Quốc tế lên án chính quyền Việt Nam vì giữ nguyên bản án đối với bà Phạm Đoan Trang
RFA, 26/08/2022
Liên Hiệp Châu Âu (EU), Chính phủ Hoa Kỳ, Đặc ủy Nhân quyền Đức và tổ chức Phóng viên Không Biên giới (RSF) đồng loạt lên tiếng chỉ trích chính quyền Việt Nam ngay sau khi Tòa án Nhân dân Cấp cao tại Hà Nội bác bỏ kháng cáo của nhà báo Phạm Đoan Trang và giữ nguyên bản án chín năm tù giam trong phiên phúc thẩm ngày 25/8.
Facebook Phạm Đoan Trang
"Kêu gọi Việt Nam chăm sóc y tế đầy đủ cho bà Trang"
Chỉ vài giờ sau khi phiên tòa phúc thẩm xử nhà báo nổi tiếng kết thúc, Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ ra thông cáo báo chí bày tỏ sự quan ngại sâu sắc về việc y án tù đối với bà.
Phát ngôn nhân Ned Price của Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ nói bà Trang, người được Ngoại trưởng Anthony Bliken trao giải Phụ nữ Can đảm Quốc tế 2022, là một nhà hoạt động nhân quyền được quốc tế ghi nhận.
Ông Ned Price nhắc lại việc Nhóm Công tác về bắt giữ tuỳ tiện của Liên Hiệp quốc công bố việc bắt giữ bà Trang là tùy tiện và đi ngược lại những cam kết quốc tế về nhân quyền của Việt Nam.
Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ nhấn mạnh tình trạng sức khỏe tồi tệ của bà Trang và thúc giục Việt Nam cung cấp dịch vụ chữa trị y tế, thuốc men và cho phép tiếp cận để đánh giá tình trạng của nhà báo này.
Cho rằng việc tiếp tục cầm tù bà Trang là hành động mới nhất của chiến dịch đàn áp quyền tự do ngôn luận ở Việt Nam, Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ kêu gọi Hà Nội phóng thích bà và cho phép mọi người ở Việt Nam được thực hành quyền tự do biểu đạt như được quy định trong Hiến pháp Việt Nam và các công ước quốc tế về nhân quyền mà Hà Nội đã ký.
Cựu tù nhân lương tâm Nguyễn Vũ Bình từ Hà Nội nói với phóng viên RFA cho rằng, bản án của tòa phúc thẩm đối với những nhà bất đồng chính kiến thường giữ nguyên mức án là xu hướng chung hiện nay. Ông nói :
"Cô Phạm Đoan Trang có việc làm và ảnh hưởng không chỉ lên người dân trong nước mà còn ảnh hưởng tầm quốc tế, cô được rất nhiều giải thưởng quốc tế. Chính vì thế mà nhà cầm quyền Việt Nam rất mạnh tay trong việc xử án và giữ nguyên mức án đối với Phạm Đoan Trang".
Ông JB Nguyễn Hữu Vinh, quyền Chủ tịch Hội Nhà báo Độc lập Việt Nam khẳng định :
"Việc nhà cầm quyền Hà Nội y án đối với nhà báo Phạm Đoan Trang là điều không ai lạ. Là sự trả thù đối với công dân, sự trả thù sự hằn học đối với một người viết báo người phụ nữ bị tàn tật vì sự tấn công của lực lượng an ninh.
Cả hệ thống bây giờ không buông tha một người phụ nữ và theo tôi đó là sự trả thù hèn hạ bỉ ổi của nhà cầm quyền cộng sản Việt Nam đối với một người cầm bút có lương tâm đối với đất nước và dân tộc".
Bản án đi ngược lại với luật nhân quyền quốc tế
Trong khi đó, bà Nabila Massrali - Người phát ngôn về Chính sách An ninh và Đối ngoại của Liên Hiệp Châu Âu (EU) gọi tội danh mà bà Trang bị tòa án tuyên là "mơ hồ".
Dẫn lại các bản án phúc thẩm trong tháng 8 đối với các nhà lãnh đạo xã hội dân sự có đăng ký với nhà nước như ông Đặng Đình Bách và ông Mai Phan Lợi, EU cho rằng các vụ "bắt giữ và kết án tùy tiện đối với các nhà hoạt động ôn hòa và các nhà báo là trái ngược trực tiếp với luật nhân quyền quốc tế".
EU tiếp tục kêu gọi nhà chức trách Việt Nam trả tự do cho tất cả người hoạt động nhân quyền bị bắt giữ một cách tùy tiện, đồng thời yêu cầu Hà Nội cho phép việc theo dõi phiên tòa và đảm bảo quyền được xét xử công bằng cho tất cả các cá nhân.
Trong phiên tòa xử bà Trang vào sáng 25/8, đại diện các Đại sứ quán của nhiều nước tự do và cả Liên Hiệp Châu Âu đề nghị được dự khán phiên xử nhưng bị từ chối, với lý do là "Bộ Ngoại giao mới là bên cấp phép" cho dù họ đã gửi đơn đề nghị từ trước.
Liên Hiệp Châu Âu khẳng định, sẽ tiếp tục theo dõi tình hình nhân quyền ở Việt Nam và tích cực hướng tới việc cải thiện tình hình nhân quyền.
Trong cùng ngày, tổ chức Phóng viên Không Biên giới (RSF) có trụ sở tại Pháp ra thông cáo kêu gọi các đối tác thương mại của Việt Nam, trong đó có Liên Hiệp Châu Âu và Hoa Kỳ, sử dụng các hiệp định thương mại với Hà Nội để gây sức ép, buộc Việt Nam phải trả tự do cho bà Trang, người được tổ chức này trao giải Tự do Báo chí năm 2019.
"Cuộc chiến đấu của cô ấy cho một nền báo chí tự do cho tất cả vượt qua biên giới của Việt Nam và là cuộc chiến cho quyền phổ quát", Daniel Bastard, Trưởng ban Châu Á-Thái Bình Dương của RSF nói trong thông cáo.
"Đây là lý do tại sao chúng tôi kêu gọi các đối tác kinh tế của Hà Nội, đặc biệt là EU và Hoa Kỳ, áp đặt các biện pháp trừng phạt có mục tiêu đối với các quan chức Việt Nam chịu trách nhiệm về hiện trạng không thể chấp nhận được của nhà báo này", ông nói.
Bản án phúc thẩm là "bước thụt lùi nghiêm trọng về nhân quyền"
Đặc ủy về Chính sách nhân quyền và Hỗ trợ nhân đạo của Chính phủ Liên bang Đức, bà Luise Amtsberg, trong ngày 25/8 bày tỏ sự phẫn nộ đối với bản án phúc thẩm nhà báo nổi tiếng :
"Bản án phúc thẩm đối với bà Phạm Thị Đoan Trang tiếp tục là một bước thụt lùi nghiêm trọng về nhân quyền và xã hội dân sự tại Việt Nam. Trong vai trò là nhà báo, tác giả và nhà hoạt động, bà Phạm Thị Đoan Trang đã nỗ lực vì các quyền công dân, nhà nước pháp quyền và bảo vệ môi trường trong nhiều năm. Vì sự dấn thân quả cảm của mình mà bà Trang bị kết án 9 năm tù. Điều này thật gây phẫn nộ".
Đặc ủy của Đức cho rằng, việc y án với bà Trang là tiếp nối hàng loạt các bản án đối với các nhà hoạt động môi trường và đại diện xã hội dân sự Việt Nam trong năm nay, bằng cách đó "Chính phủ Việt Nam ngày càng hạn chế phạm vi tham gia của người dân– và do đó hạn chế một nguồn sáng tạo, đổi mới và hội nhập quốc tế có giá trị".
Bà Luise Amtsberg đề nghị đề nghị Chính phủ Việt Nam trả tự do cho bà Trang và các nhà bảo vệ nhân quyền khác cũng như chấm dứt các biện pháp đàn áp của mình.
Đặc ủy Nhân quyền Đức giữ chức vụ từ đầu năm 2022, kêu gọi Chính phủ Việt Nam bảo đảm các nguyên tắc nhà nước pháp quyền trong các vụ án hình sự và cho phép đại diện quốc tế quan sát các phiên tòa.
Ngoài ra, nhiều tờ báo quốc tế lớn đưa tin về phiên phúc thẩm và việc y án đối với nhà hoạt động Phạm Đoan Trang, trong đó có hãng tin Reuters, The Washington Post, AP và ABC News.
Trong bài báo "Tòa án Việt Nam y án chín năm tù giam đối với một nhà hoạt động dân chủ", trang Aljazeera ngợi ca các hoạt động của bà Phạm Đoan Trang. Trong đó cho biết bà viết về nhiều chủ đề bao gồm quyền của người đồng tính, chuyển giới, quyền của phụ nữ, môi trường và hoạt động dân chủ.
Hầu hết các tác phẩm của bà Trang được xuất bản một cách bí mật, bao gồm cả cuốn Chính trị bình dân- một cuốn sách hướng dẫn cho người mới hoạt động.
Theo Aljazeera, nhà báo người Hà Nội cũng được biết đến với hoạt động tích cực, tham gia nhiều cuộc tuần hành ủng hộ những người bất đồng chính kiến bị cầm tù và về môi trường.
Nguồn : RFA, 26/08/2022
*************************
Mỹ, EU quan ngại về bản án phúc thẩm đối với nhà báo Phạm Đoan Trang
VOA, 26/08/2022
Hoa Kỳ, Liên Hiệp Châu Âu (EU) và các tổ chức quốc tế hôm 25/8 bày tỏ quan ngại về việc chính quyền Việt Nam y án tù 9 năm đối với nhà báo Phạm Đoan Trang, đồng thời kêu gọi trả tự ngay lập tức cho bà.
Trang Twitter chính thức của Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ Ned Price, 25/8/2022.
Tuyên bố của Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ
"Hoa Kỳ hết sức lo ngại trước bản án được giữ nguyên và bản án 9 năm tù đối với tác giả và nhà báo Việt Nam nổi tiếng Phạm Đoan Trang", Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ Ned Price cho biết trong một tuyên bố.
"Bà Trang, người từng đoạt Giải thưởng Phụ nữ Dũng cảm Quốc tế (IWOC) của Bộ trưởng Ngoại giao Hoa Kỳ năm 2022, đã được quốc tế công nhận vì công việc thúc đẩy nhân quyền và thúc đẩy các vấn đề quản trị tốt ở Việt Nam. Vào tháng 9/2021, Nhóm công tác của Liên hợp quốc về việc giam giữ tùy tiện đã phát hiện ra rằng việc giam giữ bà Trang là tùy tiện và trái với các cam kết quốc tế về nhân quyền của Việt Nam", ông Price ca ngợi những hoạt động của nữ nhà báo đang bị chính quyền giam cầm.
Tuyên bố của Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ về việc y án nhà báo Phạm Đoan Trang, ngày 25/8/2022.
Ông đồng thời lên tiếng về những vấn đề sức khỏe của bà ở trại giam : "Chúng tôi ghi nhận các báo cáo về tình trạng sức khỏe giảm sút của bà Trang và kêu gọi Việt Nam đảm bảo chăm sóc y tế đầy đủ và cho phép bà Trang được thăm khám để đánh giá tình trạng sức khỏe của bà".
Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ nhận định rằng việc bà Trang tiếp tục bị giam giữ là trường hợp mới nhất trong "một mô hình đáng báo động về việc bắt giữ và kết án các cá nhân ở Việt Nam vì đã bày tỏ ý kiến một cách ôn hòa".
Vào cuối bản thông cáo, Bộ Ngoại giao Mỹ đề xuất : "Chúng tôi kêu gọi chính phủ Việt Nam trả tự do cho bà Trang và cho phép mọi cá nhân ở Việt Nam thực hiện quyền tự do ngôn luận mà không sợ bị trả thù, phù hợp với các quy định về quyền con người trong hiến pháp Việt Nam, cũng như các nghĩa vụ và cam kết quốc tế của Việt Nam".’
Tuyên bố của EU
"Hôm nay, tòa phúc thẩm Hà Nội giữ nguyên bản án đối với bà Phạm Đoan Trang với tội danh mơ hồ là "tuyên truyền chống phá nhà nước". Trong tháng 8, các bản án phúc thẩm đối với các nhà hoạt động nhân quyền và xã hội dân sự khác cũng được giữ nguyên tương tự, bao gồm bản án dành cho ông Đặng Đình Bách và ông Mai Phan Lợi vì cáo buộc trốn thuế", người phát ngôn EU cho biết.
Tuyên bố của EU về bản án phúc thẩm đối với nhà báo Phạm Đoan Trang.
"Nhiều vụ bắt giữ và kết án tùy tiện đối với các nhà hoạt động ôn hòa và các nhà báo là trái ngược trực tiếp với luật nhân quyền quốc tế. Liên Hiệp Châu Âu tiếp tục kêu gọi nhà cầm quyền Việt Nam trả tự do cho tất cả những người bảo vệ nhân quyền bị bắt giữ một cách tùy tiện".
EU kêu gọi nhà chức trách Việt Nam cho phép việc theo dõi phiên tòa và đảm bảo quyền được xét xử công bằng cho tất cả các cá nhân.
EU cho biết rằng sẽ tiếp tục theo dõi tình hình nhân quyền ở Việt Nam và tích cực hướng tới việc cải thiện tình hình nhân quyền.
RSF kêu gọi đối tác thương mại gây áp lực với Việt Nam
Cũng hôm 25/8, tổ chức Phóng viên Không biên giới (RSF) bày tỏ sự bất bình trước bản án phúc thẩm của bà Trang.
"Bị giam giữ gần hai năm, nhà báo, người đoạt giải RSF 2019 về quyền tự do báo chí, đã bác bỏ cáo buộc "Tuyên truyền chống nhà nước". Tổ chức Phóng viên Không Biên giới (RSF) kêu gọi các đối tác thương mại của Việt Nam, chẳng hạn như EU và Hoa Kỳ, yêu cầu trả tự do cho bà Phạm Đoan Trang như một phần trong thỏa thuận của họ với Hà Nội".
Ông Daniel Bastard, Giám đốc văn phòng Châu Á - Thái Bình Dương của RSF cho biết : "Đáng tiếc, việc bà Phạm Đoan Trang bị y án ở phiên phúc thẩm không phải là một điều bất ngờ, vì công lý Việt Nam đang nằm dưới gót chân của bộ máy do đảng cầm quyền".
"Cuộc chiến của bà cho một nền báo chí tự do cho tất cả mọi người vượt ra ngoài biên giới của đất nước, đó là cuộc chiến cho một quyền phổ quát. Đây là lý do tại sao chúng tôi kêu gọi các đối tác kinh tế của Hà Nội, EU và Hoa Kỳ đi đầu, áp đặt các biện pháp trừng phạt có mục tiêu đối với các chức sắc Việt Nam chịu trách nhiệm về số phận không thể chấp nhận được của nhà báo".
Ủy ban Bảo vệ ký giả (CPJ)
Hôm 25/8, Ủy ban Bảo vệ ký giả (CPJ) dẫn lời ông Shawn Crispin, đại diện khu vực Đông Nam Á của tổ chức này phát biểu : "CPJ mạnh mẽ lên án phán quyết của tòa án ngày hôm nay bác bỏ kháng cáo của nhà báo Phạm Đoan Trang về bản án 9 năm tù của bà. Việt Nam phải trả tự do cho bà Trang và tất cả các nhà báo khác mà nước này giam giữ một cách sai trái sau song sắt".
Bà Trang là người vừa được CPJ tuyên bố sẽ trao giải thưởng Tự do Báo chí Quốc tế (IPFA) năm 2022, dự kiến sẽ diễn ra ở New York, Mỹ, vào tháng 11 sắp tới.
Sáng ngày 25/8, Tòa án Nhân dân Cấp cao tại Hà Nội tuyên y án 9 năm tù đối với nhà báo Phạm Đoan Trang với tội danh "Tuyên truyền chống nhà nước" theo Điều 88 Bộ Luật Hình sự 1999.
Một luật sư bào chữa của bà Trang cho VOA biết rằng Hội đồng xét xử cắt ngang lời phát biểu sau cùng của bà Trang, đồng thời nói thêm rằng thân nhân và đại diện các cơ quan ngoại giao các nước phương Tây, bao gồm Mỹ, EU, Đức và các tổ chức quốc tế không được phép vào dự phiên tòa.
Nhà báo độc lập Phạm Đoan Trang, người bị chính quyền Việt Nam bắt giam vào tháng 10/2020 và ra tòa xử sơ thẩm vào tháng 12/2021, bị Hội đồng xét xử hôm 25/8 cáo buộc rằng các "hành vi" của bà là "nguy hiểm cho xã hội, thực hiện với lỗi cố ý xâm phạm chế độ xã hội chủ nghĩa và Nhà nước trên lĩnh vực tư tưởng-văn hóa, xã hội, xâm phạm đến sự vững mạnh của chính quyền nhân dân".
Nguồn : VOA, 26/08/2022
*************************
Việt Nam : Xử phúc thẩm nhà báo Phạm Đoan Trang, tòa tuyên y án 9 năm tù
Thanh Phương, RFI, 25/08/2022
Theo tin từ báo chí trong nước, trong phiên xử phúc thẩm nhà báo Phạm Đoan Trang hôm 25/08/2022, Tòa án Nhân dân Cấp cao Thành phố Hà Nội đã tuyên y án 9 năm tù với tội danh "Tuyên truyền chống nhà nước".
Nhà báo Phạm Đoan Trang (Ảnh chụp màn hình trang web của tổ chức nhân quyền Amnesty International) © amnesty.org/Paul Mooney
Năm nay 44 tuổi, Phạm Đoan Trang là một blogger và nhà hoạt động nhân quyền nổi tiếng ở Việt Nam, từng được trao nhiều giải thưởng quốc tế về nhân quyền, trong đó có giải Tự do Báo chí 2019 của tổ chức Phóng viên không biên giới, hay Giải Phụ nữ Can đảm Quốc tế 2022 của Bộ Ngoại giao Mỹ. Bà cũng là tác giả một số cuốn sách về dân chủ, nhân quyền.
Nhà báo Phạm Đoan Trang đã bị bắt vào ngày 06/10/2020 tại Sài Gòn, sau đó bị đưa về giam ở Hà Nội. Trong phiên xử sơ thẩm vào ngày 14/12/2021, tòa án Hà Nội đã kết án bà Phạm Đoan Trang 9 năm tù với cáo buộc "Tuyên truyền chống nhà nước". Cụ thể, Phạm Đoan Trang bị cáo buộc "có hành vi làm, tàng trữ, lưu hành các tài liệu, bài viết có nội dung nhằm chống Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam", trả lời phỏng vấn trên truyền thông nước ngoài "với nội dung xuyên tạc đường lối, chính sách của Nhà nước, phỉ báng chính quyền nhân dân, phao tin bịa đặt gây hoang mang trong nhân dân".
Trong phiên xử phúc thẩm hôm nay, nhà báo Phạm Đoan Trang vẫn dứt khoát không nhận tội, cho nên tòa đã tuyên y án 9 năm tù.
Trong những ngày trước phiên xử phúc thẩm, nhiều tổ chức nhân quyền quốc tế, như Human Rights Watch, Ân xá Quốc tế, Ủy ban Bảo vệ Nhà báo, Văn bút Quốc tế Hoa Kỳ, đã kêu gọi trả tự do cho bà Phạm Đoan Trang, đồng thời bày tỏ quan ngại về tình trạng sức khỏe của nhà hoạt động này trong tù.
Hôm 14/03 vừa qua, tại lễ trao giải thưởng "Phụ nữ Can đảm Quốc tế" (IWOC) cho Phạm Đoan Trang cùng 11 phụ nữ khác trên toàn cầu, ngoại trưởng Hoa Kỳ Antony Blinken cũng đã lên án "sự giam cầm bất công" đối với nhà báo này, đồng thời kêu gọi trả tự do cho bà.
Thanh Phương
*************************
Nhà báo Phạm Đoan Trang phủ nhận cáo buộc, bị tuyên y án chín năm tù
RFA, 25/08/2022
Trong phiên tòa phúc thẩm kéo dài khoảng ba giờ đồng hồ ngày 25/8, Tòa án Nhân dân Cấp cao tại Hà Nội giữ nguyên mức án chín năm tù giam đối với nhà hoạt động nhân quyền và nhà báo nổi tiếng Phạm Đoan Trang cho tội danh "tuyên truyền chống nhà nước" theo Điều 88 của Bộ luật Hình sự cũ.
RFA
Bà Trang, 44 tuổi, bị bắt vào đầu tháng 10 năm 2020, và sau đó bị Tòa án Nhân dân thành phố Hà Nội kết tội trong phiên sơ thẩm vào cuối tháng 12/2021.
Có bốn luật sư bào chữa cho nhà báo người Hà Nội trong phiên tòa, cho biết bà không thừa nhận tội, giữ im lặng trong phần lớn thời gian xử án. Luật sư Trịnh Vĩnh Phúc nói qua điện thoại :
"Luật sư Nguyễn Văn Miếng khi ông đề cập tới sự xung đột về pháp luật giữa điều luật của Việt Nam và điều ước quốc tế, luật sư phân tích bị chủ toạ phiên tòa chặn lại không cho phát biểu và nói rằng ở đây tòa xử theo pháp luật Việt Nam".
Luật sư Phúc cũng cho biết đồng nghiệp của ông cũng bị chủ toạ ngắt lời khi nói rằng thân chủ Phạm Đoan Trang được cộng đồng quốc tế đánh giá cao bằng việc trao nhiều giải thưởng uy tín cho bà nhưng lại bị nhà nước Việt Nam bỏ tù.
Ông cho biết thái độ của thẩm phán chủ toạ phiên tòa tương đối ôn hòa trong khi đại diện Viện Kiểm sát tỏ rõ sự thù địch đối với thân chủ của ông. Trong khi chủ toạ phiên tòa đồng ý để bà Trang ngồi khi phát biểu, công tố viên lại hay phản đối điều này.
Mạng báo Tuổi trẻ dẫn lại nhận định của Hội đồng xét xử trong phiên tòa cho rằng, hành vi của bị cáo gây nguy hiểm cho xã hội, thực hiện với lỗi cố ý xâm phạm chế độ xã hội chủ nghĩa và Nhà nước trên lĩnh vực tư tưởng, văn hóa, xã hội. Xâm phạm đến sự vững mạnh của chính quyền nhân dân.
"Bản thân bị cáo là người có trình độ nhận thức nhất định, bị cáo hiểu và biết rõ hậu quả hành vi vi phạm của mình nhưng vẫn tích cực thực hiện trong một thời gian dài, do vậy cần phải xử phạt nghiêm minh", Hội đồng xét xử nhận định.
Bà Trang, vì lý do sức khỏe và có lẽ cũng là thái độ của bà đối với phiên tòa, ngồi trên ghế suốt quá trình xử án, và chỉ đứng lên một lúc khi chủ toạ phiên tòa đọc phần đầu của bản tuyên án. Luật sư Phúc thuật lại :
"Về phần bào chữa không được sôi động như phiên sơ thẩm. Lý do một phần vì bị cáo - cô Phạm Thị Đoan Trang không thiết tha gì đến việc lên tiếng.
Khi tòa hỏi, cô ấy nói không có nhu cầu hỏi đáp và tranh luận, tòa có thể sớm xử và phán quyết thế nào thì cứ tuyên án…
Cô nói bản án đã sắp xếp rồi, án bỏ túi và cho dù cô ấy có nói gì cũng không đi đến đâu. Cô ấy từ chối một số câu hỏi của thẩm phán và nhiều câu hỏi của đại diện Viện kiểm sát".
Thậm chí, thay vì trả lời câu hỏi của công tố viên về môi trường và nhân quyền tác giả của nhiều báo cáo nhân quyền chất vấn ngược lại.
"Khi viện kiểm sát hỏi vì sao và căn cứ vào cơ sở nào bị cáo lại quan tâm đến vấn đề về môi trường và bị cáo có thẩm quyền gì để quan tâm, bà Trang hỏi ngược lại ‘văn bản pháp luật nào quy định công dân không được quan tâm đến môi trường ?’" - Luật sư Trịnh Vĩnh Phúc nói rằng, đại diện Viện kiểm sát cũng nhận được câu chất vấn tương tự khi hỏi về tôn giáo và nhân quyền.
Các luật sư cho biết, thân chủ của họ là công dân có ý thức trách nhiệm trước xã hội và cộng đồng, một nhà báo chân chính, dấn thân muốn lên tiếng về những vấn đề về môi trường, bất công, nhân quyền, bảo vệ phẩm giá con người… Những phát biểu và việc làm của cô ấy vượt ra khỏi khuôn phép hiện nay nhưng không có nghĩa là cô ấy hành động không chính đáng và vi phạm pháp luật.
Họ cho rằng việc kết án của Tòa án Nhân dân thành phố Hà Nội trong phiên sơ thẩm là bất công và cần phải được xem xét để tuyên vô tội và trả tự do ngay tại tòa. Kết thúc bài bào chữa của mình, ông Phúc nói :
"Nếu nỗ lực bào chữa của các luật sư để bào chữa cho bị cáo, sự lên tiếng của nhiều tổ chức nhân quyền quốc tế chưa làm thay đổi được quan điểm của cơ quan nhà nước và cơ quan tòa án thì các ông cứ kết án cô Phạm Đoan Trang nhưng lịch sử sẽ xóa án cho cô ấy !"
Bà Bùi Thị Thiện Căn, mẹ của nhà hoạt động Phạm Đoan Trang, cho RFA biết về cảm nghĩ của bà sau khi nghe phán quyết của tòa.
"Tình huống xảy ra như thế gia đình cũng đã lường trước rồi, cũng không ngỡ ngàng lắm. Bởi vì luật của Việt Nam là xử án bỏ túi mà. Họ chỉ đạo từ bên trên chứ đâu phải bản án được quyết định từ dưới này sau khi luật sư bào chữa đâu".
Bà cho biết bà cùng con trai đến khu vực xử án từ sớm nhưng không được bảo vệ cho vào trong. Đại diện một số cơ quan ngoại giao ngoại quốc của Phái đoàn Liên Hiệp Châu Âu (EU) và các Đại Sứ quán Hoa Kỳ, Cộng hòa Czech, Đức, và Thuỵ Sĩ đã đến nhưng không được vào phòng xử án cho dù họ đã có đơn đề nghị được vào quan sát phiên tòa công khai.
Phía tòa án nói đại diện các cơ quan ngoại giao nước ngoài cần làm việc với Bộ Ngoại giao Việt Nam chứ tòa án không có thẩm quyền cho họ vào dự khán, bà Căn bổ sung.
Nhiều người thuộc giới bất đồng chính kiến ở Hà Nội phàn nàn trên Facebook rằng họ bị an ninh địa phương canh gác ở gần tư gia và không cho họ đi ra ngoài nhằm ngăn cản họ đến khu vực xử án để đồng hành cùng gia đình bà Phạm Đoan Trang.
Theo cáo trạng, từ ngày 16/11/2017 đến 5/12/2018, bà Đoan Trang có hành vi làm ra, tàng trữ, lưu hành các tài liệu, bài viết có nội dung nhằm chống phá Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam.
Bà Trang, từng làm phóng viên và cộng tác cho các tờ báo nhà nước Việt Nam, bà cũng là tác giả của nhiều cuốn sách như Chính trị Bình dân, Cẩm nang nuôi tù, Phản kháng phi bạo lực và một số báo cáo song ngữ, trong đó có Báo cáo Đồng Tâm.
Bà đồng thời cũng là một trong các sáng lập viên hai tờ báo độc lập Luật Khoa tạp chí và The Vietnamese, một tạp chí nhân quyền viết bằng tiếng Anh.
Vì các hoạt động nhân quyền và viết lách của mình, bà Phạm Đoan Trang đã được trao tặng nhiều giải thưởng quốc tế, trong đó có Giải Người Phụ nữ Can đảm 2022 của Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ, giải Tự do Truyền thông (Media Freedom 2022) của hai chính phủ Anh và Canada, giải Homo Homini năm 2017 của People In Need (Cộng hòa Czech), Giải thưởng Tự do Báo chí năm 2019 của Phóng viên Không Biên giới (RFS), Giải thưởng Martin Ennals năm 2022, và giải Tự do Báo chí Quốc tế 2022 của Ủy ban Bảo vệ Ký giả (CPJ).
Trước phiên xét xử, nhiều tổ chức nhân quyền quốc tế như Theo dõi Nhân quyền (HRW), Ân xá Quốc tế (AI), Ủy ban Bảo vệ Ký giả (CPJ), và Văn bút Hoa Kỳ (PEN America) kêu gọi Việt Nam trả tự do ngay lập tức và vô điều kiện cho bà Trang.