Mỹ : Việt Nam, Đài Loan vượt ngưỡng tiền tệ nhưng không bị dán nhãn ‘thao túng’
VOA, 04/12/2021
Bộ Tài chính Hoa Kỳ hôm 3/12 nói Việt Nam và Đài Loan tiếp tục vượt quá ngưỡng cho phép về thao túng tiền tệ theo luật thương mại năm 2015 của Hoa Kỳ, nhưng không chính thức dán nhãn các nước này là "thao túng tiền tệ".
Trụ sở của Bộ Tài chính Hoa Kỳ ở Washington, D.C.
Bộ Tài chính Mỹ cho biết trong báo cáo tiền tệ bán niên rằng tính đến tháng 6/2021, không có đối tác thương mại lớn nào của Hoa Kỳ tìm cách thao túng tiền tệ để có lợi thế thương mại hoặc để ngăn chặn các điều chỉnh cán cân thanh toán hiệu quả theo luật năm 1988.
Bộ này nói Việt Nam và Đài Loan đã vượt ngưỡng thặng dư thương mại, tài khoản vãng lai và ngưỡng can thiệp ngoại hối và Bộ sẽ tiếp tục làm việc với các nước này để giải quyết những lo ngại của Hoa Kỳ.
Riêng về phía Việt Nam, Bộ Tài chính Mỹ nói họ "hài lòng với những tiến bộ mà Việt Nam đạt được cho đến nay".
Còn Đài Loan thì Bộ sẽ tiếp tục làm việc bắt đầu từ tháng 5. "Công việc bao gồm thúc giục xây dựng một kế hoạch với các hành động cụ thể để giải quyết các nguyên nhân cơ bản của việc định giá tiền tệ thấp và mất cân đối bên ngoài", Bộ Tài chính Mỹ cho biết.
Bộ này cho biết thêm rằng Thụy Sĩ, quốc gia bị chính quyền Trump gán nhãn "thao túng tiền tệ" vào năm 2020, chỉ vượt hai trong số ba ngưỡng, nhưng sẽ tiếp tục tiến hành phân tích sâu về các hoạt động của Thụy Sĩ trong ít nhất một năm nữa.
Bộ Tài chính Mỹ đã chuyển Thụy Sĩ vào "Danh sách giám sát" các đối tác thương mại lớn bị chú ý nhiều đến thực tiễn tiền tệ, cùng với 11 quốc gia khác là Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc, Đức, Ireland, Ý, Ấn Độ, Malaysia, Singapore, Thái Lan và Mexico.
Theo Reuters
**********************
Bộ Tài chính Mỹ vẫn không xem Việt Nam là quốc gia thao túng tiền tệ
Thanh Phương, RFI, 04/12/2021
Ngày 03/12/2021, bộ Tài chính Mỹ đã công bố báo cáo khẳng định Việt Nam đã vượt qua các ngưỡng về khả năng thao túng tiền tệ, nhưng bộ này vẫn không xem Việt Nam là một quốc gia thao túng tiền tệ.
Tại Ngân hàng Thương mại Châu Á (ACB), Hà Nội, Việt Nam, ngày 16/06/2008. AP - Chitose Suzuki
Theo hãng tin Reuters, trong báo cáo "Chính sách hối đoái và kinh tế vĩ mô của các đối tác thương mại chủ chốt của Mỹ", bộ Tài chính Hoa Kỳ cho rằng Việt Nam cũng như Đài Loan đã vượt qua 3 ngưỡng về thặng dư thương mại, tài khoản vãng lai và can thiệp tỷ giá hối đoái, tức là 3 ngưỡng mà Mỹ xem là có khả năng đi đến thao túng tiền tệ.
Tuy nhiên, bộ Tài chính Mỹ hiện giờ chưa dán nhãn "thao túng tiền tệ" đối với Việt Nam và Đài Loan, và cho biết sẽ tiếp tục phối hợp với hai nước để giải quyết các quan ngại của Washington. Riêng về Việt Nam, bộ Tài chính Mỹ bày tỏ "hài lòng với những tiến bộ mà Việt Nam đạt được cho đến nay".
Vào tháng 12/2020, tức là dưới thời tổng thống Donald Trump, cũng trong báo cáo "Chính sách hối đoái và kinh tế vĩ mô của các đối tác thương mại chủ chốt của Mỹ", bộ Tài chính Hoa Kỳ đã từng dán nhãn "thao túng tiền tệ" đối với Việt Nam cũng như Thụy Sĩ dựa theo 3 tiêu chí : thặng dư thương mại với Mỹ, thặng dư cán cân vãng lai, can thiệp vào thị trường ngoại tệ.
Nhưng trong báo cáo định kỳ 6 tháng một lần công bố ngày 16/04, tức là báo cáo đầu tiên dưới thời tổng thống Joe Biden, bộ Tài chính Hoa Kỳ đã xác định không có đủ bằng chứng để kết luận Việt Nam thao túng tiền tệ nhằm tạo lợi thế cạnh tranh lẫn thương mại.
Tiếp đến, bộ trưởng Tài chính Janet Yellen ngày 19/07 đã có cuộc gặp trực tuyến với Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam Nguyễn Thị Hồng và hai bên đã đạt được thỏa thuận về các hoạt động tiền tệ.
Thanh Phương