Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Published in

Việt Nam

11/01/2017

Thời sự Việt Nam : Tết, kẹt xe (tổng hợp)

tổng hợp

Tết của nông dân nghèo (RFA, 11/01/2017)

tet1

Cảnh đồng quê miền Bắc. AFP photo

Còn chưa đầy tháng nữa là đến Tết Âm lịch mà theo truyền thống Việt Nam ai cũng phải sắm sửa chí ít mâm cơm để cúng ‘ông bà’ những người đã khuất ; đồng thời lo cho con, cháu bộ quần áo, đôi dép mới…

Đối với người nông dân khó khăn vì mùa màng thất bát thì số chi phí cho dịp tết đến cũng là một nỗi lo toan lúc này của họ.

Tình trạng hạn hán, xâm nhập mặn trong thời gian qua khiến cuộc sống của người nông dân trồng lúa đã vất và thêm phần cơ cực vì bốn bề khó khăn vây bủa.

Hai vụ trước mất hết, đặt cược hên xui vào mùa vụ này mong kiếm được ít gạo cho gia đình chứ không còn cách nào khác. Ông Nguyễn Văn Tiến cho biết :

"Năm nay người ta mần 2 vụ nhiều lắm, …mọi năm mần 3 vụ năm nay mần hai vụ…

3 vụ là hên xui, cũng như vụ này là vụ thứ 3 nè, nhiều khi xạ xuống hổng biết có ăn… nước mặn vô nó cháy khô luôn nó nằm đâu có trổ nổi đâu…

Một công ruộng là phải 1 triệu rưỡi, …một mẫu mình mất 15 triệu đó. Nếu mà không có thu hoạch thì mất…".

Ông Sang ở ruộng cạnh bên cũng không tránh khỏi sự mất mát trong những mùa vừa rồi. Ông nói :

"Giờ tính ra tui thất 15 bao lúa. Nguyên vuông lớn này tui bán 6 triệu, tính ra 1 triệu rưỡi một công á. …Còn có tiền công, tiền máy xới, rồi tiền bồ phóng, cho nên bây giờ tính ra là… lời đôi ba trăm ngàn là cao à".

Không làm ba vụ lúa nữa, một số nông dân chuyển sang canh tác hoa màu ; và đây là hướng được giới chuyên gia khuyến khích lâu nay.

"Năm rồi thất mùa nó không có đạt, lúa phóng (một) công có mấy bao à. Năm nay mới đổi qua trồng bắp… tại mình thất mùa mới đổi qua hoa màu… chứ làm lúa có ăn đâu. Lúa xuất khẩu bán rẻ rề, lúa bán là không có lời, lỗ luôn đó, như vụ này lỗ mấy trăm ngàn đó…".

Những người mất mùa nặng, dù được chính quyền hỗ trợ nhưng số tiền đó chỉ như mưa rào đồng cạn :

"Nói chung là năm rồi nhà nước cũng có ủng hộ… một công 2 trăm ngàn. 2 trăm ngàn đó thiếu tiền giống nữa chứ giải quyết được gì…".

Gia đình nông dân chị Thơ, anh Thịnh cùng hai con nhỏ ở thị trấn Tân Hòa vất vả nuôi con nhỏ lại còn bị thất mùa.

"Như của người ta vậy nè, cái mình mướn mình làm… mình không có tiền mua ruộng á. Rồi người ta cho mướn mình làm mình kiếm lúa ăn. Năm vừa rồi là thất luôn".

Nhiều nông dân phải bán đất đi làm công cho người khác để kiếm ăn hay có thể phải chuyển nghề như trường hợp chồng chị Thơ "Nhờ hổm nay ổng đi vác lúa có tiền á, mần xong vác lúa không có tiền chắc mai mốt ra biển người ta có cào nghêu đi cào nghêu, không thì đi làm hồ… Nói chung có con tốn tiền đủ thứ…"

Khoảng 3 tháng cày sâu cuốc bẫm, may lắm thì không lỗ tiền chi phí ; còn lại không thu được gì mà phải thâm tiền vốn mua cây giống cùng các chi phí khác. Một nông dân xác định tết năm nay sẽ không được như trước :

"Tệ hơn năm rồi là cái chắc rồi. Mọi năm thì mua quà mua đồ cho con, năm nay thôi chế con ơi năm nay tệ quá, sang năm đi… nói chung Tết mình có nhiều thì ăn nhiều có ít thì ăn ít. Giờ 1 ký thịt heo cũng được rồi".

Những người nông dân mà chúng tôi tiếp xúc cho biết trong những năm trở lại đây, Tết Âm lịch đối với họ chỉ còn ngày mồng một lo cúng ông bà, chứ sang ngày mồng hai, mồng ba có người phải ra đồng làm việc rồi. Tất cả trở lại như ngày thường.

Thông tín viên Việt Nam

*********************

Kẹt xe, nan đề tại các thành phố lớn Việt Nam (RFA, 11/01/2017)

Kẹt xe từ lâu đã được coi như ‘chuyện thường ngày’ ở Việt Nam. Chính quyền cũng đã đưa ra nhiều giải pháp cho tình trạng này, nhưng cho đến nay vẫn chưa có lối thoát nào cho vấn đề đi lại của người dân, nhất là tại các thành phố có mật độ dân số lớn như Hà Nội, Sài Gòn.

tet2

Cảnh kẹt xe thường ngày ở Sài Gòn - Ảnh minh họa

Nỗi khổ kẹt xe…

Quang cảnh xe máy đầy đường và ùn tắt lại ở những ngã tư khi đèn đỏ tại Sài Gòn, Hà Nội là điều làm cho những du khách ngoại quốc mới đến Việt Nam lần đầu tỏ ra ngạc nhiên một cách thú vị.

Thế nhưng đối với những người dân phải đứng trong đoàn xe rồ máy, nhả khói ; nhất là dưới trời nắng nóng thì đó là một khổ nạn phải gánh chịu thường xuyên.

"Cứ tới chỗ đèn xanh đèn đỏ mà người ta kẹt xe là mất khoảng 15-20 phút mới ra hết đoạn đó xong đi thêm một khúc thì đến đèn xanh đèn đỏ lại kẹt xe nữa hoặc là khúc đường giao nhau".

"Lúc trước đâu có kẹt vậy đâu, 6h mấy là hết rồi, càng ngày càng tăng, gắn đèn xanh đèn đỏ mới có, đèn xanh ít hơn hay sao, nháy qua rồi tới đèn đỏ".

Ra đường vào giờ tan tầm dường như là nỗi kinh hoàng với mọi người dân, nếu may mắn chỉ gặp chỗ ùn tắc ít chừng vài phút, nếu không thì thời gian có thể kéo dài hơn nửa tiếng.

Một người lái taxi đang kẹt xe 15 phút trên một đoạn đường cho biết :

"Thường xuyên tầm giờ cao điểm này này, tầm nửa tiếng, 45 phút gì đó".

Lòng đường nhỏ hẹp, lượng xe lưu thông nhiều là lý giải đầu tiên cho nạn kẹt xe ở Việt Nam.

Những "lô cốt" được dưng lên, nằm chắn giữa đường có lúc vài tháng, có khi kéo dài cả năm, có lúc thi công cả buổi tối, nhưng khi phóng viên Đài Á Châu Tự Do hỏi một người trong tổ xây dựng ước lượng về mức độ giảm ùn tắc của công trình sau khi hoàn thành thì chỉ nhận được câu trả lời "không" ngắn gọn rồi bỏ đi.

Lề đường vốn là nơi cho người đi bộ nay thành đường tắt cho những người vội vã muốn thoát ra khỏi chỗ kẹt.

"Giao thông giờ hỗn độn, không có nề nếp gì do người dân thiếu ý thức, ai cũng muốn hơn thua với nhau. Ví dụ đang kẹt ở ngã tư mà người nào cũng đâm qua ngược đường thì dính cứng ngắc.

"Người nào cũng chen, không ai chịu nhường ai".

"Ùn tắc giao thông là do những người không có ý thức. Nếu biết nhường nhau một chút xíu thì không có chuyện gì. Bây giờ chỉ quẹt nhau một chút cũng có thể gây chuyện".

Giải pháp ?

Đối với cơ quan chức năng bên cạnh việc lắp thêm đèn giao thông, một số biện pháp khác cũng được tiến hành như cho xây những cầu vượt nhằm giảm mức độ kẹt xe.

Vậy theo nhìn nhận nhận của người dân thì hiệu quả của những nổ lực đó được đến đâu ? Một người chạy xe ôm nhận xét :

"Cũng có một phần nhưng chưa hiệu quả lắm. Cơ sở hạ tầng còn kém quá nên ưa bị ùn tắc, giờ có mở cầu vượt hay cái gì nữa cũng chỉ giảm chút xíu thôi chứ không hết được".

Người chạy xe ôm khác có đánh giá tích cực hơn :

"Có giảm đấy. Nó lợi ở chỗ trên này đi thì dưới này cũng được đi chứ không phải cắt ngang như hồi xưa, đó là một mặt tốt".

Ngoài ra, để giải quyết vấn đề giao thông đô thị, Sài Gòn đầu tư cho hệ thống giao thông công cộng. Mặc dù xe bus được đầu tư nâng cấp cơ sở và trợ giá trên hầu hết các tuyến, nhưng mạng lưới này chưa đem lại hiệu quả cao, 65% tuyến trùng lặp.

"Xe buýt công cộng có hiệu quả đó, nhưng chính nó cũng làm kẹt xe".

Ngoài hạn chế như vừa nêu, hệ thống xe buýt công cộng hiện nay tại các thành phố lớn như Hà Nội, Sài Gòn còn nhiều điểm tiêu cực như xe cũ nát, không an toàn, chạy không đúng giờ, thái độ phục vụ của nhân viên thiếu chuyên nghiệp… Thế rồi nạn móc túi… khiến nhiều người quay lựng lại với xe buýt !

Vào cuối tháng 10 vừa qua, Bí thư thành ủy Hà Nội, ông Phạm Quang Nghị phát biểu đến năm 2030 có thể thực hiện đề án cấm tất cả xe máy tại nội đô Hà Nội.

Nhiều người dân sau khi nghe báo chí thuật lại phát biểu đó của ông Phạm Quang Nghị đều tỏ ra nghi ngờ vì những biện pháp thay thế như xây dựng các cơ sở hạ tầng giao thông công cộng đang diễn ra rất chậm chạp và có nhiều tai tiếng như tuyến đường trên cao Cát Linh- Hà Đông !

Phóng viên RFA tại Việt Nam

Quay lại trang chủ
Read 720 times

Viết bình luận

Phải xác tín nội dung bài viết đáp ứng tất cả những yêu cầu của thông tin được đánh dấu bằng ký hiệu (*)