Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Published in

Việt Nam

22/05/2017

Tin nội bộ đảng cộng sản : Hà Nội và Quốc hội

Tổng hợp

Nguyên phó chủ tịch UBND Thành phố Hà Nội bị khởi tố (RFA, 22/05/2017)

Bộ Công an đã ra quyết định khởi tố ông Phí Thái Bình, nguyên Phó chủ tịch UBND Thành phố Hà Nội, nguyên chủ tịch Hội đồng quản trị Tổng công ty Vinaconex để điều tra về hành vi "Vi phạm quy định về xây dựng gây hậu quả nghiêm trọng" xảy ra tại Tổng Cty CP Xuất nhập khẩu và xây dựng Việt Nam (Vinaconex).

dcs1

Ông Phí Thái Bình, nguyên Phó chủ tịch UBND Thành phố Hà Nội. Photo courtesy of vinaconex17

Báo trong nước ngày 22/5 đưa tin cho biết trong quá trình làm Chủ tịch Hội đồng quản trị của Vinaconex, ông Bình đã vi phạm các lỗi liên quan đến dự án nước sạch sông Đà.

Được biết trong khi sử dụng tuyến ống đưa nước của dự án này liên tục xảy ra sự cố và phải chi hàng chục tỷ đồng để sửa chữa, do đó phải ngừng cấp nước ảnh hưởng trực tiếp đến đời sống của hàng trăm ngàn hộ dân. ‘

Bộ xây dựng sau đó cho kiểm tra và phát hiện đường ống không đảm bảo chất lượng kéo dài 50 năm như yêu cầu của dự án.

Tin cho biết thêm vào 3/ 2016, Viện kiểm sát nhân dân tối cao đã truy tố 9 bị can liên quan đến dự án này. Tuy nhiên, đến ngày 31/5, Tòa án nhân dân thành phố Hà Nội đã trả hồ sơ vụ án để làm rõ trách nhiệm của các cá nhân nguyên là thành viên Hội đồng quản trị Vinaconex.

Viện kiểm sát nhân dân tối cao cũng vừa có chỉ đạo xem xét vụ việc "không khởi tố lãnh đạo Vinaconex" liên quan vụ án này.

******************

Cử tri nêu nhiều vấn đề yếu kém trong quản lý nhà nước (RFA, 22/05/2017)


Nhiều cử tri phàn nàn về việc xử lý chậm các án tham nhũng, ô nhiễm môi trường và chống lãng phí.

dcs2

Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân phát biểu khai mạc kỳ họp thứ 3 Quốc Hội khóa 14 hôm 22/5/2017 tại Hà Nội. AFP photo

Những ý kiến tổng hợp này được ông Nguyễn Thiện Nhân, Chủ tịch Ủy ban trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam đọc tại quốc hội vào ngày họp đầu tiên của quốc hôi, kỳ họp thứ 3, quốc hội khóa 14 diễn ra vào ngày hôm nay 22 tháng 5 ở Hà Nội.

Theo báo cáo của ông Nguyễn Thiện Nhân, ý kiến của nhiều cử tri cho rằng việc xử lý các vụ việc, vụ án tham nhũng gây hậu quả nghiêm trọng thời gian qua còn chậm, việc làm rõ trách nhiệm quản lý nhà nước của các ngành các cấp, nhất là đối với người đứng đầu trong công tác đầu tư một số dự án lớn để thua lỗ, làm thất thoát ngân sách nhà nước chưa được kịp thời.

Người đứng đầu Ủy ban trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam nhân dịp này cũng thay mặt cử tri đưa ra kiến nghị với quốc hội và chính phủ kiên quyết xử lý trách nhiệm về đảng và chính quyền đối với vi phạm đảng viên, cán bộ, công chức.

Cũng trong báo cáo của mình, ông Nguyễn Thiện Nhân đề cập đến bức xúc của nhiều cử tri về tình trạng khai thác cát trái phép được coi là nguyên nhân gây sạt ở nghiêm trọng dọc các bờ song, ven biển ở nhiều địa phương, đặc biệt là vùng miền Trung và Nam bộ.

Mặt trận Tổ quốc Việt Nam đã nhiều lần phản ánh với quốc hội về tình trạng khai thác cát trái phép trong các kỳ họp quốc hội khóa 13, 14 từ năm 2013 đến 2016. Mặt trận tổ quốc cũng có hai lần kiến nghị với chính phủ về tình trạng khai thác cát trái phép và phá rừng vào năm 2013 và 2014.

Mặt trận Tổ quốc đề nghị chính phủ tổ chức đợt thanh tra, kiểm tra công tác quản lý nhà nước về khai thác cát, về bảo vệ rừng trên phạm vi cả nước, kiên quyết xử lý các vi phạm và báo cáo kết quả tại kỳ họp tới.

Trong báo cáo đọc trước quốc hội, ông Nguyễn Thiện Nhân cho biết đã có gần 3.300 ý kiến, kiến nghị của cử tri và nhân dân cả nước gửi đến quốc hội, trong đó hơn 700 ý kiến, kiến nghị được phản ánh qua các đoàn đại biểu quốc hội và hơn 2.500 ý kiến được gửi qua hệ thống Mặt trận tổ quốc Việt Nam các cấp.

Cũng trong ngày họp đầu tiên của kỳ họp thứ 3, quốc hội khóa 14, Phó Thủ tướng thường trực Trương Hòa Bình cho biết thời gian qua chính phủ đã phát hiện 58 trường hợp bổ nhiệm người nhà ở 9 địa phương bao gồm : Hà Giang, Nghệ An, Thừa Thiên Huế, Đăc Lắk, Bình Định, Cần Thơ, Bà Rịa Vũng Tàu, Yên Bái và Đà Nẵng.

Những số liệu này được trích từ phần phụ lục trong báo cáo đánh giá bổ sung kết quả phát triển kinh tế - xã hội năm 2016 và tình hình triển khai nhiệm vụ những tháng đầu năm 2017.

Theo ông Trương Hòa Bình, những số liệu này là dẫn chứng cho nhận định ‘một số trường hợp bổ nhiệm cán bộ không đúng quy định, gây bức xúc dư luận’.

Theo báo cáo của chính phủ, ngoài 9 địa phương có tình trạng ‘bổ nhiệm người nhà’, còn có 10 trường hợp về tiêu chuẩn, điều kiện, trình trự, thủ tục bổ nhiệm. Chính phủ hiện đang làm rõ những khiếu nại về tình hình này ở Hải Dương và Hải Phòng.

Báo cáo nhìn nhận, năng lực, phẩm chất của một bộ phận cán bộ, công chức chưa đáp ứng yêu cầu. Ngoài ra việc thực hiện kỷ luạt, kỷ cương trong nhiều cơ quan, đơn vị và trong xã hội còn chưa tốt.

Liên quan đến cắt giảm biên chế, báo cáo cho biết tính đến ngày 1 tháng 4, tổng số đối tượng phải giảm biên chế là trên 22.700 người. Tuy nhiên chính phủ nhìn nhận con số này vẫn chưa đạt mục tiêu đề ra.

Liên quan đến tình hình kinh tế được báo cáo tại quốc hội, mức tăng trưởng GDP quý 1 vừa qua của Việt Nam đạt 5,1% được cho là thấp nhất so với những năm gần đây.

Ông Vũ Hồng Thanh, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội cho rằng để đạt được tốc độ tăng trưởng 6,7% cả năm thì tăng trưởng trung bình các quý còn lại phải trên 7%. Theo ông là điều khó đạt được. Ông Vũ Hồng Thanh cho rằng, khả năng GDP cả năm chỉ đạt khoảng 6,3 đến 6,5%.

Người đại diện Ủy ban kinh tế của Quốc hội cũng bày tỏ lo ngại về con số nhập siêu cao, chiếm đến 4,5% tổng số kim ngạch xuất khẩu và đã cao hơn chỉ tiêu quốc hội giao. Một số ý kiến tại quốc hội cũng bày tỏ lo ngại về tình hình lạm phát trong năm nay sẽ cao hơn chỉ tiêu đưa ra của quốc hội, thâm hụt ngân sách và nợ công ở mức cao sẽ tiếp tục gấy ức ép trả nợ và tạo rủi ro đối với phát triển bền vững của nền kinh tế.

Kỳ họp thứ 3 quốc hội khóa 14 diễn ra từ ngày 22 tháng 5 đến 21 tháng 6. Tại kỳ họp lần này, quốc hội sẽ xem xét thông qua 13 dự án luật, 5 dự thảo nghị quyết và cho ý kiến về 5 dự án luật khác.

********************

Quốc hội Việt Nam 'giám sát chưa thành công' (BBC, 22/05/2017)

BBC ghi nhận ý kiến bình luận của giới quan sát về kỳ họp thứ ba Quốc hội khóa 14 khai mạc tại Hà Nội trong lúc dự luật Biểu tình vốn được người dân trông chờ vẫn tiếp tục bị trì hoãn.

dcs3

Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân phát biểu khai mạc kỳ họp

Truyền thông Việt Nam ghi nhận, tại kỳ họp dự kiến kéo dài tới ngày 21/6, Quốc hội "tập trung xem xét, thông qua 13 dự án luật, 5 dự thảo nghị quyết".

Tuy vậy, trước đó, báo Thanh Niên dẫn lời Tổng thư ký Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc cho biết Dự luật Biểu tình vẫn tiếp tục bị trì hoãn do "chất lượng dự luật chưa đảm bảo".

Báo Điện tử Chính Phủ dẫn lời Phó Thủ tướng Trương Hòa Bình : "Chính phủ tập trung chỉ đạo các bộ, ngành, địa phương thực hiện quyết liệt các giải pháp thúc đẩy tăng trưởng cao hơn trong các quý còn lại, quyết tâm phấn đấu đạt chỉ tiêu tăng trưởng GDP cả năm 6,7% như Quốc hội đã đề ra".

'Tồn tại'

Hôm 22/5, trả lời BBC từ Thành phố Hồ Chí Minh, nhà báo Đặng Tâm Chánh, nói : "Tôi chưa nắm được chương trình nghị sự của kỳ họp Quốc hội lần này nhưng tôi biết việc trì hoãn Luật Biểu tình thì ngay cả một số đại biểu cũng không đồng ý".

"Và không chỉ Luật Biểu tình, ngay cả với các dự thảo luật về quyền con người khác thì cách chính quyền tiếp cận có thể nói là khá dè dặt".

"Dường như như không có cơ chế đủ hiệu năng để gây áp lực với Quốc hội về việc trình các dự luật đó".

"Họ nói có khó khăn thì mình nghe vậy và biết vậy thôi".

Cựu Tổng biên tập báo Sài Gòn Tiếp Thị nói thêm : "Trong một nhà nước đơn nhất, Quốc hội Việt Nam cố gắng trở thành cơ quan lập pháp".

"Nỗ lực đó cũng thành công trong quá trình đổi mới nhưng bây giờ thì đang có những tồn tại".

"Theo tôi, Quốc hội có giám sát nhưng hiệu lực và công cụ để giám sát có thể nói là chưa thành công".

Từ góc độ một nhà báo, ông Chánh cũng cho hay là "không thấy có rào cản nào trong việc báo chí đưa tin về hoạt động Quốc hội".

dcs4

Các cuộc biểu tình chống Trung Quốc hoặc Formosa thường bị chính quyền ngăn cản

Cùng ngày, trao đổi với BBC từ Hà Nội, luật gia Nguyễn Đình Hà nói : "Tôi nghĩ rằng kỳ họp này sẽ không đáp ứng được những điều người dân mong đợi".

"Thứ nhất, các luật liên quan đến quyền công dân như biểu tình, lập hội còn nợ người dân và luôn bị kiếm cớ để trì hoãn".

"Thứ hai, tình trạng tham nhũng, thất thoát vẫn không thuyên giảm, trong khi vai trò giám sát của Quốc hội, đại biểu Quốc hội quá kém cỏi".

"Thứ ba, các vấn đề liên quan đến Biển Đông, chúng tôi đợi mãi mà vẫn chưa thấy một nghị quyết của Quốc hội liên quan đến vấn đề này".

"Thứ tư, hàng loạt ý kiến của người dân liên quan đến chế độ sở hữu đất đai, cải cách thể chế kinh tế... trong nhiều năm qua bị chính quyền bỏ ngoài tai".

Cựu ứng viên tự đề cử đại biểu Quốc hội khóa 14 nói thêm : "Tôi đánh giá vai trò của Quốc hội Việt Nam không cao trong hệ thống chính trị độc đảng hiện tại".

"Dường như mọi chuyện không được quyết định theo ý chí của toàn thể Quốc hội và người dân, mà tất cả lại đi theo đường lối, nghị quyết của Đảng. Nếu có sự tranh luận thì cũng giống như tranh luận trong nội bộ Đảng mà thôi".

Trước kỳ họp, công luận xôn xao chuyện ông Đinh La Thăng thôi chức Bí thư Thành ủy Thành phố Hồ Chí Minh và Trưởng đoàn đại biểu quốc hội thành phố này và chuyển sinh hoạt đến đoàn đại biểu tỉnh Thanh Hóa.

Ngược lại, ông Nguyễn Thiện Nhân, được chỉ định làm Bí thư Thành ủy Thành phố Hồ Chí Minh và "sẽ được bầu làm Trưởng đoàn đại biểu quốc hội thành phố".

Ông Nhân, người hiện đang kiêm nhiệm cả chức Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc, được truyền thông trong nước dẫn lời, theo đó nói trước kỳ họp Quốc hội, đã có 3.288 ý kiến, kiến nghị của cử tri, nhân dân gửi về.

Trong số những vấn đề được nhiều cử tri quan tâm, theo ông Nhân, là chuyện chậm trễ trong phát hiện, xử lý tham nhũng ở các vụ án lớn, và thái độ "rất bất bình về tình trạng tụ tập đông người trái pháp luật, gây mất trật tự an toàn xã hội và việc một số cá nhân lợi dụng kích động, gây rối, chống đối chính quyền tại một số địa phương", báo Dân Trí viết.

Quay lại trang chủ
Read 608 times

Viết bình luận

Phải xác tín nội dung bài viết đáp ứng tất cả những yêu cầu của thông tin được đánh dấu bằng ký hiệu (*)