế, tổng công ty lớn.

Sàng lọc và khai trừ Đảng

tw2

Ông Đinh La Thăng (thứ hai từ phải sang) bị 'đề nghị kỷ luật'

Không lâu trước Hội nghị trung ương 5, hôm 29/04 vừa qua, báo Nhân Dân có bài đề cao vai trò của việc thực hiện Nghị quyết trung ương 4, Khóa XII, trong đó Ủy ban Kiểm tra các cấp trong Đảng Cộng sản được đóng vao trò quan trọng.

"Các cấp ủy, tổ chức đảng, ủy ban kiểm tra (UBKT) các cấp và chi bộ phải chủ động đổi mới, tăng cường và đẩy mạnh công tác kiểm tra, giám sát định kỳ và đột xuất"…

Mục tiêu dùng cơ quan này để làm "trong sạch đội ngũ", qua cách "xem xét, kết luận, xử lý kỷ luật trước, sau đó chỉ đạo hoặc đề nghị các tổ chức nhà nước, đoàn thể xem xét xử lý kỷ luật về hành chính, đoàn thể kịp thời, đồng bộ hoặc yêu cầu cơ quan pháp luật xử lý bằng pháp luật".

Bài báo cũng viết : "Cán bộ, đảng viên vi phạm phải có hình thức xử lý kịp thời, chính xác, bảo đảm công khai, minh bạch, công bằng ; khắc phục tình trạng xử lý nhẹ trên, nặng dưới".

"Cấp ủy các cấp chỉ đạo tiến hành kiểm tra, rà soát, sàng lọc đưa những người không còn đủ tư cách đảng viên ra khỏi Đảng để làm trong sạch nội bộ Đảng".

**********************

Dư luận mạng viết về đề nghị kỷ luật ông Đinh La Thăng (BBC, 02/05/2017)

tw3

Ông Đinh La Thăng bị Ủy ban Kiểm tra trung ương quy trách nhiệm người đứng đầu về các vi phạm của Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN)

Dư luận người Việt trong và ngoài nước đang chú ý nhiều đến sự kiện đương kim Bí thư Thành ủy thành phố Hồ Chí Minh, ủy viên Bộ chính trị bị Ủy ban kiểm tra trung ương công khai kiến nghị kỷ luật.

Đề nghị kỷ luật ông Đinh La Thăng công bố hôm 27/4, trước lúc Hội nghị trung ương 5 Khóa 12 của Đảng Cộng sản Việt Nam diễn ra đầu tháng Năm.

Ông Đinh La Thăng bị Ủy ban Kiểm tra trung ương quy trách nhiệm người đứng đầu về các vi phạm của Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN) trong giai đoạn 2009 - 2011, là nơi ông từng là Chủ tịch Hội đồng Thành viên Tập đoàn.

BBC ghi nhận một số tiếng nói trên mạng xã hội tiếng Việt và cả báo chí nhà nước tại Việt Nam bình luận sự việc này.

Lặp lại năm 2012 ?

Nhiều người so sánh đề nghị kỷ luật ông Đinh La Thăng với đề nghị xem xét kỷ luật Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng tại một hội nghị trung ương năm 2012.

Khi đó, Hội nghị trung ương 6 Khóa 11 ra kết luận "không thi hành kỷ luật đối với tập thể Bộ Chính trị và một đồng chí trong Bộ Chính trị".

Nay nhà báo Tâm Chánh, nguyên Tổng biên tập báo Sài Gòn Tiếp thị, viết trên Facebook cá nhân, cho rằng ông Đinh La Thăng không có sức mạnh như nguyên Thủ tướng :

"Vì đơn giản ông Thăng không có bề dày nắm quyền lực như ông Nguyễn Tấn Dũng để có thể chi phối chọn lựa của các ủy viên trung ương".

Hoặc nếu ông Thăng không bị kỷ luật, cây bút Tâm Chánh nêu giả thiết Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng sẽ có thể "huy động sự tham gia của người dân vào cuộc đấu tranh sinh tử này".

"Yếu huyệt trong thế trận này chính là ai nhanh chóng nắm giữ ngọn cờ công khai và chuyển nó thành khí thế của dân".

"Ông Trọng sẽ thắng nếu biết khai thác sức mạnh này, biến dư luận thành công luận, nhưng ở thời ông Trọng tác động chính yếu này của truyền thông không còn trong tay nền báo chí cách mạng vốn bị tẩn nhừ tử, chỉ có một mực "cách mạng" mà không còn sự chính trực báo chí nữa".

Còn nếu ông Thăng nhận mức kỷ luật khá nặng là "cảnh cáo", cây bút Tâm Chánh nêu ra kịch bản :

"Sự leo thang mong muốn trừng phạt này sẽ làm lộ ra không it tật bệnh ở mức trầm kha của một hệ thống chinh trị sau nhiều năm kiến tạo pháp quyền vẫn chỉ có thể dùng đến uy quyền để cai trị chính bộ máy của mình".

Giải pháp 'đồng bộ'

tw4

Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng sắp khai mạc Hội nghị trung ương 5

Trong khi đó, cây bút Nguyễn An Dân cũng dùng Facebook để đòi hỏi :

"Nhân dân chỉ tin khi đồng thời với xử lý kỷ luật ông Thăng là những giải pháp đồng bộ công khai, minh bạch với nhân dân và đảng viên cơ sở trong xử lý toàn diện".

"Xa hơn là việc chọn lựa bổ nhiệm cán bộ lãnh đạo cần phải công khai, minh bạch những thành tích đã đạt được, có chương trình hành động để đạt được các mục tiêu, yêu cầu của cương vị đó, thuyết phục được các đảng viên và quần chúng nhân dân".

Ông này cho rằng : " Vấn đề cuối cùng vẫn là hiến pháp phải đứng trên đảng pháp, là pháp trị, là tư pháp độc lập".

Chốt lại, ông Nguyễn An Dân kêu gọi cải tổ chính trị :

"Chính trị càng cải cách nhanh chừng nào thì tham nhũng sẽ giảm dần đi chừng ấy, đó mới là cách chống tham nhũng hiệu quả và lâu dài, vì lợi ích nhân dân, chứ không phải giữ nguyên hệ thống nhưng đem dê ra tế thần khi cần thiết".

Chấn động hay rất bình thường ?

Sau khi Ủy ban Kiểm tra trung ương công khai đề xuất hình thức kỷ luật với ông Đinh La Thăng, truyền thông nhà nước tại Việt Nam cũng phỏng vấn một số người thường trả lời báo chí.

Cựu đại biểu Quốc hội, Giáo sư Nguyễn Minh Thuyết cho rằng :

"Từ nay, nên theo nếp sống văn minh như thế : Tất cả mọi người đều bình đẳng trước pháp luật và kỷ luật của tổ chức".

Một cựu Ủy viên trung ương Đảng, Trung tướng Nguyễn Quốc Thước, nói :

"Người có công thì biểu dương, người có tội thì không bỏ qua".

"Tôi ghi nhận tinh thần nghiêm túc ấy. Còn xem xét kết luận ấy như thế nào, xử lý ra sao thì do trung ương quyết định".

Còn trên trang Giáo Dục, luật sư Phan Xuân Xiểm, nguyên Hàm Vụ trưởng, Ủy ban Kiểm tra trung ương cho biết :

"Nội dung kết luận kỳ họp thứ 14 của Ủy ban Kiểm tra trung ương quả thực là vụ việc theo tôi là chấn động.

Nói chấn động, vì đồng chí Đinh La Thăng từng được ca ngợi là năng động, có những táo bạo, dám làm, dám chịu trách nhiệm trong công tác...

tw5

Ông Đinh La Thăng từng được nêu như một "hiện tượng" của chính trị Việt Nam vài năm qua

Trước đây, dư luận chỉ biết cái đồng chí Đinh La Thăng làm được nhưng nay Đảng đã chỉ ra những trách nhiệm của đồng chí về những hậu quả mà đồng chí đã làm tại Tập đoàn Dầu khí Việt Nam và chịu xem xét xử lý theo điều lệ Đảng".

Nhưng ông Phan Xuân Xiểm cũng nói thêm :

"Đồng chí Đinh La Thăng giữ chức vị cao trong Đảng bị đề nghị xem xét kỷ luật thì tôi cho là điều bình thường".

Cũng về sự "bình thường", trang Viet-Studies ở Hoa Kỳ nhắc lại một bài trên VietnamNet hồi tháng 11/2011 trích lời ông Vũ Mão, cựu quan chức cao cấp ở Việt Nam khi đó khen Bộ trưởng Giao thông Đinh La Thăng :

"Tôi hoan nghênh và ủng hộ những việc làm thể hiện tư duy, phong cách mạnh mẽ của của Bộ trưởng Bộ GTVT Đinh La Thăng...

Hiện nay, dư luận đồng tình với Bộ trưởng Thăng rất nhiều, những ý kiến qua lại cũng không ít, tôi cho đó là chuyện bình thường".

Quay lại trang chủ
Read 786 times

Viết bình luận

Phải xác tín nội dung bài viết đáp ứng tất cả những yêu cầu của thông tin được đánh dấu bằng ký hiệu (*)