Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Published in

Việt Nam

12/02/2021

Kiều hối đổ về Việt Nam năm 2020 tăng hay giảm ?

Tổng hợp

Việt Nam can thiệp vào thị trường ngoại hối ngay sau khi bị Mỹ nêu tên là nước thao túng tiền tệ

RFA, 12/12/2021

Việt Nam đã có hành động can thiệp vào thị trường ngoại hối và sử dụng cách thức bất thường để can thiệp, ngay sau khi bị Mỹ dán nhãn là nước thao túng tiền tệ vào tháng 12/2020. Hãng tin Reuters đưa tin hôm 11/2, trích nguồn tin từ 6 người biết rõ về thông tin này và dựa vào các phân tích thông tin thị trường.

kieuhoi1

Tiền đồng của Việt Nam - Reuters

Theo Reuters, vào tháng 1/2021, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam thông báo cho các ngân hàng trong nước rằng cơ quan này sẽ ngưng việc mua đô la Mỹ như thường lệ và đưa ra đề nghị hấp dẫn khác cho các ngân hàng địa phương. Đó là, Ngân hàng Nhà nước sẽ mua đô la ở mức giá ưu đãi cho thời hạn hoàn tất giao dịch vào tháng 7 và cho phép các ngân hàng địa phương được quyền bỏ thỏa thuận này trước giữa tháng 6 nếu họ muốn.

Động thái này của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, theo Reuters, là chưa từng được ghi nhận trước kia và giúp làm giảm sức ép lên tiền đồng của Việt Nam. Các nguồn tin cho Reuters hay việc làm này có thể giúp Việt Nam tránh sự chú ý của Mỹ đến vấn đề thương mại và những hậu quả tiếp theo trong quan hệ giữa hai nước.

Hiện Ngân hàng Nhà nước Việt Nam vẫn chưa đưa ra lời bình luận nào đối với thông tin mới của Reuters.

Trước đó, vào ngày 15/1, cơ quan Đại diện Thương mại Mỹ (USTR) công bố kết luận điều tra, xác định Việt Nam có các hành động, chính sách, cách làm can thiệp vào thị trường ngoại hối, tạo gánh nặng và hạn chế thương mại của Mỹ. Tuy nhiên, USTR cho biết cơ quan này chưa đưa ra một hành động trừng phạt cụ thể nào đối với Việt Nam và sẽ tiếp tục cân nhắc các lựa chọn có sẵn.

Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam Lê Minh Hưng hồi tháng 10/2020 cho biết : "NHNN chưa và sẽ không bao giờ sử dụng công cụ chính sách tiền tệ như tỷ giá để tạo lợi thế cạnh tranh không công bằng trong giao dịch thương mại và quốc tế".

*******************

6,1 tỷ USD kiều hối về Sài Gòn trong năm 2020, tăng 12% so với năm ngoái

RFA, 10/02/2021

Ngân hàng Nhà nước Việt Nam chi nhánh thành phố Hồ Chí Minh (Sài Gòn) cho hay, chỉ trong năm 2020, lượng kiều hối chuyển qua các tổ chức tín dụng về thành phố Hồ Chí Minh ước đạt 6,1 tỷ đô la Mỹ, tăng 600 triệu USD so với năm ngoái mặc dù cả thế giới gặp khó khăn trong đại dịch Covid-19.

kieuhoi3

Nhân viên một ngân hàng thương mại đếm đô la tại một chi nhánh ngân hàng ở Hà Nội. AFP

Theo đó, người Việt ở các nước Mỹ, Châu Âu, Úc, Đài Loan... chuyển tiền về Sài Gòn nhiều nhất, trong đó thị trường Mỹ chiếm phần lớn.

Lượng kiều hối chuyển về thành phố Hồ Chí Minh từ trước đến nay thường chiếm khoảng 30%-40% tổng số kiều hối cả nước.

Chuyên gia kinh tế, Tiến sĩ Lê Đăng Doanh, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu Quản lý Kinh tế Trung ương, khi trả lời RFA hôm 10/2, nhận định :

"Tôi nghĩ điều đấy (kiều hối tăng dù có dịch bệnh -pv) thể hiện tình đồng bào, tình quê hương, và sự chia sẻ giữa người Việt Nam ở nước ngoài và với người ở trong nước. Người Việt Nam ở nước ngoài mặc dù có khó khăn, nhưng tôi thấy vẫn nghĩ về quê hương, nghĩ về đồng bào ở trong nước và tìm cách đóng góp. Tôi thấy đấy là một trong các tài sản quý của dân tộc Việt Nam, và chúng ta phải cố gắng gìn giữ và phát triển tình cảm đó của kiều bào".

Theo VnExpress, lượng kiều hối chuyển về Việt Nam tính đến tháng 10/2020 ước đạt 15,7 tỷ USD, thấp hơn 7% so với năm 2019, nhưng vẫn giúp Việt Nam tiếp tục có tên trong danh sách các nước nhận kiều hối lớn nhất năm 2020.

71 tỷ USD là tổng kiều hối gửi về Việt Nam chỉ trong vòng 5 năm qua, tăng trưởng trung bình 6%/năm, trong đó năm 2018 và 2019 đạt lần lượt là 16 và 16,7 tỷ USD.

Việt Nam là quốc gia nhận kiều hối lớn thứ 9 thế giới năm 2020, xếp thứ ba khu vực Đông Á - Thái Bình Dương, sau Trung Quốc và Philippines.

**********************

Kiều hối về Việt Nam năm 2020 hơn 15 tỷ USD, giảm so với 2019

Kiều hối do người Việt ở nước ngoài gửi về cho thân nhân trong nước dự đoán hơn 15.68 tỷ USD năm nay, ít hơn năm ngoái khoảng 1 tỷ USD.

Ngân Hàng Thế giới (WB) hôm 28/11/2020 dự báo như trên và cho biết, tuy ít hơn năm ngoái, do hậu quả của đại dịch Covid-19 trên toàn cầu, số tiền khổng lồ này tương ứng với 5,8% tổng sản phẩm nội địa (GDP) của Việt Nam.

kieuhoi2

Nhân viên ngân hàng đếm đô la Mỹ. Kiều hối gửi về Việt Nam năm 2020 thấp hơn năm 2019. (Hình : Hoang Dinh Nam/AFP/Getty Images)

Năm 2019, người Việt Nam ở các nước trên thế giới, gồm những người định cư ở nước ngoài và công nhân xuất cảng lao động, đã gửi về nước cho thân nhân 16,7 tỷ USD, tương đương với 6,6% GDP.

Theo WB, tiền kiều hối tức ngoại tệ gửi về Việt Nam nhiều thứ 9 trên thế giới nhưng đứng hàng thứ ba ở khu vực Đông Á Châu, sau Philippines và Trung Quốc.

Cả chục năm qua, kiều hối đổ về nước cứ năm sau cao hơn năm trước theo số lượng người Việt ở nước ngoài gia tăng. Năm nay là năm có lượng kiều hối sụt giảm so với năm ngoái vì đại dịch Covid-19 ảnh hưởng lên nền kinh tế toàn cầu.

Ngân Hàng Thế Giới ngay từ tháng 4/2020 đã dự báo lượng kiều hối trên thế giới năm nay giảm đến 20%. Riêng khu vực Đông Á và Thái Bình Dương giảm khoảng 13%.

Khoảng 5,3 triệu người Việt Nam sinh sống và làm việc tại 130 nước và vùng lãnh thổ trên thế giới. Đông nhất là Hoa Kỳ với hơn 2 triệu người gồm phần lớn là tị nạn cộng sản sau khi miền nam sụp đổ, rồi đến những đợt quân cán chính Việt Nam Cộng Hòa và thân nhân được đưa qua qua Mỹ theo chương trình ODP bên cạnh những người được thân nhân đã có quốc tịch bảo lãnh.

Hàng trăm ngàn người được các công ty xuất cảng lao động quốc doanh Việt Nam đưa đi bán sức lao động tại rất nhiều nước trên thế giới. Không có khả năng, nghề nghiệp chuyên môn cao, họ chấp nhận những công việc lao động chân tay ít tiền, nhịn ăn nhịn tiêu để gửi tiền về nước cho thân nhân.

Trước những số tiền khổng lồ gửi về nước hàng năm, tờ người Lao Động hôm 23/11/2020 vừa qua tâng bốc rằng "Cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài ngày càng gắn bó với quê hương, đã và đang trở thành một trong những nguồn lực quan trọng đóng góp cho quá trình xây dựng, bảo vệ, phát triển và hội nhập quốc tế của đất nước".

Hôm 27/11, Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Bình Minh phát biểu tại "Hội nghị sơ kết 5 năm thực hiện chỉ thị về việc tiếp tục đẩy mạnh thực hiện Nghị quyết số 36 của Bộ Chính trị khóa 9 về công tác đối với người Việt Nam ở nước ngoài" khoe là "cả hệ thống chính trị đã vào cuộc và tạo nên nhiều thành công của công tác về người Việt Nam ở nước ngoài".

Trước đó một ngày, ông Phạm Bình Minh cho đăng tải trên trang mạng của đài truyền hình VTV bài viết hô hào "Nâng cao hơn nữa hiệu quả của công tác về người Việt Nam ở nước ngoài trong tình hình mới".

Ông tuyên truyền như "rót mật" là "Đoàn kết, hướng về cội nguồn luôn là truyền thống quý báu của mọi người con đất Việt. Dù xa cách bao lâu, dù ở đâu, làm gì, dù khó khăn, gian khổ đến đâu, bà con kiều bào vẫn luôn hướng về quê hương, mong muốn được góp phần tham gia xây dựng và bảo vệ tổ quốc".

Cuối năm ngoái, báo chí trong nước khoe rằng lao động Việt Nam thuộc nhóm có thu nhập thấp tại nước ngoài trung bình mỗi tháng gửi về 735 USD, cao xấp xỉ 10 lần so với thu nhập 73 USD/tháng của các hộ gia đình nhận tiền tại Việt Nam, theo báo cáo "Hai mặt của đồng tiền : Câu chuyện của người nhận kiều hối" của công ty tài chính UniTeller công bố tháng 12/2019.

93448503

Nhân viên một ngân hàng thương mại ở Hà Nội vừa đếm vừa kiểm soát thật giả của các đồng 100. (Hình : Hoang Dinh Nam/AFP/Getty Images)

Khi Việt kiều gửi tiền về nước nuôi chế độ, TTXVN thuật lời ông Tổng bí thư kiêm Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng ca ngợi "Kiều bào là bộ phận máu thịt không tách rời của dân tộc Việt Nam". Nhưng khi họ kêu gọi dân chủ, nhân quyền thì trở mặt chửi họ là "phản động", "thế lực thù địch", "trốn ra nước ngoài để ăn bơ thừa, sữa cặn của tư bản dãy chết". 

(TN) [kn]

Quay lại trang chủ

Additional Info

  • Author: RFA tiếng Việt, Người Việt
Read 685 times

Viết bình luận

Phải xác tín nội dung bài viết đáp ứng tất cả những yêu cầu của thông tin được đánh dấu bằng ký hiệu (*)