Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Published in

Việt Nam

23/05/2022

Phải biết tiếng Trung, nợ công, chứng khoán, giá xăng dầu, Cát Linh-Hà Đông

Tổng hợp

Quanh việc tuyển công nhân biết nói tiếng Trung Quốc ở Việt Nam

RFA, 23/05/2022

Cách đây vài tuần, tờ VnExpress bản điện tử có bài viết "Chinese speakers in demand as factories expand". Bài báo cho hay, các nhà máy Trung Quốc đang tăng cường tuyển dụng nhân viên người Việt nói được tiếng Trung Quốc cho các dự án mở rộng tại Việt Nam, cụ thể là công ty sản xuất pin năng lượng mặt trời Jinko Solar Vietnam. Theo bài báo, công ty đang tìm kiếm 5.000-8.000 lao động có kỹ năng giao tiếp tiếng Trung cơ bản. Cho đến nay, chưa đến 1.000 người được thuê.

vn1

Công nhân Trung Quốc đi bộ về trung tâm thị xã Kỳ Anh từ nơi ở của họ tại khu vực nhà máy Formosa ở Hà Tĩnh hôm 3/12/2015. AFP

Bên cạnh đó, một số công ty Trung Quốc khác gần đây cũng đăng tuyển nhân viên Việt Nam. Ngoài các yêu cầu về kỹ năng, tay nghề phù hợp với công việc thì các ứng viên phải sử dụng thành thạo tiếng Trung với bốn kỹ năng nghe nói đọc viết. 

Luật sư Đặng Trọng Dũng, từng công tác tại Sở Lao động, thương binh và xã hội Thành phố Hồ Chí Minh, nêu nhận xét : 

"Tôi nghĩ rằng việc đó là việc hoàn toàn mới. Trước đây không có. Tôi nghĩ, những điều mới lạ như thế đều có ý đồ, đều có tính toán của phía Trung Quốc hết. Tâm lý chống Trung Quốc, bài Hoa của người Việt Nam rất là lớn. Các công ty tuyển nhân công mà đòi hỏi những điều như thế thì tâm lý bài Trung còn lan rộng hơn nữa. Người Việt mình sẽ rất cảnh giác mà xa lánh các công ty như vậy". 

Báo chí Việt Nam từng nhiều lần lên tiếng về hiện tượng khách Trung Quốc tràn ngập các điểm du lịch trong nước, hay những con phố với bảng hiệu 100% tiếng Trung Quốc. Tại Đà Nẵng và Khánh Hòa, một số người Trung Quốc nhờ một số dân Đà Nẵng đứng tên những khu đất trọng yếu khiến nhiều người Việt đặt câu hỏi về mục đích của họ liên quan chủ quyền quốc gia. Hàng hóa Trung Quốc thì theo đường tiểu ngạch, tuồn qua những cửa khẩu Việt-Trung một cách rầm rộ, khó kiểm soát. 

vn2

Hình chụp hôm 4/12/2015 : khu trung tâm giải trí cho công nhân Trung Quốc ở Kỳ Anh, Hà Tĩnh. AFP

Trong lĩnh vực lao động, nhiều năm trước đây, hiện tượng công nhân Trung Quốc đông đảo trong các dự án do nhà thầu Trung Quốc đảm nhận cũng gây lo ngại cho người dân Việt Nam. Chẳng hạn như hai công trình thủy điện Sông Bung 4 và Nhà máy nhiệt điện Nông Sơn ở Quảng Nam cách đây 10 năm.      

Theo báo cáo của Ban quản lý dự án thủy điện Sông Bung 4, trong số 450 người đang có mặt ở dự án Sông Bung 4 lúc đó có gần 300 người là Trung Quốc. Còn tại Nhà máy nhiệt điện Nông Sơn, chỉ có 10 công nhân trong số 181 công nhân người Trung Quốc đang làm việc tại công trình này có đăng ký lao động theo đúng quy định của pháp luật Việt Nam. 

Có thể thấy, những gì liên quan đến Trung Quốc trong lĩnh vực lao động đều rất "nhạy cảm" với người Việt Nam. Với việc một số công ty Trung Quốc tuyển công nhân với yêu cầu biết tiếng Trung Quốc căn bản hoặc thông thạo, anh Tuấn, quản đốc xưởng giày da tại một công ty trách nhiệm hữu hạn sản xuất giày da ở Gò Vấp nêu quan điểm của anh qua ứng dụng Facebook Messenger với RFA sáng 23 tháng 5 : 

"Tôi làm ở công ty này mười mấy năm chưa bao giờ thấy tuyển công nhân biết tiếng Trung Quốc. Cấp quản lý thì biết tiếng Hoa là lợi thế. Nếu không biết thì công ty cho đi học để nói chuyện trực tiếp với mấy ông chủ lớn người Trung Quốc hay Đài Loan. Tôi là một người trong số đó. Tôi nghĩ không phải họ đồng hóa người Việt mình hay có ý gì đâu vì người mình cảnh giác và ghét Tàu lắm. Theo tôi thì tụi nó không tin nhau nên tụi nó đối chiếu qua mình, hoặc tụi nó muốn tiết kiệm chi phí học tiếng Việt hay tiếng Anh cho người của tụi nó thôi". 

Một số người cho rằng, việc chỉ tuyển công nhân Việt Nam biết tiếng Trung Quốc vào làm việc ít nhiều liên quan âm mưu đồng hóa người Việt của Trung Quốc.

Nhà báo Võ Văn Tạo nêu quan điểm của ông : 

"Bọn đầu sỏ Bắc Kinh đã âm mưu thôn tính Việt Nam là chuyện đã rõ. Không phải đến bây giờ mà từ cả ngàn đời nay chúng nó đều thèm khát cái chuyện lấn hiếp lân bang. Còn chuyện tuyển công nhân biết tiếng Trung là chỉ vì thuận lợi cho nó thôi chứ không phải để nó thôn tính Việt Nam đâu. Việc này thuận lợi cho nó vì nó khỏi thuê thêm phiên dịch. 

Người quản lý từ Trung Quốc sang chỉ biết nói tiếng Hoa thì phải tuyển công nhân biết tiếng Hoa thôi. Thực sự anh qua đó anh mới thấy, dù Trung Quốc đã qua cách mạng văn hóa sau bao nhiêu năm, rồi tổ chức Olympic này nọ nhưng số người Trung Quốc mà biết tiếng nước ngoài vô cùng hiếm hoi. Cũng không ai cấm đoán chuyện tuyển công nhân là phải biết tiếng Hoa. Họ thấy sao thuận tiện cho công việc của họ thì họ có quyền.

Có thể mình thấy hơi chướng chứ không ai cấm. Mình là chủ đất nước thì mình thấy chướng thôi chứ chuyện đó cũng bình thường. Các công ty của Tiệp hay Nga có quản lý không biết tiếng Việt thì họ cũng tuyển nhân công biết tiếng Nga và Tiệp thôi".

Một số ý kiến cho rằng, khi các doanh nghiệp nước ngoài mở văn phòng hay xưởng sản xuất ở Việt Nam thì ngôn ngữ chính thức cho nhân viên người Việt là tiếng Việt hoặc tiếng Anh – hiện được coi là ngôn ngữ giao tiếp quốc tế. Với công nhân, không thể bắt buộc họ phải sử dụng ngôn ngữ khác như tiếng Trung Quốc trong môi trường làm việc.  

Trang Văn Việt có bài viết của tác giả Tô Văn Trường về vấn đề này, trong đó có đoạn : "Người Trung Hoa cũng tốt như người dân các nước khác, nhưng nhà cầm quyền thì không. Họ luôn luôn "đa mưu túc kế" với những mưu đồ sâu hiểm, ẩn giấu sau những việc tưởng như đơn giản, hiển nhiên, vô hại. Nhưng cơ quan có trách nhiệm phía Việt Nam cần biết rõ, đây là "sản phẩm tự phát" của doanh nhân hay là ý đồ chỉ đạo chung của họ". 

************************

Nợ công tăng, mỗi người dân gánh hơn 35 triệu đồng nợ công 2020

RFA, 23/05/2022

Nợ công bình quân đầu người của Việt Nam là 35,1 triệu đồng/người năm 2020, có xu hướng tăng qua các năm khi năm 2018 là 31,69 triệu đồng/người ; năm 2019 là 33,62 triệu đồng/người. Đó là số liệu do cơ quan Kiểm toán Việt Nam cho truyền thông Nhà nước hay trong ngày 23/5.

vn3

Bộ trưởng Tài chính cho biết nợ công có xu hướng tăng dần qua các năm khi năm 2020 là 35,1 triệu đồng/người (Hình minh hoạ) - Courtesy of ND, AFP-RFA edited

Theo con số trên, bình quân mỗi người dân Việt Nam gánh trên 35 triệu đồng (1.500 USD) nợ công năm 2020, tăng gần hai triệu đồng/người so với năm 2019.

Cụ thể, số liệu từ báo cáo kiểm toán thể hiện, dư nợ công đến 31/12/2020 là 3,52 triệu tỉ đồng, tăng 6,02% so với năm 2019, bằng 55,94% so với GDP (dưới mức trần 65% GDP).

Mặc dù vậy, theo Bộ trưởng Tài chính Hồ Đức Phớc, số nợ công có xu hướng tăng dần qua các năm, song nhờ kiểm soát bội chi và cơ cấu lại nợ công, tỉ lệ nợ công đã giảm mạnh từ mức 63,7% GDP cuối năm 2016 xuống 55,2% GDP cuối năm 2020.

Trước đó, trong ngày 20/5, trả lời trên tờ Tuổi trẻ điện tử, Phó giáo sư Tiến sĩ Vũ Sỹ Cường, Kinh tế trưởng Viện Công nghệ và Phát triển Tài chính, cho rằng nợ công của Việt Nam không phải là vấn đề quá lớn vì tính theo quy mô GDP mới, nợ công của Việt Nam còn cách xa ngưỡng 60% Quốc hội đề ra nhiều.

Theo ông Cường, thu ngân sách ở Việt Nam vẫn còn tương đối tốt, chưa sụt giảm, do đó nguồn trả nợ không phải là vấn đề quá thách thức.

Tuy nhiên, ông Cường cho rằng nợ khu vực tư trong nước mới là vấn đề. Vị chuyên gia này giải thích thống kê hiện nay cho thấy nợ khu vực tư rơi vào khoảng 138 - 140% GDP nền kinh tế. Mức nợ tư này tương đối cao so với khu vực tư của nhiều nước.

Nếu khu vực tư vẫn tiếp tục trả được nợ, không gây ra các rủi ro khác thì không vấn đề gì. Nhưng "nếu khu vực tư không trả được nợ thì rơi vào bài toán giống như các doanh nghiệp phát hành trái phiếu không trả được, hay các doanh nghiệp vay nợ, dùng đòn bẩy tài chính lớn nhưng không trả được thì sẽ là câu chuyện lớn.

Được biết, tổng thu ngân sách năm năm 2016 - 2020 đạt trên 6,9 triệu tỉ đồng, bằng 100,8% kế hoạch. Có 19 địa phương đạt quy mô thu ngân sách trên 15.000 tỉ đồng, 30 địa phương thu trên 10.000 tỉ đồng và 17 địa phương thu ngân sách dưới 5.000 tỉ đồng.

**********************

Thị trường chứng khoán : ‘buông lỏng’ và ‘xiết chặt’

RFA, 23/05/2022

Việt Nam vừa yêu cầu các doanh nghiệp có niêm yết chứng khoán phải giải trình khi giá cổ phiếu tăng giảm mạnh năm phiên liên tiếp trở lên. Yêu cầu này có hợp lý ?

vn4

Sở Giao dịch Chứng khoán Thành phố Hồ Chí Minh (HoSE). AFP

Sở Giao dịch Chứng khoán Hà Nội dẫn văn bản chỉ đạo của Ủy ban Chứng khoán Nhà nước đưa ra yêu cầu vừa nêu hôm 21/5/2022.

Cụ thể, theo Sở Giao dịch Chứng khoán Hà Nội, trong thời hạn 24 giờ kể từ khi giá cổ phiếu tăng trần hoặc giảm sàn từ năm phiên liên tiếp trở lên phải báo cáo, công bố thông tin liên quan đến công ty có ảnh hưởng đến biến động giá cổ phiếu.

Chuyên gia kinh tế, Phó Giáo sư Tiến sĩ Đinh Trọng Thịnh, thuộc Học viện Tài chính Việt Nam, khi trả lời RFA hôm 23/5, nhận định:

"Khi cổ phiếu xuống nhiều hay tăng giá mà cứ vài phiên liên tiếp là tăng kịch trần, thì rõ ràng là không bình thường. Nó không phản ánh đúng thực tiễn hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp. Tất nhiên đầu tiên thì những người có trách nhiệm phải thực hiện việc phân tích hoạt động của doanh nghiệp đó, ví dụ như các công ty môi giới, các công ty xếp hạng tín nhiệm hay công ty kiểm toán… phải kiểm tra giám sát. Nếu không lý giải được thì lúc đó các cơ quan công an điều tra sẽ phải điều tra kỹ hơn, rõ ràng đó sẽ là công việc phức tạp và phiền toái hơn cho bản thân doanh nghiệp cũng như cho các nhà điều tra".

Theo ông Đinh Trọng Thịnh, trên thị trường tài chính quốc tế cũng có tình trạng làm giá và được gọi là hiện tượng thao túng thị trường chứng khoán. Thực tế có thể có hai dạng :

"Một là bản thân doanh nghiệp có cổ phiếu đó họ tìm cách đẩy giá cổ phiếu lên bằng cách này hay cách khác để thu lợi, vì giá cổ phiếu càng tăng thì giá trị của doanh nghiệp càng tăng. Thứ hai có thể là do các căn nhà đầu tư thao túng giá cổ phiếu để thu lợi. Như vậy là có hai nhóm đối tượng có thể thao túng và làm giá cổ phiếu này".

Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội Vũ Hồng Thanh hôm 23/5 cho báo chí trong nước biết, trên thị trường chứng khoán đã xuất hiện các hiện tượng tăng vốn khống, thao túng giá, làm giá ngày càng tinh vi; một số cổ phiếu/nhóm cổ phiếu có biến động giá bất thường, không gắn với kết quả kinh doanh của doanh nghiệp, gây tổn thất trực tiếp cho nhà đầu tư và ảnh hưởng tiêu cực đến thị trường.

Một nhà đầu tư chứng khoán cá nhân không muốn nêu tên vì lý do an toàn, cho biết ý kiến của mình :

"Những hành vi gian lận chứng khoán, làm giá chứng khoán, thao túng chứng khoán… ảnh hưởng không nhỏ đến quyền lợi của hàng vạn nhà đầu tư. Nguyên nhân từ khâu thanh tra giám sát thị trường chứng khoán của Việt Nam hiện nay còn quá yếu".

Thời gian qua, nhiều doanh nhân đã bị bắt và khởi tố vì bị cho là thao túng giá cổ phiếu. Đơn cử như trường hợp tỷ phú Trịnh Văn Quyết bị khởi tố và bắt tạm giam hôm 29/3/2022 với cáo buộc có hành vi "Thao túng thị trường chứng khoán" và "Che giấu thông tin trong hoạt động chứng khoán" xảy ra vào ngày 10/1/2022. Khi đó, ông Quyết bán ra 74,8 triệu cổ phiếu FLC nhưng không báo cáo về việc dự kiến giao dịch. Sau đó vào ngày 18/1/2022, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước - SSC đã ban hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực chứng khoán và thị trường chứng khoán đối với ông Trịnh Văn Quyết với mức phạt tiền 1,5 tỉ đồng. Việc này khi đó bị các luật sư cho là vi phạm nguyên tắc ‘không ai bị kết tội hai lần cho một hành vi vi phạm’. Đến ngày 6/4/2022 Uỷ ban Chứng khoán Nhà nước mới thông báo huỷ bỏ quyết định xử phạt vi phạm hành chính đối với ông Quyết.

Một tuần sau vụ bắt giữ tỷ phú Trịnh Văn Quyết, công an Việt Nam cũng bắt Chủ tịch Tập đoàn Tân Hoàng Minh - Đỗ Anh Dũng cùng sáu người khác với cáo buộc ‘lừa đảo chiếm đoạt tài sản’ vì đã phát hành trái phiếu trái quy định để huy động tiền của nhà đầu tư hơn 10 ngàn tỷ đồng nhưng không dùng vào mục đích kinh doanh.

vn5

Ông Trinh Văn Quyết (chủ tịch FLC) và Đỗ Anh Dũng (chủ tịch Tân Hoàng Minh). RFA edited.

Phó Giáo sư Tiến sĩ Ngô Trí Long, nguyên viện trưởng Viện Nghiên cứu Thị trường Giá cả thuộc Bộ Tài Chính, khi trao đổi với Đài Á Châu Tự Do hôm 23 tháng 5 năm 2022 liên quan vấn đề này, nhận định :

"Phải nói thẳng ở đây chính là do cơ quan quản lý, do sự thao túng, sự làm giá cũng như sự buông lỏng quản lý của cơ quan Nhà nước. Chính vì vậy thời gian vừa qua sụt giảm rất nhiều và có những lúc lên rất mạnh trong một thời gian rất ngắn. Vừa qua cơ quan Nhà nước đã chỉ ra hàng loạt sai phạm lãnh đạo của cơ quan chứng khoán Nhà nước. Điều đó biểu hiện sự quản lý hoạt động thị trường chứng khoán còn rất nhiều vấn đề bất cập, điều đó đã được chứng minh rõ ràng".

Theo ông Ngô Trí Long, để quản lý tốt hơn thì dù luật Việt Nam ban hành cụ thể rõ ràng, nhưng những người lãnh đạo cơ quan chứng khoán phải công tâm khách quan, làm đúng luật… đó là điều cơ bản.

Những tuần vừa qua, truyền thông Nhà nước nhiều lần đăng bài cho biết Chính phủ Việt Nam đang có quyết tâm ‘làm trong sạch thị trường chứng khoán’…

Ngay sau đó hàng loạt quan chức lãnh đạo cơ quan chứng khoán đã bị kỷ luật, thậm chí có người bị khởi tố bắt giam. Đơn cử như trường hợp Chủ tịch Ủy ban Chứng khoán Nhà nước Việt Nam, ông Trần Văn Dũng, bị Bộ Tài Chính cách chức hôm 20/5 và người thay thế hiện thời là Thứ trưởng Nguyễn Đức Chi.

Trong cùng ngày, Tổng Giám đốc Sở Giao dịch Chứng khoán Thành phố Hồ Chí Minh HoSE - Lê Hải Trà đã bị buộc thôi việc, sau khi bị kỷ luật Đảng vài hôm trước đó. Người thay thế ông Trà là bà Trần Anh Đào- Phó Tổng Giám đốc HoSE.

Hay trước đó, hôm 29/4, Phó vụ trưởng Vụ Giám sát thị trường chứng khoán thuộc Uỷ ban Chứng khoán Nhà nước, ông Nguyễn Hùng, cũng bị Cơ quan An ninh điều tra Bộ Công an khởi tố và thực hiện lệnh bắt tạm giam với cáo buộc ‘cố ý làm lộ bí mật công tác’.

Ông Đinh Trọng Thịnh, nhận định them :

"Việc thao túng chứng khoán ở các thị trường có bề dầy phát triển rất khó, bởi vì chính phủ quản lý rất chặt, đồng thời theo dõi rất kỹ, nếu như có hiện tượng thao túng, họ sẽ xem xét ngay. Cơ quan quản lý các nước mà phát hiện ra thì mức độ xử lý rất nặng, thậm chí có thể kết án chung thân. Chỉ có những nước có thị trường chứng khoán mới hình thành, có luật pháp cũng như nhận thức của các nhà đầu tư chưa sâu, thì mới dễ thực hiện hành vi thao túng. Việt Nam hiện nay là một thị trường mà chúng ta vẫn đánh giá là non trẻ, lý do dù thành lập đã 20 năm nhưng so với các thị trường như Anh, Mỹ lên đến hàng trăm năm, thì rõ ràng chưa là gì cả".

Điều thứ hai theo ôngĐinh Trọng Thịnh, thị trường chứng khoán của Việt Nam dù đã hoạt động được 20 năm, nhưng quy định pháp lý, nhận thức của nhà đầu tư trên thị trường hiện nay chưa cao.

***********************

Giá xăng tại Việt Nam lập kỷ lục tăng cao mới

RFA, 23/05/2022

Giá một số mặt hàng xăng tại Việt Nam kể từ chiều ngày 23/5 tăng lên mức kỷ lục mới.

vn6

Hình minh họa : Khách mua xăng ở một trạm xăng tại Hà Nội hôm 10/3/2022 - AFP

Cụ thể, mỗi lít xăng E5 RON 92 tăng 680 đồng, mỗi lít xăng RON 95 tăng 670 đồng. Như vậy, giá xăng RON 95-III đã lập đỉnh mới, lên 30.650 đồng (1,30 USD) một lít, còn giá xăng E5 RON 92 là 29.630 đồng mỗi lít.

Ngoại trừ xăng RON 95-III, loại phổ biến trên thị trường và được liên Bộ Công Thương - Tài chính điều hành, trên thị trường còn có loại xăng RON 95-IV đáp ứng tiêu chuẩn Euro 4 tại vùng 1 (đô thị, thành phố lớn) lên mức 30.750 đồng một lít ; ở vùng hai (nông thôn, vùng sâu, xa), giá loại xăng này là 31.360 đồng một lít.

Riêng loại xăng RON 95-V (tiêu chuẩn Euro 5) được các doanh nghiệp đầu mối xăng dầu thông báo giá bán mới vượt 31.000 đồng, ở mức 31.250 đồng (1,34 USD) một lít.

Lý do giá xăng tăng được Liên Bộ Công Thương - Tài chính Việt Nam nêu ra là vì thị trường xăng dầu thế giới 10 ngày qua có nhiều biến động lớn. Nguồn cung bị ảnh hưởng do cấm vận đối với các sản phẩm dầu mỏ từ Nga, trong khi đó lượng tồn kho dầu thô của Mỹ tiếp tục ở mức thấp.

Giá xăng tăng như vừa nêu, tuy nhiên giá một số mặt hàng dầu tại kỳ điều hành lần này được điều chỉnh giảm 760-1.100 đồng/lít. Theo đó, giá bán đối với mặt hàng dầu diesel 25.550 đồng/lít, dầu hỏa là 24.400 đồng/kg, dầu mazut là 20.590 đồng/kg.

Từ đầu năm 2022 đến nay, xăng dầu tại Việt Nam trải qua 13 lần điều chỉnh giá, trong đó có 10 lần tăng và ba lần giảm.

********************

Tàu Cát Linh-Hà Đông bị dừng đột ngột khi trời mưa

RFA, 23/05/2022

Tàu Cát Linh-Hà Đông vào sáng ngày 23/5 và chiều ngày 22/5 phải dừng đột ngột khi trờ đổ mưa.

vn7

Đoàn tàu Cát Linh - Hà Đông ở Hà Nội dừng đột ngột khi đang chạy do mưa dông – Tiền Phong

Tin từ truyền thông Nhà nước Việt Nam ngày 23/5 dẫn xác nhận của ông Vũ Hồng Trường, Tổng Giám đốc Công ty Trách nhiệm Hữu hạn Một Thành viên Đường sắt Hà Nội (Metro Hà Nội), về thực tế vừa nêu.

Trong khi người dân sử dụng phương tiện này lo lắng về việc tàu dừng đột ngột mà không được thông báo gì, ông Vũ Hồng Trường phát biểu với báo giới là trời mưa làm đường ray trơn trượt và đó là chuyện bình thường.

Ông Trường cho biết khi xảy ra tình trạng nước mưa làm đường ray trơn trượt, Ban Quản lý Metro Hà Nội cho chuyển từ chế độ lái tự động sang lái thủ công.

Hồi đầu tháng 12 năm ngoái, tàu Cát Linh-Hà Đông được cho biết gặp sự cố về tín hiệu khiến không thể hoạt động tại ga Cát Linh hơn nữa tiếng đồng hồ.

Dự án đường sắt Cát Linh- Hà Đông được khởi công vào tháng 10/2011 do Bộ Giao thông vận tải làm chủ đầu tư, tổng thầu là công ty của Trung Quốc theo dạng EPC, với mức đầu tư sau điều chỉnh là 868 triệu USD (khoảng hơn 20.000 tỷ đồng).

Tuyến đường sắt này đã gây nhiều bức xúc trong công luận do bị đội vốn lên quá cao (hơn 300 triệu đô la) và đã bị trì hoãn đưa vào sử dụng hơn 10 lần.

Quay lại trang chủ

Additional Info

  • Author: RFI tiếng Việt, VOA tiếng Việt, RFA tiếng Việt
Read 452 times

Viết bình luận

Phải xác tín nội dung bài viết đáp ứng tất cả những yêu cầu của thông tin được đánh dấu bằng ký hiệu (*)