Việt Nam đưa ra một tuyên bố 'bí ẩn và ngắn gọn' về sự thành lập liên minh tay ba giữa Mỹ, Anh và Úc, nhưng trong đó ngầm gửi đi một thông điệp, theo giới quan sát
Thủ tướng Úc Scott Morrison, giữa, tại buổi họp báo trực tuyến chung với Tổng thống Mỹ Joe Biden, phải, và Thủ tướng Anh Boris Johnson khi công bố về việc thành lập Hiệp định tăng cường đối tác ba bên (AUKUS).
Khi Mỹ cùng hai đồng minh Anh và Úc tuyên bố về một thoả thuận thành lập liên minh an ninh tay ba, được gọi tắt là AUKUS, vào giữa tháng trước, sóng gió đã nổi lên trên chính trường thế giới, trong đó Trung Quốc cực lực phản đối, còn các quốc gia Đông Nam Á thì đưa ra những phản ứng khác nhau.
Hiệp định Tăng cường đối tác ba bên giữa Mỹ, Anh và Australia được Tổng thống Mỹ Joe Biden, Thủ tướng Úc Scott Morrison và Thủ tướng Anh Boris Johnson công bố hôm 15/9, trong đó cho biết Mỹ và Anh sẽ giúp Australia có được tàu ngầm hoạt động bằng năng lượng hạt nhân.
Anh là nước duy nhất cho đến nay được Mỹ chia sẻ công nghệ chế tạo tàu ngầm hạt nhân, và với thoả thuận mới này, Úc sẽ là nước thứ 2 được Mỹ chuyển giao công nghệ này. Theo đánh giá của các nhà quan sát, động thái này cho thấy Mỹ đã nâng cấp quan hệ đồng minh chiến lược với Úc lên ngang bằng mối quan hệ đồng minh chiến lược với Anh.
Trong tuyên bố của ba nhà lãnh đạo được Nhà Trắng đưa ra, Tổng thống Biden nói rằng sáng kiến mới này là nhằm đảm bảo rằng mỗi thành viên trong liên minh mới này "có được một khả năng hiện đại – những khả năng hiện đại nhất mà chúng ta cần – để đối phó và phòng thủ trước các mối đe doạ đang nhanh chóng phát triển".
Mặc dù khi công bố thoả thuận, các lãnh đạo của Mỹ, Anh và Úc không hề nhắc tới Trung Quốc và cũng cho biết không nhắm vào quốc gia nào nhưng liên minh an ninh mới này được xem là một phản ứng của các đồng minh phương Tây nhằm ngăn chặn Trung Quốc bá quyền và làm chủ Đông Nam Á, đặc biệt là Biển Đông. Bắc Kinh hiện đang là mối đe doạ lớn nhất của Washington và cũng có những xung đột với Canberra trong những năm gần đây. Anh cũng phản đối các thách thức chủ quyền của Trung Quốc ở khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương và trong tháng này đã đưa khinh hạm của mình vào Biển Đông.
Trung Quốc đã tức giận về thoả thuận tay ba này khi cho rằng AUKUS đề ra nguy cơ gây tổn hại nghiêm trọng đến hoà bình và ổn định của khu vực. Trong khi đó, Pháp coi AUKUS là một "nhát dao đâm sau lưng" từ đồng minh vì Úc đã rút lui khỏi thoả thuận trị giá 66 tỷ USD ký kết với Paris vào năm 2016 để mua tàu ngầm diesel-điện để được Anh và Mỹ cung cấp tàu ngầm chạy bằng năng lượng hạt nhân.
Các quốc gia của khối ASEAN thì bị chia rẽ về quan hệ đối tác mới được thiết lập. Malaysia và Indonesia cảnh báo rằng nó có thể dẫn đến một cuộc chạy đua vũ trang giữa các siêu cường đối đầu trong khu vực. Tuy nhiên nó không nhất thiết là quan điểm chung của toàn khối Đông Nam Á, khi Philippines và Singapore lại hoan nghênh và ủng hộ hiệp ước này.
Thông điệp của Việt Nam
Việt Nam đưa ra một lập trường khá trung lập khi không công khai ủng hộ nhưng cũng không phản đối AUKUS.
Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Lê Thị Thu Hằng hôm 23/9, khi được hỏi về quan điểm của Việt Nam về hiệp ước này,cho biết rằng "Việt Nam luôn quan tâm theo dõi các diễn biến tình hình trong khu vực".
"Chúng tôi cho rằng hoà bình, ổn định, hợp tác và phát triển ở khu vực cũng như trên thế giới là mục tiêu chung của tất cả các quốc gia và các nước có trách nhiệm đóng góp vào mục tiêu này", bà Hằng nói với các phóng viên tại cuộc họp báo ở Hà Nội.
Theo các nhà phân tích, phản ứng của Hà Nội cho thấy sự thận trọng của Việt Nam trong bối cảnh các quốc gia trong khu vực có thể sẽ lo lắng về việc bị mắc kẹt giữa cuộc cạnh canh của các cường quốc.
"Tôi cho rằng Việt Nam khá thận trọng khi đã mất một thời gian để đưa ra một thông điệp rất bí ẩn và ngắn gọn như vậy", Huong Le Thu, nhà phân tích cấp cao của Viện nghiên cứu Chính sách Chiến lược Australia (ASPI), nói tại hội nghị Biển Đông do Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược Quốc tế (CSIS) tổ chức trực tuyến hôm 8/10.
So với phản ứng từ các nước khác trong khu vực, như Malaysia và Indonesia, thì phản ứng của Việt Nam, theo nhà nghiên cứu này, đã làm Úc "khá hài lòng bởi vì nó không đáng báo động, khi không quá hoan nghênh nhưng chắc chắn không từ chối".
Đồng quan điểm trên, Bich Tran, nhà nghiên cứu trong Chương trình Đông Nam Á của CSIS cho rằng Việt Nam thận trọng khi đưa ra các tuyên bố về AUKUS vì đây là một liên minh được xem là tập trung vào an ninh, quân sự và quốc phòng hơn so với Bộ Tứ Kim Cương (Quad) – một cấu trúc hợp tác giữa Mỹ, Úc, Nhật và Ấn Độ, trong đó tập trung vào chính trị, kinh tế và thương mại, và đã nhận được sự ủng hộ của Việt Nam. Hà Nội luôn duy trì chính sách "4 Không", trong đó không liên minh quân sự với bất cứ bên nào nhằm chống lại bên thứ 3.
Tuy nhiên, theo nhà nghiên cứu Huong Le Thu, dù Việt Nam giữ lập trường trung lập nhưng tuyên bố của Hà Nội được xem là một cách để nói "OK, để xem cái gì tiếp theo".
"Thoả thuận vẫn còn được đàm phán trong vòng 18 tháng tới và chúng ta không biết chính xác khi nào những chiếc tàu ngầm đó sẽ được giao (cho Úc), vào những năm 2030 hay 2040", bà Huong Le Thu nói. "Còn nhiều chi tiết chưa được công bố. Cho nên tôi nghĩ rằng đó là vì sao Việt Nam không muốn nói điều gì quá cụ thể hoặc quá ràng buộc về vấn đề này".
Theo nhận định của Thạc sỹ Hoàng Việt, giảng viên Đại học Luật Thành phố Hồ Chí Minh, trong một cuộc phỏng vấn với VOA gần đây, tuyên bố của người phát ngôn BNG ở Hà Nội mang tính trung lập nhưng "có thể ngầm hiểu rằng Việt Nam cũng ủng hộ sáng kiến AUKUS dù không công khai nói ra".
Cựu Đại sứ Mỹ ở Việt Nam David Shear cho rằng thoả thuận liên minh ba bên giữa Mỹ, Anh và Úc sẽ tốt cho khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương, đặc biệt là khối ASEAN. Theo người hiện đang là giáo sư thỉnh giảng tại Trường Nghiên cứu Quốc tế Cao cấp Johns Hopkins, nhận định với VOA, khu vực cần sự hợp tác mạnh mẽ giữa Mỹ, Nhật Bản, Úc, Ấn Độ và Anh để tiếp tục ổn định cũng như duy trì nền độc lập của họ.
Tuyên bố chung được 3 nhà lãnh đạo Mỹ, Anh và Úc đưa ra hôm 15/9 khẳng định rằng Hoa Kỳ và hai đồng minh thân cận nhất của mình "cùng chia sẻ những giá trị về tự do và dân chủ" cũng như mong muốn duy trì một "khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương tự do và rộng mở".
Nhiều người Việt Nam, trong đó có các chuyên gia và trí thức, đều ủng hộ AUKUS mặc dù "biết rằng nó khiến cho trật tự thế giới dịch chuyển và sẽ dẫn tới nhiều vấn đề khác", theo Thạc sỹ Hoàng Việt. Nhà nghiên cứu Biển Đông này cho rằng người Việt Nam cảm thấy AUKUS là điều cần thiết vì tâm lý bài Trung lâu nay của người Việt Nam, đặc biệt trước những "hành động của Trung Quốc trên Biển Đông ức hiếp các quốc gia nhỏ khác trong đó có Việt Nam".
Nguồn : VOA, 18/10/2021