Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Published in

Việt Nam

27/03/2021

Giáo xứ An Hòa, Giáo phận Đà Nẵng, bị phân lô bán nền đất

VNTB

Chính quyền chiếm hữu, phân lô bán nền đất của Giáo xứ An Hòa, giáo phận Đà Nẵng

Khu vực đất trưng dụng của giáo xứ An Hòa được quy hoạch làm khu dân cư cho công nhân và hộ dân.

anhoa1

Nhà thờ Giáo xứ An Hòa thuộc Giáo phận Đà Nẵng

Linh mục Lê quý Đạt quản xứ giáo xứ An Hòa, thuộc giáo phận Đà Nẵng, địa chỉ 223/1 đường Trường Chinh thành phố Đà Nẵng đã nhiều lần gửi đơn khiếu nại đến các cấp chánh quyền, ban ngành thành phố về việc sử dụng đất của giáo xứ này bị sử dụng không đúng mục đích.

Đã 12 lần kể từ ngày 23/5/2019, lần đầu tiên cho đến gần đây ngày 11/01/2021, Giáo xứ An Hòa đã gửi đơn đến các cơ quan ban ngành thành phố Đà Nẵng để được xem xét giải quyết về đất đai cho giáo xứ An Hòa.

Từ năm 1960, khu đất cận kề nhà thờ An Hòa, địa chỉ 223 cùng đường Trường Chinh, thuộc quyền sử dụng của giáo xứ với mục đích tôn giáo. Đến năm 1975 giáo xứ chấp nhận cho nhà nước trưng dụng khu đất làm cơ sở sản xuất công nghiệp, thủ công nghiệp, nhưng sau này Ủy ban nhân dân thành phố giao đất cho công ty mua bán nợ và tài sản tồn đọng của doanh nghiệp sử dụng miếng đất này và họ đã cho quy hoạch thành khu dân cư, khu lưu trú cho công nhân và cho phép một số hộ dân xây nhà trên đó. 

Đơn từ của giáo xứ được gửi đến nhiều nơi, cấp chính quyền địa phương. Nhiều cuộc hội họp của chính quyền với Linh mục chánh xứ và hội đồng giáo xứ để tìm cách giải quyết thỏa đáng nhưng chưa đi đến kết quả nào.

Trước đó UBND thành phố Đà Nẵng giao khu đất số 233 Trường Chinh là tài sản của giáo xứ cho công ty mua bán nợ và tài sản tồn đọng của doanh nghiệp rồi sau đó cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho công ty này, cũng như góp vốn cho ba tổ chức khác sau đó. Việc này hoàn toàn sai trái với khoảng 2 điều 181 luật đất đai năm 2013, quy định :" cơ sở tôn giáo,cộng đồng dân cư sử dụng đất ; không được chuyển đổi,chuyển nhượng,cho thuê, tặng cho quyền sử dụng đất ; không được thế chấp, góp vốn bằng quyền sử dụng đất".

Ngày 3/6/2019 UBND thành phố ban hành quyết định 2431/QĐ-UBND về việc phê duyệt quy hoạch chi tiết tỉ lệ 1/500 thiết kế đô thị và quy định quản lý kiến trúc xây dựng khu dân cư 223 Trường Chinh.

Ngày 16/01/2021, Sở Tài nguyên và môi trường mời Đại diện Giáo xứ An Hòa đến phòng họp của Sở Tài nguyên và môi trường để dự cuộc họp giải quyết vấn đề đất đai cho Giáo xứ An Hòa.

Tuy nhiên Sở Tài nguyên và môi trường và các ban ngành có liên quan đề xuất hướng giải quyết không như nguyện vọng của Giáo xứ An Hòa.

Giáo xứ An Hòa không đồng ý hướng giải quyết theo như Sở Tài nguyên và môi trường và các ban ngành có liên quan đã đề xuất.

Giáo xứ ước mong Ủy ban nhân dân thành phố ĐN đáp ứng những ước nguyện rất thực tế và rất cần thiết cho sinh hoạt tôn giáo của Giáo xứ An Hòa.

Trước đó một năm, ngày 15/02/2020, giáo xứ An Hòa đã nhận được công văn số 455/STNMT-CCQLĐĐ ghi ngày 13 tháng 2 năm 2020 của Sở Tài nguyên và môi trường thành phố Đà Nẵng ; trong đó ghi : Sau khi đã kiểm tra theo nội dung đơn số 06/MRCSTT–GXAH ngày 30 tháng 01 năm 2020 của giáo xứ An Hòa, Sở Tài nguyên và Môi trường đã đề nghị Sở Xây dựng, Ban Tôn giáo thành phố và UBND quận Thanh Khê có ý kiến về chuyên ngành, chức năng quản lý nhà nước của đơn vị liên quan đến đơn nói trên của Giáo xứ An Hòa, gửi về Sở Tài nguyên và môi trường trong tháng 02/2020 để tổng hợp, báo cáo UBND thành phố xem xét, quyết định.

Ngày 08/02/2020 Giáo xứ An Hòa đã nhận được phiếu chuyển số 319/PC-VP (ghi ngày 06 tháng 02 năm 2020) của Văn phòng Đoàn Đại biểu quốc hội, Hội đồng nhân dân và Ủy ban nhân dân thành phố Đà Nẵng về việc chuyển đơn số 06/MRCSTT–GXAH (gửi ngày 30 tháng 01 năm 2020) của giáo xứ An Hòa đến các cơ quan ban ngành của thành phố Đà Nẵng để xử lý. Các cơ quan ban ngành gồm có Sở Tài Nguyên và Môi Trường,Sở Xây Dựng, UBND quận Thanh Khê, Ban Tôn Giáo.

Giáo xứ An Hòa yêu cầu :

1. Không quy hoạch đất trưng dụng của giáo xứ An Hòa làm khu dân cư cho công nhân và hộ dân.

2. Hiện khu đất không còn được địa phương sử dụng theo thỏa thuận ban đầu, yêu cầu phải trả lại cho giáo xứ để xây dựng các cơ sở phục vụ tôn giáo và giáo dục. 

Được biết trường Gioan 23 của giáo xứ nằm trên mảnh đất trên đã tan hoang từ lâu.

Giáo dân Giáo xứ An Hòa đa số tập hợp từ hai Giáo phận Phát Diệm và Bùi Chu, di cư vào năm 1954 sau Hiệp định Genève. Ban đầu, nhóm giáo dân này tạm trú tại Hòa Mỹ. Năm 1960, họ cùng khai hoang và định cư tại một vùng rừng thưa với những cây sim tím, thuộc ngoại ô thành phố Đà Nẵng, dọc theo quốc lộ 1A, giáp ranh với xã Hòa Phát, huyện Hòa Vang, tỉnh Quảng Nam, và hình thành Giáo xứ mới An Hoà. Nhà thờ được xây dựng trên một lô đất được mua lại từ công điền thuộc xã An Khê và Hòa Phát. Số giáo dân lúc này lên đến 3000 người.

Ban đầu, Nhà thờ được xây dựng bằng vật liệu nhẹ thô sơ, cùng với nhà xứ, nhà các soeurs và trường học… Năm 1960, nhà thờ được nâng cấp thành bán kiên cố, vì lúc đó cha nguyên chánh xứ chưa thỏa mãn với vị trí của ngôi Thánh đường, nên chờ thời gian qui hoạch tổng thể lại diện tích, để có thể xây dựng một Thánh đường khang trang hơn nhìn ra quốc lộ I A.

Trong thời gian này, nhu cầu học vấn của người dân cần thiết và cấp bách hơn, nên trường học được quan tâm hàng đầu. Giáo xứ đã xây dựng một ngôi trường khang trang cho các học sinh trung học cơ sở và tiểu học. Đây chính là Trường Gioan XXIII, tên vị Giáo Hoàng đương nhiệm lúc bấy giờ, Người đã thiết lập Giáo phận Đà Nẵng vào ngày 18 tháng 01 năm 1963.

Năm 1975, nước nhà thống nhất nhưng dân cư An Hòa lại tản mác phân tán giáo dân từ 3000, giờ chỉ còn vỏn vẹn khoảng 150 người. Ban Đại diện Giáo dân cũng không thể hoạt động. Trường học, nhà in Thanh Công, trại gà… đều đóng cửa hoặc để Nhà Nước trưng dụng.

50 năm qua từ khi lập xứ, Giáo xứ An Hòa đã trải qua những bước thăng trầm. Hội ngộ rồi biệt ly, nhất là những ngày sau chiến tranh, tưởng chừng đàn chiên tan tác, giáo xứ bị xóa sổ, nhưng cho đến Giáo xứ An Hòa vẫn chưa thể sống yên vui và hòa thuận với chính quyền vì vẫn bị chính quyền quận Liên Chiểu o ép, chiếm giữ đất đai vì tư lợi cho tập đoàn, phe nhóm lợi ích địa phương.

Quang Nguyên

Nguồn : VNTB, 27/03/2021

Quay lại trang chủ

Additional Info

  • Author: Quang Nguyên
Read 605 times

Viết bình luận

Phải xác tín nội dung bài viết đáp ứng tất cả những yêu cầu của thông tin được đánh dấu bằng ký hiệu (*)