Hơn 9 triệu người Việt vẫn còn bị ảnh hưởng bởi đại dịch Covid-19
RFA, 19/04/2021
Còn 9,1 triệu người Việt Nam từ 15 tuổi trở lên bị ảnh hưởng bởi đại dịch Covid-19 và gần 3 triệu người phải tạm ngừng sản xuất kinh doanh.
Đó là con số tính đến quý 1/2021 do Tổng cục Thống kê Việt Nam công bố và được truyền thông Nhà nước Việt Nam loan vào ngày 19/4.
Người dân Hà Nội xếp hàng chờ nhận giúp đỡ thực phẩm từ các mạnh thường quân, trong thời gian bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19. AFP
Trong số hơn 9 triệu lao động bị ảnh hưởng bởi Covid-19 thì có khoảng 540 ngàn người mới mất việc ; 2,8 triệu người tạm ngừng sản xuất kinh doanh và lực lượng lao động tuổi từ 15 tuổi trở lên giảm còn 51 triệu người.
Cũng theo thống kê, trong quý 1/2021, do tác động của đợt bùng phát dịch Covid-19 thứ 3 đã khiến hơn một triệu người lao động tại VN bị thất nghiệp.
Hôm đầu tháng 1/2021, Tổng cục thống kê cho biết dịch Covid-19 đã gây tác động đến 1,3 triệu người không có việc làm trong năm 2020. Riêng quý 4/2020, có khoảng 1,2 triệu người thất nghiệp, tăng gần 137 ngàn người so với cùng kỳ năm 2019.
Ba khu vực lao động bị ảnh hưởng nặng nề nhất gồm khu vực dịch vụ, khu vực công nghiệp-xây dựng và khu vực nông-lâm nghiệp và thủy sản. Tỷ lệ ảnh hưởng lần lượt là hơn 71%, hơn 64% và hơn 26%.
Đồng thời, thu nhập bình quân của người lao động tại Việt Nam trong năm 2020 ở mức 5,5 triệu đồng/tháng, giảm 2,3% so với năm 2019.
Cùng với đó, hôm cuối tháng 3/2021, Bộ trưởng Y tế Nguyễn Thanh Long cho biết, mặc dù Việt Nam đã kiểm soát thành công ba đợt dịch Covid-19, đặc biệt là đợt dịch thứ 3 tại Hải Dương với số lây nhiễm cao, nhưng ông lo ngại có thể xuất hiện đợt dịch thứ tư.
Tính đến thời điểm này, Bộ Y tế cho biết có trên 62 ngàn người Việt Nam tiêm vaccine ngừa Covid-19 và VN vẫn đang tích cực để đưa vaccine sản xuất trong nước vào tiêm chủng trong trễ nhất vào cuối năm 2021.
**********************
Hơn 1 triệu người thất nghiệp trong quý I do ảnh hưởng của Covid-19
RFA, 16/04/2021
Việt Nam đang có 1,1 triệu người lao động bị thất nghiệp trong quý 1 năm nay vì tác động xấu của đợt bùng phát dịch Covid-19 lần 3.
Rất nhiều quán hàng phải đóng cửa, dịch vụ là ngành chịu ảnh hưởng nhất của đợt bùng phát COVID thứ 3 trong quý I/2021 - Ảnh : AFP
Thông tin trên do ông Phạm Hoài Nam, Vụ trưởng Vụ Thống kê dân số và lao động (Tổng cục Thống kê), công bố tại buổi họp về tình hình lao động và việc làm được tổ chức ở Hà Nội sáng 16/4.
Truyền thông Nhà nước vào cùng ngày cho biết, số người bị thất nghiệp trong quý 1/2021 tăng khoảng 12.100 người so với cùng kỳ năm 2020.
Hiện có 9,1 triệu lao động từ 15 tuổi trở lên đang chịu ảnh hưởng vì Covid-19; khoảng 540.000 người mới mất việc; 2,8 triệu người tạm nghỉ, tạm ngừng sản xuất, kinh doanh; 3,1 triệu người bị cắt giảm giờ làm hoặc nghỉ luân phiên; 6,5 triệu người bị giảm thu nhập.
Lĩnh vực nông, lâm, thủy sản bị ảnh hưởng với 7,5% số lao động; công nghiệp và xây dựng có 16,5% số lao động bị ảnh hưởng; lĩnh vực dịch vụ có tới 20,4% lao động bị ảnh hưởng vì Covid-19.
Ông Phạm Hoài Nam cho hay thu nhập bình quân đầu người trong quý 1/2021 là 6,3 triệu đồng/tháng.
Tổng cục Thống kê đề xuất Chính phủ, các ngành triển khai cấp hộ chiếu vaccine, xây dựng các tiêu chí để mở cửa thị trường du lịch quốc tế giúp ngành dịch vụ.
Ngoài ra, Tổng cục Thống kê đề nghị triển khai những chính sách riêng thu hút 3,5 triệu lao động sản xuất nông nghiệp theo dạng tự sản xuất, tự tiêu dùng để nâng cao năng suất, cải thiện đời sống người lao động.
*********************
Bộ Y tế cảnh báo nguy cơ bùng phát dịch bệnh Covid-19 trên biên giới với Campuchia, thừa nhận khó kiểm soát dịch
RFA, 16/042021
Bộ trưởng Y tế Nguyễn Thanh Long hôm 16/4 lên tiếng cảnh báo về nguy cơ dịch bệnh Covid-19 bùng phát từ các tỉnh biên giới, đặc biệt là với Campuchia.
Phnom Penh, thủ đô Campuchia, đã bị phong tỏa trong bối cảnh số ca bệnh virus corona (Covid-19) gia tăng - Reuters
Truyền thông Nhà nước trích phát biểu của ông Long tại hội nghị trực tuyến hôm 16/4 cho biết, vùng biên giới tây nam sát Campuchia và các tỉnh ở khu vực đồng bằng sông Cửu Long hiện là những điểm nóng có nguy cơ cao bùng phát dịch bệnh.
Bộ trưởng Y tế thúc giục các địa phương gia tăng kiểm soát biên giới, ngăn chặn người nhập cư bất hợp pháp.
Việt Nam và Campuchia có đường biên giới dài 1.127 km với 4 tỉnh biên giới thuộc đồng bằng sông Cửu Long là An Giang, Đồng Tháp, Kiên Giang và Long An. Ngoài ra còn có một số tỉnh khác có đường biên giới với Campuchia là Bình Phước, Tây Ninh, Kon Tum, Gia Lai, Đăk Lăk và Đăk Nông.
Campuchia hiện đã trở thành điểm nóng của dịch bệnh trong khu vực với 344 ca nhiễm mới được công bố hôm 15/4. Thủ đô Phnom Penh hiện phải phong toả do dịch bệnh.
Bộ trưởng Y tế Nguyễn Thanh Long hôm 16/4 cũng thừa nhận sẽ khó kiểm soát dịch bệnh Covid-19 trong năm 2021 do tình trạng chung trên thế giới, trong khi Việt Nam vẫn phải tổ chức các chuyến bay đưa người Việt về nước và thực hiện các mục tiêu phát triển kinh tế.