Những con sông bị bức tử (VOA, 12/05/2017)
Bắt nguồn từ đỉnh Ngọc Linh, len lỏi qua những lũng xanh, sườn núi và bãi biển, miên man về Cửa Đại, dòng chảy Thu Bồn như dòng máu của miền Trung, đặc biệt là Quảng Nam. Thu Bồn chở trên mình hai luồng văn hóa Chăm Pa và Đại Việt. Nền văn minh lúa nước ở miền Trung hoàn toàn dựa vào Thu Bồn. Tên sông Thu Bồn còn có nghĩa là Mẹ Thiêng Liêng. Chữ Thu Bồn phiên âm từ chữ Ponagar của Chăm Pa. Dòng sông thiêng triệu năm này đã cưu mang cả vùng đất Quảng Nam cần cù, hiếu học. Nhưng dường như chính những đứa con xứ Quảng đang bức tử bà mẹ thiêng liêng một cách không thương tiếc bằng kiểu làm ăn chụp giật, vô trách nhiệm hiện tại.
Hôm 25 tháng 4, cá bắt đầu nổi đầu tại khu vực khe Đá Mài.
"Ở đầu nguồn của khe này, có nhà máy và các trại chăn nuôi tập trung trên đó. Việc sản xuất đầu nguồn làm cho khe này bị ô nhiễm chứ trước giờ khe này nước trong xanh, đâu có chuyện này", trưởng thôn Xuân Nam, Đại Thắng, Đại Lộc, nơi có khe Đá Mài bị ô nhiễm nặng, chia sẻ với VOA.
Khe Đá Mài, một trong những phụ lưu của Thu Bồn, phải hứng một lượng chất thải từ nhà máy cồn trên thượng nguồn và các nhà máy sản xuất thức ăn gia súc ở đây. Đó cũng là nguyên nhân dẫn đến cái chết của khe Đá Mài. Nước từ khe Đá Mài đổ ra sông Thu Bồn, bên cạnh đó, sông Vu Gia cũng hợp lưu với Thu Bồn ở đoạn Giao Thủy, đoạn giáp giới giữa Đại Lộc, Duy Xuyên và Điện Bàn. Dòng Vu Gia cũng chịu hàng loạt các loại rác thải công nghiệp, nông nghiệp. Thói quen vứt rác ra sông cũng đang góp phần bức tử những con sông.
Ông Hải, nông dân huyện Đại Lộc, Quảng Nam, nói : "Cá chết ở đây vài năm nay rồi nhưng bữa nay nhiều hơn thôi. Hôm nay nước chảy cá chết đi hết rồi chứ thường thì cá chết hôi thối lắm, nước đen ngòm, nguy hiểm. Ngay cả trâu bò, người dân cũng không dám cho xuống. Nước cho trâu bò uống cũng phải bơm nước giếng. Mọi sinh hoạt không như thường ngày. Nói chung là cá chết, ô nhiễm lâu rồi nhưng đợt này cá chết nhiều hơn thôi".
"Hôm 25 tháng 4, cá bắt đầu nổi đầu tại khu vực khe Đá Mài. Hai ngày sau thì cá bắt đầu chết. Sau đó phòng tài nguyên môi trường huyện Đại Lộc có về lấy mẫu nước đi xét nghiệm, chắc sắp có kết quả. Đối với khe này thì đây là khe cung cấp nước sản xuất cho dân làng Xuân Nam và các xã lân cận, như thế này sẽ ảnh hưởng đến mạch nước của các xã. Vậy nên đề nghị cơ quan chức năng sớm có biện pháp xử lý để trả lại nguồn nước sạch cho người dân", trưởng thôn Xuân Nam bức xúc.
Hiện tại, Thu Bồn là dòng sông cung cấp nước cho các tỉnh Quảng Nam và Đà Nẵng. Một phần lớn nước sông Thu Bồn hợp lưu với sông Hàn, Đà Nẵng. Nhà máy nước Cầu Đỏ, Đà Nẵng, đã hút nước ngay từ đoạn hợp lưu này để cung cấp cho toàn thành phố.
Những con sông trở nên đen đúa, hôi thối bởi nước thải từ các nhà máy thượng nguồn, hàng triệu gia đình bị ảnh hưởng nặng nề. Sông bị bức tử, điều đó cũng đồng nghĩa với việc con người đang phải trả giá.
******************
Việt Nam kêu gọi hoãn dự án thủy điện Pak Beng ở Lào (RFA, 12/05/2017)
Hoãn dự án thủy điện ở Lào để bảo vệ 20 triệu dân Đồng Bằng Sông Cửu Long là kiến nghị được các chuyên gia Việt Nam đưa ra tại hội thảo sáng 12/5 ở Cần Thơ.
Dự án thủy điện Pak Beng ở Lào sẽ được xây dựng ở khúc sông này
Đây là cuộc hội thảo tham vấn do Ủy Hội Sông Mekong Việt Nam tổ chức, và dự án được nói đến là đập thủy điện Pắc Beng trên dòng chính của song Mekong chảy qua Lào.
Theo nhận định của các nhà khoa học Việt Nam thì phần nghiên cứu về những tác động tiêu cực của dự án Pắc Beng chưa hoàn chỉnh và không đầy đủ.
Vì thế, nếu được xây lên và đi vào hoạt động thì đập thủy điện Pắc Beng về lâu về dài sẽ làm giảm lượng phù sa và bùn cát trôi về phía hạ lưu, từ đó dẫn đến sự suy giảm nguồn dinh dưỡng quan trọng trong sản xuất nông nghiệp Đồng Bằng Sông Cửu Long.
Mặt khác, thủy điện từ Pắc Beng không những làm thay đổi dòng chảy mà còn khiến tình trạng nhập mặn trên Đồng Bằng Sông Cửu Long tăng cao hơn, chưa kể nạn sạt lở ngày càng trở nên bất thường hơn.
Các chuyên gia thuộc Ủy Hội Sông Mekong Việt Nam còn nêu ra những điểm bất lợi cho Việt Nam về mặt khoa học và đời sống mà Pắc Beng gây ra cho vùng hạ lưu mà cả người Lào cũng bị ảnh hưởng.
Bộ trưởng Bộ Tài Nguyên Môi Trường Việt Nam, ông Trần Hồng Hà, cam kết là mọi ý kiến sẽ được xem xét.