Chủ tịch nước Trần Đại Quang thăm Trung Quốc (RFA, 05/05/2017)
Ngay sau khi kết thúc Hội nghị Trung ương 5, Chủ tịch Trần Đại Quang của Việt Nam công du Trung Quốc và tham dự Diễn đàn Cấp cao Hợp tác quốc tế ‘Một vành đai, Một con đường’.
Chủ tịch Việt Nam Trần Đại Quang tiếp Đại sứ Mỹ Ted Osius tại Hà Nội hôm 31/3/2017. Courtesy of TTXVN
Truyền thông Trung Quốc vào chiều ngày 5 tháng 5 dẫn lời của phát ngôn nhân Cảnh Sảng Bộ Ngoại giao Trung Quốc cho biết chuyến thăm của chủ tịch nước Việt Nam sang Hoa Lục bắt đầu từ ngày 11 và kết thúc vào ngày 15 tháng 5.
Tại Trung Quốc, ông Trần Đại Quang sẽ có những cuộc họp với lãnh đạo Bắc Kinh. Mục đích nhằm trao đổi quan điểm về việc củng cố mối quan hệ láng giềng được cho là hữu nghị.
Hai phía tăng cường hợp tác thông qua những cuộc gặp cấp cao của hai phía, trao đổi mậu dịch cũng như văn hóa.
Theo phát ngôn nhân Cảnh Sảng thì Trung Quốc mong muốn có những nổ lực chung với phía Việt Nam thúc đẩy mối quan hệ đối tác chiến lược toàn diện.
Hội nghị lần thứ 5 Ban chấp hành trung ương Đảng cộng sản Việt Nam khóa XII khai mạc vào sáng ngày 5/5 tại Hà Nội, và két dài trong 5 này, bế mạc vào thứ Tư tuần tới 10/10/2017.
Hiện nay dư luận chú ý đến việc Ban Chấp Hành Trung Ương Đảng sẽ quyết định về trường hợp của Bí thư Thành ủy Thành phố Hồ Chí Minh Đinh La Thăng, theo đề nghị kỷ luật của Ủy ban Kiểm tra Trung ương đảng.
Xin nhắc lại, hôm 26/4 vừa qua Ủy ban Kiểm tra trung ương đảng đã đề nghị Bộ Chính trị, Ban chấp hành trung ương Đảng xem xét, thi hành kỷ luật đối với ông Đinh La Thăng, Ủy viên Bộ Chính trị, bí thư Thành ủy Thành phố Hồ Chí Minh, vì những sai phạm của ông Thăng trong thời gian làm Bí thư Ban thường vụ Đảng ủy, hội đồng thành viên Tập đoàn Dầu khí Việt Nam từ 2009 đến 2011.
*****************
Ngân hàng sa thải hai cán bộ 'liên quan vụ Bí thư Thăng' (BBC, 06/05/2017)
Bí thư Thành phố Hồ Chí Minh Đinh La Thăng thăm ngân hàng SHB tháng 3/2016
Tin tức nói một ngân hàng ở Việt Nam vừa thông báo sa thải hai cán bộ được cho là liên quan đến công văn "yêu cầu gỡ bỏ toàn bộ ảnh Bí thư Thành phố Hồ Chí Minh Đinh La Thăng thăm ngân hàng này".
Văn bản ký hôm 5/5 của Ngân hàng Thương mại Cổ phần Sài Gòn - Hà Nội (SHB) được rò rỉ ra ngoài có nội dung sa thải bà Lê Thị Minh Thảo, Giám đốc Trung tâm Marketing và Phát triển Thương hiệu SHB, và bà Nguyễn Thị Hà, Phó Giám đốc Ban Phát triển Thương hiệu cũng thuộc trung tâm này.
"Lý do xử lý kỷ luật : Vi phạm Nội quy Lao động, làm sai chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn được giao gây thiệt hại nghiêm trọng", văn bản viết.
Động thái này được cho là liên quan đến việc rò rỉ một văn bản khác cũng của ngân hàng này bị lan truyền trên mạng xã hội mấy ngày trước, trong đó viết : "Do yêu cầu mang tính thời điểm, đề nghị các đơn vị kinh doanh trên toàn hệ thống SHB khẩn trương tạm thời gỡ bỏ toàn bộ ảnh Bí thư Thành phố Hồ Chí Minh Đinh La Thăng thăm và làm việc tại SHB Thành phố Hồ Chí Minh đang được truyền thông trên màn hình LCD hoặc ảnh treo tại đơn vị".
Nhân viên SHB tập dợt trước buổi đón tiếp Bí thư Đinh La Thăng tháng 3/2016
'Phát triển lành mạnh'
Ông Đinh La Thăng bị Ủy ban Kiểm tra Trung ương "đề nghị Bộ Chính trị, Ban chấp hành trung ương Đảng xem xét, thi hành kỷ luật" do liên quan tới vai trò của ông trong thời gian lãnh đạo Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Việt Nam (PVN), 2009-2011.
Kiến nghị của Ủy ban đưa ra chỉ ít ngày trước khi khai mạc Hội nghị Trung ương 5, Khóa 12 của Đảng cộng sản Việt Nam.
Theo thông tin trên cổng thông tin điện tử Chính phủ Thành phố Hồ Chí Minh, Bí thư Đinh La Thăng từng tới thăm và làm việc với ngân hàng SHB hồi hơn một năm trước, 3/2016.
"Tại buổi làm việc, Bí thư thành ủy đánh giá cao sự phát triển lành mạnh, an toàn, bền vững của SHB cũng như những đóng góp của SHB vào sự phát triển kinh tế xã hội của thành phố", website này viết.
Hôm 6/5, một chuyên gia tài chính đề nghị ẩn danh nói với BBC từ Thành phố Hồ Chí Minh : "Tôi không rõ về mối liên hệ giữa Ngân hàng SHB và ông Đinh La Thăng là thế nào".
"Tuy vậy, có thể hiểu là ngân hàng này muốn giữ hình ảnh thương hiệu tốt, tránh những liên hệ tiêu cực trong bối cảnh ông Thăng đang là người bị đề nghị xử lý kỷ luật".
"Việc ngân hàng này trước đây quảng bá thương hiệu của họ với ông Thăng có thể là vì muốn gắn hình ảnh ngân hàng với một tên tuổi thành công trên chính trường".
******************
Bất chấp biểu tình, Formosa mở rộng đầu tư tại Việt Nam (VOA, 06/05/2017)
Hoạt động của nhà máy thép Formosa tại Hà Tĩnh bị trì hoãn liên tục vì các cuộc biểu tình.
Giữa lúc làn sóng biểu tình phản đối thảm họa ô nhiễm môi trường do Formosa gây ra ở miền Trung còn chưa nguôi, Tập đoàn Nhựa Formosa (FPG) hôm 4/5 ra thông báo quyết định mở rộng đầu tư thêm 1 tỷ đôla vào liên doanh thép tại Việt Nam.
Với 5 công ty con và nhiều đơn vị, tập đoàn Formosa được xem là một trong những tập đoàn hàng đầu của Đài Loan.
Hiện tại, FPG sở hữu 70% cổ phần của công ty liên doanh tại Hà Tĩnh, trong khi Tập đoàn Thép Trung Quốc, nhà sản xuất thép lớn nhất Đài Loan, sở hữu 25%, và Công ty Thép JFE của Nhật Bản sở hữu 5% cổ phần.
Theo Focus Taiwan, số tiền đầu tư thêm của FPG sẽ giúp đẩy nhanh việc xây dựng nhà máy thép trị giá 10,5 tỷ đôla của công ty con của FPG, tức Công ty Cổ phần Formosa-Hà Tĩnh.
Thời báo Đài Loan dẫn nguồn Tập đoàn Formosa cho biết lò đốt đầu tiên của công ty Formosa tại Việt Nam dự kiến bắt đầu sản xuất hồi năm ngoái, thì nay sẽ bắt đầu hoạt động vào giai đoạn cuối nửa đầu năm nay.
Hoạt động của nhà máy thép này đã bị trì hoãn liên tục vì các cuộc biểu tình chống Trung Quốc và bảo vệ môi trường.
Vụ 200km biển miền Trung bị ô nhiễm hồi năm ngoái vì hoạt động của tập đoàn Formosa được cho là thảm họa môi trường lớn nhất Việt Nam từ trước tới nay. Nhiều người cho rằng Việt Nam sẽ phải mất hàng chục năm hoặc lâu hơn mới khắc phục được hậu quả của nó.
Mặc dù chính quyền Việt Nam và Formosa đã thỏa thuận bồi thường 500 triệu đôla cho các nạn nhân trực tiếp của thảm họa, nhưng nhiều người cho rằng mức bồi thường đó quá ít ỏi, chưa kể đến những hậu quả lâu dài khác.
Thời gian qua, làn sóng biểu tình phản đối Formosa đã lan từ khu vực miền Trung sang các tỉnh, thành khác ở Việt Nam và ngay cả ra nước ngoài.
Người Việt ở Đài Loan biểu tình đòi quyền lợi cho nạn nhân Formosa.
Lm. Nguyễn Đình Thục, người đang giúp nhiều nạn nhân của vụ ô nhiễm môi trường biển, cho rằng một khi Tập đoàn Formosa chính thức đưa ra tuyên bố mở rộng đầu tư, thì điều đó có nghĩa là tập đoàn này đã nhận được tín hiệu đồng ý từ phía chính quyền Việt Nam.
Ông nói : "Mới ở một mức độ thấp mà nó [Formosa] đã gây ra mức độ thiệt hại rất nặng nề cho Việt Nam, thì nếu nó đầu tư theo dự định của nó thì thảm họa này sẽ trầm trọng đến mức độ như thế nào ?"
Công ty thép tại Hà Tĩnh là khu sản xuất thép đầu tiên mà FPG xây dựng ở nước ngoài, bắt đầu khởi công từ tháng 12 năm 2013.
Bên cạnh nhà máy sản xuất thép, dự án đầu tư được xem là lớn nhất Việt Nam còn bao gồm các công trình cảng và nhà máy điện, dự kiến sẽ hoàn thành vào cuối năm 2020.
Trao đổi với VOA-Việt ngữ, Linh mục Nguyễn Đình Thục nói cuộc đấu tranh ôn hòa của người dân từ trước tới nay chỉ nhằm mục đích giúp chính quyền có những "quyết định tốt" mà thôi.
"Nhưng nếu họ lại tiếp tục để cho công ty Formosa phát triển thì quả thật là làm cho chúng tôi cảm thấy rất bất bình, và chắc chắn là chúng tôi sẽ phải đấu tranh mạnh mẽ hơn".
Khu Kinh tế Vũng Áng của Tập đoàn Formosa Đài Loan là một trong những mục tiêu của các cuộc biểu tình chống Trung Quốc ở Việt Nam hồi tháng 5/2014. Vụ bạo loạn giữa hơn 5.000 công nhân Việt Nam với khoảng 1.000 công nhân Trung Quốc xảy ra sau khi Bắc Kinh đưa một giàn khoan dầu trị giá 1 tỷ USD tới vùng biển tranh chấp ở Biển Đông, nơi Việt Nam tuyên bố chủ quyền.