Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Published in

Việt Nam

09/10/2022

Hay tin Trương Mỹ Lan bị bắt, dân ồ ạt vào Ngân hàng SCB rút tiền

RFA tiếng Việt

Báo Nhà nước đồng loạt loan tin "tìm ra người khiến dân ồ ạt đi rút tiền"

RFA, 09/10/2022

Công an tỉnh Hà Nam hôm 9/10 cho biết, cơ quan này một ngày trước phát hiện một cá nhân có bài viết trên Facebook "tạo tâm lý bất an đối với người dân và các nhà đầu tư gửi tiền tại các ngân hàng để đồng loạt rút tiền".

ruttien1

Công an làm việc với người có tên là Nguyễn Kiên Quyết hôm 9/10/2022 - Hà Nội Mới

Thông báo của Công an Hà Nam đăng tải một bức ảnh làm mờ khuôn mặt của người đang làm việc với công an, khẳng định ông này tên Nguyễn Kiên Quyết, sinh năm 1982 ở thành phố Phủ Lý đã "thừa nhận hành vi tự ý soạn thảo, đăng tải, bình luận thông tin thất thiệt gây hoang mang dư luận, tác động, ảnh hưởng đến hoạt động bình thường của các ngân hàng và tình hình an ninh, trật tự xã hội".

Tuy nhiên, cơ quan công an không cho biết ông này đăng tải những gì, khi nào và bao nhiêu người dân vì tin lời của ông Quyết mà đi rút tiền từ ngân hàng SCB. 

Chương trình Thời sự VTV1 và trang web của VTV đăng tải phóng sự kèm ảnh chụp màn hình bài đăng được cho là của ông Kiên trên Facebook cá nhân cho thấy, thời điểm chụp bức ảnh bài đăng đã diễn ra được 3 giờ và các bức ảnh kèm theo bài thể hiện cảnh người dân đi rút tiền vào sáng 8/10.

Các hình ảnh ông Quyết đã xuất hiện trên báo chí nhà nước và các trang mạng xã hội khác trước đó, cho thấy ông này đăng tải khi sự việc người dân đi rút tiền ồ ạt đã diễn ra. 

Nguyên văn dòng trạng thái của ông này là : "Ai gửi tiền tiết nghiệm ngân hàng nhanh chân rút về mua đất ngay còn kịp nhé ko (không-PV) là ko còn tiền mà rút nhẹ", kèm theo các biểu tượng cười ra nước mắt. 

Báo Tuổi trẻ có bài viết với tiêu đề "Xác định người đăng tin thất thiệt việc người dân đồng loạt rút tiền tại ngân hàng", hay VnExpress với "Xử lý người đăng tin thất thiệt về ngân hàng". 

Mạng báo Tiền Phong thì có bài viết có nội dung tương tự : "Công an triệu tập người đăng tin thất thiệt khiến người dân ồ ạt ra ngân hàng rút tiền". 

Các trang Fanpage thân Chính phủ Việt Nam cũng đăng tải các nội dung tương tự, cảnh báo người dân đăng tin thất thiệt về SCB sẽ bị xử lý. 

Hiện tượng người dân đồng loạt đi rút tiền khỏi Ngân hàng Thương mại Cổ phần Sài Gòn (SCB) có từ chiều 7/10 sau khi râm ran trên mạng thông tin về việc Bộ Công an bắt giữ bà Trương Mỹ Lan và các lãnh đạo khác ít nhiều có liên quan đến SCB.
Một nhân viên SCB ở một chi nhánh ở Thành phố Hồ Chí Minh cho RFA biết, nhiều người xếp hàng dài ở chi nhánh của bà trước cả giờ ngân hàng mở cửa trong sáng 8/10. 

Đến sáng cùng ngày, khi thông tin từ Bộ Công an đưa ra việc bắt giữ Chủ tịch tập đoàn Vạn Thịnh Phát - bà Trương Mỹ Lan được đưa ra, số lượng người đi rút tiền nhiều hơn, cùng lúc đó là thông tin cảnh báo từ Ngân hàng Nhà nước đưa ra. 

**********************

Vụ ngân hàng SCB : Báo đài khuyến cáo liên tục, dân vẫn đổ xô đi rút tiền

RFA, 08/10/2022

Báo đài nhà nước liên tục đăng tải khuyến cáo của Ngân hàng nhà nước Việt Nam, khuyên khách hàng của Ngân hàng Thương mại Cổ phần Sài Gòn SCB "không nên rút tiền trước hạn" tuy nhiên người dân vẫn đổ xô đi rút.

ruttien2

Người dân tập trung đông trước Ngân hàng SCB chi nhánh Hà Nội vào sáng 8/10 để rút tiền - FB Sài Gòn Review

Người dân lo lắng rút tiền, nhân viên SCB được chỉ đạo "đáp ứng nhu cầu của khách"

Mạng xã hội Facebook sáng 8/10 tràn ngập những hình ảnh người dân đổ xô tới các chi nhánh của ngân hàng SCB ở Thành phố Hồ Chí Minh, Hà Nội, Hải Phòng để rút tiền do các thông tin bắt giữ các đại gia được cho có liên hệ mật thiết với SCB.

Một người đàn ông tên T. (không nêu danh tính vì lý do an ninh) cho biết, sáng nay ông đến chi nhánh của ngân hàng ở Tân Định để rút toàn bộ số tiền trong một sổ tiết kiệm nhưng được trả lại toàn tiền mệnh giá 100.000 đồng.

Theo ông T., sáng nay ông không thể truy cập vào app (ứng dụng trên điện thoại) của ngân hàng, ông gọi cho số đường dây nóng nhưng không thể kết nối.

Ngoài cuốn sổ tiết kiệm này, ông còn một vài cuốn sổ khác cũng của SCB nhưng chưa rút được khiến bản thân lo lắng "vì đây là tiền tiết kiệm cả đời".

Một nhân viên có thâm niên của ngân hàng SCB chi nhánh Thành phố Hồ Chí Minh (nói trong điều kiện giấu tên vì không phải là người phát ngôn) cho biết, sáng nay người dân xếp hàng dài ở chi nhánh của bà trước khi ngân hàng mở cửa lúc 7 giờ.

Nhân viên nhận được chỉ đạo từ bên trên yêu cầu "hỗ trợ tất cả nhu cầu của khách hàng, không được để khách hàng bất mãn". Nữ nhân viên này tiết lộ : "Phòng Dịch vụ Khách hàng đang bận hỗ trợ khách hàng đông lắm nên không thể nói chuyện được.

Còn các phòng ban khác vẫn đang làm việc bình thường (tất nhiên sẽ có đôi chút hoang mang) nhưng trong tâm lý sẵn sàng hỗ trợ bên dưới trong trường hợp khách hàng quá đông".

Thứ bảy ngân hàng chỉ làm việc trong buổi sáng, tuy nhiên nhân viên dự kiến phải ở lại hỗ trợ ngoài giờ thêm cho khách hàng còn tồn đọng và không nhận thêm khách mới đến vào giờ trưa.

Theo bà, khách hàng có số tiền nhỏ trong tài khoản ít đi rút do lãi suất đang tăng, đa phần người rút là những người gửi tiết kiệm nhiều.

"Sáng nay thấy có mấy khách có số tài khoản đang lãi hơn cả trăm triệu, họ cũng đòi rút. Họ chấp nhận mất luôn số tiền lãi đó để đổi lại sự an tâm", bà này cho biết nhân viên đều tư vấn cho khách không rút tiền để giữ chân khách hàng, đồng thời khẳng định ngân hàng hoàn toàn có thể đáp ứng được nhu cầu rút tiền của khách.

ruttien3

Thông tin về Ngân hàng SCB dẫn đầu số lượt tìm kiếm trên Goolge. Ảnh : RFA chụp màn hình

Thông tin bắt giữ các đại gia có liên quan đến SCB

Bộ Công an  sáng 8/10 cho biết, Cơ quan Cảnh sát điều tra (C03) tiến hành khởi tố vụ án Lừa đảo chiếm đoạt tài sản, xảy ra tại Công ty cổ phần Tập đoàn Đầu tư An Đông và các tổ chức, đơn vị có liên quan bắt giữ các lãnh đạo cao cấp.

Bà Trương Mỹ Lan, Chủ tịch Tập đoàn Vạn Thịnh Phát bị bắt tạm giam để điều tra tội "Lừa đảo chiếm đoạt tài sản", công an cũng tạm giam ba người khác là bà Trương Huệ Vân, Tổng Giám đốc Công ty cổ phần Tập đoàn quản lý Bất động sản Windsor ; Nguyễn Phương Hồng, Trợ lý Công ty cổ phần Tập đoàn Vạn Thịnh Phát ; Hồ Bửu Phương, nguyên Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty cổ phần Chứng khoán Tân Việt, nguyên Phó tổng giám đốc phụ trách tài chính Công ty cổ phần Tập đoàn Vạn Thịnh Phát.

Thông tin trên khiến người dân lo lắng vì cho rằng, nữ đại gia gốc Hoa - Trương Mỹ Lan có liên hệ mật thiết với Ngân hàng Thương mại cổ phần Sài Gòn (SCB).

Hồi đầu tháng 3 năm nay, SCB ký thỏa thuận hợp tác với Công ty cổ phần Quản lý Quỹ Tân Việt trong lĩnh vực cung cấp các dịch vụ sản phẩm, việc này được cho là "nhằm khai thác tối ưu mọi tiềm năng, tạo hiệu quả kinh doanh, tăng vị thế và sức cạnh tranh trên thị trường liên quan của hai bên".

Một thông tin khác cũng được chú ý là ông Nguyễn Tiến Thành, Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty cổ phần Chứng khoán Tân Việt đột ngột qua đời vào ngày 6/10, ông cũng đồng thời là thành viên Hội đồng quản trị độc lập của SCB từ tháng 4/2017.

Khuyến cáo của Ngân hàng Nhà nước

Ngân hàng Nhà nước Việt Nam sáng 8/10 đăng tải khuyến cáo cho biết, "trên mạng xã hội lan truyền thông tin tiêu cực về Ngân hàng Thương mại cổ phần Sài Gòn (SCB) dẫn đến hiện tượng một số người dân rút tiền trước hạn.

Về việc này Ngân hàng Nhà nước (Ngân hàng nhà nước) khẳng định sẽ theo dõi sát tình hình để ngân hàng hoạt động bình thường và có giải pháp, chính sách theo quy định của pháp luật để đảm bảo quyền và lợi ích của người gửi tiền, giữ vững ổn định của SCB nói riêng và hệ thống các tổ chức tín dụng nói chung.

Ngân hàng nhà nước khuyến cáo người gửi tiền không nên rút tiền trước hạn, tránh ảnh hưởng đến quyền lợi của người gửi tiền".

ruttien4

Người dân nhận được bản sao khuyến cáo của Ngân hàng nhà nước được in ra từ trang web khi đến rút tiền tại SCB sáng 8/10. Ảnh chụp màn hình video Việt Plus

Khuyến cáo này được các báo đài liên tục đăng tải nhằm trấn an dư luận, tuy nhiên một số người vẫn bày tỏ với phóng viên RFA, cho biết họ không thể an tâm trước thông tin này.

Một người dân ở tỉnh Khánh Hòa cho hay, ông không để tiền tiết kiệm của mình trong Ngân hàng SCB do "tôi có nguyên tắc không bao giờ để tiền nhiều trong tài khoản, tôi chỉ tin tài sản hữu hình với điều kiện kinh tế Việt Nam hiện nay".

Ông này khẳng định, "các khủng hoảng tương tự tôi tin nhà nước này có cách giải quyết để không trở thành khủng hoảng hệ thống, tuy nhiên lợi ích cá nhân khó lòng đảm bảo".

Theo Quyết định về Hạn mức trả tiền Bảo hiểm do Thủ tướng Chính phủ ban hành hồi năm 2021, "Số tiền tối đa tổ chức bảo hiểm tiền gửi trả cho tất cả các khoản tiền gửi được bảo hiểm theo quy định của Luật Bảo hiểm tiền gửi (gồm cả gốc và lãi) của một người tại một tổ chức tham gia bảo hiểm tiền gửi khi phát sinh nghĩa vụ trả tiền bảo hiểm là 125.000.000 đồng".

Nhân viên của SCB cho hay, vấn đề khủng hoảng nếu có chỉ là nhất thời, "dù luật Việt Nam có cho phép Ngân hàng được phá sản, tuy nhiên về nguyên tắc ngầm thì gần như không có ngân hàng nào được phép phá sản tại thời điểm này (các Ngân hàng 0 đồng là 1 ví dụ).

Thứ hai là nguồn khách hàng cực lớn của SCB, nếu không giữ mà để họ rút hết ra rồi thì sau này rất khó để hồi phục lại nguồn vốn huy động này".

Ngân hàng SCB phủ nhận có liên quan với bà Trương Mỹ Lan

Ngân hàng thương mại cổ phần Sài Gòn trong trưa ngày 8/10 cũng có thông cáo báo chỉ khẳng định đã rà soát và "Công ty An Đông không phải cổ đông của SCB, bà Trương Mỹ Lan không giữ chức vụ quản lý và điều hành tại SCB. Do đó, không ảnh hưởng đến hoạt động kinh doanh bình thường của SCB".

Ngân hàng này cam kết "có đầy đủ giải pháp, nguồn lực để bảo đảm quyền lợi và lợi ích của người gửi tiền cũng như quyền, lợi ích của đối tác và khách hàng của SCB theo quy định của pháp luật.

Tại SCB, quyền lợi của khách hàng được đặt ở vị trí cao nhất. Các nhu cầu, thắc mắc của khách hàng trong mọi tình huống sẽ được xử lý một cách tận tâm, trọn vẹn".

Quay lại trang chủ

Additional Info

  • Author: RFA tiếng Việt
Read 267 times

Viết bình luận

Phải xác tín nội dung bài viết đáp ứng tất cả những yêu cầu của thông tin được đánh dấu bằng ký hiệu (*)