Kinh tế chỉ đang phục hồi…
Tại phiên họp thường kỳ của Chính phủ hôm 2/12, Thủ tướng Phạm Minh Chính cho rằng, qua gần hai tháng thực hiện quy định về thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch bệnh, tình hình dịch bệnh Covid-19 tại Việt Nam đã được kiểm soát, kinh tế đã khởi sắc với nhiều điểm sáng.
Nhac NGUYEN / AFP
Phó Giáo sư Tiến sĩ Ngô Trí Long, nguyên viện trưởng Viện Nghiên cứu Thị trường Giá cả thuộc Bộ Tài Chính, khi trao đổi với Đài Á Châu Tự Do hôm 3 tháng 12 năm 2021, liên quan vấn đề này, cho rằng :
"Bắt đầu khôi phục thôi... khởi thế nào được... chưa khởi được... hồi phục thôi... Từ chỗ tăng trưởng quý ba bị âm, làm cho 11 tháng vừa rồi cũng thấm là do quý ba thiệt hại quá nặng nề, bây giờ chỉ có dấu hiệu hồi phục... còn nếu nói là khởi sắc thì nó phải khác, khởi sắc là trên cái nền đã phát triển, hoạt động bình thường... Dùng từ khởi sắc... mà sau một sự khủng hoảng suy tàn thì chỉ là hồi phục thôi".
Theo Phó Giáo sư Tiến sĩ Ngô Trí Long, từ sau khi Nghị quyết 128 được ban hành hôm 11/10/2021 về qui định tạm thời "Thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19", về cơ bản kinh tế có dấu hiệu phục hồi. Tuy nhiên theo ông Long, chỉ mới gần hai tháng sau áp dụng Nghị quyết 128, bây giờ dịch Covid-19 lại đang tái bùng phát, do đó nếu Chính phủ không kiểm soát tốt thì việc phục hồi kinh tế lại tiếp tục bị ảnh hưởng.
Bộ Y tế Việt Nam trong những ngày qua liên tục thông báo mỗi ngày có trên 10.000 ca nhiễm Covid-19 mới, khiến số ca nhiễm Covid-19 tại Việt Nam từ đầu năm 2020 đến nay là hơn 1,2 triệu ca, với hơn 25 ngàn trường hợp tử vong.
Doanh nghiệp còn khó
Trước tình hình thực tế đó liệu kinh tế Việt Nam có thật sự khởi sắc ? Để giải quyết cho câu hỏi này, hôm 3/12,RFA liên lạc ông Nguyễn Văn Mỹ, Chủ tịch Công ty Lửa Việt Tour. Qua đó, ông Mỹ xác nhận hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp vẫn đang còn rất khó khăn. Ông nói :
"Làm sao mà ổn được và nó cũng chưa khởi sắc đâu, dĩ nhiên là nó có khởi động lại nhưng mà còn rất nhiều khó khăn. Khó khăn thứ nhất là mình hết phong tỏa nhưng mình đã khống chế được dịch đâu ? Nó vẫn lây lan và tăng trưởng bất thường trong điều kiện vắc-xin chưa phủ hết. Cho nên phải nói là chẳng những không khởi sắc mà thậm chí còn rất nhiều khó khăn, thậm chí còn khó hơn thời kỳ phong tỏa. Các công ty du lịch khi bị phong tỏa thì ai cũng chấp nhận, mà hết phong tỏa vẫn tiếp tục khó khăn, thậm chí người ta cảm thấy là không ‘kêu’ nữa vì không có sức mà kêu, hoặc có kêu thì cũng không làm được gì vì nhà nước đâu có tiền như các nước Âu Mỹ để mà giúp, nên thôi mình ráng cầm cự theo cách nào thì cầm cự".
Một việc căn bản nhất, theo ông Nguyễn Văn Mỹ, muốn kinh tế phát triển nói chung và ngành du lịch nói riêng thì trẻ con phải được đi học bình thường, nhu cầu đi học là cấp thiết, vậy mà hiện nay chỉ có chín tỉnh, thành cho học sinh đến trường học trực tiếp còn lại vẫn học trực tuyến để ngăn chặn dịch lây lan.
Muốn "khởi sắc" phải kiểm soát dịch bệnh
Theo Trung tâm Thông tin và Dự báo kinh tế - xã hội Quốc gia (NCIF), sau quý 3, GDP Việt Nam tăng trưởng âm 6,17% và những ảnh hưởng của dịch Covid-19 còn phức tạp, tăng trưởng GDP cả năm 2021 của Việt Nam được dự báo dao động trong khoảng 1,5-1,9%...
Cụ thể, NCIF cho rằng, kinh tế quý 4/2021 khó có khả năng phục hồi nhanh, tăng trưởng quý 4/2021 sẽ dao động chỉ từ 2,02 - 3,17% và cả năm sẽ đạt 1,9% theo kịch bản khả quan và 1,52% theo kịch bản cơ sở. Tuy nhiên, NCIF cũng cảnh báo, nếu trong trường hợp phục hồi chậm và nhiều tình huống xấu do kiểm soát dịch bệnh không tốt, kinh tế 2021 của Việt Nam có thể tăng trưởng ở mức khoảng chỉ 0,43%.
Chuyên gia kinh tế, Tiến sĩ Lê Đăng Doanh, nguyên là Viện trưởng Viện Nghiên cứu Quản lý Kinh tế Trung ương, khi trả lời RFA cũng cho rằng mục tiêu phục hồi kinh tế chỉ có thể đạt được nếu kiểm soát tốt dịch bệnh :
"Tôi thấy khả năng Việt Nam đạt được tăng trưởng tùy thuộc rất nhiều vào Việt Nam có kiểm soát được dịch bệnh hay không ? Hiện nay tình hình dịch bệnh của Việt Nam đang rất phức tạp, cho nên về mặt tiềm năng thì có thể đạt được, nhưng tùy thuộc rất nhiều vào việc kiểm soát và kiềm chế dịch bệnh".
Mới đây, Công ty Chứng khoán Mirae Asset trong Báo cáo cập nhật kinh tế vĩ mô về những rủi ro của dịch Covid-19 đối với nền kinh tế Việt Nam ghi rằng, tăng trưởng kinh tế năm 2021 có thể thấp hơn kỳ vọng do tính chất phức tạp của đợt bùng phát dịch Covid-19 mới đây. Trong đó, một số yếu tố tác động tiêu cực đến hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp như giá cả vật liệu tăng đột biến, đặc biệt là thép xây dựng ; nhiều dự án bị chậm tiến độ, ảnh hưởng đến công tác giải ngân đầu tư công ; đợt bùng dịch lần bốn cũng ảnh hưởng đến sức tiêu thụ hàng hóa và doanh số bán lẻ tại Việt Nam.
Về dự báo thu hút đầu tư vào Việt Nam trong năm 2022, Phó Giáo sư Tiến sĩ Ngô Trí Long nói :
"Cũng có biến chuyển tốt, đặc biệt là sau chuyến đi dự Hội nghị biến đổi khí hậu của Thủ tướng, cũng như vừa rồi Chủ tịch quốc hội và Chủ tịch nước đi thăm một số nước... do đó dự báo thu hút đầu tư sẽ tăng cường mở rộng quan hệ thêm trong mọi lĩnh vực thương mại và dịch vụ. Mục tiêu năm tới từ 6-6,5% GDP, nhưng cái đó còn phụ thuộc vấn đề kiểm soát dịch bệnh. Nếu dịch bệnh lại không kiểm soát được, lại tiếp tục giãn cách xã hội, thì chắc chắn kinh tế sẽ khó có khả năng hồi phục".
Tiến sĩ Phạm Quý Thọ trong một bài phân tích đăng trên RFA mới đây cho rằng, cú sốc kinh tế ở Việt Nam vừa xảy ra là khá nghiêm trọng, là sự "mất mát" có nguyên nhân chủ quan, nhưng bị phủ nhận và hơn thế là sự ngộ nhận về năng lực làm nảy sinh sự nóng vội tăng trưởng kinh tế.
Nguồn : RFA, 03/12/2021