Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Published in

Việt Nam

20/01/2022

Trong tù, Phạm Đoan Trang được trao giải thưởng nhân quyền

RFI - RFA

Nhà báo Phạm Đoan Trang được trao giải thưởng nhân quyền "Martin Ennals"

Trọng Thành, RFI, 20/01/2022

Ngày 19/1/2022, tại Genève, Thụy Sĩ, ban tổ chức giải thưởng nhân quyền "Martin Ennals" đã xướng tên nhà báo Phạm Đoan Trang – nhà báo, nhà hoạt động xã hội người Việt Nam, vừa bị kết án 9 năm tù hồi tháng 12/2021.

trang1

Nhà báo Phạm Đoan Trang (giữa), một trong ba người được giải thưởng Nhân quyền Martin Ennals vinh danh năm 2022.  © Martin Ennals

Phạm Đoan Trang được vinh danh vì các nỗ lực từ hơn 10 năm nay trong việc bảo vệ quyền tự do ngôn luận, quyền tiếp cận thông tin của người dân. Ban tổ chức giải thưởng nhấn mạnh các sáng kiến của cô, bao gồm việc lập ra trang mạng thông tin nhân quyền và luật pháp Luật Khoa tạp chí, và Nhà xuất bản Tự Do.

Cô Đoan Trang bị bắt vào ngày 7/10/2020, bị giam giữ biệt lập suốt hơn một năm, sau đó bị kết án chín năm tù vì tội "Tuyên truyền chống Nhà nước cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam". Bản án này bị các tổ chức quốc tế và nhiều quốc gia lên án mạnh mẽ. Hiện tại, nhà báo Đoan Trang bị giam tại Hà Nội. Kể từ sau bản án cô tiếp tục không được phép gặp gia đình và không được điều trị y tế.

Giải thưởng Martin Ennals  được tổ chức hàng năm nhằm ghi nhận nỗ lực và vận động bảo vệ các nhà hoạt động nhân quyền trên thế giới. Giải thưởng được thành lập năm 1992, mang tên Martin Ennals, nhà hoạt động nhân quyền người Anh từng là tổng thư ký của Tổ chức Ân xá Quốc tế. Hội đồng chấm giải gồm đại diện của mười tổ chức nhân quyền nổi tiếng.

Trả lời RFI tiếng Việt, ông Phạm Chính Trực, người anh ruột của nhà báo Phạm Đoan Trang, từ Hà Nội, chia sẻ cảm nhận của ông sau khi biết được thông tin này.

"Đó là sự động viên cho Trang, cũng như cho cả gia đình của mình. Mình nghĩ rằng Trang chưa biết tin vui này đâu. Mình nghĩ đó cũng là động lực tinh thần khá tốt cho mẹ đẻ của Trang. Nhiều người cũng biết là mẹ mình đã ngoài 80 rồi. Suốt thời gian dài (từ khi Trang bị bắt), chỉ được gặp Trang trong phiên sơ thẩm, chỉ nhìn thấy con gái trong phiên tòa thôi.

Gia đình đến giờ phút này rất thương và luôn tự hào về Trang. Đó là thông điệp mà mình luôn muốn nhắn nhủ với Trang. Mình nghĩ là thông tin này hy vọng sẽ giúp thức tỉnh, giúp hiểu được phần nào về Đoan Trang. Chứ còn bây giờ trong các thông tin trên mạng xã hội chủ yếu vẫn là thông tin của các báo nhà nước thôi. Họ định hướng, rồi làm cho nhiễu loạn làm cho nhiều người, thậm chí cả những người ruột thịt của mình cũng không hiểu được những việc Trang làm.

Mình nghĩ giải thưởng này có thể cung cấp cho người ta một góc nhìn mới, và giúp người ta hiểu được rằng, à, những việc Trang làm không những trong nước mà bạn bè quốc tế, cộng đồng thế giới người ta cũng đánh giá rất cao, và đấy cũng là điều mà theo mình là cảnh tỉnh, để người ta có ý thức hơn, quan tâm hơn về chính trị. Ở góc độ đó, về mặt lâu dài, sẽ có tác dụng cho sự thay đổi về thể chế chính trị tại Việt Nam. Hy vọng là như vậy".

Trọng Thành

*********************

Việc nhà báo Phạm Đoan Trang nhận giải nhân quyền "như cái tát vào mặt chính quyền"

RFA, 20/01/2022

Nhà báo Phạm Đoan Trang, người bị Tòa án Hà Nội tuyên đến 9 năm tù giam, vừa được công bố hôm 19 tháng 1 là một trong ba khôi nguyên của giải Martin Ennals năm 2022, đây được ví như giải Nobel trong lĩnh vực nhân quyền.

trang2

Nhà báo Phạm Đoan Trang và bản báo cáo về vụ Đồng Tâm - FBNV/ RFA edited

Nhà báo nổi tiếng này là người Việt Nam đầu tiên trong số gần 30 nhà hoạt động nhân quyền được trao giải từ năm 1993 đến nay.

Các đề cử và khôi nguyên của giải Martin Ennals được một hội đồng tuyển chọn gồm 10 thành viên của các tổ chức nhân quyền phi chính phủ hàng đầu thế giới. Giải thưởng nhằm bảo vệ và ủng hộ các nhà bảo vệ nhân quyền đang gặp nguy khốn.

Trong bối cảnh người được trao giải năm nay là bà Phạm Đoan Trang đang bị cầm tù, người đại diện của bà là ông Trịnh Hữu Long, Tổng biên tập Luật Khoa Tạp chí, đã thay mặt tham dự lễ công bố giải thưởng.

Trao đổi với Đài Á Châu Tự do, ông Long cho biết ý nghĩa của việc giải thưởng được trao cho tù nhân lương tâm này :

"Cái giải thưởng này nó là một sự công nhận của không những các tổ chức nhân quyền quốc tế, mà còn của chính quyền thành phố Geneva (Thụy Sĩ) với những nỗ lực của Đoan Trang, và nó một lần nữa khẳng định những việc Đoan Trang làm là đúng.

Và chúng ta cũng cần bảo vệ nhũng người như Đoan Trang, hơn nữa là tiếp nối những công việc mà Đoan Trang đã từng làm. Và chúng ta cần phải có thêm nhiều Đoan Trang hơn nữa thì chúng ta mới có thể tạo ra những thay đổi tích cực trong cái tình hình nhân quyền của Việt Nam được".

trang3

Nhà báo Phạm Đoan Trang được giới thiệu là "Một nhà báo hàng đầu và nhà đấu tranh cho quyền tự do ngôn luận, bà ấy truyền cảm hứng cho những người khác lên tiếng". Ảnh chụp màn hình Youtube Martin Ennals Award

Còn nhà hoạt động Phạm Thanh Nghiên thì cho biết rằng, thực tế có rất nhiều người hoạt động ở Việt Nam cũng xứng đáng được vinh danh, dù họ làm việc công khai hay âm thầm, nhưng với việc nhà báo Phạm Đoan Trang được trao giải năm nay thì đó là chuyện đáng vui mừng, bà nói thêm :

"Phải thừa nhận rằng Phạm Đoan Trang là một gương mặt tiêu biểu trong vài năm trở lại đây và giải thưởng dành cho cô ấy rất là xứng đáng. Và tôi nghĩ rằng không riêng gì tôi vui mừng đâu, mà cả gia đình, bạn bè, những người ủng hộ, những người yêu mến Phạm Đoan Trang trong những năm qua đều rất lấy làm vinh dự, và thấy một phần có mình ở đó.

Và đối với những người hoạt động nhân quyền thì tôi nghĩ rằng không có lý gì để mà không vui mừng trước một cái tin đầu năm rất là đẹp đẽ thế này, bên cạnh những chuyện bắt bớ, những phiên tòa bất công vẫn xảy ra trong bối cảnh này".

Ông Phil Robertson, Phó giám đốc khu vực Châu Á của tổ chức Human Rights Watch đồng thời là một thành viên ban giám khảo của giải thưởng nhận xét cho rằng, Phạm Đoan Trang là một người truyền lửa cho rất nhiều nhà hoạt động và nhà báo ở Việt Nam, nơi mà tự do biểu đạt bị xem là mối đe dọa.

Bàn về ý nghĩa của việc một công dân Việt Nam bị nhà nước của mình tuyên án tù nặng nề, nhưng lại được quốc tế vinh danh, bà Nghiên nói :

"Về phía nhà cầm quyền thì mỗi lần có một cái giải thưởng về những nỗ lực vận động cho nhân quyền, cho những quyền tự do dân chủ, thì đối với nhà cầm quyền người ta vẫn nói là như một cái tát đập vào mặt. Tôi nghĩ rằng một cái giải thưởng như thế này thì càng làm cho nhà cầm quyền bẽ mặt thôi".

Nhà hoạt động này cũng cho rằng có thể chính quyền Việt Nam sẽ phản ứng trước thông tin này theo hai khuynh hướng, hoặc sẽ tỏ ra dè dặt hơn trong việc đối xử với bà Trang trong trại giam, hoặc sẽ trở nên hung hăng hơn.

Bà Nghiên cũng lấy ví dụ về cách mà chính quyền Trung Quốc đối xử với ông Lưu Hiểu Ba, người được tặng giải Nobel Hòa Bình năm 2010, nhưng đã bị giam cầm trong tù cho đến chết. Nhưng bà cũng hy vọng rằng chính quyền Việt Nam sẽ không hành xử tương tự như cách chính quyền Trung Quốc đã làm.

Giải Martin Ennals là phần thưởng quốc tế mới nhất dành cho bà Phạm Đoan Trang. Mỗi người được giải này sẽ được tặng tiền thưởng từ 20.000-30.000 franc Thụy Sĩ, khoảng từ 500 triệu đến 800 triệu đồng Việt Nam.

Hồi năm 2017, bà được trao giải Homo Homini của tổ chức People In Need. Năm 2018, bà nhận được giải của Mạng Lưới Nhân quyền Việt Nam. Năm 2019, bà được giải hạng mục Tầm Ảnh hưởng’ của tổ chức Phóng viên Không Biên giới.

Nhà báo Phạm Đoan Trang bị bắt vào tháng 10 năm 2020, bà bị giam giữ đến tháng 12 năm 2021 mới được đưa ra xét xử.

Trong phiên tòa sơ thẩm diễn ra vào ngày 14 tháng 12, bà bị buộc tội "tuyên truyền chống nhà nước" theo điều 88 của Bộ luật Hình sự năm 1999, và bị kết án chín năm tù.

Nguồn : RFA, 20/01/2022

Quay lại trang chủ

Additional Info

  • Author: Trọng Thành, RFA tiếng Việt
Read 433 times

Viết bình luận

Phải xác tín nội dung bài viết đáp ứng tất cả những yêu cầu của thông tin được đánh dấu bằng ký hiệu (*)