Chống lợi ích cục bộ, lợi ích nhóm trong xây dựng pháp luật là yêu cầu mới đây của Thủ tướng Phạm Minh Chính. Với cách xây dựng luật mà Việt Nam đang thực hiện thì yêu cầu của ông Chính bị cho là không khả thi.
Thủ tướng Phạm Minh Chính phát biểu khai mạc phiên họp Chính phủ chuyên đề xây dựng pháp luật tháng 7/2022 - Ảnh : VGP/Nhật Bắc
Chủ trì phiên họp Chính phủ chuyên đề xây dựng pháp luật hôm 26 tháng 7 vừa qua, Thủ tướng Việt Nam, ông Phạm Minh Chính, lưu ý cần đặt lợi ích quốc gia, dân tộc, nhân dân lên trên hết ; phải chống lợi ích cục bộ, lợi ích nhóm… trong việc xây dựng các quy định pháp luật.
Ông Chính cũng yêu cầu đề cao vai trò, trách nhiệm người đứng đầu các bộ, cơ quan trong trực tiếp chỉ đạo công tác xây dựng pháp luật ; nâng cao chất lượng nguồn nhân lực làm công tác thể chế ở các cơ quan soạn thảo, góp ý, thẩm định, thẩm tra.
Việc "không để lợi ích nhóm, lợi ích cục bộ cài cắm vào quá trình xây dựng luật" từng được ông Vương Đình Huệ - Chủ tịch Quốc hội Việt Nam phát biểu vào tháng 11 năm ngoái, tại Hội nghị trực tuyến toàn quốc triển khai Đề án định hướng Chương trình xây dựng pháp luật nhiệm kỳ Quốc hội Khóa 15.
Nhà báo Võ Văn Tạo nhận định với RFA về lưu ý của Thủ tướng Phạm Minh Chính :
"Không phải tự nhiên ông Thủ tướng nói như thế. Nó xuất phát từ thực tế quá trình xây dựng luật của Việt Nam là Đảng Cộng sản chủ trương rồi thông qua Nhà nước, cũng là hình thức biến tướng của Đảng, vẫn làm theo cách là đạo luật nào liên quan đến lĩnh vực kinh tế, kỹ thuật, xã hội nào thì người ta sẽ giao cho cơ quan đó, bộ ngành đó xây dựng dự án luật.
Những phòng, ban tham mưu của bộ trưởng phải chấp bút xong đưa lên lãnh đạo bộ phê duyệt rồi trình lên thủ tướng. Thủ tướng Chính phủ thấy được rồi mới trình qua Quốc hội.
Do đó, bộ nào được giao làm luật cũng xuất phát từ quyền lợi của mình mà bất chấp quyền lợi của xã hội. Họ vẽ ra rất nhiều thủ tục hành chính để người dân hoặc doanh nghiệp muốn làm việc gì đó liên quan phải xin phép họ. Mà xin phép thì phải lo lót, nếu không thì họ "ngâm tôm’.
Chuyện Thủ tướng yêu cầu liên quan xây dựng này tôi nghĩ sẽ có chuyển biến chút ít chứ cũng không giải quyết được cái gốc vấn đề đâu khi thể chế chính trị Việt Nam vẫn giữ như hiện tại. Tức là vẫn do Đảng Cộng sản Việt Nam độc quyền cai trị, không có giám sát lẫn nhau. Ngoài ra, quốc hội cũng phải thấu suốt quan điểm đặt quyền lợi đất nước, dân tộc lên trên hết. Chứ Quốc hội Việt Nam hiện nay toàn ‘nghị gật’. Đảng bảo sao thì Quốc hội đồng ý vậy, cũng giống như Hội đồng Nhân dân cấp tỉnh".
Câu chuyện Quốc hội phải thông qua luật mà Bộ chính trị đã quyết thể hiện rõ tại phiên thảo luận về dự thảo Luật Đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt Vân Đồn, Bắc Vân Phong, Phú Quốc sáng 16 tháng 4 năm 2018 của Uỷ ban Thường vụ Quốc hội. Bà Nguyễn Thị Kim Ngân, Chủ tịch Quốc hội lúc đó nói công khai tại nghị trường rằng : "Bộ Chính trị đã kết luận rồi, dự thảo luật không trái Hiến pháp, phải bàn để ra luật chứ không thể không ra luật".
Trong một lần trao đổi với RFA, Luật sư Trần Quốc Thuận, nguyên Phó Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Việt Nam cho rằng, những đề xuất thường xuyên được nhắc đến trong mỗi kỳ họp thực chất chỉ mang tính bề nổi. Ông lập luận :
"Nhiều vấn đề đã đưa ra Quốc hội để tham khảo nhưng khi quyết thì đảng quyết chứ không có gì làm trái ý kiến của đảng được. Quốc hội Việt Nam dưới sự lãnh đạo của đảng thì cơ cấu đại biểu quốc hội nhìn vô thì 90-95% là đảng viên, đảng viên sao trái ý kiến của đảng được ? Nên cải cách thực tế là người ta mong muốn đại biểu quốc hội cải cách đầu vào, cơ cấu thành phần khác để nghe tiếng nói khác thì may ra tốt hơn, chứ bây giờ Quốc hội chỉ là diễn mà thôi".
Theo một vài chuyên gia kinh tế, lợi ích nhóm được hiểu là khi thông qua việc tạo dựng những cơ chế, chính sách ; người ta lồng những ý đồ cá nhân của họ vào để chính sách đó phục vụ cho lợi ích của họ, nhằm thu được những lợi ích tương đối là bất chính, không chính đáng.
Việc xây dựng những quy định về tất cả các lãnh vực ở Việt Nam hiện nay đều do các cơ quan chủ quản thực hiện. Điều này sẽ dẫn tới lợi ích nhóm khi soạn ra những dự thảo luật. Đó là điều không thể tránh, như nhận định của một luật gia không muốn nêu tên ở Hà Nội với RFA :
"Nghị quyết đại hội đảng lần thứ 13 có một sự thay đổi rất lớn, đó là đặt lợi ích quốc gia dân tộc lên trên hết. Trước kia thì không có câu đấy. Nghĩa là trong trường hợp cụ thể thì mình phải cân nhắc, làm việc đó có lợi cho đất nước dân tộc hay không. Nghị quyết của đảng thì phải thông suốt. Ông Phạm Minh chính cũng phải nói theo nghị quyết của đảng chứ không thể nói khác được. Còn đi vào cụ thể thì ngày xưa quy trình luật của Việt Nam là do các cơ quan chủ quản xây dựng. Lợi ích nhóm xuất phát từ đây vì họ vừa đá bóng vừa thổi còi mà.
Muốn làm được như ông Chính nói thì phải để cho các nhà làm luật chuyên nghiệp người ta soạn dự thảo rồi đem ra Quốc hội phản biện rồi bỏ phiếu cho đa số.
Vấn đề là ông Thủ tướng Phạm Minh Chính nói thế nhưng có thực hiện không, có ai giám sát không hay thấy khó quá rồi không làm để ai muốn xử sao thì xử như kiểu luật biểu tình. Luật thì không ra, đến khi dân biểu tình thì bắt họ kết vào tội quấy rối trật tự công cộng".
Truyền thông Nhà nước dẫn lời Chuyên gia kinh tế Lê Đăng Doanh về lợi ích nhóm ở Việt Nam : "Lợi ích nhóm ở Việt Nam có đặc trưng là liên quan đến những người có chức, có quyền, nhất là quyền liên quan đến cán bộ, tài chính, ngân sách, đầu tư, đất đai, hầm mỏ, rừng, biển Những người này có thể ở cấp trung ương, tỉnh, huyện, xã phường hay ở cấp sở, phòng, thậm chí cá nhân thanh tra, cảnh sát hay ở doanh nghiệp nhà nước, tập đoàn, dự án…"
Với giải thích của Tiến sĩ Lê Đăng Doanh thì việc chống lợi ích nhóm khi xây dựng pháp luật theo yêu cầu của Thủ tướng Việt Nam khó mà thành hiện thực, bởi lợi ích nhóm ở khắp mọi nơi, mọi lĩnh vực. Thêm vào đó, thể chế chính trị lại do một đảng cai trị, không có nền dân chủ pháp trị, không có tam quyền phân lập nên không có cơ chế giám sát lẫn nhau giữa Hành pháp, Tư pháp và Lập pháp.
Nguồn : RFA, 27/07/2022