Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Published in

Việt Nam

02/08/2022

Giải quyết nhân sự vô tích sự trong guồng máy Đảng và Nhà nước như thế nào ?

RFA tiếng Việt

Chủ trương giảm biên chế của Bộ Chính trị : hô hào và thực tế !

RFA, 02/08/2022

Bộ Chính trị Đảng cộng sản Việt Nam vừa yêu cầu phải tiếp tục tinh giản biên chế cán bộ, công chức và viên chức. Yêu cầu vừa nêu được Thường trực Ban Bí thư Võ Văn Thưởng cho biết khi ký ban hành kết luận của Bộ Chính trị về nâng cao hiệu quả công tác quản lý biên chế của hệ thống chính trị.

nhansu1

Ảnh minh họa : Một thành viên của phái đoàn Việt Nam ngủ gật tại Phiên họp cấp cao Đại hội đồng Liên Hiệp Quốc khóa 73 tại trụ sở Liên Hiệp Quốc ở New York ngày 25 tháng 9 năm 2018. AFP PHOTO

Cụ thể theo kết luận này, toàn hệ thống chính trị của Việt Nam sẽ phải tinh giản ít nhất 5% biên chế cán bộ, công chức và ít nhất 10% biên chế viên chức hưởng lương từ ngân sách nhà nước.

Tinh giản biên chế là cụm từ được nói đến nhiều từ hơn mười năm qua, khi Chính phủ ban hành Nghị quyết về chương trình tổng thể cải cách hành chính Nhà nước đến năm 2020 và hàng năm thường được các lãnh đạo đảng và nhà nước lập đi lập lại, yêu cầu thực hiện như một cách tuyên truyền cho uy tín của nhà cầm quyền. Liệu yêu cầu mới đây có khả thi hay chỉ là ‘màn trình diễn’ như thường lệ ?

Nhà báo Nguyễn Vũ Bình, từng công tác tại Tạp chí cộng sản nói với RFA hôm 2/8/2022 :

"Theo tôi nghĩ thì không có tiến triển gì hơn, vì không có một cách thức gì đặc biệt để thực hiện. Không thấy ai nói đến cách thức thực hiện đặc biệt và có tính khả thi. Cứ nói năm này giảm bao nhiêu %, năm sau giảm bao nhiêu % thì cũng như trước thôi. Bao giờ họ cũng nói như vậy, nhưng phải có quyết tâm, phải nói cách thức làm như thế nào để cho người ta thấy tính khả thi, thì mới thực hiện được. Chứ còn nói thì năm nào cũng như năm nào thôi, cũng có thể là giảm một ít nhưng không đạt chỉ tiêu. Nhiều năm trước cũng nói giảm bao nhiêu % mà cuối cùng có được đâu. Cho nên gọi là trình diễn thì cũng đúng, vì nó không có một cái gì khác biệt với những chỉ tiêu trước đây".

Ông Bình cho biết thực tế đi làm thủ tục hành chính thì ông không thấy gì tiến triển trong việc giảm biên chế :

"Thấy không khác nhiều, ví dụ như đã làm cổng thông tin điện tử nhưng tại địa phương vẫn làm tại chỗ, số người vẫn vậy. Nên tôi không thấy có gì khác biệt nhiều khi nói lên cổng thông tin điện tử thì bớt người. Tôi không thấy".

Theo báo chí nhà nước, số lượng công chức và viên chức của Việt Nam đã phình ra kinh khủng, chiếm đến gần ba triệu người và cực kỳ mất cân đối so với nhu cầu hành chính và quản lý dân số xã hội… Đó là lý do việc giảm biên chế là yêu cầu bức thiết được dư luận quan tâm khi hiện tượng bộ máy công chức 'ngồi chơi- xơi nước' chiếm một tỷ lệ rất cao. Dư luận mạng xã hội còn dẫn chứng những con số từ ngay trong nội bộ đưa ra ước đoán khoảng 1/3 số công chức 'sáng cắp ô đi, tối cắp ô về' và vẫn lãnh lương.

Trở lại với yêu cầu của Bộ Chính trị mới đây, Giáo sư Đặng Hùng Võ, nguyên thứ trưởng Bộ Tài Nguyên và Môi Trường, khi trả lời RFA hôm 2/8/2022, nhận định :

"Tôi vẫn cho rằng chủ trương thì có nhưng thực hiện thì không được bao nhiêu. Các cơ quan, đơn vị, tổ chức của Nhà nước thì vẫn luôn luôn phình ra rất lớn mặc dù chủ trương đặt ra các chỉ tiêu, ví dụ như mỗi đơn vị phải giảm đi 10 %. Điều này cho thấy Việt Nam vẫn có xu hướng đi theo số lượng chứ không đi theo chất lượng, chưa đưa được ra một định mức về mặt chất lượng, để cơ quan có bao nhiêu người và phải có trình độ như thế nào, phụ trách về việc gì. Tất nhiên chủ trương cũng có, nhưng thực tế các cơ quan cứ một thời gian lại phình ra con số rất lớn, mà trong đó rất nhiều người không làm được việc".

Giáo sư Đặng Hùng Võ nêu dẫn chứng :

"Tôi lấy một ví dụ khi tôi phụ trách xây dựng Luật đất đai năm 2003 thì lúc đó chỉ có hai Vụ tham gia, tổng số có 38 người và tôi là 39, con số chỉ có như vậy. Nhưng sau đó người tiếp theo là đồng chí Bộ trưởng đề nghị và được xét duyệt thành lập hàng loạt Tổng cục, trong đó có Tổng cục quản lý đất đai và khi xây dựng Luật đất đai năm 2013 thì tổng số người của Tổng cục đó tham gia lên đến gần 500 người. Ví dụ đó cho thấy hiệu quả tinh giản biên chế của Việt Nam vẫn rất xa vời, và hình như đi chưa đúng cách, chỉ theo số lượng mà không theo chất lượng và số lượng ấy vơi đi, rồi lập tức lại phình ra".

Nhà báo Nguyễn Vũ Bình cho biết thêm, rất khó để thu gọn bộ máy hành chính cồng kềnh vì đây là ‘vành đai’ bảo vệ thể chế, bảo vệ chế độ. Theo ông, dù có thu gọn một số so với thời bao cấp, nhưng về cơ bản thì nó vẫn cồng kềnh.

Ông Bình cho rằng, nếu bộ máy hành chính tinh giản như các nước dân chủ thì người dân có không gian để phát biểu, để đấu tranh dễ dàng hơn rất nhiều. Nhưng vì Đảng cộng sản vẫn để nguyên ban bệ, hệ thống như thế, chỉ lược bớt nên nó vẫn còn nặng nề. Theo ông Bình, dù tốn kém nhưng đảng vẫn phải duy trì để bảo vệ chế độ.

Luật sư Trần Quốc Thuận, nguyên Phó Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội, khi trả lời RFA trước đây liên quan vấn đề này cho rằng :

"Nhà nước Việt Nam là nhà nước thoát ra trong một cuộc chiến tranh và nhiều người làm nhà nước không được đào tạo cho nên cứ chia việc ra làm, nên thành một bộ máy cồng kềnh, không khoa học. So với những nước tiên tiến thì người ta được đào tạo chính quy có hệ thống, pháp luật rõ ràng nên gọn nhẹ".

Theo Bộ Nội vụ, tổng biên chế công chức năm 2021 của các cơ quan, tổ chức hành chính nhà nước, không bao gồm biên chế của Bộ Công an, Bộ Quốc phòng và cán bộ, công chức cấp xã, hiệp hội… là 249.650 biên chế.

Tiến sĩ Phạm Chí Dũng khi trả lời RFA trước đây từng cho rằng, yêu cầu hay kế hoạch tinh giản biên chế chỉ là trò mị dân để xoa dịu sự phẫn nộ của dân chúng, là những người nai lưng ra đóng thuế để nuôi một bộ máy ‘hành là chính’.

Nguồn : RFA, 0408/2022

*************************

Hà Nội ra kế hoạch cho cán bộ sai phạm, yếu kém từ chức

RFA, 03/08/2022

Kế hoạch số 205 của Hà Nội không phải là đầu tiên nêu lên vấn đề từ chức, chủ trương này đã được Bộ Chính trị của Việt Nam ban hành từ ngày 2/10/2009 với quy định 260, sau đó thay thế bằng Quy định số 41-QĐ/TW về việc miễn nhiệm, từ chức đối với cán bộ vào ngày 3/11/2021

nhansu2

Quang cảnh Hội nghị lần thứ 5 Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam khóa XIII. (Ảnh : ĐĂNG KHOA)

Ở Việt Nam hiện nay, hầu như các quan chức không tự nguyện từ chức, cho nên khi có vi phạm mà bị đem ra xử lý thì sẽ có cách chức, bãi nhiệm...

Từ chức là tự nguyện, vậy vì sao Hà Nội phải có chỉ thị về cho từ chức ? Trao đổi với RFA hôm 3/8, Phó Giáo sư Tiến sĩ Hoàng Dũng, một nhà nghiên cứu văn hóa - ngôn ngữ thuộc Đại học Sư phạm Thành phố Hồ Chí Minh, nhận định :

"Nói như thế là đã thấy lỗi từ ngữ rồi, nhưng vấn đề không chỉ lỗi từ ngữ đâu. Lỗi thì ai cũng thấy, nhưng vì sao người ta phạm lỗi đó ? Có thể nói rằng ở Việt Nam, khi một người có chức quyền thì người ta có một khoản quyền lợi đi kèm. Vì thế ít người từ chức lắm, mà nếu mà có từ chức thì thực ra cũng có nhiều ràng buộc. Ví dụ như họ là đảng viên thì Đảng phải đồng ý, tất cả những cái đó khiến cho không dễ mà từ chức, bởi vì không chỉ tùy thuộc ý chí cá nhân. Vì vậy việc họ nói cho từ chức thì có lỗi về mặt ngôn ngữ, nhưng nếu hiểu ý người ta thì tức là chấp nhận sự từ chức của ai đó. Điều đó cho thấy rằng từ chức còn phụ thuộc nhiều yếu tố khác, ở Việt Nam trở ngại đến mức mà người ta phải ra một chỉ thị như vậy".

Văn hóa từ chức nói cách khác là một văn hoá ứng xử dựa trên lương tri, khi một người lãnh đạo thấy mình có khuyết điểm, hay không còn xứng đáng đảm nhận vị trí lãnh đạo thì họ sẽ từ chức. Việc này cho thấy sự hiểu biết về bổn phận, và trách nhiệm của người nắm giữ chức vụ.

Liên quan đến việc làm sao xây dựng văn hóa từ chức trong cán bộ Việt Nam, Phó Giáo sư Tiến sĩ Hoàng Dũng nói :

"Điều đầu tiên phải làm sao để cho thu nhập thực tế, quyền lợi thực tế của người giữ chức và người sau đó không giữ chức không cách biệt quá. Nếu như vậy thì khi từ chức người ta có thể vẫn sống được, không đến nỗi có chức thì sống được đầy đủ, mà không có chức thì cực kỳ vất vả. Tôi nói thực tế chứ không phải chỉ trên danh nghĩa, vì nếu nhìn vào bảng lương thì có bao giờ lớn đâu, thành ra khiến cho người có chức từ trước khó từ chức".

Theo Phó Giáo sư Tiến sĩ Hoàng Dũng, việc xây dựng văn hóa từ chức phải bắt đầu từ việc tổ chức lại cách sử dụng người hay quản lý xã hội. Chứ không đơn giản là kêu gọi giống như một vấn đề đạo đức cá nhân, vì đây là vấn đề xã hội.

Còn nhà báo Võ Văn Tạo, khi trả lời RFA từ Nha Trang liên quan vấn đề này cho rằng, việc cán bộ của Đảng cộng sản VN, trong bộ máy Nhà nước mà tuyên bố từ chức rất là hiếm... Ông nêu dẫn chứng :

"Ngoài sự kiện trước đây ông Bí thư Đồng Nai tuyên bố nếu có người dân Đồng Nai bị đói thì ổng từ chức... Thực tế thì lâu lâu cũng có một trường hợp như cách đây vài năm, ông Đoàn Ngọc Hải là Phó Chủ tịch UBND Quận 1 cũng từ chức. Nhưng trở về xa xưa một chút thì tôi thấy có những trường hợp như là ông Lê Huy Ngọ, nguyên Bộ trưởng Nông nghiệp, cách đây mười mấy năm cũng tuyên bố từ chức khi xảy ra vụ Lã Thị Kim Oanh và đồng bọn tham nhũng khá nặng. Nhưng nhìn chung thì hiện tượng từ chức ở Việt Nam rất là hiếm, hiếm lắm".

Cựu Bộ Trưởng Nông Nghiệp và Phát Triển Nông Thôn Lê Huy Ngọ nộp đơn từ chức vào tháng 5 năm 2004, khi đó ông từng nói : ‘Nên coi từ nhiệm là chuyện bình thường, là nét văn minh trong đời sống chính trị’.

Theo nhà báo Võ Văn Tạo, ở Việt Nam có đặc thù khác với các quốc gia khác, tức là sự lãnh đạo cai trị đất nước phụ thuộc vào tập thể chóp bu của Đảng cộng sản Việt Nam... Ông Tạo nói tiếp :

"Có người họ có lòng tự trọng thì khi không làm được việc thì nghỉ, từ chức... nhưng mà họ sợ nhất là bị Đảng đánh giá không chấp hành nghị quyết Đảng... cái đó sẽ thành một vết đen trong lý lịch, mà nhiều khi còn lây đến con cháu sau này, chủ nghĩ lý lịch ở VN rất nặng. Cho nên vì tập tính lâu đời đó, từ hồi có Đảng cộng sản đến giờ, cho nên hiện tượng từ chức, có thể do năng lực, danh dự... thì hiếm khi xảy ra".

Sử gia Dương Trung Quốc, nguyên Đại biểu Quốc hội nhiều nhiệm kỳ từ năm 2002 đến năm 2021, khi trả lời RFA từ Hà Nội trước đây cho rằng, ‘từ chức’ nhìn bề ngoài đúng là sự tự nguyện, nhưng bản chất là gần như một sự bắt buộc. Bởi vì, theo ông Dương Trung Quốc, điều quan trọng nhất mà Việt Nam chưa có, là thiếu một nền hệ thống giá trị xã hội. Ông Dương Trung Quốc nêu lại chuyện các vị quan ngày xưa, tính liêm sỉ rất lớn, chỉ vì những lý do gia đình, hay sự gánh vác, người ta lượng sức mình và sẽ từ chức, việc này dựa trên một nền tảng giáo dục xưa. Ông nói :

"Nói cách khác, chính cái sức ép của xã hội, sức ép của các giá trị ấy, mà người ta chấp nhận từ chức. Ai cũng biết từ chức là từ bỏ quyền lực, từ bỏ kể cả lợi ích nữa. Nhưng họ lựa chọn giữa hai giá trị ấy trong mặt bằng giá trị xã hội, thì họ thấy từ chức vẫn hơn. Và hành vi từ chức ấy nó cũng có một giá trị xã hội để người ta chia sẻ, thậm chí người ta tôn trọng. Nhưng rõ ràng điều đó không đúng trong một xã hội hiện đại".

Ông Dương Trung Quốc nói thêm, ở những quốc gia khác từ chức là một tập quán vì cũng phải chịu sức ép xã hội rất lớn. Thậm chí người trong cuộc có muốn tồn tại cũng không được vì sẽ có những cơ chế khác, buộc phải từ chức. Tuy nhiên ở chiều ngược lại, đôi khi muốn từ chức cũng không được :

"Các quan chức thì gắn liền với quyền lực và lợi ích, mà lợi ích không phải của cá nhân, đôi khi cái mà chúng ta gọi là lợi ích nhóm, lợi ích của một nhóm người. Và khi anh muốn từ chức cũng không từ chức nổi nữa cơ, vì nó ràng buộc lẫn nhau. Vì thế tôi cho rằng điều quan trọng hiện nay là cần ra được một cái giá trị xã hội, mà giá trị xã hội thông qua dư luận xã hội, giáo dục xã hội".

Theo ông Dương Trung Quốc, quan trọng nhất là ý thức của những vị quan chức của Việt Nam, họ phải quan tâm đến dư luận xã hội. Nói cách khác, theo ông Dương Trung Quốc, đó là chuẩn mực về nghiêm chỉnh cần có trong mỗi một con người, nhất là những quan chức càng cao cấp, càng cần phải có chuẩn mực đó.

Nguồn : RFA, 03/08/2022

Quay lại trang chủ

Additional Info

  • Author: RFA tiếng Việt
Read 362 times

Viết bình luận

Phải xác tín nội dung bài viết đáp ứng tất cả những yêu cầu của thông tin được đánh dấu bằng ký hiệu (*)