Hà Nội buộc các hãng công nghệ nước ngoài lưu dữ liệu, đặt văn phòng ở Việt Nam
Thanh Phương, RFI, 19/08/2022
Chính phủ Hà Nội vừa yêu cầu các công ty nước ngoài trong các lĩnh vực viễn thông, Internet, mạng xã hội phải lưu dữ liệu người dùng, đặt văn phòng đại diện tại Việt Nam.
Ảnh minh họa : Logo tập đoàn Meta (chủ sở hữu Facebook) trên nền logo Google. Reuters - Dado R uvic
Theo hãng tin Reuters, quy định mới này nằm trong nghị định 53 vừa được chính phủ ban hành hôm thứ Tư 17/08/2022 và sẽ có hiệu lực kể từ ngày 01/10, được áp dụng đối với các tập đoàn như Google hay Meta (sở hữu mạng xã hội Facebook).
Nghị định nêu rõ : " Dữ liệu của toàn bộ người sử dụng Internet, từ thông tin tài chính và dữ liệu sinh trắc cho đến thông tin về sắc tộc và quan điểm chính trị, hoặc bất cứ các dữ liệu nào mà người sử dụng tạo ra khi truy cập Internet, đều phải được lưu trữ trong nước".
Cũng theo nghị định mới được ban hành, các công ty nước ngoài có 12 tháng để thực hiện việc lưu trữ dữ liệu, đặt chi nhánh, văn phòng tại Việt Nam sau khi nhận được chỉ thị của bộ Công An Việt Nam. Các công ty này phải lưu trữ dữ liệu trong một thời gian tối thiểu là 24 tháng.
Nghị định còn nêu rõ nhà chức trách Việt Nam sẽ có quyền yêu cầu các doanh nghiệp nước ngoài thu thập các dữ liệu nhằm mục đích điều tra và có quyền yêu cầu các nhà cung cấp dịch vụ trên Internet gỡ bỏ các nội dung bị xem là vi phạm các quy định của chính phủ.
Hai tập đoàn Google và Meta chưa trả lời hãng tin Reuters về quy định nói trên.
Chính phủ Việt Nam hiện vẫn kiểm duyệt chặt chẽ báo chí nói chung và không chấp nhận những ý kiến bất đồng với Nhà Nước trên các phương tiện truyền thông, kể cả trên mạng Internet. Trong những năm qua, Hà Nội đã ban hành các quy định kiểm soát gắt gao hơn mạng Internet, đặc biệt là Luật An ninh Mạng có hiệu lực từ năm 2019 và Bộ Quy Tắc Ứng Xử Trên Mạng Xã Hội, được ban hành tháng 7 năm ngoái.
Thanh Phương
************************
Hà Nội buộc các hãng công nghệ lưu trữ tại Việt Nam dữ liệu người dùng
RFA, 18/08/2022
Chính phủ Hà Nội ban hành nghị định buộc các hãng công nghệ phải lưu trữ ngay tại Việt Nam dữ liệu người sử dụng cũng như thành lập văn phòng tại quốc gia này. Đây là biện pháp mới nhất của chính phủ Việt Nam nhằm siết chặt các quy định về an ninh mạng.
AFP
Reuters loan tin ngày 18/8, dẫn nghị định mới ban hành vào ngày 15/8. Theo đó, những hãng chủ quản các mạng xã hội như Google, Facebook…và những hãng truyền thông là đối tượng chịu chi phối bởi quy định mới bắt đầu có hiệu lực từ ngày 1/10 tới đây.
Nghị định 53/2022/NĐ-CP nêu rõ các dữ liệu phải lưu trữ tại Việt Nam bao gồm : thông tin cá nhân của người sử dụng dịch vụ tại Việt Nam ; dữ liệu do người sử dụng dịch vụ tại Việt Nam tạo ra (tên tài khoản sử dụng dịch vụ, thời gian sử dụng, thông tin thẻ tín dụng, địa chỉ thư điện tử, địa chỉ mạng đăng nhập/đăng xuất gần nhất, số điện thoại đăng ký được gắn với tài khoản hoặc dữ liệu) ; dữ liệu về mối quan hệ của người sử dụng dịch vụ tại Việt Nam : bạn bè, nhóm mà người sử dụng kết nối hoặc tương tác.
Cơ quan chức năng có quyền đưa ra yêu cầu thu thập dữ liệu để phục vụ công tác điều tra và yêu cầu nhà cung cấp dịch vụ xóa nội dung bị cho vi phạm đường lối, chính sách của chính phủ.
Các hãng nước ngoài có 12 tháng để lập kho lưu trữ dữ liệu địa phương và văn phòng đại diện sau khi nhận được hướng dẫn của Bộ Công an. Dữ liệu người sử dụng phải lưu tại Việt Nam ít nhất trong vòng 24 tháng.
Reuters có liên lạc với Google và Facebook để hỏi về nghị định mới ban hành như vừa nêu nhưng chưa được phúc đáp.
Chính phủ Hà Nội dưới sự lãnh đạo toàn diện của Đảng Cộng sản Việt Nam tiếp tục duy trì biện pháp kiểm duyệt chặt chẽ đối với truyền thông và bất dung tối đa đối lập. Trong mấy năm qua, các quy định về mạng toàn cầu Internet được siết chặt với đỉnh điểm là Luật An ninh Mạng có hiệu lực từ đầu năm 2019, rồi quy tắc về ứng xử trên mạng xã hội được ban hành vào tháng sáu vừa qua.
*********************
Việt Nam yêu cầu các công ty công nghệ lưu trữ dữ liệu người dùng trong nước
VOA, 18/08/2022
Chính phủ Việt Nam vừa ra yêu cầu buộc các công ty công nghệ lưu trữ dữ liệu của người dùng tại quốc gia này và thành lập các văn phòng tại địa phương, động thái mới nhất của nhà nước nhằm thắt chặt các quy tắc an ninh mạng.
Trang Facebook của Chính phủ Việt Nam.
Hãng tin Reuters dẫn một nghị định vừa được ban hành cho biết quy định này sẽ áp dụng cho các công ty truyền thông xã hội như Google của công ty Alphabet Inc. và Facebook của công ty Meta, và áp dụng cho các nhà khai thác viễn thông có hoạt động tại Việt Nam.
Cổng thông tin Chính phủ Việt Nam cho biết yêu cầu này được nêu trong Nghị định số 53/2022/NĐ-CP, được Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam ký ban hành hôm 15/8 trong đó quy định chi tiết một số điều của Luật An ninh mạng. Nghị định sẽ có hiệu lực vào ngày 1/10.
Điều 26 của Nghị định nêu rõ rằng dữ liệu phải lưu trữ tại Việt Nam bao gồm : dữ liệu về thông tin cá nhân của người sử dụng dịch vụ tại Việt Nam ; dữ liệu do người sử dụng dịch vụ tại Việt Nam tạo ra như tên tài khoản, thời gian sử dụng, thông tin thẻ tín dụng, địa chỉ thư điện tử, địa chỉ mạng (IP) đăng nhập, đăng xuất gần nhất, số điện thoại đăng ký được gắn với tài khoản hoặc dữ liệu ; và dữ liệu về mối quan hệ của người sử dụng dịch vụ tại Việt Nam như bạn bè, nhóm mà người sử dụng kết nối hoặc tương tác.
Đối với các công ty nước ngoài có kinh doanh viễn thông, lưu trữ, chia sẻ dữ liệu trên không gian mạng, các công ty quản lý hoặc vận hành thông tin khác trên không gian mạng dưới dạng tin nhắn, cuộc gọi thoại, cuộc gọi video, thư điện tử… ngoài yêu cầu phải đặt chi nhánh hoặc văn phòng tại Việt Nam, còn phải lưu trữ dữ liệu như nêu trên "nếu dịch vụ do doanh nghiệp cung cấp bị sử dụng thực hiện hành vi vi phạm pháp luật về an ninh mạng".
Cơ quan chức năng của Việt Nam sẽ có quyền đưa ra yêu cầu thu thập dữ liệu cho mục đích điều tra và yêu cầu các nhà cung cấp dịch vụ xóa nội dung nếu nội dung đó bị cho là vi phạm hướng dẫn của chính phủ, nghị định cho biết thêm.
Một điều khoản của nghị định cho biết nhật ký hệ thống để phục vụ điều tra, xử lý hành vi vi phạm pháp luật về an ninh mạng phải được lưu trữ tối thiểu là 12 tháng.
Các công ty nước ngoài sẽ có 12 tháng để thành lập cơ quan lưu trữ dữ liệu tại địa phương và văn phòng đại diện sau khi nhận được chỉ thị của Bộ trưởng Bộ Công an, và sẽ phải lưu trữ dữ liệu trong nước trong thời gian tối thiểu là 24 tháng, nghị định yêu cầu.
Nghị định cho biết Cục An ninh mạng và phòng, chống tội phạm sử dụng công nghệ cao thuộc Bộ Công an sẽ thông báo, hướng dẫn, theo dõi, giám sát doanh nghiệp thực hiện yêu cầu lưu trữ dữ liệu, đặt chi nhánh hoặc văn phòng đại diện tại Việt Nam.
Hãng tin Reuters đã liên hệ hai công ty công nghệ của Hoa Kỳ gồm Google và Facebook, để xin ý kiến bình luận về nghị định mới này, nhưng chưa được phản hồi.
Theo Reuters, Đảng Cộng sản Việt Nam lãnh đạo và duy trì sự kiểm duyệt các phương tiện truyền thông chặt chẽ và dường như không chấp nhận bất đồng chính kiến.
Quốc gia Cộng sản này đã thắt chặt các quy định về Internet trong vài năm qua, đỉnh điểm là Luật an ninh mạng có hiệu lực vào năm 2019 và ban hành quy tắc ứng xử trên mạng xã hội vào tháng 6 năm ngoái.