Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Published in

Việt Nam

30/05/2017

Chữa bệnh thận ở Việt Nam : giữa cái sống và cái chết

VnExpress

Chuyển hơn 100 bệnh nhân Hòa Bình về Hà Nội chạy thận sau sự cố tai biến (VnExpress, 29/05/2017)

Khoa Thận nhân tạo Bệnh viện Đa khoa tỉnh Hòa Bình phải tạm dừng hoạt động sau sự cố 18 người nghi sốc phản vệ, hơn 100 bệnh nhân còn lại phải chuyển đến viện khác. 

Lãnh đạo Bệnh viện Đa khoa tỉnh Hòa Bình cho biết, Khoa Thận nhân tạo đang điều trị chạy thận cho hơn 100 bệnh nhân. Sau ca tai biến với 18 người chạy thận sáng 29/5, khoa phải niêm phong toàn bộ trang thiết bị, thuốc men, hóa chất phục vụ cho công tác điều tra nguyên nhân. Bệnh viện ngừng tiếp nhận tất cả ca chạy thận nhân tạo khác. 

Theo Giám đốc Sở Y tế Hòa Bình Trần Quang Khánh, ngành y tế đang xây dựng kế hoạch phân luồng hơn 100 bệnh nhân còn lại phải chạy thận nhân tạo. Khoảng 24 trường hợp nặng được chuyển sang Bệnh viện Đa khoa thành phố Hòa Bình để chạy thận. Nơi đây chỉ có thể tiếp nhận số ít bệnh nhân và chia 4 ca chạy thận một ngày. Hơn 100 bệnh nhân khác sẽ được chuyển về Hà Nội. 

than1

Bác sĩ cấp cứu bệnh nhân chạy thận nhân tạo nghi bị sốc phản vệ. Ảnh : N.P.

Tiến sĩ Đào Xuân Cơ, Phó Trưởng khoa Hồi sức tích cực Bệnh viện Bạch Mai đang cùng ê kíp hỗ trợ đồng nghiệp Bệnh viện Hòa Bình cứu các nạn nhân, cũng cho biết, trong số 18 người bị nghi sốc phản vệ có 10 bệnh nhân sức khỏe tạm thời ổn định song chưa thể khẳng định chắc chắn đã qua cơn nguy kịch ; 2 người khác đang nguy kịch. Các bệnh nhân này được chuyển về Bệnh viện Bạch Mai ngay trong đêm 29/5.

Dự kiến, sáng 30/5 sẽ chuyển hơn 100 bệnh nhân còn lại về Hà Nội để kịp chạy thận nhân tạo. Tiến sĩ Cơ đánh giá, sự cố khiến nhiều bệnh nhân ngày 29/5 không được chạy thận nhân tạo nên có nguy cơ tăng urê gây nguy hiểm đến tính mạng.

"Vì thế, các bệnh nhân nặng thì đề nghị ở lại Bệnh viện thành phố Hòa Bình chạy thận tiếp tục,trường hợp có thể đi được thì vận chuyển về Hà Nội. Khi chuyển viện, bệnh viện cần chuẩn bị nhân lực trang thiết bị cần thiết để phòng tình huống xấu với các bệnh nhân", tiến sĩ Cơ cho biết phương án.

Sáng 29/5, 18 bệnh nhân đang chạy thận nhân tạo ở Bệnh viện Đa khoa tỉnh Hòa Bình thì có dấu hiệu nghi sốc phản vệ. 6 người tử vong sau đó. 

Sốc phản vệ là phản ứng dị ứng đặc biệt nghiêm trọng, có diễn biến nhanh, phức tạp, khó lường và dễ dẫn đến tử vong nếu không được cấp cứu kịp thời. Bộ Y tế đánh giá đây là sự cố y khoa nghiêm trọng nhất trong nhiều năm qua. Nguyên nhân gây tai biến đang được điều tra. 

Nam Phương

************************

Bệnh nhân chạy thận thứ 7 ở Hòa Bình tử vong (VnExpress, 30/05/2017)

Tối 29/5, nam bệnh nhân 60 tuổi đã tử vong mặc dù được các bác sĩ Bệnh viện Đa khoa tỉnh Hòa Bình phối hợp với Bệnh viện Bạch Mai nỗ lực cấp cứu suốt một ngày. 

Đây là người thứ 7 tử vong trong số 18 bệnh nhân nghi bị sốc phản vệ trong khi đang chạy thận nhân tạo tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh Hòa Bình sáng cùng ngày. 

Nam bệnh nhân này tình trạng nguy kịch, từ buổi sáng đã được các bác sĩ tập trung hồi sức cấp cứu. Khoảng 21h, sau khi đoàn chuyên gia của Bộ Y tế làm việc với bệnh viện thì tình hình ông chuyển biến xấu. Tất cả các y bác sĩ lao vào bóp bóng, ép tim lồng ngực cho bệnh nhân. Cuối cùng tất cả nỗ lực vẫn không giành lại được tính mạng của người đàn ông. 

Một bệnh nhân nữ nguy kịch cũng đang được các bác sĩ cố gắng hết sức để giành giật mạng sống. 

10 bệnh nhân nghi sốc phản vệ còn lại đã được chuyển về Bệnh viện Bạch Mai ngay trong đêm 29/5. 

than2

Một nữ bệnh nhân được chuyển về Bệnh viện Bạch Mai đêm 29/5. Ảnh : N.P.

Sáng 29/5, 18 bệnh nhân suy thận mãn đang chạy thận nhân tạo tại khoa Thận nhân tạo Bệnh viện Đa khoa tỉnh Hòa Bình thì có dấu hiệu bất thường như nôn ói, đau bụng... Các bác sĩ đã nỗ lực cấp cứu cho bệnh nhân, song tính đến tối cùng ngày có 7 người đã tử vong. Sự việc được Bộ Y tế đánh giá là tai biên y khoa nghiêm trọng nhất nhiều năm qua. Nguyên nhân tai biến đang điều tra, nghi ngờ ban đầu do sốc phản vệ.

Sốc phản vệ là phản ứng dị ứng đặc biệt nghiêm trọng, có diễn biến nhanh, phức tạp, khó lường và dễ dẫn đến tử vong nếu không được cấp cứu kịp thời. Phản ứng phản vệ có thể xảy ra ở bất cứ đâu, với bất cứ loại thuốc hoặc hóa chất điều trị nào cũng như xuất phát từ dị ứng thức ăn, hóa mỹ phẩm và do côn trùng đốt.

Nam Phương

***************

18 bệnh nhân chạy thận nhân tạo nghi bị sốc phản vệ, 6 người tử vong (VnExpress, 29/05/2017)

Sáng 29/5, 18 bệnh nhân đang chạy thận nhân tạo tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh Hòa Bình khoảng 30 phút thì bất ngờ có biểu hiện sốc phản vệ.

Tiến sĩ Trương Quý Dương, Giám đốc Bệnh viện Đa khoa tỉnh Hòa Bình cho biết, ngay lập tức các bác sĩ đã dừng hoạt động chạy thận để chuyển sang cấp cứu bệnh nhân. Bệnh viện đã huy động gần như toàn bộ các đơn vị chủ lực tập trung cấp cứu nạn nhân. Đến chiều cùng ngày, 6 người đã tử vong. Các bệnh nhân này đều bị suy thận mãn, đến bệnh viện để lọc máu chu kỳ.

Bệnh viện Đa khoa tỉnh Hòa Bình có 19 máy chạy thận nhân tạo. Thời điểm xảy ra vụ việc có 18 bệnh nhân đang chạy thận và tất cả đều gặp nạn. Toàn bộ thuốc, hóa chất dùng chạy thận đã được niêm phong để điều tra. Nhiều người tụ tập ở sảnh bệnh viện để chờ thông tin người thân bị tai biến.

than3

Xe cứu thương chở bệnh nhân ra khỏi Bệnh viện Đa khoa tỉnh Hòa Bình. Ngoài cổng bệnh viện có công an túc trực. Ảnh : Nguyễn Tùng.

Tiến sĩ Nguyễn Hữu Dũng, Trưởng khoa Thận nhân tạo, Bệnh viện Bạch Mai cho biết đã cử 3 bác sĩ chuyên ngành chạy thận, chống độc, dị ứng cùng một kỹ thuật viên đến hỗ trợ đồng nghiệp Bệnh viện Đa khoa tỉnh Hòa Bình cứu chữa các bệnh nhân. 

Bác sĩ Trần Quang Khánh, Giám đốc Sở Y tế tỉnh Hòa Bình cho biết, nguyên nhân sự cố cần thời gian để tìm hiểu, nhiều khả năng nghi ngờ do sốc phản vệ. Việc trước mắt là tập trung cấp cứu cho các nạn nhân. "Chúng tôi đã chỉ đạo bệnh viện tiếp tục cấp cứu các nạn nhân đồng thời tìm hiểu nguyên nhân sự cố, tuy nhiên việc này cần thời gian", bác sĩ Khánh nói. 

Theo tiến sĩ Dũng, trong y văn, sốc phản vệ trong lọc máu chu kỳ có thể xảy ra, tuy nhiên số bệnh nhân cùng lúc gặp tai biến và tử vong nhiều như tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh Hòa Bình thì chưa xảy ra trong nhiều năm gần đây.

Bộ Y tế cũng đã cử đoàn chuyên gia đến hiện trường để hỗ trợ bệnh viện và tìm hiểu nguyên nhân. 

Sốc phản vệ là phản ứng dị ứng đặc biệt nghiêm trọng, có diễn biến nhanh, phức tạp, khó lường và dễ dẫn đến tử vong nếu không được cấp cứu kịp thời. Phản ứng phản vệ có thể xảy ra ở bất cứ đâu, với bất cứ loại thuốc hoặc hóa chất điều trị nào cũng như xuất phát từ dị ứng thức ăn, hóa mỹ phẩm và do côn trùng đốt.

Nam Phương

Quay lại trang chủ
Read 824 times

Viết bình luận

Phải xác tín nội dung bài viết đáp ứng tất cả những yêu cầu của thông tin được đánh dấu bằng ký hiệu (*)