Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Published in

Việt Nam

19/10/2022

Thu phí vào nội đô Hà Nội, Cảnh sát giao thông mặc thường phục

RFA tiếng Việt

Tỷ lệ ủng hộ thu phí vào nội đô Hà Nội có đáng tin ?

RFA, 19/10/2022

Trung tâm Quản lý giao thông công cộng thành phố Hà Nội hôm 18/10 vừa cho truyền thông nhà nước biết, qua khảo sát có 39,7% số người ủng hộ việc thu phí vào nội đô Hà Nội ; 33,2% số người ủng hộ với điều kiện kèm theo và chỉ 27,1% không ủng hộ.

thuphi1

Vị trí dự định đặt các trạm thu phí vào nội đô Hà Nội. Reuters/hanoi.gov.vn/RFA edited

Từ Hà Nội hôm 19/10, Tiến sĩ Nguyễn Quang A, nguyên viện trưởng Viện IDS, tổ chức đã tự giải thể, nhận định :

"Tôi nghĩ những con số đấy khó mà tin cậy được trong trường hợp họ tự làm. Nếu mà có một cơ quan độc lập, hay một số tổ chức độc lập… chủ yếu là các viện nghiên cứu, hay các tổ chức xã hội dân sự chuyên môn làm về các việc đó, đi thăm dò dư luận thật thì được… Chứ không phải họ tự đi thăm dò, và có thể vặn vẹo các con số đấy một cách không thể tưởng tượng được.

Chuyện đấy làm cho bản thân người dân không tin tưởng vào chính quyền và đây là một tội rất nghiêm trọng đối với những người đưa cái thông tin đấy ra để cho người dân không tin. Bởi vì niềm tin của người dân vào chính quyền là một tài sản rất quý giá, mà chính quyền phải giữ, nuôi dưỡng… còn họ làm theo kiểu để vẽ vời ra cho phù hợp với ý đồ của mình, thì cái đấy là một tội rất lớn".

Số liệu thống kê là một trong những công cụ quản lý vĩ mô quan trọng trong việc phân tích và dự báo kinh tế, là cơ sở thực tiễn giúp cho chính phủ hoạch định các chính sách phát triển kinh tế-xã hội. Lâu nay, số liệu thống kê của Việt Nam luôn bị cho rằng không đáng tin cậy và bị nghi ngờ có thể bị bóp méo dưới áp lực nào đó. Nguyên Phó Thủ tướng Vũ Khoan khi tham dự buổi Hội thảo Khoa học ‘Nhìn lại nửa chặng đường phát triển kinh tế xã hội 5 năm 2011 - 2015 và những điều chỉnh chiến lược’ từng nói "Những con số đó cứ thế nào. Tôi không dám tin".

Tiến sĩ Lê Đăng Doanh, nguyên là Viện trưởng Viện Nghiên cứu Quản lý Kinh tế Trung ương từ 1993 đến 2002 khi trả lời RFA liên quan vấn đề số liệu thống kê ở Việt Nam, cho biết :

"Bản thân người làm thống kê ở các địa phương đều thừa nhận họ chịu áp lực rất lớn từ phía các cơ quan lãnh đạo và các cấp chính quyền. Còn thống kê ở Việt nam không phải là một cơ quan độc lập trực thuộc Quốc hội, mà là một Tổng cục nằm trong Bộ Kế hoạch – Đầu tư. Hai cơ quan ấy trực thuộc Chính phủ nên làm cho người ta chưa yên tâm lắm về tính khách quan, tính độc lập".

Cần giải quyết "gốc rễ"

Đề án thu phí phương tiện cơ giới vào một số khu vực trên địa bàn thành phố Hà Nội để hạn chế số lượng xe cơ giới, nhằm giảm ùn tắc giao thông và ô nhiễm môi trường được Sở Giao thông Vận tải Hà Nội nghiên cứu cùng đơn vị tư vấn là đại diện Trường Đại học Giao thông - vận tải. Theo đề án, từ nay đến năm 2025, thành phố Hà Nội sẽ lập gần 100 trạm thu phí tại các tuyến đường hướng tâm, cửa ngõ để thu phí ô tô vào trung tâm thành phố.

Một tài xế taxi ở Hà Nội không muốn nêu tên vì lý do an toàn, nói :

"Tôi nghĩ rằng sẽ không giảm được ùn tắc thật sự, bởi vì gốc rễ của vấn đề không phải là ở sự lưu thông từ ngoại ô vào nội đô. Mà sự ùn tắc ở đây xuất phát từ cách quản lý và ý thức của con người".

Không chỉ người dân Hà Nội lo ngại về đề án này, một cựu Đại biểu Quốc hội là ông Lưu Bình Nhưỡng, từng viết trên Facebook của ông rằng (chúng tôi xin phép được trích nguyên văn) : ‘Thu phí xe vào là bất công và chính nó gây bất bình đẳng trong chi phí xã hội, vi phạm nguyên tắc tự do đi lại và tự do kinh doanh doanh theo Hiến pháp và Luật cạnh tranh. Hơn nữa, chính hơn sáu chục trạm thu phí xe ngoại tỉnh sẽ chính là nguyên nhân của nhiều hệ lụy về kinh tế xã hội.’

Nhận định thêm về vấn đề án thu phí của Hà Nội, Tiến sĩ Nguyễn Quang A, nói :

"Thu phí xe ô tô cơ giới, thì chuyện đấy cũng có thể xảy ra ở một số nơi nếu tình trạng hạ tầng cơ sở giao thông chỉ có sức chịu đựng được một số lượng nhất định các phương tiện giao thông. Lúc đó có thể thu phí theo cách ví dụ như Singapore là một nước nhỏ, cũng là thu thuế hay thu phí nhưng họ thu một lần với giá rất cao, khiến cho lượng xe bị hạn chế".

Còn ở Việt Nam, theo tiến sĩ Nguyễn Quang A, việc thu phí xe vào nội độ thành phố Hà Nội cũng là một trong những giải pháp nhưng cần phải được xem xét. Tuy nhiên, theo ông, nếu thu phí là giải pháp nhằm giải quyết lượng xe vào nội đô thì chưa hẳn mà cốt lõi của vấn đề nằm ở chỗ khác, ông nói tiếp :

"Nhưng vấn đề ở đây lẽ ra từ thời xa xưa, 30 năm trước chẳng hạn, khi quy hoạch thành phố thì người ta đã không tính hết. Lẽ ra lúc đấy các ông chịu trách nhiệm phải sang Bangkok, Jakarta để nhìn và quy hoạch thành phố cho ra hồn. Thật đáng tiếc là các ông ấy đã không làm như thế và tội lỗi của các ông ấy đã để lại hậu quả rất đáng tiếc năm 50-70 năm sau. Đó là một thực tế với đường xá chật hẹp và phương tiện càng ngày càng đông. Tôi nghĩ phải có một biện pháp nào đó để giải quyết chuyện này".

Còn theo ý kiến của Luật sư Hà Huy Sơn, một người dân Hà Nội, ông cho rằng Hà Nội muốn thành lập hơn 100 trạm thu phí thì trước mắt thành phố này cần phải nghĩ đến việc lấy tiền đâu mà nuôi bộ máy quản lý thu phí hay ngân sách Nhà nước lại bù lỗ :

"Chuyện khảo sát thì tôi không biết, nhưng theo quan điểm của tôi thì việc thu phí vào nội đô thì cũng phải cần nghiên cứu theo kinh nghiệm của các thành phố của các nước khác, xem nó có mặt trái, mặt phải như thế nào ? Tôi thì chưa thấy được hiệu quả của nó, nhưng mà trước mắt để thành lập hơn 100 trạm thu phí, thì ngân sách Nhà nước phải bỏ ra 2.600 tỷ để đầu tư và quá trình duy trì bộ máy như vậy. Không biết có hiệu quả hay không, hay ngân sách lại tiếp tục bù lỗ, chưa kể các tác động liên quan đến việc thu phí này nữa, tôi thấy là chưa tính hết được".

*************************

Cảnh sát giao thông mặc thường phục giám sát giao thông : Dễ lạm quyền, khuất tất ?

RFA, 18/10/2022

Bộ Công an Việt Nam vừa đưa ra đề xuất gây xôn xao dư luận đó là cho Cảnh sát giao thông mặc thường phục để sử dụng thiết bị nghiệp vụ giám sát tình hình giao thông, phát hiện người vi phạm.

thuphi2

Một Cảnh sát giao thông đang điều tiết giao thông ở Hà Nội. Reuters

Đề xuất mới gây tranh cãi

Theo nội dung đề xuất thì sau khi Cảnh sát giao thông mặc thường phục phát hiện người vi phạm giao thông, sẽ báo cho lực lượng kiểm soát công khai mặc trang phục công an, đeo số hiệu đến xử lý.

Nhận định về đề xuất này, cựu Trung tá Quân đội Vũ Minh Trí hôm 18/10 nói với RFA :

"Lực lượng Cảnh sát giao thông có hai chức năng chính, đầu tiên là trực tiếp bảo đảm trật tự an toàn giao thông, với chức năng này hoàn toàn không có nhu cầu mặc thường phục. Chức năng thứ hai là chủ động phòng ngừa đấu tranh chống các hành vi vi phạm luật giao thông… thì tôi thấy cũng không thật sự cần thiết phải mặc thường phục. Bởi vì phòng ngừa như các nước thì họ dùng hình nộm Cảnh sát giao thông dựng ở đường để những người tham gia giao thông tưởng là Cảnh sát giao thông và có ý thức chấp hành tốt hơn. Khi đó người dân nghĩ rằng toàn bộ hoạt động của họ đã được sự giám sát của Cảnh sát giao thông".

Mặc khác, theo ông Vũ Minh Trí, thời gian qua, Cảnh sát giao thông tại Việt Nam bị "gán" cho biệt hiệu là không đàng hoàng. Ông Trí giải thích lý do :

"Trên mạng còn có video người dân bắt quả tang Cảnh sát giao thông núp như ăn trộm, ăn cắp để bắn tốc độ. Làm nhiệm vụ có đồng phục không dùng mà lại núp lùm, núp bờ, núp bụi… không bắn tốc độ một cách đàng hoàng, khi bị người ta truy hỏi thì trốn, tóm lại là nó rất không đàng hoàng.

Chính bản thân họ cũng thấy việc mặc thường phục là không đàng hoàng. Còn những vi phạm khác như trộm cắp, hiếp dâm, giết người hay tội phạm ma túy… trên các tuyến đường giao thông thì thuộc chức năng của cơ quan cảnh sát khác như cảnh sát hình sự, cảnh sát ma túy… chứ không phải của Cảnh sát giao thông".

Qua đó, ông Vũ Minh Trí kết luận rất không nên cho phép Cảnh sát giao thông mặc thường phục để phát hiện vi phạm. Bởi theo cách lý giải của ông Trí, trước kia khi Cảnh sát giao thông chưa được phép mặc thường phục xử lý vi phạm mà đã có những trường hợp lạm dụng, thì bây giờ khi Dự thảo được thông qua, mọi việc trong tương lại sẽ rất khó hình dung…

Trao đổi với RFA tối 18/10, Luật sư Nguyễn Văn Hậu, Chủ tịch Trung tâm Trọng tài Luật gia Việt Nam, nói :

"Cảnh sát giao thông đi làm nhiệm vụ thì trước hết phải mặc sắc phục để người dân thấy đó là người thi hành công vụ, những người vi phạm giao thông khi gặp hình ảnh của Cảnh sát giao thông thì sẽ chấp hành. Mặc thường phục thì người ta đâu có biết đó là Cảnh sát giao thông, trừ những đơn vị lực lượng an ninh làm những nhiệm vụ đặc biệt thì mặc thường phục.

Tôi nghĩ rằng quy định Cảnh sát giao thông mặc sắc phục là đúng với thông lệ quốc tế, vì họ làm nhiệm vụ giữ gìn an ninh trật tự giao thông đường bộ, người dân thấy hình ảnh đó sẽ chấp hành pháp luật tốt hơn. Chứ mặc thường phục thì người ta có thể lầm rằng đó là giả, để chiếm đoạt tài sản".

thuphi3

Cảnh sát dừng một người đi xe máy không đội mũ bảo hiểm ở Thành phố Hồ Chí Minh (hình minh họa). Reuters.

Giả mạo và lạm quyền sẽ tăng

Hiện, với đề xuất mới của Bộ Công an, nhiều người dân cũng bày tỏ ý kiến phản đối trên mạng xã hội. Nhiều trong số đó đặt vấn đề về sự giả mạo Cảnh sát giao thông để trấn áp người tham gia giao thông thì sao ? Hoặc "Nếu không phải công an, giả danh thì sao, lấy gì người dân biết đâu là thật ?"… Nhiều người còn cho rằng sẽ "nguy hiểm cho người dân khi kẻ gian giả dạng để dừng xe, hoang mang không biết nên dừng hay không".

Thời gian gần đây, báo chí Nhà nước và mạng xã hội xuất hiện nhiều thông tin bất bình về việc cảnh sát giao thông lạm quyền, ăn tiền từ tài xế hay đánh người…

Đơn cử như vào ngày 26/4/2022, một đoạn clip được đăng trên mạng xã hội ghi lại cảnh một Cảnh sát giao thông tại thành phố Hồ Chí Minh có hành động ôm, quật ngã một người đàn ông điều khiển xe máy trên đường. Viên Cảnh sát giao thông sau đó đã dùng chân đạp vào mặt người đàn ông này.

Hay vụ bốn cảnh sát giao thông ở thị xã Vĩnh Châu, tỉnh Sóc Trăng đánh hai nam sinh đi xe máy vi phạm giao thông hồi cuối tháng 9 năm 2022..

Với nhiều bê bối của Cảnh sát giao thông thời gian qua bị truyền thông phanh phui, nhiều lo lắng của người dân về đề xuất mới của Bộ Công an sẽ khiến việc lạm quyền của đội ngũ này càng tăng là có cơ sở !

Tiếp nối chuỗi ý kiến về đề xuất trên, Nhà báo Nguyễn Vũ Bình, từng công tác tại Tạp chí Cộng sản, hôm 18/10 góp ý rằng đề xuất cho phép Cảnh sát giao thông mặc thường phục để phát hiện người vi phạm là "vớ vẩn" :

"Nếu Cảnh sát giao thông mà mặc thường phục thì sẽ có rất là nhiều chuyện khuất tất. Thứ nhất nếu thường phục ai biết được đây là dân thường hay Cảnh sát giao thông ? Thứ hai nữa là khi mặc thường phục ở những chỗ không có sự kiểm soát của nghành chức năng, không có gì chứng minh là công an thì không được. Đã là cơ quan công quyền thì phải làm việc cho đàng hoàng, phải có quân phục, phù hiệu. Bây giờ mà lại kêu bỏ đi là không được, phần lớn những người vi phạm khi vi phạm vẫn có thể bắt được theo nhiều cách… chứ không nhất thiết phải mặc thường phục. Theo tôi đây là một đề xuất hết sức vớ vẩn".

Tổ chức Minh bạch Quốc tế khi khảo sát tại Việt Nam về quan điểm và trải nghiệm của người dân đối với tham nhũng từng cho biết : "Cảnh sát vẫn là lĩnh vực có mức độ tham nhũng nhiều nhất tại Việt Nam".

Luật sư Nguyễn Văn Hậu cho biết thêm :

"Trong việc kiểm soát quyền lực, cũng như quyền giám sát lực lượng thực thi pháp luật, tôi cho rằng Cảnh sát giao thông khi thực thi nhiệm vụ phải có phù hiệu, tuân theo những quy định pháp luật để phạt những hành vi vi phạm giao thông. Phải công khai minh bạch để thông qua hình ảnh của Cảnh sát giao thông, người dân có thể giám sát được hành vi của họ".

Theo Luật sư Nguyễn Văn Hậu, có như vậy thì mới tránh được những trường hợp Cảnh sát giao thông lợi dụng mặc thường phục để vi phạm pháp luật.

Thêm "vũ khí" cho Cảnh sát giao thông : Tưởng mới mà lại cũ

Bên cạnh việc đề xuất cho Cảnh sát giao thông mặc thường phục như vừa nói, trong Dự thảo mới của Bộ Công an cũng có đề xuất cho lực lượng cảnh sát giao thông được trang bị vũ khí như súng ngắn, súng trường, súng tiểu liên, súng bắn đạn cao su, súng bắn đạn hơi cay, bình xịt hơi cay, dùi cui điện, áo giáp, còng tay và sử dụng thiết bị kỹ thuật nghiệp vụ khi làm nhiệm vụ.

Trước đây, hôm đầu tháng 10/2019, trong Dự thảo quy định quyền hạn, chức năng, hình thức, nội dung tuần tra của cảnh sát giao thông’ mà Bộ Công an lúc bấy giờ đang lấy ý kiến đóng góp, Cục trưởng Cục Cảnh sát giao thông, Trung tướng Vũ Đỗ Anh Dũng cũng từng đề nghị trang bị cho cảnh sát giao thông súng ngắn, súng trường, súng tiểu liên và súng bắn đạn cao su khi làm nhiệm vụ. Nhiều người dân và những người quan sát tình hình chính trị, xã hội Việt Nam đã từng phản ứng cho rằng đó là "vấn đề thái quá".

Quay lại trang chủ

Additional Info

  • Author: RFA tiếng Việt
Read 216 times

Viết bình luận

Phải xác tín nội dung bài viết đáp ứng tất cả những yêu cầu của thông tin được đánh dấu bằng ký hiệu (*)