Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Published in

Việt Nam

17/11/2022

Mở thêm nhà máy sản xuất thép : bài toán kinh tế và ô nhiễm

RFA tiếng Việt

Cấp phép mở thêm nhà máy sản xuất thép khi bài toán kinh tế và ô nhiễm chưa giải xong !

Một dự án Khu liên hợp sản xuất gang thép vừa được cấp phép xây dựng ở cảng Hoài Nhơn, tỉnh Bình Định. Thực tế cho thấy tình trạng các nhà máy sản xuất gang thép xả thải gây ô nhiễm ở nhiều tỉnh thành khắp cả nước trong nhiều năm qua vẫn chưa được quản lý và xử lý triệt để.

onhiem1

Phối cảnh dự án Khu liên hợp Gang thép Long Sơn - tainguyenmoitruong.vn

Vì phát triển kinh tế,

Dự án Khu liên hợp gang thép Long Sơn Phù Mỹ, đóng tại thị xã Hoài Nhơn, tỉnh Bình Định, đã được UBND tỉnh này ký chấp thuận đầu tư xây dựng. Tin được lãnh đạo tỉnh thông tin với báo chí trong nước hôm 15/11.

Theo đó, Dự án Khu liên hợp gang thép Long Sơn rộng khoảng 468 ha, tổng vốn đầu tư khoảng 53.500 tỷ đồng. Khi hoàn thành, công suất dự kiến sẽ đạt 5,4 triệu tấn/năm, bao gồm các sản phẩm thép chế tạo chất lượng, thép xây dựng, thép cuộn.

Cũng theo báo chí trong nước, Dự án hứa hẹn mang lại 5000 việc làm cho người lao động tại địa phương và tạo điều kiện kinh doanh cho khoảng 7500 người.

Giáo sư Đặng Hùng Võ, nguyên thứ trưởng Bộ Tài nguyên Môi trường Việt Nam giai đoạn 2002 - 2007, nói với RFA rằng các dự án sản xuất gang théluôn có ý nghĩa trong quá trình phát triển. Bởi vì quá trình xây dựng và phát triển các ngành khác đều cần tới thép. Tuy nhiên, theo ông, vấn đề quan trọng là việc quản lý chặt chẽ, không để xảy ra ô nhiễm môi trường trong qúa trình sản xuất :

"Tôi cho rằng việc phát triển thì vẫn cứ phải phát triển nhưng vấn đề là gắn với phát triển thì chúng ta phải đảm bảo thật nghiêm túc về việc đảm bảo trách nhiệm môi trường. Không thể vì lo lắng cho người dân mà cấm không cho sản xuất gang thép thì tôi cho rằng điều đó cũng không đúng, cũng như ở Việt Nam hay có tình trạng là "không quản lý được thì cấm".

Vấn đề là sản xuất thép có khả năng ô nhiễm môi trường lớn nên ta phải có giải pháp quản lý chặt chẽ về bảo vệ môi trường để không gây ảnh hưởng tới người dân".

Cũng theo vị giáo sư này, việc làm sao để các dự án sản xuất thép không gây hại cho môi trường, trách nhiệm thứ nhất thuộc về các nhà làm luật, phải nghiên cứu soạn thảo luật về bảo vệ môi trường thật chặt chẽ. Còn việc thực thi pháp luật là trách nhiệm trực tiếp của Chính quyền, phải nghiêm túc thi hành luật pháp, để tránh diễn ra các vụ ô nhiễm từ các nhà máy sản xuất gang thép, mà khét tiếng nhất vẫn là công ty sản xuất gang thép Formosa ở Hà Tĩnh xả thải làm biển nhiễm độc dọc bốn tỉnh miền Trung hồi năm 2016.

Theo báo cáo của Chính quyền tỉnh Hà Tĩnh, nơi đóng nhà máy gang thép Formosa, trong một tháng rưỡi đầu năm 2022, công ty này nộp ngân sách Nhà nước hơn 1.700 tỷ đồng, là doanh nghiệp đóng thuế nhiều nhất trên địa bàn tỉnh Hà Tĩnh.

Bỏ qua lợi ích của người dân ?

Nhà nước thì thu được thuế, nhưng người dân phải chịu nhiều thiệt thòi. Có người bị mất đất do bị Chính quyền thu hồi để dành cho các dự án sản xuất thép ; thậm chí đa số người dân địa phương phải bỏ đi xứ khác làm ăn vì môi trường bị ô nhiễm nặng nề.

Ông Báu (không muốn nêu rõ họ tên), hiện đang sinh sống tại Kỳ Anh, Hà Tĩnh, chia sẻ với RFA rằng khi Hà Tĩnh chấp thuận cho công ty Formosa về đóng nhà máy ở khu vực cảng Sơn Dương, gia đình ông bị thu hồi gần 1000 mét vuông đất mà không được đền bù thoả đáng. Đến nay đã gần 20 năm, dù bị cưỡng chế di dời đi nơi khác sinh sống, ông Báu vẫn nhất quyết không nhận đền bù mà theo ông là "rẻ mạt" :

Rồi đến năm 2016, khi thảm hoạ Formosa xảy ra, gia đình ông Báu bỏ luôn nghề đi biển, đánh bắt hải sản truyền thống. Từ một người ngư dân bám biển, ông Báu giờ phải chuyển sang làm tài xế lái xe đưa rước học sinh :

"Khi nhà máy gang thép vào sẽ thu hút được lao động, tạo được công ăn việc làm. Nhưng còn cái giá đánh đổi là mình bị mất đi ngành truyền thống như nông nghiệp và nghề biển là nguồn sống của ngư dân.

Từ ngày xảy ra thảm họa Formosa tới bây giờ thì hầu như là ít có người dám đầu tư đi biển lắm. Người ta bỏ đi rất nhiều. Nghề biển chỉ dành cho những người già, không làm được gì thì người ta mới đi biển, giới trẻ còn đi ra nơi khác được làm ăn được thì không ai làm nghề biển cả".

Ông Báu nói thêm, không chỉ mất ngư trường là nguồn kiếm sống từ nhiều thế hệ, Formosa còn gây ra ô nhiễm môi trường. Ai sống trong khu vực xung quanh nhà máy này đều cảm nhận rõ mùi hôi thối, mùi hoá chất nồng nặc ngày đêm.

Gần đây, vào ngày 22/10 xảy ra tình trạng khói vàng dày đặc, nghi ngút bốc lên từ hàng chục ống khói của Công ty Gang thép Hưng nghiệp Formosa Hà Tĩnh.

onhiem2

Một người thu gom nghêu chết trên bãi biển ở huyện Kỳ Anh, Hà Tĩnh vào ngày 27/4/2016. Ảnh : AFP

Các dự án gang thép gây ô nhiễm môi trường

Nhà đầu tư dự án khu liên hợp gang thép Long Sơn cho biết họ sẽ đầu tư vào bến cảng Hoài Nhơn trên tổng diện tích khoảng 496,9 ha mặt đất và mặt biển. Cảng Hoài Nhơn được nghiên cứu quy hoạch là cảng chuyên dùng phục vụ cho sản xuất của Khu liên hợp Gang thép Long Sơn.

Như vậy, một điểm chung giữa Dự án Khu liên hợp gang thép Long Sơn vừa được phê duyệt và Nhà máy gang thép Hưng Nghiệp Formosa là đều được xây dựng sát cảng biển. Điều này khiến cho một nhà hoạt động môi trường hiện đang ở trong nước (không muốn nêu danh tính vì lý do an toàn) lo ngại sẽ tái diễn tình trạng tương tự như vụ Formosa :

"Nếu hoạt động gang thép thì phải khai thác quặng và cần nước để rửa cái quặng đó, cái nước đó nó cực kỳ độc.

Một công ty sản xuất gang thép muốn được cấp phép hoạt động ít nhất phải có báo cáo đánh giá tác động đến môi trường, công nghệ xử lý chất thải của doanh nghiệp đó phải đạt tiêu chuẩn và tất cả thông tin đó phải được đăng công khai minh bạch.

Mà theo kinh nghiệm tôi thấy các lãnh đạo địa phương họ thường ít quan tâm đến vấn đề môi trường. Khi nhìn thấy các lợi ích về kinh tế hoặc lợi ích cá nhân thì họ sẽ nhanh chóng thông qua các dự án đó.

Mà thực tế là đã có quá nhiều công ty sản xuất gang thép xả thải gây ô nhiễm môi trường, ảnh hưởng tới đời sống người dân trên cả nước".

Đã có một loạt các vụ việc ô nhiễm môi trường do sản xuất thécứ liên tục diễn ra trong hàng chục năm qua. Điển hình như làng nghề sắt théĐa Hội ở Từ Sơn, Bắc Ninh ; Công ty Cổ phần Thép Dana - Ý và Công ty Cổ phần Thép Dana - Úc ở Hoà Vang, Đà Nẵng bị phạt tổng cộng hơn một tỷ đồng và đình chỉ hoạt động sáu tháng vì gây ô nhiễm môi trường hồi năm 2018 ; Năm 2014, người dân huyện An Dương, Hải Phòng phong toả các ngả đường ra vào Nhà máy gang thép Vạn Lợi vì công ty này thường xuyên xả thải mù mịt ra môi trường ; Năm 2020, báo Tài nguyên Môi trường đưa tin Công ty Cổ phần Gang thép Cao Bằng thường xuyên xả khói bụi gây ô nhiễm môi trường, tiếng ồn từ nhà máy sản xuất làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến cuộc sống và sức khỏe của cư dân quanh khu vực nhà máy.

Nguồn : RFA, 17/11/2022

Quay lại trang chủ

Additional Info

  • Author: RFA tiếng Việt
Read 424 times

Viết bình luận

Phải xác tín nội dung bài viết đáp ứng tất cả những yêu cầu của thông tin được đánh dấu bằng ký hiệu (*)