Việt Nam được lợi nhiều nhất trong kỷ nguyên phi toàn cầu hóa
Hàng chữ "Made in Vietnam" ngày càng được nhìn thấy bằng rất nhiều thứ tiếng. Thương chiến Mỹ-Trung, zero Covid của Trung Quốc khiến nhiều tên tuổi lớn dịch chuyển sản xuất sang Việt Nam. Trong lúc toàn cầu hóa đang xuống dốc, Việt Nam không thể sao chép những mô hình cũ. Các nhà quản lý và kỹ thuật viên lành nghề người Việt vẫn còn hiếm hoi, nên Việt Nam cần phải đầu tư nhiều vào con người chứ không chỉ cơ sở hạ tầng.
Công nhân làm việc tại nhà máy xe hơi của VinFast ở Hải Phòng, ngày 10/09/2022. Reuters - Staff
Courrier International và L'Obs cùng đặt câu hỏi "Ukraine, bước ngoặt trong cuộc chiến ?". L'Express đăng ảnh tổng thống Nga ở trang bìa, trên một cái nền âm u, chạy tựa "Vladimir Putin, vì sao ông ta có thể bại trận" và dành trọn hồ sơ cho chủ đề chiến tranh Ukraine. Đặc biệt Le Point tuy hồ sơ kỳ này về khí hậu, nhưng có đến ba trang báo được dành cho bài viết "Phạm Nhật Vượng, Elon Musk của Việt Nam".
"Elon Musk" Phạm Nhật Vượng được chế độ ưu ái
Đặc phái viên tuần báo Pháp nhấn mạnh, nhà tỉ phú muốn trở thành "Tesla Việt Nam" với các mẫu xe địa hình chạy điện cao cấp của VinFast. Nhà máy ở Hải Phòng rộng đến 335 hecta là địa điểm sản xuất xe hơi lớn thứ tư thế giới, rộng hơn cả nhà máy của Tesla ở Berlin, có thể làm ra 250.000 chiếc xe một năm, được tự động hóa đến 90%. Thay vì bán qua mạng lưới đại lý, VinFast quyết định mở các cửa hàng riêng – 20 ở Pháp, 25 ở Đức, 5 ở Hà Lan, và dự kiến xây dựng một nhà máy 6,5 tỉ đô la ở Hoa Kỳ. Phó tổng giám đốc người Úc, Shaun Calver, từng làm việc cho General Motors nhận xét, người Việt học hỏi rất nhanh.
Le Point nhận thấy ông Phạm Nhật Vượng, 54 tuổi, chủ tập đoàn VinGroup là người giàu nhất Việt Nam nhưng nổi tiếng kín kẽ. Mẹ bán trà rong, cha là cựu chiến binh, nhờ giỏi toán ông được học bổng du học ở Đại học Thăm dò Địa chất Moskva. Vốn là người giỏi xoay sở, Phạm Nhật Vượng mở nhà hàng rồi buôn bán áo gió, nhưng rồi ngập trong nợ nần, ông sang Kharkov, nơi hàng ngàn công nhân Việt Nam đang làm việc. Doanh nhân trẻ lại mở nhà hàng ở căng-tin nhà máy Malichev, nơi sản xuất các xe tăng Ukraine, và vay mượn để mở xưởng sản xuất mì ăn liền, mặt hàng mà người Đông Âu chưa hề biết đến. Nhãn hiệu Mivina kiểm soát đến 97% thị trường này ở Ukraine, sau đó bán lại cho Nestlé với giá 150 triệu đô la năm 2010.
Nhà nghiên cứu Christophe Vigne của đại học Paris-Diderot nói rằng trong thập niên 90, Việt kiều không thể gởi tiền mặt về Việt Nam, nên ông Vượng đưa hàng hóa về, do vậy công ty mang cái tên chung chung là Technocom. Cũng theo ông Vigne, Phạm Nhật Vượng tỏ ra ngoan ngoãn với chế độ, nên nhiều cánh cửa đã mở ra cho ông, được tha hồ đầu tư vào địa ốc, du lịch. Có những doanh nhân có cùng quá trình nhưng quá phô trương sự giàu có nay đã vào tù, ông Vượng thì không.
Việt Nam thắng lớn trong thời đại phi toàn cầu hóa
Cũng liên quan đến Việt Nam, The Economist nhận định "Việt Nam đang nổi lên như là người chiến thắng trong kỷ nguyên phi toàn cầu hóa". Hàng chữ "Made in Vietnam" ngày càng được nhìn thấy bằng rất nhiều thứ tiếng, trên những món hàng được sản xuất từ nền kinh tế xưa kia là cộng sản, từ khi bắt đầu mở cửa cuối thập niên 80. Từ năm 2000, GDP của Việt Nam đã tăng nhanh hơn bất kỳ quốc gia Châu Á nào, trừ Trung Quốc, trung bình khoảng 6,2% một năm, thu hút nhiều tập đoàn kinh tế. Bắt đầu là Nike, Adidas rồi đến sự bùng nổ kỹ nghệ điện tử, tạo những việc làm lương cao hơn và lao động chất lượng hơn. Năm 2020, điện tử chiếm 38% hàng xuất khẩu so với 14% cách đó 10 năm.
Cuộc chiến tranh thương mại Mỹ-Trung bắt đầu từ 2018 giúp Việt Nam chiếm phân nửa trong số 31 tỉ đô la hàng nhập khẩu của Mỹ. Cộng với căng thẳng địa chính trị giữa các đại cường, phong tỏa Covid ngặt nghèo của Trung Quốc, khiến các nhà cung cấp lớn nhất của Apple xây dựng nhà máy mới ở Việt Nam để làm ra Apple Watches, MacBook và những sản phẩm khác. Dell và HP (máy tính xách tay), Google (điện thoại), Microsoft (máy chơi game) dịch chuyển các đơn vị sản xuất từ Trung Quốc sang Việt Nam.
Đầu tư cho trình độ nhân lực mới có thể giàu lên
Việt Nam có rất nhiều lợi thế. Nhân công trẻ tuổi, năng động trong khi Trung Quốc già đi. Quốc gia gần 100 triệu dân này là thành viên nhiệt tình của hơn một chục hiệp định tự do mậu dịch, mở cửa hoàn toàn sau đại dịch từ tháng Ba, có trên 3.000 kilomet bờ biển, và ở sát cạnh Trung Quốc. Nhờ mở mang cơ sở hạ tầng, trung tâm điện tử chỉ cách thủ đô công nghệ Thâm Quyến có 12 giờ xe chạy.
Tuy vậy nhiều nhà đầu tư ngoại quốc không tìm được đầy đủ linh kiện như ở Hoa lục, và Việt Nam không thể sao chép được mô hình của Trung Quốc hay Hàn Quốc. Toàn cầu hóa đang xuống dốc, nhiều thị trường lớn đưa sản xuất trở về nước, các hiệp định thương mại cấm các thủ thuật gian lận như Bắc Kinh đã từng làm.
Dù công nhân không thiếu, các nhà quản lý và kỹ thuật viên lành nghề người Việt vẫn còn hiếm hoi. Chính quyền Hà Nội mong muốn đưa Việt Nam trở thành nước giàu với GDP trên đầu người trên 18.000 đô la từ nay đến 2045, so với 2.800 đô la hiện nay. Nhưng muốn giàu bằng Trung Quốc thôi, chứ không thể với tới mức của Nhật Bản, Hàn Quốc, Đài Loan, Việt Nam cần phải đầu tư nhiều vào con người chứ không chỉ cơ sở hạ tầng.
Ukraine : Chiến thắng sông Oskil làm đảo lộn tương quan lực lượng
Chuyển sang hồ sơ đang rất nóng là Ukraine, L'Obs nói về "Chiến thắng sông Oskil", không chỉ giúp quân Ukraine tiến gần biên giới Nga mà còn làm đảo lộn tương quan lực lượng. Bởi vì đối với Nga, việc mất hai thành phố Izyum và Kupiansk - nút giao thông hậu cần - làm mong manh thêm cơ hội chiếm trọn vùng Donbass, mục đích của cuộc xâm lăng. Theo Viện Nghiên cứu Chiến tranh (ISW), sau trận thắng này Ukraine có thể trở thành bên chủ động áp đặt những trận giao tranh mới sẽ diễn ra lúc nào và ở đâu, Nga đáp trả ngày càng yếu đi trừ phi tìm ra một phương cách nào khác.
Trận phản công chớp nhoáng ở Kharkov còn là điển hình cho chiến thuật cổ điển từ thời Đệ nhị Thế chiến : giương đông kích tây. Chỉ sau vài ngày, Kiev đặt Moskva trước thế lưỡng nan. Hoặc củng cố tuyến phòng vệ dọc theo sông Oskil để bảo vệ phần Donbass đang có, như vậy phải "buông" Kherson ở miền nam ; hoặc giữ nguyên trạng để khỏi mất thêm đất. Trong cả hai trường hợp, Ukraine đều có lợi. Dù thiếu đạn pháo và yếu hơn về không quân, Kiev đang chứng tỏ là có thể tái chiếm những lãnh thổ của mình và giành chiến thắng trong cuộc chiến tranh vệ quốc.
Thua trận, mọi việc không còn "diễn ra theo dự kiến"
Trong bài "Chỉ trích nổi lên ở phương đông", L'Obs nhận thấy khi quân đội của Vladimir Putin thua chạy tại Ukraine, hình ảnh ông chủ điện Kremlin bị xấu đi đến nỗi những người chống đối đã nghĩ đến một sự thay đổi chế độ. Lần đầu tiên kể từ ngày 24/02, Moskva phải nhìn nhận thất bại, điều chưa từng làm trước đây dù phải rút quân khỏi Kiev và đảo Rắn. Những tin xấu từ tiền tuyến làm lung lay một Putin quyền lực từ hơn 20 năm qua.
Nikita Yuferev, đại biểu quận Smolninsky của Saint-Petersburg, quê hương của tổng thống khẳng định : "Vladimir Putin là mối đe dọa chính cho an ninh nước Nga và ông ấy phải ra đi". Hôm 07/09, cùng với sáu đại biểu khác, Yuferev đã ký kiến nghị đòi hỏi truy tố Putin vì tội phản quốc và phải bị truất phế. Trả lời tuần báo Pháp qua điện thoại, đại biểu này nói rằng người Nga luôn coi người Ukraine là rất gần gũi, những gì Putin đã làm là điên rồ. Sau kiến nghị trên, các đại biểu Lomonossov ở Moskva đã theo chân, và đại biểu Ksenia Torstrem của quận Semyonovsky, Saint-Petersburg tập hợp được thêm 70 chữ ký của các đồng nhiệm.
Ý tưởng truất phế Putin, ban đầu chỉ là không tưởng, nay dần dà được củng cố. Trang web độc lập Kholod hôm 13/09 đăng bài "Putin liệu sẽ bị buộc phải ra đi hay không ? Việc truất phế tại Nga diễn ra như thế nào ?". Tuy công chúng ít đọc được, vì phải dùng đến các phần mềm VPN đã bị cấm từ 2017, nhưng ngay cả truyền hình công vốn là cái loa tuyên truyền tích cực cũng phải nhìn nhận tình hình là "khó khăn", thay vì câu nói thường lệ "mọi việc diễn ra theo dự kiến". Thậm chí ngày 18/09 báo chí nhà nước còn dám đăng bài viết của ca sĩ nổi tiếng Alla Pugacheva, tố cáo "cái chết của những chàng trai, chỉ vì những mục tiêu hão huyền đã làm đất nước chúng ta trở thành kẻ bị ruồng bỏ".
Những tin mật bắt đầu được rò rỉ từ Kremlin
Trên Telegram còn dữ dằn hơn. Các chuyên gia quân sự ủng hộ Putin giận dữ vì từ nhiều tuần qua đã cảnh báo khả năng Ukraine phản công nhưng bộ tham mưu bỏ ngoài tai. Tại Quốc hội, thủ lãnh các đảng Nước Nga Công lý, Dân chủ Tự do, Cộng sản đòi hỏi tập trung hơn cho cuộc chiến. Trong vài ngày, nhiều tin mật được tiết lộ từ nội bộ Kremlin vốn kín như bưng.
Kênh Bloomberg công bố nội dung một báo cáo về hậu quả khốc liệt của trừng phạt quốc tế mà Moskva luôn chối cãi, ba nguồn tin nói với Reuters lẽ ra đã có được ngưng bắn nhờ những cuộc mật đàm giữa Kiev và Moskva từ đầu cuộc chiến, nhưng Putin quá tin vào một chiến thắng nhanh chóng, đã từ chối. Kênh Telegram chống Kremlin vốn thạo tin, General SVR, đăng chi tiết câu chuyện đoàn xe chở Putin về nhà bị tấn công, nhưng không có ngày tháng, và những phản đối của các lãnh đạo tình báo đối với tổng thống trong cuộc họp gần nhất của Hội đồng An ninh.
Điềm xấu cho Sa hoàng đỏ ?
Chiến tranh càng kéo dài, càng có nhiều bằng chứng từ mặt trận về sự bất tài của các sĩ quan và hỗn loạn trong tổ chức. Một số binh sĩ tự gây thương tích để khỏi ra trận, và không ít những "refuznik" - các quân nhân từ chối ra tiền tuyến vì sợ hãi hoặc phản chiến, nên Moskva đang chuẩn bị một luật gia tăng trừng phạt người đào ngũ.
Bại trận ở Ukraine sẽ là hồi kết của Putin, như các năm 1905, 1917, 1989 đế quốc Nga và kế tiếp là Liên Xô đã sụp đổ khi bị thua quân Nhật, Đức, thất bại ở Afghanistan ? Một điều chắc chắn là lớp vẹc-ni quyền lực của ông chủ điện Kremlin ngày càng bị bong tróc, tuyên truyền không còn mấy tác dụng. Ngay cả vòng đu quay cao nhất Châu Âu mà tổng thống đã hãnh diện khai trương đúng vào ngày quân Nga phải rút chạy khỏi Kharkov, ngay hôm sau đã bị hư. Một điềm xấu chăng !
Putin khó tồn tại nếu dùng đến vũ khí phi quy ước
Bài xã luận "Sự đặt cược của phương Tây" cho rằng, dù vẫn phải thận trọng, nhưng khoảng cách đã quá xa so với ngày 24/02, khi thế giới bàng hoàng tỉnh giấc vì những tiếng gầm thét của đại bác Nga tấn công vào một quốc gia có chủ quyền. Không ai tin là Kiev có thể đương cự nổi, nhưng hơn bảy tháng sau, một chiến thắng toàn diện không còn ở ngoài tầm tay. Ngược với những gì mà phe cực hữu Châu Âu - những con két của Kremlin cố thuyết phục, trừng phạt đang làm kinh tế Nga rơi vào suy thoái. Vũ khí dầu lửa và khí đốt mất dần tác dụng vì Châu Âu nỗ lực thoát khỏi lệ thuộc, và giờ đây là nguy cơ bị truy tố vì tội ác chiến tranh sau phát hiện hơn 450 ngôi mộ ở Izyum.
Vladimir Putin sẽ rơi đài ? Chừng như đó là sự đặt cược ngầm của phương Tây, đứng đầu là Hoa Kỳ. Joe Biden, vốn đã dành đến 15 tỉ đô la, chiếm đến 70% viện trợ quốc tế cho Ukraine, không còn ngại ngùng khi đe dọa gần như là một trận đại chiến thế giới, nếu Putin dám dùng đến vũ khí hóa học hay nguyên tử. Được khuyến khích từ sự kiên cường và dũng cảm của đội quân Zelensky, phương Tây ngày càng ủng hộ hơn. Không phải vì đây là một cuộc chiến tranh ủy nhiệm, mà không có sự đối đầu giữa hai khối, hầu như là một cuộc chiến giữa các nền văn minh trong đó Putin ngày càng bị cô lập. Đối với phương Tây, ván bài ở Kharkov và Kherson không chỉ là tương lai của dân tộc Ukraine, mà còn biểu lộ sức sống của mô hình dân chủ.
Vì sao Nga có thể bại trận ?
Hồ sơ của L'Express lý giải "Vì sao Putin có thể thất bại". Tuần báo cho rằng việc Nga pháo kích ồ ạt vào các cơ sở hạ tầng dân sự sau khi tháo chạy khỏi Kharkov, khiến hàng trăm ngàn dân Ukraine không còn điện nước, lò sưởi... chứng tỏ sự cay cú, và là lời thú nhận bất lực của Moskva. Putin sẽ bại trận ? Cho đến tận tháng trước, hiếm khi có ai đặt ra câu hỏi này. Quân đội Nga dùng mưa bom đè bẹp lực lượng Kiev, và những thành phố Ukraine lần lượt rơi vào tay quân xâm lăng. Nhưng giáo sư Phillips P. O' Brien của đại học St Andrews phân tích, ngoài mặt thì pháo binh Nga có vẻ áp đảo. Nhưng trên thực tế, Ukraine đã làm kiệt lực quân Nga khi buộc họ phải trả giá đắt cho mỗi bước tiến ở Donbass. Những thắng lợi nho nhỏ của Nga thực chất là sự chảy máu.
Nhà sử học Galia Ackerman nhận thấy quân Nga cạn dần đạn pháo, sử dụng các drone kém chất lượng của Iran và phải mua đạn của Bắc Triều Tiên. Nga thiếu linh kiện điện tử và phụ tùng cho đại bác và giàn phóng hỏa tiễn. Chỉ vài tháng nữa là tình trạng sẽ rất thảm hại. Khoảng 1/4 đến 1/3 lực lượng đã bị loại khỏi vòng chiến. Tinh thần xuống thấp, chỉ huy tồi vì nhiều sĩ quan đã tử trận trong những tháng đầu, lính Nga phải đối mặt với những binh sĩ Ukraine chiến đấu dũng cảm vì sự tồn vong của tổ quốc.
Giáo sư O'Brien nhấn mạnh, cần tăng cường viện trợ quân sự cho Kiev trước khi Moskva có thể củng cố được lực lượng, vì 2 triệu quân dự bị có thể được huy động. Cho đến nay, lính bị điều ra trận chủ yếu là dân nghèo ở vùng sâu vùng xa. Nếu động viên rộng rãi, xã hội Nga sẽ rúng động. Nhà đối lập Mikhail Khodorkovski đang tị nạn ở Anh cho biết, 70% dân Nga sống ở các thành phố lớn, nếu bị bắt lính, do họ không phải là quân nhân chuyên nghiệp, thiệt hại sẽ rất nặng nề. Những đô thị với cư dân có trình độ sẽ phản ứng như thế nào khi mỗi ngày hàng trăm cỗ quan tài quay về nước ? Hệ thống Putin mỗi ngày một rời rã. Giờ đây, nhà độc tài đang "cởi truồng", và Nhà nước Potemkine của ông ta không còn tạo ra được ảo ảnh.
Bốn giả thiết về cuộc chiến ở Ukraine
L'Express đưa ra bốn giả thiết về diễn tiến sắp tới của cuộc chiến. Thứ nhất, quân đội Nga hoàn toàn sụp đổ. Các nhà chiến lược không còn loại trừ giả thiết sẽ là cơn ác mộng cho Kremlin. Giáo sư Lawrence Freedman của King's College ở Luân Đôn nhận định một sự tan rã bất ngờ không phải là lạ trong thời chiến, như quân đội Afghanistan hồi mùa hè 2021. Nhưng tướng Pháp Dominique Trinquant cho rằng kịch bản này khó thể xảy ra, vì Ukraine sẽ phải lập lại thành tích Kherson ở miền nam mới dẫn đến tình trạng quân Nga tháo chạy hàng loạt.
Giả thiết thứ hai, Ukraine tái chiếm dần lãnh thổ. Đây là kịch bản được cho là khả thi nhất trong những tháng tới, và như vậy Kiev có thể giành được chiến thắng trong năm 2023. Olivier Kempf, giám đốc cơ quan tư vấn La Vigie dự báo Ukraine có thể chiếm được những vùng đất bị mất sau ngày 24/02, nhưng khó giành lại khu vực ly khai ở Donbass, và Nga sẽ làm mọi cách để giữ Crimea. Như thế "Chiến dịch đặc biệt" của Vladimir Putin rốt cuộc chẳng giúp chiếm được mẩu đất nào, mà phải trả cái giá khổng lồ về chính trị, kinh tế và quân sự. Giáo sư Tomas Ries ở Thụy Điển nhắc nhở, điều kiện cốt yếu là phương Tây phải tiếp tục hỗ trợ về quân sự và tài chánh.
Giả thiết thứ ba là nguyên trạng, không bên nào lấn lên được - một cuộc xung đột "đóng băng" như ở Donbass từ 2014 đến 2022. Về lâu về dài, có thể mở ra thương lượng, và có nguy cơ phương Tây quá mệt mỏi với hậu quả chiến tranh sẽ thúc ép Ukraine nhân nhượng. Nhưng một thỏa thuận như vậy không thể kéo dài, những xung đột mới lại bùng lên.
Cuối cùng, bị dồn vào ngõ cụt, Moskva có thể leo thang. Nhà nghiên cứu Léo Péria-Peigné, Viện Quan hệ Quốc tế Pháp cho rằng việc tổng động viên sẽ gây bất bình lớn, và làm Nga mất đi một lực lượng lao động quan trọng. Hơn nữa, cũng không giải quyết được vấn đề chính của quân đội Nga là thiếu quân nhân chuyên nghiệp có thể sử dụng những vũ khí phức tạp, điều khiển được xe bọc thép. Đáng lo nhất là vũ khí nguyên tử. Nhưng theo Tomas Ries, một đòn đánh duy nhất chỉ có tác động hạn chế trên chiến trường, vì lực lượng Ukraine rải rác ở nhiều nơi, thế nên Nga phải tấn công hàng loạt. Các chuyên gia không tin vào khả năng này vì phản ứng chính trị sẽ vô cùng lớn trên toàn cầu, Moskva sẽ bị coi như "hủi".
Lằn ranh đỏ nào để Mỹ can thiệp trực tiếp ?
Về phía Hoa Kỳ, nhà nghiên cứu Jim Townsend, cựu thứ trưởng quốc phòng Mỹ nhấn mạnh khi trả lời phỏng vấn của L'Obs, Ukraine đã thuyết phục được phương Tây là họ xứng đáng được giúp đỡ hơn bao giờ hết, để biến giấc mơ chiến thắng thành hiện thực.
Liệu có lằn ranh đỏ nào mà nếu vượt qua, có thể dẫn đến sự can thiệp trực tiếp của Hoa Kỳ và đồng minh hay không ? Ông Townsend lưu ý về mặt chính thức, chưa có tuyên bố nào về khả năng này, chẳng hạn việc bắt giữ hoặc ám sát Volodymyr Zelensky, sử dụng vũ khí hóa học hay nguyên tử, hoặc xâm lăng một nước khác.
Kịch bản duy nhất tự động dẫn đến việc đồng minh tham chiến là Nga tấn công một thành viên NATO. Ngoại trừ trường hợp đó, không có chuyện Hoa Kỳ can dự trên thực địa. Và Ukraine cũng chẳng cần. Thời Đệ nhị Thế chiến, thủ tướng Anh Churchill đã nói với người Mỹ, lúc đó còn đứng ngoài lề : "Hãy trao cho chúng tôi những công cụ và chúng tôi sẽ hoàn tất công việc". Chính xác là tổng thống Zelensky cũng chỉ đòi hỏi có vậy.
Thụy My