Linh mục Đinh Hữu Thoại bị phạt tiền sau khi viết "Quỹ vắc-xin là quỹ lừa đảo"
RFA, 16/10/2021
Linh mục công giáo Đinh Hữu Thoại hôm 14/10/2021 bất ngờ bị Sở Thông tin và truyền thông tỉnh Quảng Nam phạt 7,5 triệu đồng vì cho rằng ông đã cung cấp thông tin sai sự thật khi viết trên Facebook cho rằng "Quỹ vắc-xin là quỹ lừa đảo !".
Linh mục Đinh Hữu Thoại - YouTube
Theo biên bản vi phạm hành chính về lĩnh vực công nghệ thông tin do ông Nguyễn Văn Nam - Chánh thanh tra Sở Thông tin và truyền thông tỉnh này ký ngày 7/10, ngày 18/6/2021 ông Thoại đã đăng bài viết về phát biểu của Thủ tướng Phạm Minh Chính khi thành lập quỹ của Chính phủ. Kèm bình luận trên Facebook cá nhân có tít xanh là :
"Quỹ vắc xin là quỹ lừa đảo ! Kẻ lừa đảo thì mang tiền đi gửi nhà băng lấy lãi. Kẻ bị lừa thì ngậm bồ hòn làm ngọt".
Biên bản cũng thể hiện ông Đinh Hữu Thoại không ký biên bản do "không đến làm việc theo Giấy mời số 1166 ngày 28/9/2021.
Báo chí nhà nước đưa tin về vụ việc này tuy nhiên không cho biết ông Đinh Hữu Thoại là linh mục của Dòng Chúa Cứu Thế.
Linh mục Lê Xuân Lộc trong ngày 16/10 dẫn lại thông tin trên trang Zalo của linh mục Đinh Hữu Thoại cho biết, ông không đồng ý với biên bản và sẽ khởi kiện ra tòa án Quảng Nam.
"Trong Thư phúc đáp Giấy mời lần 3 (ngày 04/10/2021) tôi đã nêu lý do vắng mặt chính đáng theo quy định pháp luật, nhưng Sở 4T vẫn đơn phương lập biên bản vi phạm vắng mặt. Nay tiếp tục ra Quyết định xử phạt vi phạm hành chính...
Tôi không chấp nhận các văn bản đơn phương này, nên tuyên bố không tự nguyện nộp phạt mà sẽ khởi kiện ra toà án tỉnh Quảng Nam theo quy định pháp luật.
Sở 4T không cung cấp bất cứ tài liệu nào chứng minh "lỗi vi phạm", nhưng vẫn đơn phương lập biên bản vi phạm và ra quyết định xử phạt...
Trong khi trước đó, vào ngày 2/10 một số kênh của báo đài nhà nước như QRT, VOV, CAND,... đã đưa tin đấu tố, vu khống, bôi nhọ tôi, dù cho tới nay tôi mới nhận được các văn bản" - linh mục Đinh Hữu Thoại viết.
Hôm 26/5/2021, Thủ tướng Chính phủ ra quyết định thành lập Quỹ vắc-xin phòng Covid-19 Việt Nam để nhận tiền tài trợ cho hoạt động mua, nhập khẩu vắc-xin, nghiên cứu, sản xuất vắc-xin trong nước và sử dụng vắc-xin phòng Covid-19 cho người dân.
Bộ Tài chính Việt Nam cho biết, tính đến 17 giờ ngày 15/10, tổng số tiền huy động được cho Quỹ vắc-xin là 8.784,4 tỷ đồng (bao gồm lãi tiền gửi ngân hàng 47,7 tỷ đồng).
Chi từ Quỹ 7.053,5 tỷ đồng. Trong đó : chi mua vắc-xin 7.044,7 tỷ đồng ; chi hỗ trợ nghiên cứu, thử nghiệm vắc-xin 8,8 tỷ đồng.
Tuy nhiên, đến tối ngày 16/10/2021 khi truy cập vào trang web chính thức của Quỹ vắc-xin phòng Covid-19 Việt Nam thì đã không còn xem được báo cáo về tổng số tiền, danh sách người đóng góp cũng như số chi mua vắc-xin như thường thấy.
*****************
Người thân lo sợ Facebooker Bùi Văn Thuận bị tra tấn trong trại giam
RFA, 18/10/2021
Thân nhân của ông Bùi Văn Thuận, một người được biết đến trên mạng xã hội Facebook vì đăng các tin tức chính trị nội bộ của Đảng cộng sản, lo sợ rằng ông đã bị tra tấn trong trại giam dẫn đến phải nhập viện để điều trị.
Facebooker Bùi Văn Thuận - Facebook
Theo bà Trịnh Thị Nhung, vợ của ông Bùi Văn Thuận, hôm 15 tháng 10, gia đình nhận được giấy thông báo từ Trại Tạm giam Công an tỉnh Thanh Hóa, nơi ông Bùi Văn Thuận đang bị giam giữ, về việc ông Thuận phải nhập viện để điều trị vì các vấn đề sức khỏe.
Bệnh tình của ông Bùi Văn Thuận, được mô tả trong bản thông báo, là bị "sưng, nóng, đỏ đau vùng các ngón hai chi dưới".
Tuy nhiên, theo bà Trịnh Thị Nhung thì trước khi bị bắt ông Thuận không có vấn đề gì về sức khỏe, bà khẳng định :
"Anh Thuận hoàn toàn khỏe mạnh. Hôm mà công an đưa đi thì anh ấy không có biểu hiện của một cái bệnh gì cả".
Ông Bùi Văn Thuận bị bắt vào ngày 30 tháng 8. Theo thông báo của trại tạm giam thì ông Thuận được đưa vào bệnh viện để điều trị hôm 8 tháng 10, tức chỉ hơn một tháng sau khi bị bắt.
Theo bà Nhung, phía trại giam không cung cấp thêm thông tin gì về tình trạng sức khỏe của ông Thuận, bản thân bà cũng đã tới bệnh viện để mong được thăm chồng nhưng không được vào.
Bà Trịnh Thị Nhung cũng nói bà không tin tưởng vào thông tin từ phía trại giam, mà bà nghi ngờ rằng ông Thuận phải nhập viện vì lý do khác, bà cho biết thêm :
"Lúc đầu thì tôi rất là lo lắng và mất bình tĩnh thì mình chỉ nhận được thông tin từ một chiều thôi, không biết là thực sự anh ấy có bị các loại bệnh như vậy hay không nữa. Tôi cũng tìm hiểu, hỏi thăm thấy nhiều trường hợp tù nhân lương tâm ở trong thời gian điều tra cũng bị ép cung, rồi bị tra tấn bằng nhiều hình thức, thì tôi cũng rất là lo lắng".
Hôm 18 tháng 10, bà Nhung đã tới Trại Tạm giam Công an tỉnh Thanh Hóa để gửi đồ tiếp tế và tiền lưu ký cho ông Thuận, bà cũng hỏi thăm tình hình của chồng mình nhưng phía trại giam trả lời là sẽ gửi giấy về cho gia đình sau.
Phía gia đình cũng đã thuê luật sư bào chữa cho ông Bùi Văn Thuận, nhưng vì đang trong quá trình điều tra, và vụ án có tính chất chính trị nên luật sư chưa được cấp chứng nhận bào chữa, và chưa được thăm gặp ông Thuận.
Ông Bùi Văn Thuận bị cáo buộc dưới tội danh "làm, tàng trữ, phát tán hoặc tuyên truyền thông tin, tài liệu, vật phẩm nhằm chống Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam’, theo Điều 117 của Bộ Luật Hình sự Việt Nam năm 2015.
Trước khi bị bắt thì ông Bùi Văn Thuận được biết đến với loạt các bài viết trên Facebook, tiết lộ nội tình của chính quyền địa phương các tỉnh ở Việt Nam, được ông đặt dưới tên "sới trọi chó".
*********************
Nhà báo độc lập/nhà hoạt động Phạm Đoan Trang bị đưa ra xét xử ngày 4/11
RFA, 18/10/2021
Nhà báo độc lập/nhà hoạt động Phạm Đoan Trang sẽ bị đưa ra xét xử vào ngày 4/11 tới đây tại Tòa án Nhân dân Thành phố Hà Nội.
Nhà báo Phạm Đoan Trang - Facebook Phạm Đoan Trang
Đài Phát thanh Tiếng nói Việt Nam (VoV) loan tin ngày 18/10, dẫn quyết định của Tòa án Hà Nội như vừa nêu và cho biết thẩm phán chủ tọa phiên xử là bà Chử Phương Ngọc và hai Hội thẩm nhân dân Trương Việt Toàn và Nguyễn Thị Thúy.
Cô Phạm Đoan Trang sinh năm 1978, hộ khẩu thường trú tại Quận Cầu Giấy, Thành phố Hà Nội bị bắt vào khuy ngày 6/10 năm ngoái khi đang cư ngụ tại Thành phố Hồ Chí Minh. Sau đó cô bị di lý ra Hà Nội.
Cáo buộc mà cơ quan chức năng đưa ra đối với cô Phạm Đoan Trang là ‘tuyên truyền chống Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam’ và ‘làm, tàng trữ, phát tán hoặc tuyên truyền thông tin, tài liệu, vật phẩm nhằm chống Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam’.
VoV cho rằng cô Phạm Đoan Trang được nhiều người biết đến như một blogger và sở hữu trang Facebook có gần 70 ngàn lượt theo dõi.
Cô Phạm Đoan Trang viết nhiều cuốn sách về nhân quyền, chính trị được xuất bản ở trong nước và nước ngoài. Cô nhận được nhiều giải thưởng về nhân quyền trong những năm qua như giải Tự do Báo chí 2019 của tổ chức Phóng viên Không Biên Giới, giải Homo Homini 2017 từ tổ chứcPeople In Need.
Nhân ngày nhà hoạt động Phạm Đoan Trang bị bắt giam một năm, các tổ chức nhân quyền và phi chính phủ lên tiếng kêu gọi trả tự do cho bà.
Hôm 6 tháng 10, tổ chức Sáng kiến Pháp lý Việt Nam (LIV), nơi cô Phạm Đoan Trang là người đồng sáng lập, ra tuyên bố lên án việc chính quyền Việt Nam giam giữ cô Phạm Đoan Trang và yêu cầu việc trả tự do cho cô.
Tuyên bố trên có đoạn: "Chúng tôi lên án hành vi của chính quyền Việt Nam trong việc liên tiếp sách nhiễu nhà đồng sáng lập của chúng tôi là bà Phạm Đoan Trang.
Việc bắt và giam giữ bà Trang là hành vi vi phạm quyền tự do ngôn luận một cách trắng trợn. Nói rộng hơn, hành động này còn tấn công vào nền tự do báo chí và hoạt động báo chí độc lập".
Vào ngày 5/ 10, tổ chức Dự án 88 cũng cho đăng tải một bài quan điểm trên báo Asia Times, nói về nhà hoạt động Phạm Đoan Trang nhân dịp một năm ngày cô bị bắt.