Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Published in

Việt Nam

27/12/2021

‘Danh dự’ của công an trong mắt người dân

RFA tiếng Việt

Sáng 27 tháng 12 năm 2021, phát biểu trước Hội nghị Công an toàn quốc lần thứ 77 tại Hà Nội, Thủ tướng Việt Nam Phạm Minh Chính nhấn mạnh phải chú trọng công tác giáo dục, rèn luyện cán bộ, chiến sĩ công an về đạo đức, lối sống, tác phong, xây dựng người công an nhân dân "có trái tim nóng, cái đầu lạnh, đôi chân vững chắc, có bàn tay sạch và biết trọng danh dự" vì "danh dự là điều thiêng liêng, cao quý nhất".

congan1

Một cảnh sát cố gắng ngăn người biểu tình chống Trung Quốc cầm biểu ngữ trong cuộc biểu tình trước đại sứ quán Philippines ở Hà Nội, Việt Nam năm 2016 - Reuters

Công an nhân dân Việt Nam được coi là một lực lượng vũ trang trọng yếu của Đảng và Nhà nước ; là nòng cốt trong sự nghiệp bảo vệ an ninh quốc gia và giữ gìn trật tự, an toàn xã hội, tuyệt đối trung thành với Đảng, luôn luôn ý thức "còn Đảng thì còn mình". Khẩu hiệu "còn Đảng, còn mình" là một nguyên tắc lớn trong đạo đức cách mạng của ngành công an Việt Nam.

Thủ tướng Phạm Minh Chính cũng nhắc lại, lực lượng công an cần phát huy vai trò tham mưu chiến lược ; giữ vững thế chủ động, sẵn sàng các phương án, không để bị động, bất ngờ, đẩy mạnh công tác nắm tình hình và đấu tranh làm thất bại mọi âm mưu và hoạt động chống phá của các thế lực thù địch…

Nhiều người dân cho rằng, không phải tự nhiên mà Thủ tướng Việt Nam phải nhắc đến việc phải xây dựng người công an biết trọng danh dự.

Anh Kế, một người dân Đà Nẵng, bày tỏ suy nghĩ của mình với RFA ngay sau khi coi thông tin này trên truyền hình nhà nước tối 27 tháng 12 :

"Thực ra đó là chức năng, nhiệm vụ của ngành công an nhưng bây giờ phải kêu gọi, có nghĩa là cái gì đã xuống cấp quá trầm trọng thì người ta phải kêu gọi, phải vực dậy, phải khôi phục lại. Trước mắt nó làm cho tình cảm của người dân dành cho lực lượng này không còn như ngày trước nữa. Thực chất là người dân khinh thường lực lượng này nhưng với vị trí người dân thì họ không dám nói ra thôi.

Trong chế độ cộng sản, độc đảng như Việt Nam, lúc nào họ cũng nghĩ có thế lực thù địch bên ngoài chống phá, cho nên lực lượng công an bên cạnh lực lượng quân đội được coi là lực lượng bảo vệ chế độ. Chính vì lẽ đó nên chế độ lương bổng và quyền lợi cách xa với chế độ dân sự bình thường. Chính vì Nhà nước ưu đãi lực lượng này quá đáng cho nên họ trở thành một lực lượng gọi là kiêu binh. Họ kiêu ngạo, xem thường dân, coi dân không ra gì hết. Từ đó tình cảm của dân đối với họ không còn như xưa".

Anh Thiệu, một người dân Sài Gòn thì nhận định rằng, đại đa số người dân bây giờ ghét công an, nhất là lực lượng cảnh sát giao thông. Anh nói :

"Cứ nhìn vào lực lượng cảnh sát giao thông là biểu hiện rõ nhất về cái danh dự, về liêm sỉ, về lòng tự trọng, đạo đức của một con người. Trong chế độ xã hội chủ nghĩa, những con em được vào lực lượng này được ưu đãi quá nhiều, từ đó họ giảm sút về mặt đạo đức.

Nhà nước này lại rất cần lực lượng đó. Họ là thanh kiếm và lá chắn, cho nên những sai phạm, khuyết điểm của họ dễ dàng được bỏ qua. Chính vì thế ngành công an càng ngày càng sa vào kém đạo đức.

Bây giờ ông Phạm Minh Chính kêu gọi như vậy là để an dân thôi chứ bản chất công an đã như vậy thì rất khó để sửa đổi họ thành một người liêm chính.

Bây giờ đại đa số dân Việt Nam ghét công an. Ghét nhất là cảnh sát giao thông. Ghét nhưng họ sợ. Ghét sợ chứ không phải nể sợ. Sợ vì họ có thể làm thiệt hại về kinh tế của mình, thiệt hại về thời gian, công việc của mình cứ không phải nể sợ.

Những năm qua, một số tướng lĩnh công an vào tù bị cho là làm mất hình ảnh, danh dự của lực lượng này. Cụ thể là trường hợp cựu tổng cục trưởng Tổng cục cảnh sát Phan Văn Vĩnh và cựu Cục trưởng Cục C50 Nguyễn Thanh Hóa, hiện đang phải thụ án tù về tội "Lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ" trong vụ án đánh bạc trực tuyến qua mạng với số tiền lên tới hàng nghìn tỷ đồng.

Ông Nguyễn Đức Chung, cựu Chủ tịch thành phố Hà Nội, hiện vẫn tiếp tục ra tòa vì những sai phạm lúc còn tại chức, cũng từng là Giám đốc Công an thành phố này.

Anh Đức, chủ cơ sở kinh doanh vận tải ở Thành phố Hồ Chí Minh, nhận định :

"Nhiệm kỳ vừa qua có bao nhiêu tướng lĩnh công an, quân đội vi phạm pháp luật mà nói theo cách của truyền thông quốc doanh là tự diễn biến, tự chuyển hóa, đạo đức xuống cấp trầm trọng. Lực lượng này họ có quyền hành trong tay. Họ nghĩ họ là người cai trị dân cho nên họ bất chấp. Luật pháp họ cũng chà đạp. Họ làm những điều mà họ cho là đúng nhưng thực sự nó mang tiếng trong dân. Nó ảnh hưởng đến suy nghĩ của người dân khiến dân cho rằng những người này lộng hành, lộng quyền không xem trọng danh dự cá nhân hay danh dự của lực lượng họ tí nào cả.

Rất nhiều các vấn đề xã hội mà công an tham gia vào không căn cứ theo luật pháp, không dựa trên tình người dù họ cũng từ dân mà ra. Họ làm nhiều cái làm cho dân mất niềm tin cho nên chuyện danh dự hay uy tín đối với họ có thể nói là họ không chú trọng. Họ xem thường và từ đó họ mất danh dự trong con mắt người dân".

Đây không phải lần đầu tiên Thủ tướng Việt Nam nhắc đến vấn đề danh dự của người công an.

Tại lễ kỷ niệm 75 năm Ngày truyền thống Công an Nhân dân do Bộ công an tổ chức hôm 16 tháng 8 năm 2020, Thủ tướng Việt Nam lúc đó là ông Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh, dù ở hoàn cảnh nào, người chiến sĩ công an luôn sẵn sàng nhận nhiệm vụ và luôn coi danh dự là điều thiêng liêng, cao quý nhất.

Trước đó, tại Hội nghị Công an toàn quốc lần thứ 73 diễn ra ngày 15 tháng 1 năm 2018, ông Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng cũng căn dặn : "Mong các đồng chí luôn luôn ghi nhớ, khắc sâu vào tâm trí mình và thực hiện cho bằng được chân lý ‘Danh dự là điều thiêng liêng, cao quý nhất’".

Những nhắc nhở mang tính lý thuyết như thế trong thực tế cho thấy không đủ sức vực dậy ngành công an cũng như nhiều ngành khác trong xã hội như giáo dục, y tế … Những vụ xử án cho thấy có những người từng lên tiếng giảng dạy ‘hãy trọng danh dự’ lại đang tâm làm những sai phạm mà người với nhận thức đơn giản nhất cũng không dám làm. Đơn cử chuyện một cựu bộ trưởng giáo dục bị tố dùng bằng giả … Riêng trong lực lượng công an, tình trạng đàn áp người vô tội, đổi trắng- thay đen, tham nhũng- hối lộ trở nên quá đỗi thường tình, không ai còn ‘xấu hổ’ khi thực hiện.

Nguồn : RFA, 27/12/2021

Quay lại trang chủ

Additional Info

  • Author: RFA tiếng Việt
Read 466 times

Viết bình luận

Phải xác tín nội dung bài viết đáp ứng tất cả những yêu cầu của thông tin được đánh dấu bằng ký hiệu (*)