Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Published in

Việt Nam

07/02/2022

Công an và côn đồ chỉ lộng hành với dân

RFA tiếng Việt

Đụng đến công an thì dân luôn sai

RFA, 07/02/2022

Mấy hôm nay, trên các trang mạng xã hội lan truyền một video clip cho thấy một người công an mặc sắc phục ‘đôi co’ với người dân hôm mùng một Tết dẫn đến xung đột và kết quả là người dân bị công an bắt đi. Đến mùng năm Tết, báo chí Nhà nước loan tin người dân đó tên Liêu Phát Hùng bị khởi tối về hành vi "Chống người thi hành công vụ" và người công an tên Trần Văn Phồn, cán bộ Công an phường Cầu Ông Lãnh, lúc đó đang đi tuần tra địa bàn. Trên mạng xã hội cũng đồng thời xuất hiện hình ảnh viên công an đang ngồi ăn, uống tại quán.

condo1

Hình ảnh được cho là viên công an tên Phồn đang ngồi ăn uống tại quán - Photo : facebook Pham Minh Vu

RFA gọi điện thoại về Công an phường Cầu Ông Lãnh thì được biết số máy này bị chặn theo yêu cầu chủ máy :

"Viễn thông Thành phố Hồ Chí Minh xin kính chào quý khách. Số điện thoại quý khách sử dụng hiện đang tạm khóa theo yêu cầu của chủ máy".

Ngay khi video clip được lan truyền trên mạng xã hội, rất nhiều người dự đoán anh thanh niên sẽ bị bắt, thậm chí bị tù vì tội ‘dám phản ứng lại công an’. Anh Phạm Minh Vũ, một Facebooker chia sẻ cảm nghĩ của mình với RFA vào sáng ngày 7 tháng 2 :

"Ngay từ mùng một Tết đã có nhiều người dự đoán là hai mẹ con trong clip sẽ bị khởi tố. Đúng y chang vậy. Năm ngày sau họ khởi tố. Đảng đang duy trì một lực lượng công an bao che cho cấp dưới để công an lộng hành trên toàn lãnh thổ Việt Nam.

Theo quan điểm của tôi, khi theo dõi sự việc trên clip đó thì rõ ràng anh công an đó có những phát ngôn và hành động không đúng chuẩn mực, nhưng công an quận 1 lại bao che gây bức xúc trong nhân dân.

Chưa nói đến chuyện anh công an đó đúng hay sai nhưng rõ ràng công an quận 1 dựng lên cậu chuyện anh này đi tuần tra mà rõ ràng anh công an tên Phồn này uống bia tại quán trước đó.

Đó là sự bất bình đẳng tồn tại trên đất nước Việt Nam này. Họ luôn tô vẽ hình ảnh công an trong sạch, vững mạnh. Cho dù sai cũng không chấp nhận thua. Họ quyết ăn thua đủ với nhân dân. Đấy là mị dân".

Anh Hoàng, một người dân Hà Nội nhận định :

"Tôi thấy từ trước đến nay, tất cả những vụ có dính đến công an là họ bao biện hết. Công an có sai lè ra họ vẫn bênh vực nhau, không bao giờ nhận sai. Nếu thấy lố quá thì họ lái qua một chiều hướng khác chứ không bao giờ nhận lỗi. Đặc biệt như thế. Tôi thấy nó bất công !"

Chuyện công an bị tố đánh dân tới chết rồi vu cho họ tự tử hay vì lý do sức khỏe từng xảy ra nhiều lần ở Việt Nam. Mới cuối năm 2021, một người đàn ông lớn tuổi ở ấp Mỹ An, xã Nhơn Mỹ, huyện Chợ Mới, tỉnh An Giang tử vong sau khi bị đưa về đồn công an. Phía chính quyền cho biết người này chết do bị đột quỵ, nhưng gia đình khẳng định là do bị đánh. 

Trước đó, tháng 9 năm 2021, một người dân ở thôn 3, xã Hà Lâm, huyện Đạ Huoai, tỉnh Lâm Đồng bị công an xã đánh đến chết, theo cáo buộc của người thân và những người dân chứng kiến sự việc. Tuy nhiên, truyền thông Nhà nước chỉ cho biết người này chết sau khi được mời lên làm việc tại đồn công an xã.

Còn chuyện công an đánh dân rồi ngụy biện là ‘gạt tay trúng má’ đã từng xảy ra từ năm 2016. Gần đây hơn là cuối tháng 11 năm 2021, một người mẹ đăng tải lên mạng xã hội đoạn video, trong đó bà tố cáo công an phường Xuân An, thành phố Long Khánh, tỉnh Đồng Nai đánh đập con gái bà dã man sau khi trình báo tội phạm.

Hầu hết trong các trường hợp, lỗi đều thuộc về người dân. Đó cũng là nhận định của anh Thiện, một người dân ở Thành phố Hồ Chí Minh, sau khi xem clip liên quan vụ anh Liêu Phát Hùng :

"Tôi thấy trong clip, người công an đó đã say và mất kiểm soát rồi. Điều đầu tiên tôi nhận thấy là người công an mặc sắc phục mà nhậu say sưa như thế là sai theo điều lệ công an. Sau đó lại gây chuyện với người dân, áp đảo người dân kiểu như ‘tao là công an, mày làm gì được tao’. Khi anh công an xáp tới đẩy anh kia thì anh kia phòng vệ.

Qua việc đó tôi thấy, nếu ở một đất nước pháp trị thì người sai đầu tiên là anh công an. Còn đây, họ bao che và xảo biện là anh công an này đang đi làm nhiệm vụ. Công an vi phạm hay thậm chí đánh người thì vẫn được bao che kiểu như ‘gạt tay trúng má’, ‘giơ chân hơi cao’…không biết bao nhiêu vụ rồi. Không vụ nào giống vụ nào nhưng có một điểm chung là người dân luôn chịu thiệt thòi về mặt công lý.

Công an là lá chắn và thanh kiếm để bảo vệ chế độ nên ngành công an luôn được ưu tiên về mọi mặt. Cứ đụng tới công an là dân luôn sai. Người dân sống thượng tôn pháp luật, ai sai phải chịu trách nhiệm trước pháp luật nhưng người sai lại được bao che, người không sai lại bị xử ép. Người ta nói ‘công lý ở Việt Nam là diễn viên hài’ là như vậy !"

Công an Việt Nam được coi là một lực lượng vũ trang trọng yếu của Đảng và Nhà nước ; là nòng cốt trong sự nghiệp bảo vệ an ninh quốc gia và giữ gìn trật tự, an toàn xã hội, tuyệt đối trung thành với Đảng, luôn luôn ý thức "còn Đảng thì còn mình". Khẩu hiệu "còn Đảng, còn mình" là một nguyên tắc lớn trong đạo đức cách mạng của ngành công an Việt Nam.

Trong bất cứ ‘cuộc chiến’ nào có mặt lực lượng công an, kể cả cuộc chiến chống dịch Covid-19 đòi hỏi toàn bộ các ngành, các cấp tham gia, thì ngành công an vẫn nhận được nhiều bằng khen nhất.

Hôm 11 tháng 10 năm 2021, Phó Thủ tướng Phạm Bình Minh ký thay Thủ tướng một loạt quyết định tặng bằng khen cho những tổ chức, cá nhân có thành tích xuất sắc trong công tác phòng, chống dịch Covid-19. Theo đó, có đến 31/34 tổ chức được khen thưởng thuộc ngành công an ; 24/33 cá nhân được khen thưởng là công an.

**************************

Hàng chục tên côn đồ nã súng và xả mã tấu vào nhà người dân mùng 2 Tết

RFA, 07/02/2022

Hôm 6 tháng 2 năm 2022, đoạn băng hình khoảng 1 phút 30 giây từ camera an ninh ghi lại cảnh tượng kinh hoàng cho thấy, nhóm côn đồ hơn 20 người đi trên 3 xe ô tô và chục xe máy tập kích một nhà dân.

condo2

Nhóm côn đồ nã nhiều phát súng vào nhà người dân - Ảnh chụp màn hình

Nhóm này liên tục dùng dao phóng lợn, mã tấu chém vào cửa kiếng, đồng thời nã súng nhiều lần vào phía trong.

Vụ việc được cho là xảy ra vào nửa đêm mùng 2 Tết Nhâm Dần ở thành phố Rạch Giá, tỉnh Kiên Giang cho thấy sự nghiêm trọng của vụ việc.

Sau khoảng 1 phút 30 giây, nhóm này lên các xe máy và ô tô của đồng bọn rời đi.

Theo thống kê của Bộ Y tế chỉ trong 6 ngày Tết Nguyên đán, có 2.800 ca cấp cứu vì đánh nhau trong đó có gần 200 người tử vong.

Báo chí nhà nước đến khi bản tin này xuất bản vẫn chưa đề cập gì đến vụ việc nghiêm trọng xảy ra trong đoạn clip lan truyền.

Quay lại trang chủ

Additional Info

  • Author: RFA tiếng Việt
Read 340 times

Viết bình luận

Phải xác tín nội dung bài viết đáp ứng tất cả những yêu cầu của thông tin được đánh dấu bằng ký hiệu (*)