Đảng Cộng sản Việt Nam xem xét ‘tổ chức đối thoại’ (BBC, 19/05/2017)
Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam cho biết Ban Bí thư đang xem xét việc "tổ chức trao đổi và đối thoại với những cá nhân có ý kiến và quan điểm khác" với Đảng này.
Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam Võ Văn Thưởng
Ông Võ Văn Thưởng, Ủy viên Bộ Chính trị, nói "đang cố gắng để Ban Bí thư thông qua vấn đề này", theo báo Pháp luật Thành phố Hồ Chí Minh.
Ông Thưởng phát biểu tại một hội nghị trực tuyến toàn quốc hôm 18/5.
'Không sợ đối thoại'
"Chúng ta không sợ đối thoại, không sợ tranh luận, bởi vì sự phát triển của mỗi lý luận và của học thuyết cách mạng nào rồi cũng phải dựa trên sự cọ xát và tranh luận", ông Thưởng nói.
Ông cho biết ngành tuyên giáo đang chờ Ban Bí thư thông qua một văn bản hướng dẫn về việc "trao đổi và đối thoại" với những người có quan điểm khác với Đảng Cộng sản.
Tranh luận sẽ "tạo ra cơ sở để hình thành chân lý", ông Thưởng nhấn mạnh.
Ông Thưởng nói đang cố gắng để Ban Bí thư thông qua vấn đề này trong thời gian tới.
Một văn bản của Đảng Cộng sản năm 2016 từng đề cập việc "trao đổi, đối thoại".
Dù xã hội Việt Nam biến đổi rất nhiều, không gian công và các nghi lễ quốc gia vẫn do những biểu tượng cộng sản chiếm lĩnh
Nghị quyết Trung ương 4 khóa XII công bố hôm 30/10/2016, do Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng ký, nói về tăng cường xây dựng, chỉnh đốn Đảng.
Nghị quyết này có câu : "Tổ chức diễn đàn trao đổi, đối thoại những vấn đề còn có nhận thức, quan điểm khác nhau liên quan đến đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước".
'Chuyển đổi khó khăn'
Sau khi Việt Nam tuyên bố độc lập năm 1945, Quốc hội khóa 1 của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa năm 1946 khi đó có đa số là những người cộng sản.
Tuy vậy, Quốc hội này còn có các đại biểu từ các đảng như Việt Nam Quốc dân Ðảng, Đảng Dân chủ Việt Nam, Đảng Xã hội Việt Nam và các đại biểu không đảng phái.
Sau 1954, khi Việt Nam chia cắt, tại miền Bắc, vẫn còn Đảng Dân chủ và Đảng Xã hội trong Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, do Đảng Lao động lãnh đạo.
Hai đảng Dân chủ và Xã hội vẫn còn tồn tại sau khi Việt Nam thống nhất trước khi bị giải thể năm 1988.
Quan điểm của Đảng Cộng sản Việt Nam hiện nay là không chấp nhận đa nguyên chính trị, đa đảng đối lập.
Trong một bài trên The Diplomat tháng 10/2016, chuyên gia người Nga Anton Tsvetov nhận xét sau 30 năm Đổi mới, Việt Nam đang đứng trước "sự chuyển đổi khó hơn nhiều".
Tác giả này nhận định : "Sự chuyển hóa kinh tế đã làm xuất hiện các tầng lớp xã hội mới và các nhóm lợi ích mới, họ đang tương đối giàu có và im lặng, nhưng chắc chắn họ sẽ đòi hỏi sự tham gia chính trị để bảo đảm vị trí của mình trong tương lai".
Gần đây mạng xã hội như Facebook, YouTube đang ngày càng trở thành "diễn đàn" để các quan điểm khác nhau trong xã hội Việt Nam được chia sẻ.
Chính phủ Việt Nam ước tính có tới 45 triệu người, khoảng 70% dân số Việt Nam, đang dùng Facebook.
Mới đây Việt Nam đã yêu cầu Facebook và YouTube phải hợp tác để ngăn chặn điều mà chính phủ gọi là "thông tin xấu độc".
*******************
Đảng 'không sợ đối thoại, không sợ tranh luận' ? (VOA, 20/05/2017)
Uỷ viên Bộ Chính trị, Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương Võ Văn Thưởng hôm 18/5 phát biểu :
"Chúng ta không sợ đối thoại, không sợ tranh luận, bởi vì sự phát triển của mỗi lý luận và của học thuyết cách mạng nào rồi cũng phải dựa trên sự cọ xát và tranh luận. Và cũng chính sự tranh luận đó tạo ra cơ sở để hình thành chân lý".
Quốc kỳ và Đảng kỳ của Việt Nam
Nhà bất đồng chính kiến Nguyễn Tiến Trung từ thành phố Hồ Chí Minh nói ông hoan nghênh phát biểu của ông Thưởng và hy vọng đây không phải là những lời hứa "đầu môi chót lưỡi".
"Rất hoan nghênh câu nói của ông Võ Văn Thưởng. Những người ôn hòa, có tư tưởng đối thoại, cùng dân tộc, nên cùng đoàn kết với nhau để ra sức ép buộc Đảng Cộng sản ngồi xuống đàm phán, đối thoại thực sự, chứ không phải chỉ là những lời hứa trên đầu môi chót lưỡi nữa".
Báo Pháp Luật ngày 19/05/2017 trích lời ông Thưởng cho biết Ban Tuyên giáo Trung ương đang chờ Ban Bí thư thông qua một văn bản hướng dẫn về việc "tổ chức trao đổi và đối thoại với những cá nhân có ý kiến và quan điểm khác với đường lối, chủ trương, quan điểm của Đảng và pháp luật của Nhà nước".
Người đứng đầu Ban tuyên giáo của Đảng Cộng sản Việt Nam lên tiếng tại hội nghị trực tuyến toàn quốc sơ kết một năm triển khai thực hiện Chỉ thị 05 của Bộ Chính trị về việc "Đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh".
Báo Pháp Luật trích lời ông Thưởng nói :
"Đây là vấn đề rất quan trọng...Cần có quy định rõ ràng để từng cấp, từng ngành, từng cơ sở, từng đơn vị xác định rõ trách nhiệm của mình và phương pháp trong trao đổi, đối thoại".
Các lãnh đạo hàng đầu của Việt Nam hiện nay
Ông Nguyễn Tiến Trung nêu nghi vấn về sự thành tâm của những người lãnh đạo Đảng Cộng sản. Anh nói :
"Tôi khá là ngạc nhiên vì trong nước cũng chưa có lực lượng chính trị nào đủ sức mạnh và lực lượng để có thể buộc Đảng Cộng sản ngồi xuống đàm phán. Tuy nhiên khi ông Thưởng nêu ý kiến này ra, là cũng nói rõ đang đợi Ban Bí thư ban hành văn bản hướng thì tôi nghĩ đây là một ý định khá là nghiêm túc, độ khả tín, xác thực cao".
Anh Trung giải thích rằng các sức ép bên trong và bên ngoài là lý do chính buộc Đảng phải đối thoại với nhân dân :
"Đảng độc quyền, độc tài thì không bao giờ muốn đàm phán cả. Nhưng bây giờ họ đang phải đối mặt với sức ép rất là lớn - từ trong nước đến quốc tế, cho nên tôi nghĩ một số người trong Đảng Cộng sản đã thấy rõ con đường hợp lý nhất, đúng đắn nhất để Đảng thoát khỏi thế kẹt là phải đối thoại với dân để cùng nhau đi tới".
Những sức ép đó là gì ? Anh Trung phân tích :
"Đó là nợ công quốc gia, họ đang bị dư luận để tăng xăng dầu lên 8.000đồng/ lít ; Trung Quốc gây sức ép trên Biển Đông, người dân liên tục phản kháng, liên tục biểu tình, tạo ra sự bất ổn bên trong và bên ngoài rất lớn. Cuối cùng họ sẽ phải ngồi xuống đàm phán. Bây giờ một số thành phần trong Đảng đã nhìn theo hướng đó rồi".
Biểu tình phản đối Formosa
Tuy nhiên, quá trình tiến tới đối thoại, tranh luận thực sự còn tốn nhiều thời gian. Chưa kể các biện pháp "câu giờ" như phân tích của anh Trung :
"Tất nhiên mọi người cũng biết rằng các lãnh đạo Đảng Cộng sản họ có truyền thống câu giờ. Ví dụ như Luật lập hội, Luật biểu tình, họ cứ nói hoài hết năm này đến năm khác mà vẫn chưa có. Rất có thể sau lời tuyên bố này thì họ tiếp tục câu giờ. Họ cho là người dân an tâm rồi, các lãnh đạo biết lắng nghe dân rồi thì không cần làm gì nữa".
Các nhà hoạt động khác cũng kỳ vọng sẽ có những dấu hiệu thay đổi sau lời phát biểu của Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương, đặc biệt những thay đổi trong đợt "đổi mới 2" đang dần xuất hiện mà khởi đầu là những thay đổi về "lý luận".
Nhà báo độc lập Quang Hữu Minh viết trên Facebook : "ông Võ Văn Thưởng nên tiếp tục ở lại Ban Tuyên Giáo Trung Ương để đổi mới về lý luận và cách lý luận cho Đảng".
Tuy nhiên, một số nhà hoạt động đặt nghi vấn về những phát biểu của ông Thưởng, họ hỏi đâu là ranh giới giữa một bên là "đối thoại", "tranh luận", "nêu ý kiến phản biện" và một bên là "chống phá chính quyền", "tuyên truyền chống phá nhà nước" hay "phản động" ?.
Ông Hữu Minh viết "chỉ mong là anh Thưởng, trong tư thế là người khởi xướng việc này, cần chú ý là không thể đối thoại trong đồn công an, với một bên đông đúc về con người, khỏe mạnh và minh mẫn, công cụ chuyên chế đầy đủ, còn một bên là một người mỏi mệt, kiệt quệ và tay chân có khi đeo còng".
Nhà báo viết tiếp về ông Thưởng : "Chưa biết anh làm tới đâu, nhưng xưa nay vẫn quý mến vì anh là người nói ít làm nhiều".
*****************
Đảng cộng sản Việt Nam sẵn sàng đối thoại (RFA, 18/05/2017)
Hà Nội trang trí kỷ niệm 87 năm ngày thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam ngày 25 tháng 1 năm 2017. AFP photo
Đảng Cộng sản Việt Nam có thể mở ra những cuộc đối thoại với những người có ý kiến khác biệt với đảng.
Đó là lời của ông Võ Văn Thưởng, Trưởng ban tuyên giáo trung ương, tại hội nghị trực tuyến sơ kết một năm việc thực hiện chỉ thị số 5 của Bộ chính trị, về việc học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh.
Ông Thưởng cho biết là Ban tuyên giáo trung ương, tức là cơ quan lo vấn đề về tuyên truyền của đảng đang chờ Ban bí thư trung ương đảng hướng dẫn việc tổ chức các cuộc đối thoại trao đổi này.
Ông Thưởng tuyên bố là đảng cộng sản Việt Nam không sợ đối thoại và tranh luận.
Từ khi đảng cộng sản lên cầm quyền ở miền Bắc Việt Nam vào năm 1954, và cả nước Việt Nam từ năm 1975, đảng cộng sản là đảng duy nhất cầm quyền, và ý thức hệ cộng sản là ý thức hệ duy nhất được cho phép phổ biến một cách chính thức.
Tuy nhiên trong thời gian hơn 10 năm qua, có nhiều tổ chức ra đời, có nhiều cá nhân nêu lên những quan điểm khác với đảng cộng sản, trong đó lần lớn nhất là vào năm 2013, có nhiều trí thức cùng ký tên yêu cầu xóa bỏ điều bốn của hiến pháp, nhưng đề nghị đó đã không được chấp nhận.
Điều bốn này ghi rõ chỉ có đảng cộng sản mới được cầm quyền mà thôi.