Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Published in

Việt Nam

18/03/2021

Lập thêm hàng loạt các Bộ, tiếng Hàn là sinh ngữ thi tốt nghiệp,

RFA tồng hợp

Nghịch lý các bộ sáp nhập mà vẫn cồng kềnh

RFA, 18/03/2021

Tình trạng "Bộ trong Bộ" vốn là hạn chế chưa khắc phục được của việc sáp nhập các bộ, cơ quan từ giai đoạn trước ; thay vì tinh giản hơn lại càng nặng nề thêm.

Bo-Noi-Vu

Hà Giang tiến hành hợp nhất một số cơ quan thuộc chính quyền với cơ quan Đảng, sáp nhập Ban Tổ chức Tỉnh ủy với Sở Nội vụ, cơ quan Ủy ban Kiểm tra Tỉnh ủy với Thanh tra tỉnh, Đảng bộ khối doanh nghiệp tỉnh với Đảng bộ khối cơ quan tỉnh. Ảnh minh họa

Nhận xét vừa nêu được báo Nhà nước Việt Nam ngày 17/3 đăng tải, trích dẫn trong dự thảo báo cáo tổng kết chương trình tổng thể cải cách hành chính nhà nước giai đoạn 2011 – 2020 và định hướng giai đoạn 2021 – 2030 do Bộ trưởng Bộ Nội vụ Lê Vĩnh Tân ký và công bố mới đây.

Dự thảo nhận định rằng tổ chức bộ từ 2007 đến nay vẫn giữ nguyên số lượng, mặc dù có khả năng tinh gọn hơn.

Ngoài ra, bộ máy bên trong bộ, cơ quan ngang bộ bị đánh giá còn cồng kềnh, nhiều đầu mối, số đơn vị trực thuộc tăng lên với nhiều đơn vị có tư cách pháp nhân. Đồng thời, mô hình tổ chức tổng cục, cục, vụ được nói không thống nhất.

Trao đổi với RFA tối 18/3, Giáo sư Đặng Hùng Võ, nguyên Thứ trưởng Bộ Tài nguyên Môi trường cho rằng nhận xét nêu ra trong dự thảo báo cáo của Bộ Nội vụ hoàn toàn đúng. Ông nhận định :

"Xu hướng tinh giản bộ máy hành chính được đưa ra đến nay là 20 năm rồi, việc này thực hiện nhiều lần nhưng phải dùng một từ là không thành công.

Định hướng vẫn là tinh giảm biên chế, tổ chức lại bộ máy, gom lại làm rõ nhiệm vụ nào là nhiệm vụ quản lý nhà nước, nhiệm vụ sự nghiệp, nhiệm vụ nào khối doanh nghiệp có thể làm. Về phương hướng rõ ràng nhưng cứ đi vào cuộc sống thì nó cứ nở ra".

Thêm vào đó, Giáo sư Đặng Hùng Võ cho biết nếu trước đây hay dùng từ cát cứ quyền lực giữa các bộ thì nay đã thay đổi theo chiều hướng xấu đi :

"Không chỉ còn là cát cứ quyền lực giữa các bộ mà còn ở các cục, tổng cục trong một bộ cũng bắt đầu có chuyện về quyền ở đâu lớn hơn, công việc ở đâu nắm nhiều hơn, quyết định nào, bao nhiêu thứ quyết định có thể ra được tiền. Đấy là tình trạng hiện nay".

Từ Hà Nội, ông Nguyễn Khắc Mai, nguyên Vụ trưởng Vụ Nghiên cứu, Ban dân vận Trung ương của Đảng Cộng sản cho rằng sở dĩ tình trạng "Bộ chồng Bộ" vẫn chưa thể giải quyết được là do cấu trúc bộ máy còn tồn tại nhiều vấn đề, chưa hợp lý. Ông nói :

"Quan niệm về bộ máy hành chính đang có vấn đề, mô hình một nửa theo thị trường, một nửa vẫn theo mô hình Xô Viết, tức mô hình quản lý hành chính, mà kinh tế còn dính với hành chính thì không thể nào giải quyết được. Từ đó đẻ ra sự chồng chéo, mâu thuẫn lẫn nhau".

Dù tình trạng sáp nhập các bộ được đánh giá chưa được thực hiện hiệu quả, nhưng trong dự thảo báo cáo cũng cho hay 13 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương đã báo cáo Thủ tướng Chính phủ cho phép thành lập Sở Du lịch.

Mới đây, Ủy ban Pháp luật của Quốc hội hôm 16/3 vừa đề xuất thành lập thêm các bộ, như Bộ Thanh niên, Công tác quản lý phụ nữ, Biển đảo…

Theo lời ông Bùi Văn Xuyền, Ủy viên Thường trực Ủy ban Pháp luật của Quốc hội Khóa XIV tại buổi họp, hiện vẫn còn tồn tại tình trạng trùng lắp về chức năng, nhiệm vụ của các bộ, ngành như giữa Bộ Tài chính với Bộ Kế hoạch và Đầu tư ; và Bộ Tài chính và Ngân hàng Nhà nước…

bonoivu2

Phó Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội Trần Thị Dung trình bày Báo cáo thẩm tra Báo cáo công tác của Chính phủ nhiệm kỳ 2016-2021. Ảnh : QH

Ông Nguyễn Khắc Mai cho rằng, để giải quyết tình trạng cồng kềnh của bộ máy chính phủ Hà Nội thì cần phải nghiên cứu lại mô hình thành một nền hành chính công của cách mạng số, vừa đi vào kinh tế thị trường.

"Không phải chỉ như ông (Nguyễn Xuân) Phúc vừa nói là tiếp tục cải cách mấy thủ tục hành chính, mà phải cải tạo lại cấu trúc bộ máy hành chính hiện nay của đất nước, phân công phân việc giải quyết vấn đề chức năng đến nơi đến chốn.

Số lượng quá đông đội ngũ công chức mà người ta đánh giá là đa số vô tích sự. Đấy là những vấn đề rất lớn của nền hành chính hiện nay".

Điều ông Nguyễn Khắc Mai nhắc đến về nhân sự cũng được nêu ra trong báo cáo của Bộ Nội vụ.

Theo đó, Bộ Nội vụ cho rằng nhiều địa phương chưa thực hiện đúng quy định của Trung ương về rà soát, tinh giản biên chế gắn với cơ cấu lại đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức, nâng cao chất lượng quản lý nhà nước.

Đáng chú ý, một số cơ quan còn bổ nhiệm số lượng cấp phó vượt quy định, tỷ lệ lãnh đạo nhiều hơn chuyên viên.

Số liệu của Bộ Nội vụ cho biết tính đến năm 2012, bộ máy đã tăng thêm hơn 56.000 công chức dù đã thực hiện tinh giảm sau 5 năm.

Giải thích vì sao hiện nay lượng công chức nhiều nhưng không đem lại hiệu quả hữu hiệu, Giáo sư Đặng Hùng Võ cho hay :

"Tôi cũng nghe rất nhiều người ở cấp bộ, tức lãnh đạo Bộ gồm Bộ trưởng, Thứ trưởng đều nói rằng công việc quá nhiều, quá bề bộn. Tôi cho rằng họ vẫn mang tư duy Bộ phải lớn thì mới mạnh, đấy là tư duy không đúng, tức lấy con số nhân viên làm thước đo sức mạnh của bộ là hoàn toàn sai".

Do đó, theo Giáo sư Đặng Hùng Võ, một trong những giải pháp để giảm bớt tình trạng nặng nề sau khi sáp nhập thì việc tuyển chọn Bộ trưởng là điều rất quan trọng vì Bộ trưởng có tư duy thế nào thì sẽ hình thành cách quản lý bộ đó theo tư duy của anh bộ trưởng đó. Ông nói thêm :

"Việc chọn Bộ trưởng là phải chọn những người có trình độ, năng lực, có đạo đức và việc lựa chọn cũng phải chỉ số hóa thì mói lựa đúng người hiện nay xã hội đang cần, sự phát triển đang cần.

Còn Bộ trưởng mang tư duy bảo thủ, quá cũ kỹ thì cuối cùng bộ máy cứ phình ra".

Bên cạnh đó, Giáo sư Đặng Hùng Võ cũng cho rằng việc đánh giá hoạt động từng bộ hiện nay của Chính phủ Việt Nam vẫn không theo nội dung mà chỉ theo hình thức :

"Thước đo sự thành công của một bộ không có, vẫn những lời nhận xét mang tính định tính : bộ này rất cố gắng, thành công khá nhiều… nhưng không có thước đo cụ thể, chỉ số cụ thể về luật này bộ này xây dựng và tổ chức triển khai mang lại thành quả phát triển bao nhiêu, mang lại sự ách tắc cho phát triển thế nào, phải đo được bằng các chỉ số".

Bộ Nội vụ trong dự thảo báo cáo vừa được công bố cũng đề nghị Chính phủ Hà Nội lấy kết quả Chỉ số cải cách hành chính hàng năm của các bộ, cơ quan ngang bộ, UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương.

Ngoài ra, còn có những yếu tố khác như chỉ số hài lòng về tiêu chí phục vụ hành chính là chuẩn đánh giá năng lực, trách nhiệm người đứng đầu các bộ, cơ quan, địa phương một cách công khai, minh bạch.

Nguồn : RFA, 18/03/2021

********************

Đề xuất lập thêm hàng loạt Bộ : cảm tính của người đương nhiệm

RFA, 17/03/2021

Cần thành lập thêm các bộ, như Bộ Thanh niên, Công tác quản lý phụ nữ, Biển đảo là đề xuất do ông Bùi Văn Xuyền, Ủy viên Thường trực Ủy ban Pháp luật của Quốc hội Khóa XIV đưa ra khi báo cáo tổng kết công tác nhiệm kỳ 2016 – 2021 hôm 16 tháng 3 năm 2021.

tienghan2

Ông Bùi Văn Xuyền, Ủy viên Thường trực Ủy ban Pháp luật của Quốc hội Khóa XIV, khi báo cáo tổng kết công tác nhiệm kỳ 2016 – 2021 hôm 16 tháng 3 năm 2021. Courtesy TP

Dù đề xuất lập thêm Bộ, nhưng ông Xuyền cũng nhìn nhận, qua giám sát việc thực hiện Nghị quyết số 18 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII về tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị tinh gọn, hiệu quả... vẫn phát hiện còn tình trạng trùng lắp về chức năng, nhiệm vụ của các bộ, ngành như giữa Bộ Tài chính với Bộ Kế hoạch và Đầu tư ; và Bộ Tài chính và Ngân hàng Nhà nước

Ông Lê Văn Triết, nguyên Bộ trưởng Bộ Thương Mại, khi trao đổi với RFA hôm 17/3, cho biết ý kiến của mình :

"Những người đề nghị thành lập Bộ mới này kia căn cứ vào tình hình thực tế yêu cầu. Nhưng thông thường cái nghiên cứu để có căn cứ nền tảng lập Bộ mới thì tôi thấy khảo sát không đến nơi đến chốn. Cho nên suốt mấy chục năm nay, tình hình bộ máy nhà nước kể cả của Đảng, của nhân dân... các đoàn thể khi thì sáp nhập, khi thì tách ra... Mà nhập thì nói đạo lý nhập, tách nói đạo lý tách... nếu xem xét các đạo lý căn cứ nền tảng đó thì nó không cho thấy việc tách hay nhập là đúng... mà tùy theo cảm tính của người đương nhiệm họ thấy như thế nào rồi họ tự làm như thế đấy thôi".

Còn ông Lê Văn Cuông - nguyên Phó trưởng đoàn Đại biểu quốc hội tỉnh Thanh Hóa, khi nhận xét về vấn đề này với RFA hôm 17/3 cho rằng, vấn đề sáp nhập và tách các Bộ ở Việt Nam đã nhiều lần tiến hành nhưng vẫn chưa ổn định. Do sắp đến nhiệm kỳ mới, nên có đề xuất thêm bộ để hoạt động Chính phủ có chiều sâu và đáp ứng yêu cầu. Tuy nhiên ông nói tiếp :

"Nhưng vấn đề này còn phải thảo luận nhiều chứ không thể thực hiện ngay. Cũng như trước đây cũng có đề nghị thành lập một số Ủy ban mới của Quốc hội để tương xứng với chính phủ, nhưng cũng chưa thành lập được. Theo tôi đề xuất này còn phải nghiên cứu và các bước để thảo luận.... nên chưa thể thực hiện trong nhiệm kỳ tới. Bởi vì theo tôi được biết, muốn thành lập một bộ mới phải có quá trình thảo luận rất kỹ".

Bộ Thanh niên

Tại phiên họp của Ủy ban Thường vụ Quốc hội vào ngày 20/04/2020, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân đã đề nghị thành lập Bộ Thanh Niên. Bà nhấn mạnh : ‘Làm sao Bộ Thanh niên và Luật Thanh niên ra đời thì có lực lượng thanh niên xung kích đi đầu, bật ra được những công trình được đầu tư công, tạo việc làm cho thanh niên, nhất là thanh niên không có điều kiện học lên cao, chưa có điều kiện học nghề...’

Trước ý kiến thành lập Bộ Thanh Niên của bà Ngân, vào cuối tháng 6/2020, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho rằng, đây là vấn đề quan trọng gắn với mô hình tổ chức Chính phủ và hệ thống chính trị, cần được nghiên cứu và trình các cơ quan có thẩm quyền xem xét, quyết định vào thời điểm thích hợp. Tuy nhiên Ủy ban Pháp luật của Quốc hội đến nay lại tiếp tục đưa ra đề xuất này.

Đối với việc lập Bộ Thanh niên, ông Lê Văn Triết cho rằng :

"Đã có các Đoàn Thanh niên, từ thanh niên bình thường đến Đoàn Thanh niên Cộng sản đều có cơ quan. Thế bây giờ các Đoàn Thanh niên đó làm ăn thế nào mà phải lập Bộ Thanh niên làm gì ? Không phải mục đích làm cho hoạt động của xã hội phát triển mạnh lên mà thường thường nền tảng đó dựa theo suy nghĩ cá nhân. Họ không nghiên cứu sâu nên lúc thì giải tán, lúc thì lập nên... mà mỗi khi lập nên tốn kém biết bao nhiêu, mỗi khi giải tán cũng lãng phí không biết bao nhiêu".

Trong khi đó, bà Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân cho rằng, Đoàn Thanh niên không được ra thông tư, quyết định, không được kiểm tra, thanh tra, kỷ luật ai, cũng chẳng đề xuất ra một nghị định gì của Chính phủ. Do đó, bà đề nghị thành lập Bộ Thanh niên, nâng cấp từ Đoàn, có chức năng quản lý nhà nước. Bộ trưởng Bộ Thanh niên là Bí thư thứ nhất Trung ương đoàn.

Bộ Biển đảo

Vào năm 2015, khi thảo luận tại Tổ về dự án Luật Tài nguyên, môi trường biển và hải đảo Việt Nam, nhiều vị lãnh đạo đã đề nghị thành lập Bộ Kinh tế biển.

Các đại biểu dẫn chứng Việt Nam có trên 3.200km bờ biển, có nhiều tiềm năng dầu, khoáng sản chưa kể vùng đặc quyền thềm lục địa... Kinh tế biển đóng góp 50% GDP cả nước, nhưng theo các đại biểu trong thời gian qua việc quản lý biển hải đảo bị chia cắt nhỏ, còn chồng chéo, việc quy hoạch và đánh giá tiềm năng chưa hiệu quả... Vì vậy, Chính phủ cần thành lập Bộ Kinh tế biển và giao cho một Phó Thủ tướng phụ trách.

Và đến nay, vấn đề liên quan đã một lần nữa được Ủy ban Pháp luật của Quốc hội nêu lên bằng đề nghị lập Bộ Biển đảo.

Ông Trần Văn Lĩnh, Ủy viên Ban thường vụ Hội Nghề cá Việt Nam, Chủ tịch Hội Nghề cá thành phố Đà Nẵng cho RFA biết hôm 17/3 nhận định của ông về việc thành lập Bộ Biển đảo :

"Ở Việt Nam hiện nay thì tình hình biển đảo là một vấn đề hết sức phức tạp. Nhưng phải giải quyết vấn đề biển đảo và bảo vệ biển đảo của Việt Nam trong một chính sách chung bao gồm từ ngoại giao, quốc phòng, kinh tế... cho nên có một cơ quan phụ trách về biển đảo để giúp Chính phủ có những chuyên môn hơn là tốt. Tuy nhiên, nó có phải là một Bộ hay cơ quan ngang Bộ hay không thì tôi thấy không cần thiết. Bởi vì quốc gia Việt Nam thì không lớn, mà bộ máy tương đối cồng kềnh so với các nước khác, nên việc thành lập Bộ Biển đảo là không nên. Theo tôi nó cũng không đúng chủ trương của đảng và nhà nước là giảm nhẹ chi tiêu ngân sách".

Chính phủ nước Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩ Việt Nam hiện nay có 18 Bộ, 4 cơ quan ngang Bộ và 11 đơn vị trực thuộc. Danh sách các cơ quan này được niêm yết công khai trên cổng thông tin Chính phủ.

Những nghị định, thông tư về tinh giản biên chế được Chính phủ bắt đầu đưa ra từ năm 2007, theo từng 5 năm như nghị định số 132. Tuy nhiên, theo theo số liệu của Bộ Nội vụ, sau bốn năm thực hiện nghị định này, tính đến năm 2012 tức sau 4 năm thực hiện nghị định 132, đã tăng thêm hơn 56 ngàn công chức.

Khi đó, Bộ Nội vụ đề xuất đến năm 2020 phải tinh giản biên chế 100 ngàn người. Dù bộ này chưa công bố có hoàn thành mục tiêu hay không, thì đến nay Ủy ban Pháp luật của Quốc hội lại đề xuất cần thành lập thêm hàng loạt các bộ, nếu thực hiện thì sẽ có thêm hàng chục ngàn công chức.

Ông Lê Văn Triết nhận định thêm :

"Bộ máy Nhà nước mình đã quá cồng kềnh, không nghiên cứu để giải quyết cái đó, không dám đụng đến để giải quyết cái đó... mà đi lập thêm bộ để làm gì ? Lập thêm bộ có mạnh hơn hay không, thì không có triển vọng gì để nói nó có khả năng mạnh lên, hay hoạt động tốt hơn".

Theo ông Lê Văn Triết, quan trọng nhất là cần phải nghiên cứu để làm thế nào có thể tinh giản bộ máy Nhà nước, để bộ máy hoạt động có hiệu quả. Chứ không phải nghiên cứu để lập thêm cái này, sáp nhập cái kia, tách ra cái nọ. Theo ông Triết, những nghiên cứu đó không phải là nền tảng để phát triển.

***********************

Cơ sở nào để bổ sung tiếng Hàn vào môn thi tốt nghiệp Trung học phổ thông ?

RFA, 17/03/2021

Bộ Giáo dục & Đào tạo mới đây cho biết sẽ bổ sung môn Tiếng Hàn vào danh mục các môn thi tốt nghiệp trung học phổ thông (Trung học phổ thông), kể từ năm 2021.

tienghan1

Giáo viên dạy tiếng Hàn - Ảnh minh họa. AFP

Báo Nhà nước Việt Nam đưa tin như vừa nêu ngày 17/3, cho biết thêm mục đích việc bổ sung môn Tiếng Hàn để các thí sinh đã học chương trình giáo dục phổ thông, đăng ký dự thi môn Tiếng Hàn để xét tốt nghiệp Trung học phổ thông và đăng ký xét tuyển trình độ cao đẳng ngành Giáo dục Mầm non, trình độ đại học năm 2021.

Theo đó, Bộ Giáo dục & Đào tạo đã bổ sung mã tổ hợp xét tuyển có môn tiếng Hàn để xét tuyển đối với các thí sinh lựa chọn thi và sử dụng kết quả thi tốt nghiệp Trung học phổ thông môn tiếng Hàn trong xét tuyển trình độ đại học, cao đẳng năm 2021, bảo đảm theo quy định của quy chế tuyển sinh hiện hành.

Quy chế thi tốt nghiệp Trung học phổ thông trước đây có quy định trong bài thi ngoại ngữ, thí sinh được tự chọn để đăng ký dự thi một trong 6 thứ tiếng : tiếng Anh, tiếng Nga, tiếng Pháp, tiếng Trung Quốc, tiếng Đức hoặc tiếng Nhật. Nay thêm tiếng Hàn.

Trao đổi với RFA tối 17/3, Thầy Đỗ Việt Khoa, giáo viên Trường Trung học phổ thông Thường Tín, huyện Thường Tín, thành phố Hà Nội đưa ra nhận xét về việc này như sau :

"Có lẽ đây là giải pháp vừa chữa cháy vừa tạo điều kiện những học sinh có bố mẹ là đại sứ hay công tác bên Hàn Quốc nói tiếng Hàn và đã tiếp xúc với tiếng Hàn để các em được thi tiếng Hàn.

Đó là một cách tạo điều kiện chứ cũng không gây sức ép với học sinh nên tôi nghĩ chuyện này cũng nhẹ nhàng vì xưa nay thi tốt nghiệp người ta cũng thử tạo điều kiện để học sinh tùy chọn theo ý của mình ở các môn ngoại ngữ".

Bộ Giáo dục và đào tạo trước đó đã ban hành Chương trình giáo dục phổ thông môn tiếng Hàn, tiếng Đức hệ 10 năm thí điểm. Quyết định vừa nêu có hiệu lực thi hành kể từ ngày 9/2/2021. Báo trong nước dẫn nội dung trong quyết định đăng tin cho hay, môn tiếng Hàn và tiếng Đức được Bộ Giáo dục và đào tạo xác định là ngoại ngữ 1.Trong khi trước đây, ngoại ngữ 1 là môn học bắt buộc gồm tiếng Anh, tiếng Pháp, tiếng Trung Quốc, tiếng Nga, tiếng Nhật. Đề xuất này vấp phải nhiều ý kiến trái chiều lúc bấy giờ.

Đại diện Bộ Giáo dục và đào tạo, ông Nguyễn Xuân Thành, Vụ trưởng Vụ Giáo dục trung học khi trả lời với báo giới nhà nước Việt Nam sau đó cũng đã đính chính rằng nếu trường phổ thông nào có đủ điều kiện dạy tiếng Hàn là ngoại ngữ 1 và học sinh tự nguyện lựa chọn tiếng Hàn thay cho tiếng Anh để học, thì khi đó tiếng Hàn sẽ là môn học bắt buộc.

Báo Tuổi trẻ online khi đăng tải thông tin về vụ việc cũng cho rằng "Với quyết định nêu trên, có thể hiểu Bộ Giáo dục và Đào tạo bổ sung hai ngôn ngữ tiếng Hàn và tiếng Đức vào chương trình phổ thông, còn có chọn học hai thứ tiếng này hay không là quyền của học sinh".

Tuy nhiên, chỉ sau vài tháng bổ sung môn học Tiếng Hàn vào danh sách ngoại ngữ 1, Bộ lại tiếp tục đưa môn học này vào danh sách môn thi tốt nghiệp. Nhiều ý kiến bày tỏ liệu quyết định này có hợp lý hay không ?

Từ Sài Gòn, chị Mai Anh, cử nhân Anh văn, trước đây từng học thêm tiếng Hàn bày tỏ :

"Học tiếng Hàn lúc mới vô học bảng chữ cái thì dễ nhưng chừng hai tháng sau, vô ngữ pháp nhiều thì bắt đầu thấy hơi khó vì tiếng Hàn chia động từ và viết ngược với mình.

Nếu họ cho tự chọn thì chị thấy không vấn đề nhưng nếu thi mà bắt buộc thì trình độ đó quá sớm, có mấy tháng không thể nào thi được vì mới thuộc bảng chữ cái".

Thạc sĩ Đinh Gia Hưng, giảng viên ngôn ngữ học tại Đại học Đà Nẵng nhận định rằng động thái của Bộ Giáo dục thêm môn học vào ngay giữa thời điểm học kỳ đang diễn ra đã khó chấp nhận, nay lại bổ sung vào môn thi tốt nghiệp Trung học phổ thông lại càng không phù hợp và thiếu chín chắn. Ông nói :

"Nếu Bộ Giáo dục quyết định đưa tiếng Hàn vào thi tốt nghiệp mà lại ở giữa một năm học, một bộ môn học sinh học chưa chu đáo thì tôi nghĩ đây là một kế hoạch chưa hợp lý.

Tất cả những kế hoạch liên quan tới việc ra các môn tự chọn hay hai môn ngoại ngữ đó (tiếng Hàn, tiếng Đức) phải thực hiện trước khi năm học mới bắt đầu. Có nghĩa người ta phải nghiên cứu và thống nhất để có thể ban hành ngay từ khi năm học kết thúc, có thể công bố cho tất cả học sinh, phụ huynh cũng như nhà giáo có ý kiến, có phản hồi trao đổi để thấy chín chắn, đó là lựa chọn hợp lý. Cần có thời gian để cho học sinh, phụ huynh cũng như giáo viên chuẩn bị thêm".

Vẫn theo Thạc sĩ Đinh Gia Hưng, việc bổ sung ngôn ngữ hai cũng phải mang tính chất chiến lược lâu dài của Việt Nam để cho học sinh có thêm ngoại ngữ thứ hai, có lợi thế tương lai giáo dục trong nền giáo dục toàn cầu. Ông tiếp lời :

"Tôi đang băn khoăn ngoại ngữ hai là tiếng Hàn thì tôi không biết dựa trên cơ sở nào để đưa ra cái này bởi vì nếu chúng ta nói học sinh học tiếng Hàn để sau này ra làm việc ở các tổ chức hay cơ quan chính phủ Hàn Quốc thì tôi thấy cái này là vấn đề thận trọng.

Bản thân là nhà giáo tôi nghĩ phải xem xét tầm xa rồi mới đưa vào chương trình thử nghiệm để thấy là có tốt hay không, có phù hợp hay không để điều chỉnh, thay đổi trong tương lai".

Từ thực tế giảng dạy và tiếp xúc với học sinh, Thầy Đỗ Việt Khoa cho rằng môn ngoại ngữ tốt nhất phải tập trung vào là môn tiếng Anh vì đây là ngôn ngữ quốc tế.

"Mọi người nói tiếng Anh thành thạo thì đi sang Hàn nói được, giao tiếp được. Bây giờ vẽ ra tiếng Hàn cũng có, tiếng Đức cũng có, ngày trước bắt sinh viên tiếng Nga, tiếng Pháp. Thật ra những ngoại ngữ đó nên để ngoại ngữ hai tự chọn, chứ bây giờ triển khai cả nước cũng không triển khai được. Ngay cả nước cũng không triển khai được vì số người biết tiếng Hàn ở Việt Nam ít. Thứ hai là các thầy cô chưa từng dạy môn này nên chắc cũng mù tịt".

Đồng tình với quan điểm vừa nêu, chị Mai Anh cho rằng nếu để học cho biết thêm về ngôn ngữ là chuyện tốt, nhưng ngoại ngữ chính nên học là tiếng Anh.

Theo chị Mai Anh, tiếng Anh ở Việt Nam xưa nay chỉ chú trọng ngữ pháp mà quên mất dạy cho học sinh nói đúng, tự nhiên và lưu loát, thậm chí giáo viên dạy tiếng Anh còn phát âm sai.

Từ thực tế vừa nêu, chị Mai Anh cho rằng trước khi triển khai một môn ngoại ngữ mới, điều cần thiết nhất là giáo viên được đào tạo bài bản để truyền đạt đúng cho học sinh.

"Nói chung là Bộ Giáo dục năm ngoái giờ nhiều cái xàm xàm. May quá cảm giác thi được chục năm trước mừng ghê vì không trúng ba cái thể chế như bây giờ".

Quay lại trang chủ

Additional Info

  • Author: RFA tồng hợp
Read 492 times

Viết bình luận

Phải xác tín nội dung bài viết đáp ứng tất cả những yêu cầu của thông tin được đánh dấu bằng ký hiệu (*)