Việt Nam họp khẩn các ngân hàng về vấn đề thanh khoản
VOA, 04/11/2022
Ngân hàng Nhà nước Việt Nam đã tổ chức các cuộc họp khẩn cấp trong tuần này với các ngân hàng thương mại để thảo luận về thanh khoản trong hệ thống vì các ngân hàng cho vay đang phải đối mặt với áp lực từ việc thắt chặt các điều kiện tín dụng và lãi suất cao hơn, Reuters dẫn hai nguồn tin cho biết hôm 4/11.
Các cuộc họp khẩn diễn ra khi các ngân hàng cho vay đang phải đối mặt với áp lực từ việc thắt chặt các điều kiện tín dụng và lãi suất cao hơn, giữa bối cảnh cuộc trấn áp tham nhũng đang tác động vào lĩnh vực bất động sản của Việt Nam và làm đóng băng thị trường nợ.
Một trong những nguồn thạo tin và muốn giấu tên vì vấn đề bảo mật cho hãng thông tấn Anh biết Ngân hàng Nhà nước Việt Nam đã tổ chức ba cuộc họp với hơn một chục ngân hàng trong tuần này, để giải quyết "khó khăn" cho một số ngân hàng trong việc tiếp cận đủ thanh khoản và bàn về tiền gửi trong hệ thống.
Ngân hàng Nhà nước không trả lời ngay yêu cầu bình luận của Reuters về các cuộc họp.
Áp lực hiện đang gia tăng trong bối cảnh một cuộc trấn áp tham nhũng đang tác động vào lĩnh vực bất động sản của Việt Nam và làm đóng băng thị trường nợ từng từng tiếp sức cho thị trường nhà ở.
Hai nguồn tin cho Reuters biết các cuộc thảo luận với các ngân hàng tập trung vào tính thanh khoản. Một trong hai nguồn tin nhấn mạnh rằng các cuộc đàm phán cũng đề cập đến mức trái phiếu doanh nghiệp mà các ngân hàng cho vay nắm giữ trên sổ sách.
Theo Ủy ban Kinh tế của Quốc hội, thị trường trái phiếu doanh nghiệp đang được các nhà đầu tư theo dõi chặt chẽ khi 375 nghìn tỷ đồng (15 tỷ USD) nợ bất động sản sẽ đáo hạn vào năm 2025 và các nhà chức trách đã hạn chế tái cấp vốn trong lĩnh vực này.
Vào tháng 8 vừa qua, các chuyên gia phân tích SSI Research đã đưa ra cảnh báo về nguy cơ gia tăng rủi ro nợ xấu bất động sản tại Việt Nam khi thị trường này đang bước vào giai đoạn khó khăn, trầm lắng.
Theo các chuyên gia này, tín dụng đối với các nhà phát triển bất động sản là mối quan tâm lớn nhất liên quan đến chất lượng tín dụng của các ngân hàng vào năm 2023. Trong 6 tháng đầu năm 2022, phát hành trái phiếu từ các công ty bất động sản và xây dựng giảm 53% so với cùng kỳ năm ngoái. Vì các đợt phát hành trái phiếu thường có thời gian đáo hạn từ 1-3 năm, người ta ước tính rằng phần lớn trái phiếu bất động sản của doanh nghiệp sẽ đáo hạn trong khoảng thời gian từ năm 2023 đến năm 2024. Nếu tình hình vẫn không được giải quyết, nguy cơ nợ xấu sẽ xuất hiện.
Reuters cho biết trong những tuần gần đây, trái phiếu doanh nghiệp trị giá hàng tỷ đồng đã được mua lại sau vụ bắt bà trùm bất động sản Trương Mỹ Lan, Chủ tịch Tập đoàn Vạn Thịnh Phát có trụ sở tại thành phố Hồ Chí Minh, vì cáo buộc gian lận thị trường trái phiếu.
Sự kiện này xảy ra sau khi Việt Nam thắt chặt các quy định về trái phiếu doanh nghiệp vào tháng 9.
Trong khi đó, tình trạng tranh thủ vốn vay đã góp phần khiến cho thị trường chứng khoán Việt Nam sụt giảm và khiến tỷ giá tiền đồng giảm 6% trong ba tháng.
*************************
Vụ Vạn Thịnh Phát : Hà Nội yêu cầu "đóng băng" tài sản 762 công ty và 14 cá nhân
RFA, 03/11/2022
Sở Kế hoạch và Đầu tư Hà Nội vừa có đề nghị các cơ quan, đơn vị tạm dừng ngay mọi hoạt động liên quan đến việc giao dịch cổ phần, phần góp vốn của 762 công ty trên địa bàn Hà Nội và 14 cá nhân có liên quan đến Công ty cổ phần Tập đoàn Vạn Thịnh Phát theo đề nghị từ Bộ Công an. Truyền thông Nhà nước loan tin này hôm 3/11.
Trụ sở của Vạn Thịnh Phát ở Thành phố Hồ Chí Minh - VOV
Động thái này được đưa ra sau khi Sở Kế hoạch và đầu tư Hà Nội nhận được văn bản của Cảnh sát điều tra Bộ Công an đề nghị phối hợp cung cấp thông tin, tài liệu phục vụ điều tra.
Nội dung yêu cầu là ngăn chặn các tổ chức và cá nhân tẩu tán tài sản ; tạm dừng giao dịch chuyển nhượng cổ phần, phần vốn góp của các công ty ở Hà Nội thuộc sở hữu của những bị can, cá nhân và công ty liên quan vụ án ở Vạn Thịnh Phát.
Hôm 8/10, Cơ quan Cảnh sát Điều tra Bộ Công an ra quyết định khởi tố vụ án lừa đảo chiếm đoạt tài sản, xảy ra tại Công ty cổ phần Tập đoàn Đầu tư An Đông thuộc Vạn Thịnh Phát và các tổ chức, đơn vị có liên quan.
Cùng với quyết định trên, Bộ Công an cũng khởi tố và bắt tạm giam bà Trương Mỹ Lan (sinh năm 1956, Chủ tịch Tập đoàn Vạn Thịnh Phát) và ba lãnh đạo khác của Vạn Thịnh Phát về tội Lừa đảo chiếm đoạt tài sản.
Những người này bị cáo buộc đã có hành vi gian dối trong việc phát hành, mua bán trái phiếu trái quy định của pháp luật để chiếm đoạt hàng nghìn tỷ đồng của người dân trong thời gian năm 2018-2019.
Theo truyền thông Nhà nước, danh sách 14 cá nhân mà Sở Kế hoạch và đầu tư công bố đã bao gồm 12 người ở Thành phố Hồ Chí Minh gồm : Trương Mỹ Lan, Trương Huệ Vân, Hồ Bửu Phương, Chu Lập Cơ, Chu Duyệt Hằng, Chu Duyệt Phấn, Trương Lập Hưng, Thái Thị Thanh Thảo, Ngô Thanh Nhã, Trương Thị Kim Lài, Nguyễn Phương Anh và Nguyễn Hữu Hiệu.
Hai người còn lại là Kwok Hakman Oliver (quốc tịch Australia) và Trương Vincent Kinh (quốc tịch Mỹ).
Trong danh sách 762 công ty, có Công ty cổ phần Tập đoàn Vạn Thịnh Phát, Công ty cổ phần Tập đoàn đầu tư An Đông, Công ty cổ phần bảo trợ tập đoàn Vạn Thịnh Phát, Tổng công ty xây dựng công trình giao thông 6 - Công ty cổ phần (Cienco 6).
Ngoài ra, một số tên công ty khác được báo chí nhà nước trích đăng từ danh sách có : Công ty cổ phần Green Virgin ; Công ty cổ phần Master Sky ; Công ty cổ phầnChampion Mind ; Công ty cổ phần Nhất Hưng Vượng ; Công ty cổ phần Indeal Will ; Công ty cổ phầnVạn Lâm Bách ; Công ty cổ phần Gold Avenue ; Công ty cổ phần Moon Valley ; Công ty cổ phần Đầu tư Fast Trend ; Công ty cổ phần Phát triển hạ tần & bất động sản Top Advance ; Công ty cổ phần Vision Sky ; Công ty cổ phần Đầu tư Target Asset Công ty cổ phần Đầu tư Grace Billion ; Công ty cổ phần Đầu tư Điền Gia Phú ; Công ty cổ phần Spring Saigon ; Công ty cổ phần Bất động sản Tiến Phát ; Công ty cổ phần Đầu tư Lộc Vĩnh Phát ; Công ty cổ phần Đắc Thịnh Hòa ; Công ty cổ phần Đầu tư bất động sản Panorama ; Công ty cổ phần Đầu tư & Phát triển Nhân Hòa….
Nguồn : RFA, 03/11/2022
*************************
Việt Nam siết chặt các quy định về chống "tin giả"
Thanh Phương, RFI, 05/11/2022
Hôm 04/11/2022, chính phủ Việt Nam cho biết đã siết chặt các quy định về chống "tin giả" trên các mạng xã hội
Những người sử dụng các mạng xã hội được yêu cầu chỉ đăng những "thông tin chính thống, đáng tin cậy". © Brent Lewin/Bloomberg via Getty Images
Theo hãng tin Reuters và báo chí trong nước, trước Quốc hội hôm 04/11/2022, bộ trưởng Thông Tin và Truyền Thông Việt Nam Nguyễn Mạnh Hùng cho biết đã thắt chặt các quy định xử lý nội dung "sai sự thật" trên các mạng xã hội, buộc phải gỡ xuống các nội dung này trong vòng 24 giờ, thay vì 48 giờ như trước đây.
Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng tuyên bố sẽ đề nghị chính phủ nâng mức xử phạt lên cao hơn nhằm tăng mức "răn đe" những người đăng tải và phát tán "tin giả". Theo ông Nguyễn Mạnh Hùng, mức phạt hiện tại ở Việt Nam đối với hành vi đăng tải và phát tán "tin giả" tuy đã được tăng lên, nhưng hiện vẫn "chỉ bằng 1/10 mức phạt của các nước Đông Nam Á".
Theo nhận định của Reuters, những quy định mới nói trên càng cho thấy Việt Nam là một trong những quốc gia kiểm soát mạng xã hội chặt chẽ nhất thế giới, đồng thời sẽ củng cố khả năng của Đảng Cộng Sản Việt Nam trấn áp các hoạt động bị xem là "chống nhà nước".
Hãng tin Reuters trước đó cũng đã loan tin về kế hoạch của chính phủ đưa ra các quy định mới, theo đó các thông tin bị xem là "nhạy cảm" phải được gỡ xuống trong vòng 3 giờ.
Cũng theo Reuters, chính phủ Việt Nam cũng đang chuẩn bị các quy định để hạn chế các tài khoản mạng xã hội có thể đăng nội dung liên quan đến tin tức.
Trong những năm gần đây, Hà Nội đã thắt chặt các quy định về Internet, đặc biệt là với Luật An ninh mạng, có hiệu lực vào năm 2019 và Bộ Quy tắc ứng xử trên mạng xã hội, được ban hành vào tháng 6 năm ngoái.
Thanh Phương