Chuyến đi thăm Mỹ của Thủ tướng Việt Nam Nguyễn Xuân Phúc không có tính đột phá, nhưng lại mở ra triển vọng hợp tác quốc phòng, giúp giảm bớt sự lo lắng về xung đột Biển Đông, một chuyên gia hàng đầu của Việt Nam cho biết.
Tàu sân bay củ Hải quân Hoa Kỳ USS Carl Vinson.
Giáo sư Tương Lai nhận định về chuyến thăm Mỹ ba ngày của Thủ tướng Việt Nam Nguyễn Xuân Phúc kết thúc ngày 31/5 như sau :
"Chuyến đi không có những thành công manh tính đột phá nhưng mở ra những triển vọng tương đối tốt đẹp".
Thủ tướng Việt Nam Nguyễn Xuân Phúc và Tổng thống Hoa Kỳ Donald Trump, tại Tòa Bạch Ốc, ngày 31/5/2017.
Theo ông Tương Lai, các triển vọng đó là tăng cường hợp tác quốc phòng song phương, như Mỹ quyết định chuyển giao tàu tuần tra cho Việt Nam, nhằm tăng cường năng lực thực thi pháp luật trên biển, và đặc biệt "Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc bày tỏ quan tâm tới việc tiếp nhận thêm trang thiết bị quốc phòng, bao gồm các tàu tuần tra cho lực lượng cảnh sát biển Việt Nam".
"Trong tuyên bố chung nêu nhiều yếu tố cho thấy rõ mong muốn thúc đẩy mạnh mẽ hơn mối quan hệ giữa Mỹ và Việt Nam, đặc biệt quan hệ quốc phòng, quân sự theo chiều hướng Mỹ giúp Việt Nam nâng cao năng lực kiểm soát vùng biển của mình, còn Việt Nam thì sẵn sàng mua tàu tuần tra biển của Mỹ".
Binh lính Việt Nam tại quần đảo Trường Sa
Giáo sư Tương Lai cũng lưu ý một chi tiết quan trọng trong tuyên bố chung Việt – Mỹ : "Hai nhà lãnh đạo trao đổi về khả năng tàu sân bay Hoa Kỳ thăm cảng Việt Nam và các biện pháp tăng cường hơn nữa hợp tác giữa các lực lượng hải quân hai nước".
Tuyên bố "hợp tác hơn nữa giữa hải quân hai nước", theo nhận định của ông Tương Lai, phần nào làm giảm đi nỗi lo lắng việc Hoa Kỳ có khả năng "đi đêm" với Trung Quốc trong vấn đề tranh chấp Biển Đông, nơi cả Việt Nam và Trung Quốc đều có tuyên bố chủ quyền chồng lấn.
"Ông Trump không chủ trương xoay trục sang Châu Á như ông Obama, nhưng qua thông cáo chung giữa hai nước và qua thái độ đón tiếp ông Nguyễn Xuân Phúc một cách trọng thị, thân tình, thì tôi đánh giá rằng mối lo đối với tình hình Biển Đông, đối với âm mưu của Trung Quốc, đối với việc Mỹ có khả năng đi đêm với Trung Quốc phần nào giảm bớt".
Một chi tiết nữa trong tuyên bố chung, mà theo ông Tương Lai, là rất đáng chú ý : "Hai nhà lãnh đạo nhấn mạnh tầm quan trọng của việc đảm bảo tự do hàng hải, hàng không, và các hình thức sử dụng biển hợp pháp khác ; bày tỏ lo ngại về tác động bất ổn mà những hạn chế bất hợp pháp đối với tự do trên biển gây ra đối với hòa bình và thịnh vượng của khu vực Châu Á – Thái Bình Dương".
Ông Tương Lai nói rằng mặc dù bản tuyên bố chung "không điểm mặt chỉ tên Trung Quốc" trong tranh chấp Biển Đông, nhưng thể hiện rõ quan điểm của Mỹ :
"Tuyên bố chung của hai bên không nói nhiều đến Biển Đông, nhưng nói nhiều đến vấn đề hợp tác quân sự. Quân đội Mỹ lưu trữ những thiết bị vật tư y tế trên lãnh thổ Việt Nam để có thể sử dụng ngay khi cần thiết. Nhấn mạnh tầm quan trọng của tự do hàng hải, hàng không, và các hình thức sử dụng biển hợp pháp khác. Tôi đặc biệt lưu ý việc hai nhà lãnh đạo nhấn mạnh các bên cần kìm chế, không có các hành động có thể gây gia tăng căng thẳng, như việc quân sự hóa các cấu trúc có tranh chấp. Tuy không điểm mặt chỉ tên, nhưng ai cũng biết, đó là hành động ăn cướp của Trung Quốc, đang gây căng thẳng ở Biển Đông và xâm phạm quyền chủ quyền của Việt Nam và vi phạm luật pháp quốc tế".
Đoàn các nhà lập pháp Hoa Kỳ do TNS John McCain dẫn đầu đến thăm tàu USS John McCain tại quân cảng Cam Ranh, Khánh Hòa, ngày 2/6/2017. (Ảnh Người Lao động)
Ngoài ra, vị giáo sư 81 tuổi này còn cho rằng Mỹ thể hiện rõ quan điểm có trách nhiệm trong vấn đề Biển Đông :
"Khi mà bản tuyên bố nói rằng Tổng thống Trump nhấn mạnh việc Hoa Kỳ tiếp tục cho các tàu và máy bay di chuyển, hoạt động tại bất kỳ nơi nào luật pháp quốc tế cho phép – điều đó thể hiện rằng Mỹ có thái độ trách nhiệm đối với vấn đề Biển Đông, Mỹ không làm lơ trước những hành động ngang ngược của Trung Quốc trên Biển Đông".
Ông Nguyễn Xuân Phúc là nhà lãnh đạo Đông Nam Á đầu tiên thăm Tòa Bạch Ốc kể từ khi Tổng thống Trump nhậm chức vào tháng Giêng. Đài truyền hình CNBC nói rằng Hà Nội có thể nổi lên như một nhân tố chủ chốt trong nỗ lực dài hạn của chính quyền Mỹ về Đông Nam Á, nhắm mục đích hóa giải ảnh hưởng của Bắc Kinh trong Biển Đông.
Trong một diễn biến liên quan, tại diễn đàn Đối thoại Shangri - La hàng năm ở Singapore vào ngày 3/6, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ James Mattis nói việc xây dựng và quân sự hóa các đảo nhân tạo ở Biển Đông làm suy yếu sự ổn định của khu vực và cáo buộc Trung Quốc coi thường lợi ích của các quốc gia khác và không tuân thủ luật pháp quốc tế.
Trang Zing.vn cho biết Việt Nam không tham dự cấp Bộ trưởng nên không phát biểu tại phiên toàn thể tại Đối thoại Shangri-La 2017.
Tuy nhiên, thứ trưởng Bộ Công an, Thượng tướng Bùi Văn Nam, đại diện Đoàn Việt Nam nêu quan điểm để giải quyết xung đột trên Biển Đông như sau : "Tại Đối thoại Shangri-La lần này, Việt Nam tiếp tục trao đổi với mọi đối tác có liên quan để thống nhất mọi vấn đề trên biển được giải quyết bằng luật pháp quốc tế, tôn trọng lợi ích chủ quyền của nhau, giải quyết bằng biện pháp hòa bình. Đồng thời, chúng ta cũng tạo sự tin cậy và tăng cường hợp tác, tránh hiểu lầm và cố gắng để các nước gần nhau hơn".