Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Published in

Việt Nam

10/01/2017

Nạn buôn người ở Việt Nam tiếp tục gia tăng

RFA tiếng Việt

Buôn người – tệ nạn chưa có hồi kếtb (RFA, 10/01/2017)

buonnguoi1

17 cô gái Việt Nam là nạn nhân của nạn buôn người, đang ở tạm tại trung tâm phục hồi chức năng tỉnh Lào Cai hôm 18/4/2015. AFP photo

Nạn buôn người ở Việt Nam vẫn tiếp tục gia tăng và chưa có dấu hiệu suy giảm dù truyền thông đưa tin rất thường xuyên để cảnh báo người dân và Chính phủ đã đưa ra nhiều chính sách, biện pháp.

Đưa sang Trung Quốc

Ủy ban Quốc gia Việt Nam Phòng chống HIV/AIDS và Ma túy- Mại dâm đưa ra số liệu cho thấy trong năm 2016 vừa qua có 600 phụ nữ và trẻ em được giải cứu khỏi các đường dây buôn người. Tổng cộng từ năm 2013 đến giữa năm ngóa i, cơ quan chức năng của Việt Nam phát hiện gần 1700 vụ, lừa bán 3.400 nạn nhân.

Theo đó nạn nhân của tình trạng buôn người chủ yếu là phụ nữ và trẻ em, và một trong những "thị trường tiêu thụ" chính là Trung Quốc, nơi mà sự mất cân bằng giới tính khiến chuyện "nhập khẩu vợ" gia tăng. Còn theo Linh mục Nguyễn Bá Thông, người lâu nay giúp đỡ cho các nạn nhân Việt Nam, thì số nạn nhân bị buôn bán với 3 mục đích gồm làm nô lệ lao động, nô lệ tình dục và lấy nội tạng. Mỗi một mục đích lại có nguyên nhân và các mánh khóe lừa đảo khác nhau :

Đó là ba loại buôn người chính ở Việt Nam. Buôn người để làm tình dục thì tư tưởng như thế này : các em được hứa đồng tiền rất cao, giống như nô lệ lao động. Đi qua bên đó không phải làm gì cả, ví dụ như đi Mã Lai, không phải làm gì. Đi qua đó phục vụ bưng nước thôi, tháng được 15 triệu, nhưng thực sự chỉ là 5 triệu, 3 triệu, rồi tiền thiếu nó chồng chất lên. Lúc đó nó mới nói rằng nếu không muốn làm cái đó thì làm tình dục hay làm nô lệ khác với cái giá như vậy. Thì những người kia không có chọn lựa, bắt buộc phải làm thì mới có tiền trả nợ để đi về nước.

Cái thứ 2 là buôn người để buôn bán nội tạng thì mình đã biết lâu lắm rồi, từ chục năm trước khi mình lên miền Bắc Trung Quốc là Lào Cai, thì Chính phủ Việt Nam có nhiều biện pháp trên giấy tờ nhưng thực tế không có gì hết đó. Chẳng hạn có những trẻ hay người lớn bị bắt qua Trung Quốc, nhưng mà khi đưa lên thì chính công an của tỉnh đó lại nói là không có thật. Từ chối là chuyện có thật. Chẳng hạn ở Lào Cai, Bắc Giang thì Chính phủ, chính quyền địa phương lại nói là không có thật, tầm bậy.

Người dân thiếu thông tin

Tiến sĩ Đinh Thị Dung, giảng viên khoa lịch sử, văn hóa Trung Quốc cho rằng hai nguyên nhân chính dẫn đến tệ nạn này, đó là phía quản lý lỏng lẻo của Chính quyền và nhận thức, dân trí của người dân còn thấp :

Theo tôi thì nhìn nhận cả hai phía, phía quản lý của chính quyền Nhà nước và phía của người dân. Thứ nhất là cần phải có thông tin chi tiết, cụ thể hơn nữa để người ta hiểu, có nhiều người mù mờ, ngu ngơ về cái vấn đề này lắm thì người ta vẫn đi thôi. Thứ 2 là trình độ dân trí của những người bị lừa còn thấp.

Tiến sĩ Phạm Quang Minh, giảng viên Đại học Khoa học Xã hội và Nhân Văn cũng có nhận định tương tự và thêm một điểm đáng chú ý là thủ đoạn ngày càng tinh vi của các tay buôn người :

Tôi nghĩ là chắc chắn là do người dân thiếu thông tin về vấn đề đó. Họ sống ở những vùng sâu vùng xa, như vậy không có khả năng tiếp cận thông tin, hay là nhận được những thông tin sai lệch. Thứ hai, là tội phạm ngày càng tinh vi, có nhiều thủ đoạn, nhiều âm mưu, tìm mọi cách để lừa những người dân ít thông tin, kém hiểu biết như vậy.

ta4b75f6

Thủ tướng Na Uy, bà Erna Solberg đến thăm các cô gái Việt Nam là nạn nhân buôn người trong một trại phục hồi chức năng ở Lào Cai hôm 18/4/2015. AFP photo

Phân tích nguyên nhân nạn buôn người ở Việt Nam không có dấu hiệu thuyên giảm, linh mục Nguyễn Văn Thông cho biết là do điều kiện cuộc sống nghèo khổ, thiếu thốn nên nhiều người ôm ấp giấc mơ đổi đời. Lý do khác nữa theo ông là sự thờ ơ, đa phần người dân Việt quan tâm đến những chương trình giải trí nhiều hơn là tin tức trên báo, đài.

Lý do tại sao nạn buôn người xảy ra nhiều là thứ nhất không có thực tế để chống, không ai nói gì hết. Có lên TV mà ở Việt Nam có ai coi tin đâu, người ta toàn coi show này show nọ, hay lên báo thì ai đọc báo đâu. Nhưng chính quyền địa phương họ không có công việc cụ thể để làm điều đó thì tệ nạn đó cứ tăng thôi. Và khi xã hội làm cho người ta càng nghèo, thì người ta càng muốn thoát ra với một hi vọng là đổi đời, thì đó là lý do họ đưa vô đường đó nhiều.

Quản lý yếu kém

Chính phủ Việt Nam đã đưa ra rất nhiều biện pháp để phòng chống nạn buôn người. Ngày 10/5/2016, Thủ tướng ban hành Quyết định số 793/QĐ-TTg lấy ngày 30/7 hàng năm là "Ngày toàn dân phòng, chống mua bán người". Luật phòng chống mua bán người đã được ban hành và có hiệu lực từ năm 2012. Cũng trong năm 2012, Chính phủ Việt Nam đã phê chuẩn Nghị định thư Palermo về Phòng ngừa, trấn áp và trừng trị buôn bán người, đặc biệt là phụ nữ và trẻ em. Sau đó, năm 2015, Việt Nam ký Công ước ASEAN về Phòng chống buôn bán người, đặc biệt là phụ nữ và trẻ em. Tuy nhiên như trình bày tệ nạn này vẫn ngày một gia tăng ở Việt Nam, mà theo ý kiến của Tiến sĩ Phạm Quang Minh lỗi một phần còn do sự quản lý của chính quyền chưa chặt chẽ :

Quản lý của các cấp chính quyền địa phương chưa được chặt chẽ, chưa được tốt. Khi có những tình trạng như vậy thì cần phải kiểm tra, thông tin cho người dân để người ta không mắc phải những sai lầm như thế.

Trong khi đó, linh mục Thông lại cho rằng Chính phủ Việt Nam đã đưa ra nhiều biện pháp để đẩy lui tệ nạn này, tuy nhiên việc thực thi ở cấp địa phương chưa được hiệu quả, dẫn đến tình trạng "phép vua thì mạnh mà lệ làng lại không có" :

Phép vua thì có đưa ra, nhưng lệ làng có ai nói đâu, người dân họ chỉ biết những gì xã, huyện, phường nói. Thành ra những vùng có người bị lừa đưa ra nước ngoài nhiều nhất, nhưng chính quyền địa phương không bao giờ tổ chức cho họ những buổi học để họ biết thế nào là thật, giả, những cạm bẫy sẽ đến với họ khi họ ra nước ngoài để làm vợ hay lao động. Tức là ở trên có nhưng ở dưới không có ai tổ chức để nói. Phép vua thì nhiều mà làng thì chẳng ai tổ chức để báo, giúp người ta chuẩn bị.

Buôn người là loại tội phạm xuyên biên giới, cơ quan chức năng Việt Nam cũng nhận ra đươc tình hình buôn người nghiêm trọng trong nước, và đã phối hợp với rất nhiều tổ chức như Tổ chức Hagar quốc tế tại Việt Nam, tiến hành các buổi hội thảo về nạn buôn người với Lào và Thái Lan.

Tuy vậy dường như vấn đề vẫn còn khó không chỉ đối với chính phủ Hà Nội mà còn nhiều quốc gia khác cũng như cả những tổ chức quốc tế tham gia công tác ngăn ngừa tệ nạn này.

Lan Hương, phóng viên RFA

***********************

Nạn buôn người gia tăng tại Việt Nam (RFA
07/01/2017)

buonnguoi3

Tòa án tình Quảng Tây hôm 16/8/2016 xét xử một đường dây buôn bán phụ nữ và trẻ em từ Việt Nam sang Trung Quốc. AFP photo

Tệ nạn buôn người tiếp tục gia tăng tại Việt Nam, mà nguyên nhân chính được cho là do tình trạng nghèo khó, pháp luật không được thực thi nghiêm minh, biên giới quản lý lỏng lẻo.

Thêm vào đó, nhu cầu cô dâu nước ngoài gia tăng tại một số nước trong khu vực cũng khiến cho nhiều phụ nữ Việt Nam trở thành nạn nhân của các đường dây buôn người.

Truyền thông trong nước trích dẫn báo cáo của Bộ Công an  cho biết, trong năm 2016 vừa qua số nạn nhân của buôn người tăng 12,8% so với năm 2015.

Cũng theo báo cáo của Bộ Công an , mặc dù con số các vụ án buôn người giảm bớt 6%, nhưng trong năm qua tổng số nạn nhân của buôn người mà công an phát hiện được lên tới 1.128 người.

Các số liệu của Bộ Công an  không nêu rõ có bao nhiêu trường hợp nạn nhân bị buôn bán vào các đường dây nô lệ tình dục và bao nhiêu là nạn nhân của buôn bán lao động. Nhưng theo số liệu của Ủy ban Quốc gia Phòng chống HIV/AIDS và Ma túy, Mại dâm thì trong năm 2016 vừa qua đã có 600 phụ nữ và trẻ em được giải cứu khỏi các đường dây buôn người.

Theo các cơ quan chức năng Việt Nam, hầu hết nạn nhân của buôn người được đưa qua ngả Trung Quốc, nơi đang xảy ra tình trạng mất cân đối về giới tính - nam thừa nữ thiếu, dẫn đến nhu cầu về cô dâu nước ngoài tăng cao.

Quay lại trang chủ
Read 846 times

Viết bình luận

Phải xác tín nội dung bài viết đáp ứng tất cả những yêu cầu của thông tin được đánh dấu bằng ký hiệu (*)