Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Published in

Việt Nam

20/01/2022

Việt Nam : trục lợi chuyến bay, chỉ thị chồng chéo, công trình vô bổ

BBC - RFA

'Trục lợi chuyến bay giải cứu sẽ bị trừng trị’

BBC, 20/01/2022

Chính phủ Việt Nam lên án hành vi trục lợi thay đổi tính chất nhân đạo của các chuyến bay giải cứu.

vn1

Thông điệp được người Phát ngôn Bộ Ngoại giao đưa ra vào ngày 20/1 trong cuộc họp báo đầu năm 2022.

Bà Lê Thị Thu Hằng phản hồi lại câu hỏi của phóng viên báo Dân Việt về thực trạng người Việt về nước theo các "chuyến bay giải cứu" phải trả số tiền lớn, thủ tục khó khăn được truyền thông đưa tin và những đề xuất thanh tra điều tra có hay không sự trục lợi từ các chuyến bay giải cứu.

"Chủ trương đưa công dân Việt Nam ở nước ngoài có nhu cầu và hoàn cảnh khó khăn về nước là chủ trương đúng đắn và nhân đạo của Đảng và Chính phủ Việt Nam.

"Điều này cần đặt trong bối cảnh trong nước có những thời điểm hết sức khó khăn do diễn biến phức tạp của dịch bệnh.

"Trong quá trình triển khai đưa công dân về nước, Bộ Ngoại giao và các cơ quan đại diện luôn phối hợp chặt chẽ với các cơ quan liên quan tạo điều kiện thuận lợi nhất cho công dân có nhu cầu về nước, đăng tải công khai minh bạch thông tin về các điều kiện hồ sơ, thủ tục đăng ký trên website chính thức và mạng xã hội.

"Để tránh công dân bị lừa đảo, bị lợi dụng chiếm đoạt tài sản, Bộ Ngoại giao đã khuyến cáo công dân không liên hệ với những cá nhân, tổ chức, các trang thông tin không rõ danh tính, không chính thống, không làm việc qua bất cứ hình thức môi giới trung gian nào.

"Quan điểm của chúng tôi rất rõ ràng : Những hành vi trục lợi tiêu cực, thay đổi tính chất nhân đạo của các chuyến bay giải cứu cần bị lên án trừng trị nghiêm khắc theo quy định của pháp luật", Người Phát ngôn Bộ Ngoại giao nói.

Bài của báo Dân Việt mô tả "trong suốt gần hai năm qua, thực hiện chỉ đạo trực tiếp của Chính phủ, các bộ ngành địa phương của Việt Nam đã phối hợp, hỗ trợ các hãng hàng không trong và ngoài nước thực hiện hơn 800 chuyến bay đưa 200 nghìn công dân từ hơn 60 quốc gia và vùng lãnh thổ về nước an toàn".

Hiện chưa rõ toàn bộ 800 chuyến bay mà bài báo này nói tới là "chuyến bay giải cứu" hay không.

vn2

Bữa ăn trên máy bay của khách trả vé "combo" 55 triệu VND một chiều từ London về Vân Đồn.

Các "chuyến bay giải cứu" theo cách diễn giải của nhà chức trách Việt Nam bấy lâu nay được hiểu là dành cho hành khách có hoàn cảnh đặc biệt theo thứ tự ưu tiên như "Lao động hết hạn hợp đồng, mất việc, không còn thu nhập mà nước sở tại không có điều kiện hỗ trợ ; Học sinh dưới 18 tuổi ; Sinh viên đã hoàn thành khóa học gặp khó khăn về nơi ở/gia hạn lưu trú ; Doanh nhân, trí thức, công dân xuất cảnh ngắn hạn bị "mắc kẹt" vì Covid-19, gặp khó khăn do không có nơi ở, không còn khả năng tài chính ; Người trên 60 tuổi mắc bệnh lý nền ; Khách du lịch, thăm thân nhân, công tác, khám chữa bệnh, hết hạn visa và bị mắc kẹt".

Thông thường đại sứ quán Việt Nam ở nước sở tại chịu trách nhiệm trình dach sách này với Bộ Ngoại giao Việt Nam, cơ quan chịu trách nhiệm làm việc với các bộ ngành liên quan khác như Bộ Y tế, Bộ Công an, Bộ Giao thông Vận tải, Ban Chỉ đạo phòng chống Covid 19… để duyệt danh sách trước khi khách có thể mua vé và giá vé các chuyến bay giải cứu cũng rất đắt.

Từ nhiều tháng qua truyền thông tại Việt Nam đã đưa tin ít về các "chuyến bay giải cứu" và gọi các chuyến đang khai thác là "các chuyến bay hồi hương", "thương mại", hay "combo" với nhu cầu người Việt sống tại nước ngoài về nước vẫn nhiều.

Vào tháng 12/2021 Chính phủ Việt Nam nói mở lại "đường bay quốc tế" với một số thị trường (đa số tại Châu Á) nhưng nhiều tuần sau đó không có kế hoạch cụ thể và hành khách có nhu cầu về nước vẫn phải tìm cách mua vé trọn gói theo dạng "combo".

Các chuyến combo bao gồm phí khách sạn, ăn uống xét nghiệm, chuyên chở khách ở trong nước lên tới hàng chục triệu mỗi vé và là vé một chiều.

Mặc dù các văn bản nói về việc người nhập cảnh có xét nghiệm âm tính chỉ cần ở nhà tự theo dõi 3 ngày nhưng đa số hành khách các chuyến bay theo dạng "combo" vẫn phải cách ly tại khách sạn trong ba ngày đầu.

Như BBC tiếng Việt tìm hiểu, việc Campuchia quy định từ sau 15/11 đón khách du lịch đã tiêm đủ hai liều vaccine mà không phải cách ly 14 ngày mở ra cơ hội cho nhiều người muốn về nước nhưng không muốn trả "giá trên trời" bởi nếu cộng cả chi phí cách ly khách sạn khi vào Việt Nam bằng đường bộ và giá vé bay từ nước thứ ba tới Campuchia thì với nhiều người, vẫn hợp lý hơn giá vé của các chuyến bay "combo" chào bán.

Từ ngày 1/1/2022, các hãng hàng không Việt Nam bắt đầu bay quốc tế thường lệ nhưng vé máy bay vẫn gấp 2-3 lần trước dịch.

Phó cục trưởng Cục Hàng không Việt Nam, ông Võ Huy Cường hồi cuối tháng 11/2021 nói "việc tìm mua vé máy bay phù hợp để trở về quê nhà đón Tết là mối quan tâm của nhiều kiều bào".

Truyền thông Việt Nam đưa tin nhà chức trách đang làm việc với một số thị trường có nhiều nhu cầu khách bay về nước để tăng chuyến, đặc biệt nhằm đáp ứng nhu cầu về ăn Tết tại quê nhà.

Trong khi một số đại sứ quán Việt Nam đưa thông tin về các chuyến bay trọn gói "combo" trên trang web của mình thì họ nói không chịu trách nhiệm về các chuyến bay này.

Nguồn : BBC, 20/01/2022

************************

Chỉ thị chống dịch chồng chéo : dân phải tự lo phòng thân !

RFA, 20/01/2022

Hôm 19 tháng 1, Thủ tướng Chính phủ ra công điện yêu cầu các địa phương không đặt ra những biện pháp phòng, chống dịch Covid-19 trái với quy định của Chính phủ và Bộ Y tế, gây khó khăn cho người dân về quê ăn Tết. Thủ tướng nhấn mạnh, các biện pháp phòng chống dịch dứt khoát phải được thực hiện thống nhất trên toàn quốc nhưng linh hoạt trong phạm vi nhất định, các địa phương nếu áp dụng các biện pháp khác hoặc cao hơn quy định chung thì phải báo cáo.

vn3

Một sư cô mang khẩu trang phòng tránh Covid-19 ở Thành phố Hồ Chí Minh ngày 18 tháng 4 năm 2020. Reuters

Theo truyền thông Nhà nước, tuy Chính phủ, Bộ Y tế đã có hướng dẫn các quy định thích ứng an toàn và yêu cầu "địa phương không chống dịch cao hơn quy định", nhưng mỗi tỉnh thành đang đề ra biện pháp cách ly, xét nghiệm khác nhau với người về quê ăn Tết. Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ cũng cho rằng việc ứng xử của các tỉnh đối với người dân về quê ăn Tết đang là vấn đề cần được quan tâm giải quyết.

Anh Nhân, chủ một cửa hàng buôn bán hàng nội thất cho RFA hay :

"Không phải địa phương nào cũng bị tình trạng đó. Em có anh thợ mộc phải thu xếp về quê trước một tuần để kịp Tết vì còn cách ly. Về sát ngày quá là không kịp Tết. Cách làm của họ làm cản trở người đi từ xa về, đặc biệt là công nhân, bởi họ làm cho các công ty thì các công ty đâu cho nghỉ sớm. Hiện một số các công ty ở Sài Gòn nương theo những quy định đó mà khuyên công nhân nên ở lại thành phố. Cả chính quyền thành phố cũng khuyên người dân nên ở lại ăn Tết chứ không nên về quê. Nhưng cái Tết cổ truyền thì ai đi xa làm việc cũng mong cuối năm về nhà ăn sum họp với gia đình.

Chủ trương của Chính phủ là bình thường trong điều kiện mới là địa phương cản trở họ bằng những điều như cách ly thì không đúng".

Anh Nhân phân tích thêm, ở Việt Nam, địa phương nào để dịch lây lan thì chủ tịch tỉnh chịu trách nhiệm nên họ đẩy trách nhiệm xuống chủ tịch huyện, huyện đẩy xuống chủ tịch xã. Mấy anh ở xã lại là mấy anh kém về nhận thức và kém về hiểu biết cho nên để an toàn cho cái ghế của mình, họ đặt ra những quy định ‘không giống ai’ làm khổ dân.

Trong đợt dịch Covid-19 năm ngoái, rất nhiều quy định được chính quyền cấp dưới ban hành không theo chỉ đạo của cấp trên được người dân gọi là ‘phép vua thua lệ làng’. Tại cuộc họp trực tuyến toàn quốc về kết quả phòng, chống dịch hôm 17 tháng 10 năm 2021, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính nhấn mạnh việc thực hiện "Nghị quyết 128 – Hướng đến bình thường mới" phải nhất quán, thông suốt từ trung ương xuống địa phương ; cấp dưới phải phục tùng cấp trên.

Ông H. một người am hiểu tình hình nội bộ Đảng cộng sản Việt Nam ở Hà Nội sau đó nói với RFA rằng :

"Sở dĩ có chuyện ‘trên bảo dưới không nghe’ là vì cấp dưới chỉ lo giữ ghế. Họ không làm vì trách nhiệm vừa chống dịch vừa không ngăn sống cấm chợ, bất lợi cho dân hay ảnh hưởng đến kinh tế trong dài hạn. Do đó, chuyện cấp dưới bất tuân cấp trên là chuyện có thật. Còn trách nhiệm của ai thì phải mổ xẻ vấn đề mới nói được".

vn4

Bên ngoài một bệnh viện dã chiến 500 giường dành cho bệnh nhân Covid-19 ở Hà Nội vào ngày 30 tháng 8 năm 2021. AFP

Để ứng phó với tình trạng ‘mỗi nơi làm một kiểu’, ‘phép vua thua lệ làng’, người dân thấp cổ bé miệng chỉ biết tự lo cho mình để có thể sum họp với gia đình ngày Tết.

Cô Tuyết, công nhân tạm trú ở quận Bình Thạnh kể với RFA sáng 20 tháng 1 :

"Ông Thủ tướng yêu cầu không làm khó dân khi về quê ăn tết nhưng thực tế mỗi nơi một kiểu. Mấy ông ở địa phương đâu có nghe. Họ coi thường lời ông Thủ tướng nói. Mấy ổng làm khó dân để kiếm tiền hoặc ở bên trong nội bộ họ có gì đó mà họ không tin ông thủ tướng nữa. Mỗi nơi chống dịch một kiểu nên người lao động tụi tui phải xin về quê sớm hơn mọi năm để trừ hao cách ly. Mấy ổng chống dịch theo chỉ thị từ hồi đó tới giờ mà, có theo khoa học đâu. Ai mà dám tin, mình lo thân mình thôi.

Như cái vụ bắt dân xét nghiệm mỗi tuần mấy lần, giờ lòi ra cái vụ Việt Á mấy ổng bán kit test luôn. Bởi vậy cấp dưới không nghe cấp trên, dân tụi tui không nghe lời mấy ổng luôn vì mấy ổng nói một đường làm một nẻo".

Trong đợt dịch thứ tư bùng phát vào tháng 4 năm 2021, Chính phủ bị chỉ trích là chống dịch theo chỉ thị chứ không theo khoa học. Điều này dường như được lập lại khi lãnh đạo một số thôn, xã mặc sức ra những quy định vượt rào so với chỉ đạo của chính quyền cấp trên.

Báo Nhà nước đưa tin trường hợp gia đình anh Bình ở tỉnh Thái Bình bị trưởng thôn khóa trái cửa nhốt trong nhà bảy ngày, từ ngày 9 tháng 1 đến ngày 16 tháng 1 do có người trong gia đình đến từ vùng đỏ. Chủ tịch xã sau đó cho biết việc khóa cửa nhà dân là sai quy định, xã không chỉ đạo thôn làm việc này. Còn ở Thanh Hóa, gần 30 hộ dân ở xã Thiệu Phú được chính quyền địa phương vận động đã đồng ý cho chính quyền địa phương khoá cổng nhà để phòng dịch Covid-19 do gia đình có người từ tỉnh ngoài trở về.

Cách chống dịch của chính quyền lâu nay bị cho là cứng nhắc, không theo khoa học mà chỉ theo chỉ thị dẫn đến số người tử vong đến nay là hơn 36.000. Bác sĩ Võ Xuân Sơn từng bày tỏ với RFA :

"Có một sai lầm mà theo tôi là lớn nhất trong tất cả các sai lầm gây ra số tử vong cao là do chính sách vĩ mô. Họ hoạch định chính sách không đúng. Những người trong ban chỉ đạo phòng, chống dịch từ trên xuống dưới không đánh giá đúng vai trò của ngành y trong việc chống dịch".

Bác sĩ Đinh Đức Long thì khẳng định, chính quyền đã đi sai hướng nên dịch bệnh bùng phát :

"Các nước chống dịch phải dựa vào các chuyên gia dịch tễ học lâm sàng, tức là các nhà y học chuyên ngành về lâm sàng. Đằng này, Việt Nam, cụ thể là thành phố Hồ Chí Minh lại chống dịch dựa vào các nhà chuyên gia về hành chính công. Mà nói về luật hành chính, quan hệ hành chính là quan hệ phục tùng. Nghĩa là cấp dưới phục tùng cấp trên.

Như vậy tư duy chống dịch của họ sai khi chống dịch bằng quan hệ hành chính. Tư duy đó là tư duy trấn áp, mệnh lệnh. Không thể ra lệnh cho con vi-rút không được phát triển. Theo tôi, cách chống dịch hiện nay là ‘chống dịch theo định hướng xã hội chủ nghĩa’".

Có lẽ rút kinh nghiệm từ đợt dịch thứ tư với hậu quả quá nặng nề, mới đây, phát biểu kết luận hội nghị triển khai công tác y tế năm 2022, Thủ tướng Phạm Minh Chính yêu cầu nghiên cứu việc tiêm vắc xin mũi thứ tư phòng Covid-19 cho người dân, đồng thời tham khảo kinh nghiệm quốc tế về tiêm cho trẻ em từ 5 tuổi với quyết tâm mở cửa trường học an toàn trong thời gian sớm nhất.

Nguồn : RFA, 20/01/2022

**************************

Vẽ ra những công trình vô bổ để tham nhũng !

RFA, 18/01/2022

Cục Quản lý đường bộ 3 thuộc Tổng cục Đường bộ Việt Nam đang hoàn thiện thủ tục cưỡng chế tháo dỡ năm công trình cổng chào tại thành phố Kon Tum trị giá tám tỷ đồng. Nguyên nhân được cho biết là những cổng chào này được UBND Thành phố ̉Kon Tum xây dựng dù chưa được Tổng cục Đường bộ chấp thuận vì lý do mất an toàn giao thông.

vn5

Đoạn đường khoảng 200m nhưng có 3 cổng chào ở Thành phố Dĩ An, tỉnh Bình Dương. Một cổng đổ sập. Ảnh chụp tháng 6/2020 - Photo : congan.com

Tại buổi họp báo hôm 14 tháng 1 năm 2022, ông Nguyễn Thanh Mân, Chủ tịch UBND Thành phố ̉Kon Tum lý giải rằng, những công trình này được khởi công vì mục đích lên đô thị loại II. Việc xin giấy phép xây dựng cổng chào rất phức tạp, trong khi tỉnh yêu cầu hoàn thành các cổng chào trước năm 2021 nên thành phố triển khai cho kịp tiến độ. 

Dư luận cho rằng, đây lại là một hình thức tham nhũng vì ‘có xây mới có ăn’ của các cấp lãnh đạo có thẩm

Anh Quang, một kỹ sư xây dựng khu vực miền Trung nêu quan điểm của ông về vấn đề tham nhũng trong lĩnh vực xây dựng :

"Tham nhũng không những không bớt mà còn diễn ra một cách tinh vi hơn trước, nhất là trong lĩnh vực xây dựng. Tinh vi hơn là bởi người ta đã thấy được những lỗ hổng trong cơ chế, trong luật pháp đối với lĩnh vực xây dựng. Trong luật xây dựng người ta cũng đã điều chỉnh, bổ sung một số điều luật nhằm hạn chế mức thấp nhất tình trạng tham nhũng trong xây dựng. Tuy nhiên, khi người ta càng đưa ra những cơ chế, chính sách, điều luật trong luật xây dựng và một số nghị định liên quan, ví dụ như Quy chế quản lý đầu tư xây dựng hay Quy hoạch xây dựng… thì thành phần tham nhũng đã có cách đối phó trong đó".

Theo anh Quang, rất nhiều loại cổng chào quy mô khác nhau, từ cấp tỉnh, cấp huyện, cấp xã. Ai cũng làm cổng chào. Nó không có ý nghĩa gì ngoài tư tưởng cát cứ, tư tưởng tiểu nông cho nên lãng phí rất lớn. Đặc biệt là lãng phí ngân sách bởi vì không ai bỏ tiền túi ra xây cổng chào hết. Anh giải thích thêm về hai loại tham nhũng trong lĩnh vực xây dựng :

"Cổng chào và tượng đài là những dự án được đẻ ra và gây thất thoát nhiều nhất trong lĩnh vực đầu tư xây dựng cơ bản. Mà trong lĩnh vực này thì thất thoát trong chi phí đầu tư ít nhất là 20% đến 30%, từ đó chi phí tăng lên. Đó là thất thoát trực tiếp. Còn thất thoát gián tiếp là từ chính sách. Nơi làm ra chính sách, cụ thể là Bộ xây dựng có những sân sau, muốn có lợi thì phải đưa ra những chính sách có lợi cho sân sau, tức có lợi cho cá nhân họ".

Câu chuyện xây cổng chào không phải mới xuất hiện ở Việt Nam mà từ năm 2010, chính quyền tỉnh Bình Dương đã tổ chức khánh thành cổng chào trị giá 40 tỷ đồng. Đến năm 2012, chính quyền tỉnh Bình Dương tổ chức tháo dỡ một phần công trình trong cổng chào để thay bằng một quả cầu, trị giá một tỷ đồng. Còn tại thành phố Hải Phòng, sau khi tốn 24 tỷ đồng để dựng một cổng chào nghệ thuật hồi 2015, năm 2017 đã phải dỡ bỏ do hư hỏng nặng.

Mới năm ngoái, cổng chào sáu tỷ ở huyện Kim Sơn, tỉnh Ninh Bình cũng rơi vào tình trạng có thể bị tháo dỡ bất kỳ lúc nào do cổng được xây dựng trên tuyến đường giao thương chính của các tỉnh đồng bằng ven biển nên thiếu tính bền vững.

Nói tới tham nhũng, Luật gia H.L. ở Hà Nội nhận định rằng, tham nhũng ở Việt Nam ngày càng tinh vi và dính tới cấp lãnh đạo cao nhất. Đó là điều chưa từng được phát hiện. Ông nói :

"Nói về tham nhũng ở Việt Nam thì người phát động chiến dịch đốt lò là ông Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng đã dính vào tham nhũng trong vụ Việt Á, dù vô tình hay cố ý. Đây là điều chưa từng có trong lịch sử chống tham nhũng ở Việt Nam và được đánh giá là sự lũng đoạn Nhà nước. Đây cũng là chứng cứ cho thấy tham nhũng ở Việt Nam là cả một hệ thống, bởi khi ông Trọng lúc đó là Chủ tịch nước đặt bút ký huân chương lao động hạng ba cho Việt Á, tức là đã có các cơ quan hàng ngang hàng dọc bên dưới thẩm định hết rồi. Đầu tiên là Thành phố Hồ Chí Minh đề xuất rồi qua Ban thi đua - khen thưởng ; qua Chính phủ ; qua Bộ nội vụ rồi mới qua Văn phòng chủ tịch nước để ký.

Vụ Việt Á là vụ tham nhũng chính sách điển hình. Nếu không có ‘bàn tay vô hình’ điều khiển thì không thể nào sản phẩm của Việt Á được tiêu thụ đồng loạt trên 62 tỉnh, thành của cả nước như thế cả. Không thằng bán hàng nào giỏi bằng Chính phủ trong vụ này".

Cuối năm 2021, Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an đã khởi tố vụ án hình sự vi phạm quy định về đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng tại Công ty CP Công nghệ Việt Á. Tháng 3 năm 2021, Công ty Việt Á đã được trao tặng Huân chương Lao động hạng 3 do chính Chủ tịch nước lúc đó là ông Nguyễn Phú Trọng ký. Lãnh đạo Ban Thi đua khen thưởng Trung ương cho báo chí biết, việc trình tặng khen thưởng cho Công ty Việt Á dựa trên đề xuất của UBND Thành phố Hồ Chí Minh.

Một số chuyên gia cho rằng, tham nhũng xảy ra khắp nơi và không thể ngăn chặn cho dù ông Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng phát động chiến dịch ‘đốt lò’ vào năm 2016, khi ông Trọng tái đắc cử chức Tổng bí thư tại Đại hội đảng lần thứ 12.

Một năm sau, khi chủ trì phiên họp thứ 12 của Ban chỉ đạo Trung ương về phòng chống tham nhũng, ông Trọng nhắc lại : "Cái lò đã nóng lên rồi thì củi tươi vào đây cũng phải cháy. Củi khô, củi vừa vừa cháy trước, rồi cả lò nóng lên, tất cả các cơ quan vào cuộc, có ai đứng ngoài đâu. Và không thể đứng ngoài được. Cá nhân nào muốn không làm cũng không thể được, thế mới là thành công".

Luật gia HL. nhận định với RFA :

"Không thể chống tham nhũng được nếu không có tư pháp độc lập. Hiện nay, cả chánh án và viện trưởng Viện kiểm sát Nhân dân tối cao đều là đảng viên thì rõ ràng Đảng ngồi trên pháp luật. Ca nào Đảng cho xử thì xử, không thì thôi. Cơ chế này không thể chống được tham nhũng. Đó là điều rõ ràng. Khi cương lĩnh của Đảng đặt trên Hiến pháp thì chống tham nhũng chỉ nhằm bảo vệ lợi ích của đảng chứ không vì lợi ích của dân".

Tại buổi nói chuyện trước cử tri hai quận Tây Hồ và Hoàn Kiếm hôm 28 tháng 9 năm 2013, Tổng bí thư Nguyễn Phú trọng tuyên bố : "Hiến pháp là văn kiện chính trị pháp lý quan trọng vào bậc nhất sau Cương lĩnh của đảng".

Trong khi đó, Điều 119 khoản 1 Hiến pháp 2013 quy định : "Hiến pháp là luật cơ bản của nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam, có hiệu lực pháp lý cao nhất. Mọi văn bản pháp luật khác phải phù hợp với Hiến pháp. Mọi hành vi vi phạm Hiến pháp đều bị xử lý".

Một số người dân cho rằng, Đảng cầm quyền với nhận thức như vậy thì đất nước Việt Nam mãi mãi là đất nước ‘vô pháp luật’.

Nguồn : RFA, 18/01/2022

Quay lại trang chủ

Additional Info

  • Author: BBC tiếng Việt, RFA tiếng Việt
Read 347 times

Viết bình luận

Phải xác tín nội dung bài viết đáp ứng tất cả những yêu cầu của thông tin được đánh dấu bằng ký hiệu (*)